Mình học và tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành cơ khí. Ra trường đúng hạn với một tấm bằng trung bình, mình loay hoay tìm việc một thời gian, cuối cùng được nhận vào một xưởng cơ khí ở Đồng Nai với mức lương 9 triệu đồng/tháng.
Thời điểm đó, mọi người hay bảo cơ khí là ngành hấp dẫn, học xong ra trường dễ xin việc. Mình vào Nam một phần do có họ hàng trong đó, một phần mình nghĩ ở đây dễ phát triển và kiếm được thu nhập tốt hơn.
Công việc chính của mình là hàn và sửa chữa mái che cho các nhà xưởng, làm khung chống cháy, thi thoảng kiêm cả thợ hồ, thợ điện, thợ sửa ống nước. Một thằng gầy yếu như mình phải vác đủ loại máy móc thi công, ngồi trên nóc mái tôn hai tháng trời dưới cái nắng chói chang, tăng ca liên tục để kịp tiến độ công trình. Đáng sợ nhất phải kể đến tai nạn lao động như sắt rơi vào người, máy móc chập điện.
Việc sinh hoạt cũng cực đủ đường. Một năm trời đều như vắt tranh, mình dậy lúc 6 giờ sáng, về nhà tắm rửa lúc 10 giờ đêm. Có lúc ăn bờ ngủ bụi, cơm sống cũng cố mà nhai, ngủ trên nền đất bẩn ngày qua ngày. Ấy vậy mà mình cũng kiên trì được một thời gian dài. Từ khi bước chân vào nghề, mình mới thấm thía hết nỗi vất vả của người công nhân. Mình cũng ngưỡng mộ các anh các chú thật nhiều vì họ giỏi, tận tình, tỉ mỉ và sẵn lòng giúp đỡ các “hậu bối”.
Công việc công nhân cơ khi vốn cũng không phải lựa chọn của bản thân. Gia đình định hướng và mình nghe theo. Bố mẹ mình chỉ mong mình có một công việc tốt, đủ để nuôi bản thân.
Sau quãng thời gian làm việc trong Nam, mình trưởng thành hơn rất nhiều. Khi nghỉ làm công nhân, mình sang ngã rẽ mới là làm về Marketing. Mình đã tìm được hướng đi riêng và đủ dũng khí để tuyên bố với gia đình: con sẽ theo đuổi con đường này.
Nếu có người hỏi mình có muốn quay ngược thời gian và chọn một công-việc-đầu-tiên khác không, mình sẽ trả lời là không. Mình đã được cuộc đời sắp xếp để thử sức với vị trí công nhân cơ khí, thì có nghĩa là mình nên đón nhận nó. Và khi đón nhận, mình mới thấm hết những bài học quý trên chặng đường vừa qua. Mình va chạm với nhiều quan điểm sống khác, học được cách ứng xử, cách tiết kiệm tiền và cả cách đối diện với khó khăn. Tất cả những trải nghiệm này đều là thứ mình muốn giữ lại.
(Chia sẻ từ bạn Tấn Lê)