Loanh Quanh - Marou Chocolate: Những chuyện chưa kể, những nơi chưa đến | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 08, 2018
Thưởng ThứcOff The Menu

Loanh Quanh - Marou Chocolate: Những chuyện chưa kể, những nơi chưa đến

Marou là thương hiệu chocolate “made in Vietnam” nổi tiếng cả thế giới. Với sản lượng chocolate dự kiến lên đến 80 tấn trong năm nay, chocolate Marou có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Pháp, Đức, Nhật. Nhà đồng sáng lập của Marou, Vincent Mourou, thuật lại hành trình bảy năm.

Loanh Quanh - Marou Chocolate: Những chuyện chưa kể, những nơi chưa đến

Loanh Quanh - Marou Chocolate: Những chuyện chưa kể, những nơi chưa đến

Gặp nhau trong một khóa huấn luyện kỹ năng sinh tồn dưới sự hướng dẫn của một cựu lính Lê dương Pháp, Vincent Mourou – một chuyên gia trong lĩnh vực phim ảnh và quảng cáo – nhanh chóng kết thân với một nhân viên ngân hàng, Samuel Maruta. Lúc bấy giờ, cả hai – có thể gọi là những đàn anh trong lĩnh vực mà họ làm, nhưng chocolate chỉ đơn giản là một món ăn vặt, không hơn không kém.

Thế rồi, “bản năng mách bảo hai người chúng tôi nên làm chocolate,” – Vincent bắt đầu câu chuyện. “Thời đó, ở đây (Việt Nam) làm gì có ai sản xuất chocolate, máy móc sản xuất chocolate thì lại càng không. Thế là chúng tôi quyết định tự mày mò chế tạo. May mắn là cả hai có khiếu tự học. Nhìn lại, không phải chỉ có chế tạo máy móc, mà tất cả mọi thứ đều phải tự học. Thế rồi những viên chocolate đầu tiên ra đời trong căn bếp nhỏ nhà Sam, được làm từ những máy móc rất thô sơ mà chúng tôi tìm mua được và thậm chí là tự chế tạo.” Chín tháng sau ngày ý tưởng bắt đầu nhen nhóm, thương hiệu Marou, Faiseurs de Chocolat, chính thức ra đời.

Vài tháng sau đó, “chúng tôi cần một phương tiện di chuyển cho những chuyến “săn lùng” cacao. Một chiếc xe mang tính biểu trưng cho tinh thần thám hiểm của Marou,” – Vincent kể lại. Và thế là cặp bài trùng lại cùng nhau rong ruổi dọc miền Nam Tây Nguyên, thẳng tiến đến Bảo Lộc, nơi mà người ta hứa hẹn sẽ trao cho cặp đôi quyền sở hữu chiếc xe hơi đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam – Citroën La Dalat – với một cái giá rất hời, chỉ 2.000 Đô la.

Loanh Quanh Marou Chocolate Những chuyện chưa kể những nơi chưa đến0
Chiếc xe hơi đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam – Citroën La Dalat.

Thấm thoắt bảy năm trôi qua, ngày nay, Marou đã là một thương hiệu chocolate “made in Vietnam” nổi tiếng cả thế giới. Hằng năm, Marou thu mua khoảng 80 tấn cacao từ gần 800 nông trại ca cao tại 7 tỉnh thành trong nước. Hạt cacao ở mỗi tỉnh thành mang một hương vị rất riêng. Ngoài thu mua, Marou còn sở hữu một nông trại với hơn 2.500 cây cacao tại rừng Madagui, Đà Lạt. Với sản lượng chocolate dự kiến lên đến 80 tấn trong năm nay, ngoài Việt Nam, chocolate Marou được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Hàn Quốc và Hồng Kông. Chúng tôi tự hỏi: “Họ đã làm điều đó như thế nào?”

Và để trả lời cho câu hỏi đó, Vincent đã hào phóng đề xuất một chuyến dạo quanh Sài Gòn trên chiếc Citroën La Dalat. Vừa đi về kể chuyện…

Marou và năm điểm đến của những hoài niệm

Vincent bắt đầu nổ máy chiếc Citroën La Dalat cổ. Thật ra chúng tôi chẳng đi đâu xa xôi cả, chỉ đơn giản là một vòng dạo quanh khu vực gần cửa hàng đầu tiên của Marou trên đường Calmette, quận 1. Mải mê trò chuyện đến quên cả lối rẽ trước mặt, Vincent phải đột ngột quay xe 90 độ. “Như Jimmy Carter đã từng nói, không có chuyện vừa lái xe vừa nhai kẹo được,” – Vincent cười lém lĩnh biện hộ.

