Miễn nghĩa vụ quân sự cho sao Hàn: Đi hay không đi nói một lời! | Vietcetera
Billboard banner

Miễn nghĩa vụ quân sự cho sao Hàn: Đi hay không đi nói một lời!

Liệu những thành tựu và chỗ đứng văn hóa của BTS có đủ mạnh để thay đổi một đạo luật quân sự đặc trưng tại Hàn Quốc?
Miễn nghĩa vụ quân sự cho sao Hàn: Đi hay không đi nói một lời!

Nguồn: BBC via Getty Images

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trong những ngày gần đây, Quốc hội Hàn Quốc tranh luận về việc có hay không miễn nghĩa vụ quân sự cho Kim Seok-jin (Jin) - thành viên lớn tuổi nhất của nhóm nhạc BTS. Anh sẽ bước vào tuổi 30 trong tháng 12 năm nay, và nếu không có gì thay đổi thì Jin sẽ thực hiện nghĩa vụ từ năm sau.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từng có kế hoạch khảo sát dân chúng để hỗ trợ việc ra quyết định với trường hợp BTS. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng bị hủy bỏ. Bộ giải thích rằng truyền thông trong nước đang đưa tin như thể cuộc khảo sát là thứ duy nhất mà Bộ sẽ dựa vào để đưa ra quyết định.

Thế nhưng không cần đợi tới Bộ Quốc phòng, hai cơ quan thông tấn tại xứ kim chi đã tự khảo sát trên khoảng 800 người dân. 57,7% trong đó ủng hộ miễn trừ quân sự cho BTS và 39,7% phản đối, trong khi 2,6% chưa đưa ra quyết định.

Kết quả khảo sát thể hiện sự ủng hộ với Jin và BTS. Mặt khác, 63.9% người phản đối là nam giới trong độ tuổi 20 - độ tuổi thực hiện nghĩa vụ. Điều này cho thấy cuộc đối thoại này không chỉ xoay quanh Jin hay BTS, mà phức tạp và đa chiều hơn chúng ta nghĩ.

2. Có những cách nào để Jin được miễn nghĩa vụ?

Tất cả công dân nam trong độ tuổi từ 18 tới 28 tại Hàn đều phải tham gia chương trình nghĩa vụ quân sự kéo dài từ 1,5 năm tới 2 năm, tùy vào đơn vị đóng quân. Quy định này là bắt buộc, và chưa có nam ca sĩ nhạc pop nào được miễn nghĩa vụ tại nước này.

05sep2022d3srbl0uwaa5tw1jpg
Dàn sao của nhóm nhạc Big Bang trong quân ngũ. | Nguồn: Twitter @yedamcloud

Việc miễn nghĩa vụ quân sự chỉ diễn ra với hai nhóm đối tượng: vận động viên thể thao đạt huy chương cấp châu lục trở lên, và nghệ sĩ nhạc cổ điển đạt thành tích quốc tế. Là một nghệ sĩ đại chúng, Jin cùng những đồng nghiệp trong ngành công nghiệp giải trí không thuộc nhóm miễn trừ, bất kể các thành tựu của anh và BTS có đáng nể tới đâu.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã từng tạo điều kiện cho Jin nói riêng và BTS nói chung trong vấn đề này. Vào năm 2020 khi Jin tới hạn nhập ngũ ở độ tuổi 28, chính phủ nước này thông qua một đạo luật đặc biệt mà nhiều người gọi là “luật BTS,” trong đó cho phép nghệ sĩ văn hóa đại chúng hoãn nhập ngũ tới độ tuổi 30 nếu nghệ sĩ đó thỏa mãn điều kiện quy định.

Việc miễn trừ, nếu có xảy ra, chỉ có thể tới từ một đạo luật mới do Quốc hội ban hành trong đó bổ sung nghệ sĩ giải trí vào danh sách có thể miễn trừ. Hoặc là vậy, hoặc Bộ Quốc phòng nước này sẽ phải ra một quyết định trực tiếp và riêng biệt cho trường hợp BTS.

