Mang Tiền Về Cho Mẹ: Rap ngoan hay bất an? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 01, 2022
Âm Nhạc

Mang Tiền Về Cho Mẹ: Rap ngoan hay bất an?

Một bài rap rất tình mà nghe kỹ lại rất khổ.
Mang Tiền Về Cho Mẹ: Rap ngoan hay bất an?

Nguồn: MV Mang tiền về cho mẹ.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Tôi không khó khăn trong việc hiểu tác phẩm của Đen theo cách những người hâm mộ bài hát phân tích. Chỉ tính tới sự phân tích lời rap thì cách họ diễn giải bài hát hoàn toàn trùng với suy nghĩ của tôi. Có điều, tôi thấy hiểm nguy, vì bận lòng với những thứ khác nữa.

Bài hát Mang tiền về cho mẹ của Đen có tình là đúng. Nó là một kiểu tình xoay xung quanh cái khổ, chịu khổ và đặt ra các tiêu chí để tạo ra đau khổ cũng như vượt qua đau khổ.

Mô hình tình khổ có tính lịch sử, gắn với kinh nghiệm của bao người Việt Nam. Một bài hát có thể được xem là thành công nếu nó mô tả chính xác mô hình này. Nhưng rốt cuộc, đó là một mô hình có vấn đề.

Tình yêu có điều kiện là tình - khổ

Mở đầu video, người mẹ của Đen không đòi hỏi gì cả. Tuy nhiên, cách mẹ con giao tiếp và nghĩ về nhau làm hiện lên một mô hình tình khổ. Người phụ nữ Việt Nam khi sinh và nuôi con chịu thương chịu khó, nhưng rồi cái khổ chi phối mối quan hệ.

Yêu thương cũng phải thành đánh mắng. “Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn,” đây là một cách nói yêu, nhưng ngay cả khi mẹ chưa đánh con thì ngôn ngữ cũng thể hiện nếp nghĩ.

Hình ảnh của rapper Đen trong MV "Mang tiền về cho mẹ".

Mãi mãi là con của mẹ là rất tình, nhưng "về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn" cũng có thể hiểu là sự không tôn trọng đứa con như một người đã trưởng thành, vẫn muốn áp đặt quyền lực vượt trội của người mẹ.

Người mẹ của Đen không đặt ra yêu cầu xa hơn ngoài sức khỏe, đạo đức, khả năng kiếm sống của con, nếu yêu cầu nhiều hơn thì sẽ thành đáng ghét.

"Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ" hiện ra là tình, nỗ lực của người con, nhưng nó cũng bao hàm việc xây dựng chuẩn dành cho con cái. Những người con phải trả ơn được như thế. Điều này khác với tinh thần con dù thế nào cũng được, không có gì hoặc chỉ có khổ đau và bất hạnh vẫn có thể yên tâm về nhà.

Tôi hiểu rằng cha mẹ cần được con cái yêu thương, muốn được trông cậy vào con cái. Có người nói Đen khiến cho giới trẻ nhớ tới, trân quý mẹ mình cũng đã là nhân văn rồi.

Đúng là vậy. Song ở đây có sự đặt ra một hình mẫu thành đạt vừa rất phải đạo vừa rất khó đạt. Nó tạo áp lực lớn, nếu không đạt được thì sẽ buồn và có khi không dám hoặc ngượng ngùng khi về gặp mẹ.

Chúng ta có thể mang gì về cho mẹ sau một năm khó khăn bởi đại dịch Covid-19?

Tôi làm việc với các bạn trẻ và cũng dành nhiều thời gian trò chuyện với các bạn ấy. Một vài bạn chia sẻ, họ buồn về việc tình yêu của cha mẹ mình là có điều kiện, phải đúng ý thì mới được yêu.

Lúc đó, tôi đã không biết nói gì ngoài việc thừa nhận điều đó. Nhưng khi nghe Đen, để ý đến mô hình tình khổ này, tôi mới nhận ra rằng: tình yêu có điều kiện ấy có khi là một kỹ thuật thao túng.