Điểm đến đầu tiên: Hẻm 158, Nguyễn Công Trứ

Trước chuyến đi này, chúng tôi đã từng có một ngày lang thang khắp phường Nguyễn Thái Bình cùng họa sĩ Hoàng Nam Việt và sau đó là trở lại để hẹn gặp ông chủ Biker Shield Bistro, vì vậy nên, con hẻm 158, Nguyễn Công Trứ đã không còn là chốn xa lạ nữa. Thế nhưng thật bất ngờ, cả ông chủ Marou cũng từng “phải lòng” con hẻm này. Nhưng cũng lâu lắm rồi, anh chưa trở lại đây.

Loanh Quanh Marou Chocolate Những chuyện chưa kể những nơi chưa đến1
“…Rồi chúng tôi khám phá ra con hẻm này, nơi có những ngôi nhà cổ đang đón chờ một diện mạo mới. Thật là tốt nếu như chúng tôi có thể xây dựng một xưởng sản xuất kiêm cửa hàng ở đây,” – Vincent nói.

Theo như Vincent, suýt nữa thôi, nơi đây đã là địa điểm đầu tiên của Marou. “Thời mới bắt đầu, chúng tôi len lỏi vào từng ngóc ngách trong quận 1, 3, 4 và 5, cốt là để tìm cho được một nơi có không gian rộng rãi, và phù hợp với hình ảnh mà mình hướng đến,” – Vincent nói trong lúc chúng tôi đỗ xe và tản bộ vào con hẻm. “Đó phải là nơi mang lại cảm xúc và như làm sống dậy một điều gì đó.

“Rồi chúng tôi khám phá ra con hẻm này, nơi có những ngôi nhà cổ đang đón chờ một diện mạo mới. Thật là tốt nếu như chúng tôi có thể xây dựng một xưởng sản xuất kiêm cửa hàng ở đây. Đáng tiếc thay, chúng tôi đã không tìm được hai ngôi nhà nằm sát nhau để thực hiện mô hình như vậy.”

Điểm đến tiếp theo: Chợ Kim Biên, khu Chợ Lớn

Được ngồi trên chiếc Citroën La Dalat quả thật là vinh hạnh, bởi đi đến đâu chúng tôi cũng thu hút được ánh nhìn của mọi người xung quanh, đặc biệt là ở những nơi đông xe cộ qua lại như đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 5. Suốt đoạn đường đi, Vincent kể chúng tôi nghe về lần đầu chocolate Marou được “xuất ngoại”.

Loanh Quanh Marou Chocolate Những chuyện chưa kể những nơi chưa đến2
“Nhiều lúc đến chợ Kim Biên chỉ để khảo sát, hễ thấy vật dụng nào có khả năng tái chế để làm thành máy chuyên dụng sản xuất chocolate là chúng tôi mang về,” – Vincent hồi tưởng.

“Đó là vào năm 2011, khi chúng tôi tham dự hội chợ ẩm thực Hồng Kông đơn giản chỉ vì muốn có cái nhìn tổng quan hơn về thế giới ẩm thực phân khúc cao cấp,” – Vincent vừa nói, vừa cẩn thận quan sát và lái xe. “Trước ngày lên đường, chúng tôi thức cả đêm để đóng gói chocolate cùng anh bạn John Reeves, một nhà thiết kế nội thất hiện đang công tác tại Sài Gòn. 4 giờ sáng, John vẫn thong dong ngồi chơi đàn piano trong khi chúng tôi hối hả gói cho xong để kịp chuyến bay lúc 7 giờ sáng. Khi đó, hành trang đúng nghĩa chỉ có chocolate.”

