Mẹ là người đầu tiên dạy tôi về cái chết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 05, 2022
Gia Đình Tan Chảy

Mẹ là người đầu tiên dạy tôi về cái chết

Và mẹ cũng cho tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống mẹ đã trao cho tôi là gì. Ngày của mẹ năm nay, tôi không thể ngừng nghĩ về điều đó.
Mẹ là người đầu tiên dạy tôi về cái chết

Nguồn: Vũ Hoàng Long

Tôi vẫn nhớ đám tang của ông bác tôi bên họ ngoại. Ngày ấy tôi mới 5 tuổi, chưa biết thế nào là chết, và sau khi chết thì mình sẽ đi đâu. Tôi nhìn người thân của mình đi quanh quan tài của ông bác và tất cả đều rơi nước mắt. “Người lớn thì không khóc bao giờ” - tôi tự nhủ, và bối rối làm những gì mình được dặn dò.

Anh họ tôi hằn giọng: “Sao mày không khóc? Mày không thương ông à?” Vậy là tôi cắn môi chảy máu, để hoà vào dòng nước mắt và dòng người đưa tiễn ông dọc phố Quán Thánh.

Về tới nhà, tôi hỏi mẹ về đám tang vừa diễn ra, về lý do người lớn cũng phải khóc, về cái kết không thể tránh được của cuộc đời. Mẹ tôi giải thích, chết là khi tim con người ta ngừng đập và bộ não họ ngừng nghĩ. Xác thịt họ sẽ phân huỷ theo thời gian cho đến khi chỉ còn trơ lại bộ xương, và rồi xương cốt cũng hoà tan vào cát bụi.

Ai sinh ra rồi cũng sẽ phải chết, mẹ biết điều đó, nhưng mẹ vẫn khóc cho ông bác, để níu kéo kỷ niệm. Những năm tháng học ở trường Yết Kiêu, mẹ tôi được ông cho tiền ăn học và cho ở nhờ nhà, vì ông bà ngoại tôi không có nhiều điều kiện. Khi chết đi, người ta chỉ để lại kỷ niệm - đó là điều mẹ nhắc nhở tôi, sau khi tiết lộ cho tôi sự thật rằng tôi, bố mẹ hay ông bà, tất cả đều không thoát khỏi vòng tròn sinh diệt nghiệt ngã ấy.

Chưa ngày nào trong đời tôi không nghĩ về cuộc nói chuyện hồi 5 tuổi với mẹ. Tôi sợ chết, và bởi vậy, tôi từng chỉ nghĩ đến việc tôi đang sống ra sao và tôi phải sống ra sao để không lãng phí cuộc đời này. Điều tôi đã quên mất là những gì mẹ đã trải qua, và điều khiến bà tiếp tục sống, tiếp tục thấy cuộc sống này có ý nghĩa.

Tuần trước, mẹ tôi trải qua một trận suy tim và phải vào viện cấp cứu.

Mọi chuyện xảy ra khi tôi chưa tan làm ở công sở. Tôi thậm chí còn gọi điện về nhà và báo với bà nội rằng mình sẽ làm quá giờ, bà chỉ đáp “Về ăn cơm sớm cho đỡ mệt.” Tôi không biết rằng mẹ mình vừa suýt bước đến ranh giới mà đến người lớn cũng phải khóc. Tôi thật vô tâm.

Tôi nhận tin khi bệnh viện đã qua giờ người thân được vào thăm bệnh nhân. Bữa cơm tối hôm đó, tôi không nuốt nổi miếng nào. Tiếng “tik tok” của chiếc đồng hồ khiến tôi tưởng tượng ra vô vàn kịch bản cho cuộc sống sắp tới của mình, trong khi tôi chỉ ngồi đây và bất lực.

Những kỷ niệm về mẹ ùa về. Tôi nhớ mẹ từng đan cho tôi rất nhiều áo len vào mùa lạnh. Những chiếc áo có màu hơi lạ so với áo mua ở hiệu, và sợi len cũng lỏng và dễ bung hơn. Tôi thường mặc chúng đằng sau lớp áo khoác để bạn bè đỡ hỏi vì sao trang phục nhìn lạ thế. Nhưng vì tay áo len mẹ đan hay dài hơn tay áo khoác, nên cổ tay áo lòi ra ngoài. Thi thoảng cô giáo tôi hỏi trêu, liệu tôi có đang đeo hai chiếc vòng tay màu xanh da trời choé.

