Năm COVID thứ nhất dạy chúng tôi điều gì? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Năm COVID thứ nhất dạy chúng tôi điều gì?

Những bài học quan trọng nhất editor Vietcetera đúc kết lại trong năm 2020.

Năm COVID thứ nhất dạy chúng tôi điều gì?

Nguồn: Unsplash

- Nếu năm 2020 là một con vật, nó sẽ là con gì?

- Con chuột cống.

Minh nói, và cả công ty chúng tôi phá lên cười (trong nước mắt).

Năm nay, thế giới trải qua thật nhiều chuyện buồn. Chúng ta hay rút ra bài học từ những trải nghiệm tiêu cực - một phần do cơ chế sinh tồn được tôi luyện qua hơn hai triệu năm, và một phần vì không muốn nỗi đau của mình trở nên vô ích.

Vì vậy, tôi đi quanh công ty hỏi xem bài học quan trọng nhất của mọi người trong năm COVID thứ nhất là gì.

Socircng hằng
Mình cảm thấy cuộc sống vô thường lúc họ làm lễ tập thể cho những linh hồn đã mất. Lúc đó mình bắt đầu có một ý niệm về việc tìm hạnh phúc từ bên trong bản thân. | Nguồn: Yui cho Vietcetera

1. Đừng gắn giá trị của mình vào công việc

Yui, Creative Shop Writer

Trước khi dịch Covid xảy ra, mình dồn hết sức vào công việc. Đùng phát, dịch bùng nổ khiến cả ngành du lịch chao đao. Công ty cũ của mình không thể gánh trên vai sức nặng của hàng triệu đơn đòi hoàn tiền.

Mình vẫn muốn cống hiến tiếp tục cho ngành du lịch. Vì vậy mình làm thêm việc, ngoài giờ, trả lời email đến mức mơ thấy cả cảnh khách rượt mình chạy hụt hơi. Ngày ngày mình đều nhận công văn về việc đóng cửa, tìm khách nhập cảnh,... đến mức quên mất cảm xúc bản thân mình. Tinh thần mình bất ổn nhưng mình nghĩ phải cố qua con trăng này.

Ai ngờ họ giải tán cả team mình.

Mình thấy chơi vơi vì những giá trị mình tạo ra không có ý nghĩa gì cả.

Lúc đó bản thân mình cần một ý niệm khác về hạnh phúc. Mình trò chuyện nhiều với bản thân hơn để nhận ra rằng điều gì mới là thứ mình cần và muốn.

Sau hơn nửa năm, mình rút ra một bài học rằng: Dù buổi sáng mình có là ai ngoài xã hội với trách nhiệm gì, thì cuối ngày chỉ có cảm xúc bản thân mới là thứ làm cho mình muốn tiếp tục sống tiếp ngày mai.

minh ng vietcetera
Hình mình chụp tại nhà một người bạn ở Vũng Tàu vào đầu năm, khi mọi thứ vẫn còn bình yên hết sức. | Nguồn: Minh Ng cho Vietcetera

2. Tìm về những điều thiết yếu

Minh Ng, Creative Shop Lead

COVID không khiến mình mất việc, nhưng không phải ai cũng may mắn như mình.

Người thân của mình, một giáo viên phải kiếm kế để trang trải qua ngày. Hôm nay mình nghe nơi này cắt giảm nhân lực, ngày mai mình nghe một cái tên khác trong cộng đồng startup “bay màu”. Thành phố nhộn nhịp mình từng biết giờ treo đầy biển “Trả mặt bằng”.

Quần áo - thứ mình từng xem là ước mơ - giờ trở thành một đống vô nghĩa trước mắt mình, do chính mình tạo ra. Mình mất đi mối liên hệ với những thứ không phải là thiết yếu. Và từ trong đại dịch, mình hiểu thứ gì là thiết yếu:

  • Thông tin chất lượng: Giữa cơn bão tin giả, mình ở xa gia đình, bất lực nhìn bố mẹ cập nhật... tin giả. Mình có thể làm gì cho bố mẹ, khi mà tin giả trông thật đến mức người trong ngành như mình đôi khi còn giẫm phải mìn?
  • Tiền tiết kiệm: Nhỡ mai thức dậy mất việc, mình sống thế nào? Nhỡ mai thức dậy, mình muốn theo đuổi một công việc khác, mà không dám từ bỏ vì chẳng thể nuôi sống mình trong lúc thất nghiệp, rồi sao? Tại sao mình phải tiêu tiền vào những thứ [cùng những người] không khiến mình vui? Những ngày giãn cách xã hội, ai mong mỏi gặp mình, mình mong mỏi gặp ai - rõ ràng hơn bao giờ hết.
  • Sự cải tiến: Chúng mình từ chối chết vì cũ kỹ và thiếu hiểu biết. Trong đại dịch, mình chứng kiến không biết bao nhiêu lần công ty phải chuyển mình, tìm kiếm hướng đi mới, và thậm chí là làm lại từ đầu. May mắn là chúng mình vẫn ở đây cùng nhau, đi tìm giải pháp. Giữa những bất đồng và cãi vã, vẫn hiểu vì sao mình ở lại.