Hương thuốc bắc xông vào mũi báo hiệu chúng tôi đã đến phố Hải Thượng Lãn Ông. “Cứ hễ đến đây là tôi lại liên tưởng đến Brooklyn những năm 90 – cái thời mà người ta còn chưa khai phá quá nhiều, nơi đó đẹp một cách riêng biệt. Ở đây cũng vậy, cứ hễ bước vào một ngôi nhà cổ là bạn được nghe một câu chuyện về lịch sử gia tộc đầy những chi tiết ly kỳ, phức tạp, hệt như tiểu thuyết của Balzac vậy.”

Chợ Kim Biên nằm ngay cạnh nhà máy sản xuất bánh xà phòng Cô Ba ngày xưa, chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất là chủ yếu. Đây từng là nơi mà bộ đôi Vincent và Sam thường tìm đến mỗi lần muốn chế tạo thiết bị sản xuất mới cho Marou. Theo lời Vincent, “nhiều lúc chúng tôi đến đây chỉ để khảo sát, hễ thấy vật dụng nào có khả năng tái chế để làm thành máy xay, máy nghiền, hay các loại máy chuyên dụng sản xuất chocolate là chúng tôi mang về.”

Vincent chia sẻ thêm, “những tờ giấy gói chocolate đầu tiên cũng được tìm thấy tại đây”. Khi đó, cả Sam và Vincent khấp khởi trong lòng vì không tin rằng mình có thể tìm thấy loại giấy bạc tráng kim mà người ta hay dùng để gói chocolate ngoại ngay tại Việt Nam. “Những tia sáng óng ánh trên giấy gói nhìn như phép màu vậy. Ban đầu chúng tôi cứ ngỡ đó là loại giấy bạc tráng kim trong các bao thuốc lá, rồi mới tá hỏa khi phát hiện ra rằng đó chính xác là… giấy vàng mã,” – Vincent nói với nét mặt dở khóc dở cười.

Cơm trưa: Cục Gạch Quán

Loanh Quanh Marou Chocolate Những chuyện chưa kể những nơi chưa đến3
Trong một lần đến Cục Gạch Quán, Vincent tình cờ gặp được Hans Wiberg-Wagner – một kỹ sư nông nghiệp người Đức – đến đây để làm việc với GIZ về cách trồng và chăm sóc cây cacao. Và cuộc gặp gỡ đó trở thành bước ngoặt cho Maison Marou.

Đang trò chuyện thì trời đổ mưa lớn buộc chúng tôi phải quay trở lại vào chiếc Citroën La Dalat. Đồng hồ cũng vừa điểm giờ trưa. Vincent quyết định thẳng tiến về trung tâm quận 1 và dừng chân tại chi nhánh đầu tiên trong bốn chi nhánh của Cục Gạch Quán tại số 92 Thạch Thị Thanh, Tân Định. “Hầu như tuần nào tôi cũng ghé đến một lần,” – “người hâm mộ” Vincent bày tỏ.

“Không gian ở đây rất độc đáo, rất Sài Gòn. Từ những vật dụng làm bằng gỗ, bằng gốm, gạch lát, và cả những chiếc đài radio cổ… tất cả đều được bố trí rất kiểu cách và đầy kiêu hãnh. Từ khi bước vào, bạn đã nghe được những bài hát của Khánh Ly. Và quan trọng là các món ăn lại không quá đắt đỏ,” Vincent chia sẻ.

Khi mâm cơm thịnh soạn được dọn lên, Vincent hồi tưởng lại một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình mang tên Marou, xảy ra ngay chính tại quán ăn này. “Khi đó Marou mới thành lập được khoảng hơn một tháng, trong một lần đến đây ăn trưa, chúng tôi tình cờ gặp được Hans Wiberg-Wagner – một kỹ sư nông nghiệp người Đức – đến Việt Nam để làm việc với GIZ về cách trồng và chăm sóc cây cacao,” – Vincent nói.

“Với hơn 20 năm trong nghề, anh đã chẳng ngần ngại chia sẻ hết các kinh nghiệm mà mình thu nạp được khi làm ở Nicaragua, Venezuela, và nhiều nơi khác. Anh ấy bắt đầu từ những điều cơ bản, như cây trồng, hình dáng cây cho đến những phương pháp lên men và điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Nó giúp chúng tôi cảm thấy tràn đầy tự tin mỗi khi quay lại các nông trại. Cuộc gặp gỡ đó thật sự là một bước ngoặt.”

