Manic Pixie Dream Girl - Cứu tinh của những cuộc sống nhàm chán | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
26 Thg 08, 2021
Điện ẢnhBóc Phim

Manic Pixie Dream Girl - Cứu tinh của những cuộc sống nhàm chán

Summer trong 500 Days of Summer hay Clementine trong The Eternal Sunshine of The Spotless Mind có điểm gì chung?

Manic Pixie Dream Girl - Cứu tinh của những cuộc sống nhàm chán

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

Bộ phim bắt đầu với một chàng trai tuy đẹp trai nhưng ngoan hiền đến mức nhàm chán. Cuộc sống của anh một màu và thảm hại, tưởng chừng như một cái xác không hồn tồn tại trên cõi đời.

Bỗng một ngày, một cô gái sôi động, hơi kỳ quặc nhưng cực kì dễ mến đến bắt chuyện với chàng trai. Cô lập tức thấy hứng thú với anh. Mối tình của hai nhân vật chớm nở và ở cuối phim, nhân vật nam chính nhờ sự giúp đỡ của nhân vật nữ đã được truyền cảm hứng và thật sự sống một cuộc sống trọn vẹn.

Các bạn thấy kiểu phim này có quen không? Có cả một tên gọi dành cho nhân vật nữ như vậy đấy! Xin giới thiệu, Manic Pixie Dream Girl.

1. Manic Pixie Dream Girl là gì?

Manic Pixie Dream Girl là một hình mẫu nhân vật nữ được tạo ra với một mục đích duy nhất, kéo nhân vật nam chính ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt của họ. Pixie Dream Girl không có câu chuyện của riêng mình, thay vào đó, họ là chất xúc tác trong câu chuyện của nam chính.

Trong các bộ phim điện ảnh, nhân vật này thường có tính cách, gu thời trang và sáng tạo khá là khác người. Vì họ là người chủ động trong mối quan hệ với nam chính, Manic Pixie Dream Girl thường là những người phụ nữ sôi nổi, và nhìn thế giới qua đôi mắt của một đứa trẻ hiếu kì.

2. Manic Pixie Dream Girl bắt nguồn từ đâu?

Tên gọi chính thức của hình mẫu này được dùng lần đầu tiên bởi nhà phê bình Nathan Rabin khi ông nói về nhân vật của Kirsten Dunst trong phim Elizabethtown (2005).

Nathan Rubin đã bình luận về hình mẫu này rằng, “Đây là hình mẫu chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của người viết. Họ dùng hình mẫu này để dạy cho những người đàn ông đang bị mục ruỗng ở bên trong tâm hồn rằng cuộc đời nên được tận hưởng bởi vì nó có thật nhiều những cuộc phiêu lưu và những khả năng vô tận.”

3. Vì sao hình mẫu này phổ biến?

Thật ra, những nhân vật nữ phụ được các nhà biên kịch tạo ra chỉ để phục vụ cho câu chuyện của nhân vật nam chính đã xuất hiện từ rất lâu trên màn ảnh. Nathan Rabin chỉ đơn giản đưa cho hình mẫu này một cái tên gọi chính thức.

MPDG
Những nhân vật thường bị nhầm lẫn với hình mẫu Manic Pixie Dream Girl | Nguồn: Studio Binder

Từ ý định ban đầu là dùng cách gọi “Manic Pixie Dream Girl” để chỉ trích cho một hình mẫu đầy sự phân biệt giới tính, Nathan Rabin lại vô tình tạo ra một căn nhà chính thức cho chúng. Từ đó, gián tiếp cổ vũ khán giả và cả những cây viết sử dụng cụm từ này nhiều hơn.

4. Tác dụng phụ của sự phổ biến

Khi cụm từ này trở nên quen thuộc hơn với đại chúng,những nhân vật nữ như Summer trong 500 Days of Summer, hay Clementine trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind dần bị gộp chung vào hình mẫu “Manic Pixie Dream Girl”. Điều này làm cho nhân vật mất đi sự phức tạp trong tính cách và câu chuyện, và bị nhìn nhận chẳng khác nào một phương tiện cho câu chuyện của nam chính.

Nữ diễn viên, nhà biên kịch Zoe Kazan, khi trả lời phỏng vấn về bộ phim Ruby Sparks đã chỉ trích cụm từ này, “Tôi thấy việc chúng ta gộp chung tất cả những nhân vật nữ độc đáo và độc lập dưới một tên gọi sẽ xóa đi sự khác biệt vốn có của những nhân vật này.”

Ruby Sparks
Một phân cảnh trong bộ phim Ruby Sparks | Nguồn: Ruby Sparks

Nathan Rabin, sau đó đã lên tiếng về cụm từ này. Ông nói với tờ Salon rằng việc ông cho cụm từ một định nghĩa quá mập mờ đã đưa cho nó một sức mạnh không lường trước này. Mục đích ban đầu của nó, theo Rabin, “(tôi) tạo ra cụm từ này để chỉ trích một hình mẫu vốn đã có từ lâu. Tôi muốn các nam biên kịch phải gặp khó khăn khi đưa ý kiến của bản thân về mẫu phụ nữ lí tưởng trở thành một nhân vật có thật.”

Dù cho Nathan Rabin có muốn hay không, cụm từ này đã trở thành một trong các cụm từ được sử dụng nhầm lẫn nhiều nhất để nói về các nhân vật nữ. May thay, những người xem phim và cả những nhà làm phim đã thật sự hiểu hơn về cách dùng cụm từ này. Ngành điện ảnh nói chung cũng đang dần có sự gia nhập của rất nhiều nữ đạo diễn và biên kịch tài năng. Với những góc nhìn đa chiều hơn từ họ, có lẽ hình mẫu Manic Pixie Dream Girl cũng đã dần đi tới ngày tàn của nó..

Những nhân vật Manic Pixie Dream Girl trên màn ảnh:

  • Claire Colburn (Kirsten Dunst) trong Elizabethtown (2005)

  • Sam Feehan (Natalie Portman) trong Garden State (2004)

  • Margo (Cara Delevingne) trong Paper Towns (2016)

  • Rin (Jun Vũ) trong Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa (2016)

Những nhân vật tạo ra để chỉ trích hình mẫu Manic Pixie Dream Girl:

  • Samantha (Scarlett Johansson) trong Her (2013)

  • Clementine (Kate Winslet) trong The Eternal Sunshine of The Spotless Mind (2004)

  • Summer (Zooey Deschanel) trong 500 Days of Summer (2009)

  • Ramona Flowers (Mary Elizabeth Winstead) trong Scott Pilgrim vs. the World (2010)