Bố mẹ các bạn ấy luôn yêu con, nhưng họ thực hành quyền lực theo một đường lối nhất định. Họ muốn con theo ý mình, muốn con thể hiện tình yêu với mình, mà chọn hoặc không biết cách nào khác ngoài kỹ thuật "tình yêu có điều kiện."

Vì sao mô hình tình - khổ nhiều bất an?

Cá nhân tôi không thích mô hình tình khổ. Yêu có thể bất chấp gian khó. Nhưng tôi không thích trong các mối quan hệ mà người ta cứ tạo ra những điều kiện của sự khổ và thoát khổ. Tôi muốn sự bình an.

Nhiều người không gặp vấn đề gì lớn với mô hình tình khổ này nhưng nó cũng độc hại với rất nhiều người khác. Họ có thể lại làm theo mà không ý thức, do thừa hưởng thói quen trong cách biểu hiện tình yêu của cha mẹ.

Tôi không hề kì thị những người như thế, thậm chí có thể là tình cờ tôi đã, đang và sẽ yêu một trong những người "tình khổ" như thế.

Tôi cảm thấy bất an vì biết những cảnh đời cụ thể, thấy chúng hiểm nguy trước hàng triệu người ngợi ca bài hát của Đen, một bài hát đặt khuôn mẫu quá mạnh. "Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá, hãy yêu nhau đi dòng nước đã trôi xa" là ví dụ về cách nói mơ hồ, khiến nó không có dáng vẻ của khuôn mẫu.

Ngoài Đen, ca khúc "Mang tiền về cho mẹ" còn có sự góp giọng của ca sĩ Nguyên Thảo.

Lập ra một khuôn mẫu tình yêu sẽ có vấn đề. Người hợp và phát triển tốt; người thấy đau khổ và muốn hất tung nó đi; người đau khổ vì nó nhưng vẫn phải theo.

Rap của Đen có phần hài hước song nó không có khoảng cách mà chân thành, tận tâm với các tuyên ngôn của mình. Nó không thoát khỏi sự xây dựng mẫu hình sống tích cực mà có mong muốn đó.

Một loại rap rất ngoan. Hình mẫu này không phải sáng tạo của cá nhân. Nó nằm trong văn hóa đã có và đã gây khá nhiều vấn đề. Khi hình mẫu có hàng triệu người tung hô thông qua một thứ ngôn từ rất mạnh, nó cần tới phê bình. Nếu hình mẫu có ít người hâm mộ hơn thì lại là một thể đa dạng ai thích thì tùy.

Thế nên việc phê bình bài hát của Đen là hoàn toàn chính đáng, không phải là gượng ép hay do không hiểu nó. Còn Đen lựa chọn sáng tác như thế, ngoài kể chuyện cá nhân cũng là muốn thu hút được đám đông, kiếm được "tiền sạch". Nghệ sĩ có quyền tự do làm điều đó, nhưng không phải lựa chọn tôi đánh giá cao.

Người lao động khác như người bán cá ở chợ, công nhân ở xưởng, giáo viên nghèo, họ khó khăn hơn nhiều.

Họ làm như đứng về phía những người dân thường (đặc biệt thông qua hình ảnh Đen hóa thân trong những công việc khác nhau) nhưng thật ra không phải vậy. Đen là một trường hợp nghệ sỹ thành công vượt trội, còn người lao động khác như người bán cá ở chợ, công nhân ở xưởng, giáo viên nghèo, họ khó khăn hơn nhiều.

Bài hát bỏ qua, thậm chí còn hiểm nguy cho những cơ thể héo mòn tiều tụy vì nghĩ cách mang tiền về cho mẹ, không mang ưu phiền về cho mẹ hoặc những đứa trẻ đang đau đớn vì đòn roi.

Bạn có thể không quan tâm và yêu thích. Đấy là cách của bạn và cũng chính đáng. Nhưng tôi quan tâm, nên bất an với bài hát này và thấy cần phải nói ra.