Mình kể câu chuyện này không phải với mục đích trách móc người giáo viên cũ, bạn bè cũ hay ngôi trường ngày trước. Mình mong những bạn gặp phải câu chuyện tương tự có thể tìm cho mình sự tích cực trong những tháng ngày đi học khó khăn.
Những năm cấp 1, mình học tại một ngôi trường nhỏ không phải trường phố, môi trường hiền hoà, ít cạnh tranh. Lên cấp 2, mẹ chuyển mình lên trường điểm, ở trung tâm thành phố. Mình thi đỗ vào lớp chuyên top đầu của khối.
Ngày nhận lớp, mình ngạc nhiên vì cô chủ nhiệm có phần nghiêm nghị và khó tính, khác với những giáo viên mình từng học. Các bạn cùng lớp thì nhanh nhạy kiểu “con nhà phố," không “lành" như những người bạn cũ.
Mình đã nghe nhiều về chuyện “bè phái" nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn sau, lớp mình đã chia ra hai nhóm rất rõ ràng. Một nhóm được cô chủ nhiệm yêu mến, cưng chiều. Một nhóm là “con ghẻ" - mình nằm trong nhóm này. Và dĩ nhiên hai nhóm cũng không ưa gì nhau. Không có lý do hay tiêu chuẩn cụ thể gì cho từng nhóm. Mọi chuyện cứ tự nhiên diễn ra như vậy.
Nhóm được “yêu” có mặc quần bó, để mái xéo hay đánh son đi học cũng không vấn đề. Ngược lại, nhóm của mình mà mặc quần hơi bó một chút cũng bị gọi phụ huynh đến trường.
Cô chủ nhiệm của mình dạy Văn và Sử, đồng nghĩa với việc tần suất gặp cô một tuần, tính cả học thêm, là rất nhiều. Trong giờ dạy của cô, những câu hỏi khó thường xuyên bị cô đặt ra còn chúng mình ít khi được cho thời gian suy nghĩ. Những đứa như mình sẽ hay bị gọi lên đầu tiên và “ăn" ngay con 0 tròn trĩnh vào sổ điểm. Theo thời gian, mình trở nên nhạy cảm tới mức mình biết được khi nào cô chuẩn bị gọi tên mình.
Mình vẫn nhớ có một lần, mình đang đi cùng một người bạn thì mình nghe tiếng cô gọi với sau lưng mình bằng một giọng rất ân cần và ngọt ngào: “My ơi My à." Mình không phải My. My là học sinh yêu thích của cô và nhìn đằng sau khi mình xõa tóc ra thì trông mình và My cũng hao hao nhau. Khi mình quay lại và cô nhận ra mình chẳng phải My mà cô yêu quý, sắc mặt cô thay đổi hẳn. Cô quay đi và không nhìn mình thêm một lần.
Một lần khác, cả lớp mình tự đổi chỗ ngồi vào giờ học thêm. Cô bất chợt lên kiểm tra và thấy mọi người đang không ngồi đúng sơ đồ lớp. Cô nói lớn: “Những bạn nào đang không ngồi theo sơ đồ đứng dậy.” Cả lớp đứng dậy. Nhưng chỉ riêng mình bị phạt.
Mình không phải người có học lực xuất sắc với một lớp chuyên chọn. So với các bạn trong lớp, mình luôn đứng trong nhóm cuối bảng. Mỗi lần họp phụ huynh, cô đều chì chiết mẹ mình và doạ sẽ chuyển mình sang lớp thường. “Chuyển luôn đi!" - mình đã nghĩ trong đầu như vậy không biết bao nhiêu lần. Nếu được chuyển lớp và không phải thấy mặt cô nữa, “hẳn cuộc sống của mình sẽ dễ dàng hơn nhiều" - mình nghĩ.
Tuy mình học không giỏi bằng các bạn cùng lớp nhưng mình tự biết mình là một học sinh ngoan, có kỷ luật. Mình không đi trễ, không mặc sai đồng phục, không phá phách, không vi phạm kỷ luật phòng thi. Cho đến tận bây giờ, khi mình đã tốt nghiệp Đại học và đi làm, mình vẫn không hiểu vì sao ngày đó mình rất ngoan mà cô chủ nhiệm lại không thích mình.
Dù mình có làm gì, có cố gắng đến đâu, cô vẫn luôn dành cho mình thái độ không mấy thiện chí. Nếu mọi người nói rằng có thể do mình không đi học thêm nên cô có phần khó thì mình đi học thêm rất đầy đủ. Mẹ mình cũng không bỏ qua một dịp lễ, Tết nào để qua nhà thăm hỏi cô.
Mình đã không biết làm gì ngoài chịu đựng. Mình không kể nhiều với bố mẹ vì mình lo bố mẹ sẽ nói chuyện với cô và điều đó chỉ càng khiến mỗi ngày đi học của mình khó khăn hơn. Mình cũng không kể với bạn bè vì hơn nửa số bạn trong lớp không ưa mình, những người còn lại thì cũng… chung số phận với mình. Mình cũng không tìm đến bất kỳ ai khác để chia sẻ vì đơn giản, lúc đó, mình chẳng biết phải chia sẻ với ai nữa.
Mỗi một năm học qua đi, mình đều dành cả mùa hè mong ước năm sau sẽ có giáo viên chủ nhiệm khác thay thế cô. Nhưng rồi ngày tựu trường vẫn là cô tươi cười đón lớp. 4 năm cấp hai của mình đã trôi qua như thế.
Tuy rằng trải nghiệm cấp hai của mình không mấy vui vẻ, mình cũng phần nào biết ơn cô vì đã rèn cho mình nghị lực và khả năng thích nghi.
Nếu khi mới vào cấp 2 mình là một cô bé nhút nhát, ai hỏi cũng không nói và có phần “yếu đuối" thì sau 4 năm, mình đã thay đổi rất nhiều. Thay vì khóc khi nhận điểm kém, mình cất bài kiểm tra đó đi và chăm học hơn vào bài sau. Thay vì chịu để các bạn khác gửi thư dọa nạt, mình đã dám nói chuyện mặt đối mặt với những bạn đó. Cô cũng giúp mình - một cô bé mười hai tuổi năm đó - nhận ra rằng trong cuộc sống không phải ai cũng thích mình, cho dù mình tốt đến đâu.