Chiếc áo tôi kể sau đó đã bị chuột cắn. Mẹ biến nó thành chiếc giẻ lau đặt trước cửa nhà vệ sinh, và tôi chẳng nghĩ về điều đó bao giờ. Rồi bà sẽ lại đan cho tôi một chiếc mới, và vòng đời của áo len lặp lại. Tìm trong ngăn quần áo cũ, tôi không còn thấy những chiếc áo mẹ đan trong ký ức của mình. Nếu như không vì sự việc lần này, tôi e rằng áo len xanh choé đã biến mất trong thế giới kỷ niệm của mình.

Tôi không thể ngừng tự trách móc bản thân, đặc biệt là sau khi nghe lời bà ngoại căn dặn qua điện thoại sau đó không lâu. Ngày lễ sắp tới, bà hỏi liệu tôi có cùng mẹ qua thăm bà. Tôi giấu bà chuyện mẹ đang nằm viện mà chỉ nói mẹ ốm, nên tôi sẽ đi một mình. Bà ngoại nhắc, việc tôi đi kiếm tiền từ ít tuổi là tốt, nhưng điều đó không bù đắp cho việc tôi đã thờ ơ với chuyện gia đình thế nào. Nhiều năm nay bà không được nhìn mặt tôi…

Trưa hôm sau, nhân giờ nghỉ trưa ở công sở, tôi mới được vào viện thăm mẹ. Mẹ tôi xanh xao nằm đó, với máy thở và dây rợ chuyền nước nhằng nhịt. Tôi không kìm được nước mắt nên phải vào phòng vệ sinh rửa mặt vì không muốn bị mẹ phát hiện ra là con trai lớn của mình đang khóc. Nhưng chẳng điều gì qua nổi mắt bà.

Mẹ tôi tỉnh dậy sau khi nghe tiếng nước chảy. Bà nói mấy lời động viên, rằng “chuyện này không ảnh hưởng gì đến gia đình mình hết, con cứ yên tâm đi làm,” và thậm chí còn bông đùa “hôm qua mẹ suýt thì đi, may mà không đi con ạ.” Tôi không biết phải hồi đáp lại câu đùa ấy thế nào.

Để né tránh cảm xúc của mình, tôi nói chuyện với bác sĩ để hiểu chuyện gì đã xảy ra với mẹ. Ở bệnh viện mẹ tôi khám lần trước, người ta đã chẩn đoán nhầm, dẫn đến diễn biến của bệnh chuyển nặng. Đưa vào đây cấp cứu kịp thời là một may mắn lớn.

Đợi bác sĩ ra khỏi phòng, mẹ tôi mới nói một lời cay đắng. Đây là bệnh viện “vip,” tiền cấp cứu đắt bằng cả tháng lương. Nếu gia đình không kiếm được chừng đó thu nhập, chẳng biết giờ mọi thứ đang ở đâu nữa. Thấy cảm xúc tôi trùng xuống, mẹ tôi lại đùa: “Chẳng mấy khi được nằm viện đắt tiền, bữa trưa ngon quá. Mấy viên thịt này không biết họ làm thế nào, tí y tá vào mẹ hỏi thử, về nấu cho con mang đi làm.”

Câu nói đó khiến tôi cảm thấy lần đầu tiên rằng mình là một đứa con bất hiếu. Tôi tưởng mình đã cố vì gia đình rất nhiều, nhưng hoá ra những gì tôi làm chẳng thấm vào đâu. Tiền tôi gửi, mẹ gửi vào sổ tiết kiệm riêng chứ ít khi tiêu vào việc nhà. Quay trở về băn khoăn từ thuở bé, con người ta sống vì điều gì khi mọi thứ đều có hồi kết. Tôi tự trả lời được cho mình, nhưng tới giờ mới hiểu câu trả lời của mẹ, dù bà chẳng cần phải nói ra.

Mẹ tôi sống vì con, mẹ tôi cố gắng để con bà tiếp tục có kỷ niệm với cuộc đời này. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh sau một cơn suy tim nguy kịch, mẹ tôi vẫn không quên rằng mình là một người mẹ.