Giải lao sau bữa trưa: Kem Café

Sau bữa trưa, chiếc Citroën La Dalat lăn bánh về hướng đường Đồng Khởi, quận 1 và dừng lại trước Kem Café. Đây là thời điểm lý tưởng cho một tách cà phê giữa ngày.

Kem Café là một quán kem, cà phê với không gian bình dị, mang chút hoài cổ và ít có sự thay đổi lớn dù đã trải qua ba thế hệ tiếp quản. Vô tình hay hữu ý, chiếc Citroën La Dalat có màu vàng kem hệt như những bức tường trong quán.

“Hình như không có cuộc họp hay sự kiện quan trọng nào diễn ra ở đây. Đơn giản chỉ là chúng tôi đi ngang ghé vào chứ chẳng có chủ đích đến để làm việc,” – Vincent cười. “Chủ quán ở đây cũng không quan trọng chuyện tiền bạc lắm – vào thời điểm nào trong ngày thì nơi này vẫn luôn yên tĩnh. Mọi thứ ở đây cứ như đi ngược lại với vòng xoáy thời gian và mang bạn ra khỏi những bộn bề của cuộc sống thường nhật.”

Mỗi người chúng tôi tận hưởng một chút tĩnh lặng trước khi tiếp tục lên đường.

Bến đỗ cuối cùng: Chợ Dân Sinh

Như anh họa sĩ Hoàng Nam Việt từng giải thích, “Dân Sinh bắt nguồn từ cách đọc trại đi của từ “Yersin””. “Là thế này, Alexandre Yersin – Dân Sinh – Yersin – Dân Sinh,” – Vincent nhấn mạnh rồi cười lớn. Chúng tôi đang hướng trở về điểm xuất phát – phường Nguyễn Thái Bình.

Loanh Quanh Marou Chocolate Những chuyện chưa kể những nơi chưa đến4
“Không phải chỉ có chế tạo máy móc, mà tất cả mọi thứ đều phải tự học,” – Vincent chia sẻ.

Chợ Dân Sinh ngày xưa từng là khu Kim Chung, nơi những người lính Mỹ hay đến để cờ bạc. Sau những năm 1940, người dân bắt đầu gọi nơi này là Dân Sinh khi nó trở thành khu chợ đen chuyên buôn bán các mặt hàng cấm, không được thông qua bởi luật nhập khẩu của Việt Nam.

“Ngày nay, khu chợ này là nơi bạn tìm đến đầu tiên khi muốn tìm mua những linh kiện điện tử, trang thiết bị chống nước hay thậm chí là võng và đồ chuẩn bị đi rừng.” Vincent còn tiết lộ, đây chính là nơi anh tìm mua đồ dùng cần thiết cho chuyến đi rừng định mệnh năm nào.

“Ngoài ra, chúng tôi còn mua nón cho nhân viên của Marou tại đây,” Vincent nhớ lại trước khi chúng tôi dừng xe vào lề, cạnh một cửa hàng chuyên bán động cơ quạt cổ Marelli với giá chín triệu đồng. Nó gợi cho Vincent nhớ về một câu chuyện khác của Marou thuở đầu thành lập: “Ngày đó, chúng tôi dựng một máy nén thủy lực dùng để ép bơ cacao, và hầu hết các bộ phận của thiết bị này đều được mua ở đây.”

Thật ra, chợ Dân Sinh chưa phải là bến đỗ cuối cùng, Vincent lái chiếc Citroën La Dalat về cửa hàng Marou. Sau một chặng đường dài bảy năm mà chúng tôi vừa cùng nhau hồi tưởng lại, Vincent lại tiếp tục suy nghĩ: “Chúng tôi vẫn luôn nhìn lại và quý trọng những gì đã qua, nhưng đồng thời cũng không quên tiến về phía trước. Marou cũng vậy – là sự kết hợp giữa những giá trị truyền thống và nét tươi mới hiện đại. Chính xúc cảm đó là thứ giữ chân mọi người… cũng giống như hương vị chocolate vậy.”

Website | Facebook

Xem thêm:

[Bài viết] Ru9 và ước mơ cải thiện giấc ngủ cho người Việt

[Bài viết] Marcel Gourmet Burger và thường thức ẩm thực nước Pháp