2020 với mình là một mớ hỗn độn, nhưng thật sự là không đến nỗi tệ. Mình lướt album hình và nhận ra điều đó.

nghĩa lecirc vietcetera
Đây là một bức hình mình chụp được trên đường Mai Chí Thọ. Mỗi lần mình nhìn nó, nó lại kể một câu chuyện khác nhau, lúc thì buồn, lúc thì buồn cười. Cũng như mỗi lần mình nhìn vào gương đều thấy khuôn mặt đó, nhưng câu chuyện bên trong thì luôn khác. | Nguồn: Nghĩa Lê cho Vietcetera

3. Phải tập thể dục thôi!

Nghĩa Lê, Editor Sáng Tạo

Năm 2020, ở nhà nhiều nên mình từng cảm nhận được sự xuống dốc của bản thân cả về tinh thần lẫn thể chất. Trước đó mình chưa bao giờ là một người thích vận động.

Đợt giãn cách xã hội, mình đã đổ hết sự tập trung, tiền bạc vào sức khỏe qua việc đi tập cùng huấn luyện viên, tự mua và chế biến đồ ăn lean. Sức khỏe là thứ dễ kiểm soát nhất, nên mình phải tập kiểm soát cái đó trước.

Hay cái là từ lúc bản thân được chăm sóc đúng mực thì cuộc đời mình cũng trở nên “gọn gàng”. Cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn thì tinh thần mình cũng sáng lên. Sướng thân rồi thì mọi chuyện chỉ có thể tốt lên, mình nghĩ thế.

tragrave nhữ vietcetera
Đợi 6 tháng, an tâm hơn về tình hình dịch, mình mới gặp gia đình. Mình vẽ em gái rất nhiều, khi em ngủ hoặc chạy ngoài bãi biển, và mình thương em nhiều. | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

4. Hãy khoan dung với bản thân

Trà Nhữ (@averagetea), Họa sĩ minh họa

Sau hai lần chết hụt vì tai nạn và một đợt nằm viện dài, mình rất nhạy cảm với các suy nghĩ xâm nhập (intrusive thoughts) về ốm bệnh và cái chết. Trong giấc mơ, các tế bào coronavirus rượt mình như những quả bóng gai khổng lồ.

Mình cố gắng lo nghĩ ít đi và cầm bút lên. Qua việc vẽ minh họa, và việc thực hành sáng tạo, mình có ngôn ngữ để biểu đạt bản thân, và có công cụ để đi tìm chính mình.

Ví dụ, mình nhận ra hình ảnh trước đây về cơ thể của mình rất méo mó! Năm nay, lần đầu tiên mình thấy bản thân đẹp, đơn thuần vì đây là thân thể (và tinh thần) duy nhất mà mình có. Mình cũng dành vài tuần để vẽ các cảm xúc mình hay gặp (lo âu, bất lực, cũng như tình yêu bao đồng cho cuộc sống). Thế là mình nhìn mớ cảm xúc hỗn độn của mình một cách khoan dung hơn.

5. Mị còn trẻ, mị muốn được vui

Mai Nguyễn, Editor Tin Tức

Mình bị trầm cảm từ năm 2015, kéo dài tới 2020. Năm 2018, sau cú sốc từ công việc, mình đã luôn tìm mọi cách để ở nhà. Nhưng vì năm nay là năm ai cũng ở nhà, mình nghĩ đã đến lúc làm một thứ khác với người ta.

Mình xin làm tình nguyện viên cho một homestay ở Đà Lạt, và ở đó gần một tháng. Ở homestay có rất nhiều người với nhiều câu chuyện buồn: một người anh cùng bạn gái mở tiệm bánh, sau khi chia tay thì buồn đời dẹp luôn cửa hiệu cả hai gầy dựng; một người chị phải trải qua cả thời tuổi trẻ để vượt qua ám ảnh bố bạo hành mẹ; một cặp đôi khác rất yêu thương nhau, nhưng hai anh chị phải chia tay sau cú sảy thai của chị…

Anh trai tiệm bánh tới giờ vẫn phải ngày ngày uống rượu mới ngủ được, có chị gái nọ thì trong mọi cuộc trò chuyện đều nói đến chuyện… chị ấy hay khóc!

Nói chuyện nhiều với mọi người, mình nhận ra một cách sâu sắc rằng: ai cũng có những nỗi đau riêng, quan trọng là cách mình đối diện với nó. Không lẽ cuộc đời cứ buồn hoài thế này sao, trong khi mình còn trẻ như vậy? Mình muốn được vui.

Mình ôm mẹ nhiều hơn thay vì liên tục “đốp chát” mấy câu hỏi mà mình cho là vớ vẩn. Mình dẹp bỏ mối tình đơn phương ba năm bằng cách tỏ tình. Mình nhận email phỏng vấn với Vietcetera, và giờ mình ở đây.

Bài học lớn nhất từ năm 2020 kéo dài tới năm 2021 của mình, là mỗi khi bực dọc hay buồn bã chuyện gì, mình hay tự hỏi bản thân là: có đáng không, khi cuộc đời ngắn ngủi như vậy? Nếu không đáng, mình sẽ bỏ qua. Nếu đáng, mình sẽ chiến đấu tới cùng.