3. Tại sao BTS lại được xét miễn nghĩa vụ?

Không phải tới BTS giới lập pháp và giới giải trí Hàn mới nói câu chuyện miễn trừ cho nghệ sĩ. Nhưng BTS là nhóm nhạc đầu tiên có đủ thành tựu và sức nặng khiến chính phủ Hàn nghiêm túc cân nhắc việc này. Lý do là bởi BTS đã thay đổi nhận thức quốc tế về Hàn Quốc cũng như âm nhạc và văn hóa Hàn.

Chỉ nội trong năm 2020, nhóm đã đạt nhiều thành tích đáng nể, không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà còn ở các lĩnh vực khác. BTS đã tới phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc, đóng góp một triệu đô cho phong trào Black Lives Matter, và phát biểu bên cạnh Beyonce, Taylor Swift, và vợ chồng Obama tại sự kiện trực tuyến.

05sep2022sei317334773f051jpg
BTS phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc. | Nguồn: EPA/YONHAP

Có thể nói rằng nói rằng BTS đang là đại sứ đưa hình ảnh và văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch nước này từng nói rằng việc bắt BTS đi nghĩa vụ trong thời điểm tài năng chín muồi là không công bằng, và là một tổn thất lớn cho không chỉ người Hàn mà cả thế giới.

Tuy nhiên, các ý kiến phản đối không nghĩ như vậy. Nhiều người phản đối ngay từ khi “luật BTS” ra đời bởi họ coi luật là công cụ giúp những người nhiều tiền và nhiều quyền né nghĩa vụ. Bên cạnh đó, một số người cố tình diễn giải sự việc theo hướng BTS không muốn thực hiện nghĩa vụ, gây ra những lùm xùm không đáng có.

4. Tại sao nhóm nghệ sĩ đại chúng không được xét miễn nghĩa vụ?

Ban đầu, Hàn Quốc ban hành quy định miễn nghĩa vụ vừa như một phần thưởng cho những cá nhân xuất sắc, vừa để thúc đẩy sự phát triển của hai lĩnh vực nước này coi trọng là thể thao và âm nhạc cổ điển. Ở thời điểm ấy, ngành công nghiệp giải trí tại Hàn Quốc chưa phải là một ngành kinh tế mũi nhọn hay là trụ cột văn hóa như hiện nay.

05sep2022riverjfif
Chính phủ Hàn Quốc miễn nghĩa vụ quân sự cho cầu thủ Son Heung-min sau khi anh cùng đội tuyển đạt huy chương vàng tại Asian Games 2018. | Nguồn: The42 via Bernat Armangue

Tranh luận về việc có hay không miễn nghĩa vụ cho BTS không có nghĩa là chính phủ nước này không coi trọng ngành công nghiệp giải trí. Thực ra, nó cho thấy rằng giới chức Hàn không biết phải giải quyết thế nào: họ hiểu tầm ảnh hưởng của BTS nhưng không thể đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá phù hợp cho nhóm nghệ sĩ đại chúng.

Các tiêu chí miễn trừ của nhóm vận động viên và nghệ sĩ cổ điển đều rất rõ ràng: nếu bạn đạt giải đủ cao, bạn có tên trong danh sách miễn. Tiêu chí tương tự khó có thể áp dụng trong trường hợp của BTS: thế nào là giải hay thành tựu đủ cao? Top 1 Billboard đã đủ cao chưa? Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc đã đủ cao chưa?

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng sự bổ sung này có thể gia tăng bất bình đẳng không chỉ trong giới giải trí, mà còn gây bất mãn với những công dân nam phải nhập ngũ. Cùng với vấn đề tiêu chí đã nêu trên, đây là những câu hỏi mà giới chức Hàn còn phải trăn trở.

5. Tại sao luật nghĩa vụ của Hàn Quốc chặt chẽ thế?

Hàn Quốc duy trì luật nghĩa vụ quân sự sát sao để quân đội luôn sẵn sàng trước một Triều Tiên hung hăng, khó đoán, và sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, Triều Tiên và Hàn Quốc chưa từng ký một hiệp định hòa bình nào, tức về lý thuyết, chiến tranh Hàn-Triều chưa kết thúc.

Bên cạnh đó, sự bất ổn tại khu vực, đặc biệt là những mối đe dọa tới từ Nhật Bản và vấn đề Trung Quốc - Đài Loan càng cho chính phủ Hàn thêm nhiều lý do để củng cố lực lượng quân đội thông qua nghĩa vụ quân sự bắt buộc.