Mình ước công ty có phòng riêng để khóc | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Mình ước công ty có phòng riêng để khóc

Làm gần năm rưỡi, mình khóc 3 lần, tất cả đều xảy ra trong toilet nữ.
Mình ước công ty có phòng riêng để khóc

Nguồn: Pexels

Mới ra trường, mình apply vào làm một công ty logistics. Làm gần năm rưỡi, mình khóc 3 lần, tất cả đều xảy ra trong toilet nữ, không lần nào giống lần nào.

Thời điểm đó, chân ướt chân ráo bước vào một môi trường mới, mình gặp hai đồng nghiệp ưng ý. Ba chúng mình hẹn giờ đi làm cùng nhau, ăn trưa cùng nhau, cùng nhau cười một câu chuyện đùa không đầu không cuối. Bởi những trải nghiệm này, mình, một sinh viên mới ra trường, từng nghĩ đồng nghiệp là điều quan trọng nhất để quyết định môi trường làm việc xứng đáng.

Sau gần nửa năm, vì áp lực công việc, hai người đồng nghiệp của mình đột ngột xin nghỉ không lời báo trước. Cảm giác “bị phản bội” xâm lấn, mình bật khóc. Suốt buổi sáng, mình giả vờ ra vào nhà vệ sinh liên tục để ngồi khóc, ăn trưa cũng tránh mặt mọi người, không muốn ai thấy cặp mắt đỏ và gương mặt như mới trải qua sang chấn này.

Mặc dù mình mất vài tuần để hồi phục, sự kiện đó khiến mình thực tế hơn. Về sau, khi chuyện tương tự xảy đến, chúng mình chỉ ngồi lại hồi lâu để trò chuyện, kết thúc bằng một món quà chia tay nhỏ.

Giọt nước mắt ập đến lần hai sau khoảng nửa năm, lúc mình ngỡ bản thân đã cứng cáp hơn nhiều. Lúc ấy, mình phụ trách vận chuyển một lô hàng lớn cho khách. Do lỗi hệ thống, công ty chưa nhận được tiền ứng trước từ khách, dù họ đã chuyển rồi, và theo đúng hợp đồng, công ty mình chưa thể chuyển hàng.

Phía bên kia lập tức gọi đến, trách móc và nói rất nhiều về sự uy tín, thái độ trong công việc. “Bên anh làm việc với em nhiều rồi mà em không tin sao?”, “Chính sách của công ty em quá cứng nhắc”.

Mình lặng người, rồi rối rít xin lỗi, hứa tìm cách giải quyết. Lúc sau, mình chọn “trốn” vào toilet nữ. 15 phút tự nhốt mình dài như cả thập kỷ. Trong thập kỷ đó, một đống câu hỏi về bản thân và thái độ trong công việc tấn công dồn dập. Mình tự hỏi, đã có bao nhiêu người từng ngồi khóc ở vị trí của mình hiện tại.

Lần khóc cuối, cũng là lần dữ dội nhất, là khi mình cãi tay đôi với sếp. Đợt đó, quy trình làm việc với khách hàng gặp vấn đề, nhưng vấn đề này lại chưa từng xuất hiện trước đây, không ai biết phải xử lý thế nào cho thỏa đáng. Sếp mình cuối cùng chọn phương án mà buộc phải làm khách hàng thiệt thòi. Hay tin, mình cứ như chiến binh công lý, lao vào phòng sếp, đòi cách giải quyết có lợi hơn cho khách. Khi xung đột đạt đỉnh điểm, sếp quát:

- Em còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm, phải tập trung lắng nghe vào!

Câu nói như xoáy sâu vào lòng tự ái của mình. Mình cúi đầu nhận lỗi, và sau đó, như hai lần trước, tìm nơi trú ẩn an toàn nhất trong công ty là toilet. Mình mắt nước mũi tèm lem, khóc to khủng khiếp, chắc cả công ty nghe hết. Dù sợ làm phiền mọi người, nhưng nước mắt đâu có hẹn trước được, nên mình kệ, để cảm xúc tự thoát ra.

Ba lần khóc, mỗi lần là một sự vỡ mộng. Mỗi lần vỡ mộng là một lần sống trưởng thành và thực tế hơn. Lần khóc đầu tiên dạy mình cách kết nối ngay cả khi đã “ngắt kết nối”. Lần khóc thứ hai và thứ ba dạy cho mình cách chấp nhận những biến số không thể kiểm soát trong công việc.

Thật khó để đòi hỏi một môi trường làm việc không áp lực, thiếu đi áp lực mình cũng không thể trưởng thành hơn. Bởi vậy, nếu “nước mắt văn phòng” lại xuất hiện sau này trong cuộc đời, mình chỉ ước có một phòng riêng trong công ty để trốn vào. Đó sẽ là một căn phòng siêu nhỏ, chỉ đủ chỗ cho một người, ấm cúng, cách âm hoàn toàn. Lúc ấy, mình sẽ khóc no nê mà không sợ ai nghe thấy.

(Chia sẻ từ bạn Khánh Ngân)

Nhật Ký là series kể lại những trải nghiệm khó quên. Bạn cũng có câu chuyện khó quên? Hãy kể cho chúng tôi tại tanchay@vietcetera.com.