Năm 18 tuổi lần đầu lên Hà Nội, tôi thuê một căn gác nhỏ trong một khu chung cư cũ ven thành phố. Căn gác đó mùa hè nắng hắt đổ lửa, sang đông thì gió rét căm đúng như bốn mùa Hà Nội cực đoan. Gia tài lớn nhất của thời sinh viên khi ấy là mấy chiếc đĩa CD nhạc cũ của Trần Tiến, Phú Quang, Văn Cao,... bố tôi cho mang theo.
Ca khúc đầu tiên của Phú Quang trong CD tôi nghe là “Em ơi Hà Nội phố" do Bằng Kiều thể hiện. Mở đầu bài hát là một giọng đọc đầy chất tự sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một con phố nhỏ phía sau ga Hàng Cỏ - phố Ngô Sĩ Liên. Hồi bé, cứ mùa hè về là tôi với lũ bạn bè cùng phố rủ nhau trèo lên những cây bàng xanh rợp lá…”, âm nhạc của Phú Quang cứ thế bước vào cuộc sống của tôi suốt những năm tháng ở Hà Nội theo cách đó.
Một gia tài hơn 600 bài hát cho nhiều thế hệ
Cũng như Đoàn Chuẩn, Phú Quang là tác giả để lại dấu ấn đặc biệt nhất, lãng mạn và khó quên nhất về Hà Nội thời chúng tôi. Dù hai người ở hai trường phái âm nhạc khác nhau, thế hệ khác nhau nhưng vẫn có nét chung về đề tài lãng mạn, bay bổng. Họ đều tìm thấy những giá trị tích cực nhất cho cuộc đời.
Âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt trong và ngoài nước suốt nhiều thập kỷ qua. Năm 1986, ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” ra đời, đưa tên tuổi nhạc sĩ Phú Quang đến gần hơn với công chúng và người trẻ như tôi. Bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” được nhà thơ Phan Vũ viết vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm trong mưa bom B52 xối xả.
Thế hệ những đứa trẻ lớn lên trên đất Bắc như tôi, giai đoạn chiến tranh năm đó in hằn trong ký ức ông bà, bố mẹ. Âm nhạc của Phú Quang cũng vì thế thay họ kể lên những câu chuyện về một thế hệ ly tán, tang thương, đồng thời cũng là sự an ủi sâu kín.
Tôi nhớ những ngày còn ở nhà cũ, mẹ hay kể tôi nghe về hình ảnh "người đàn bà giấu đêm vào trong tóc" mà Phú Quang đã xây dựng. Đó là hình ảnh một người phụ nữ đứng trước những kiêu căng của cánh đàn ông. Tôi đã học được những hình tượng về tình yêu của mẹ cũng từ âm nhạc của ông.
Hồi đó, Phú Quang thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo. Bùi Xuân Phái vẽ phố, còn Phú Quang nghĩ về phố. Cảm xúc, bối cảnh trong âm nhạc đều được ông lọc từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa đông Hà Nội mà chúng tôi vẫn say đắm.
Trong khi nhắc đến Hà Nội, người ta vẫn ca ngợi những cảm hứng mùa thu thì Phú Quang ấn tượng hơn hết thời khắc cuối thu đầu đông - đặc sản Hà Nội. Nhạc sĩ từng nói đó là quãng thời gian đẹp nhất, ai đã cảm nhận được vẻ đẹp của khoảnh khắc đó không thể nào quên. Tinh thần "Thu rất thật thu là khi chớm đông sang" xuất hiện trong nhiều ca khúc nổi tiếng với chúng tôi như "Im lặng đêm Hà Nội" hay "Đâu phải bởi mùa thu".
Không một người nào đã từng sống ở Hà Nội cùng thế hệ tôi lại chưa từng nghe qua những ca từ như “Sương giăng phố vắng, hàng cây lặng im, phố cổ mặc trầm" hay “Góc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông” qua giọng hát của Lê Dung, Thanh Lam, Hồng Nhung được phát trên những chiếc loa phường khi đi mọi người đi ngang qua ngã tư.
Một thế hệ người trẻ và người Hà Nội, như chúng tôi đã lớn lên cùng âm nhạc của Phú Quang, cùng những giai điệu khiến nỗi buồn như kéo dài vô tận, hạnh phúc cũng ngân lên vô tận.
Tình yêu với một thành phố đôi khi bắt đầu từ âm nhạc
Tôi vẫn nghĩ cái giỏi của người sáng tác là khi họ viết về một mảnh đất nào đó, dù không cần nhắc tới bất kỳ một địa danh cụ thể nào, nhưng "ai cũng biết đấy là đâu". Đó là cái tài của nét truyền thần, dựa trên “bộ nhận diện thương hiệu" đã được mặc định trong ký ức và ấn tượng của số đông về mảnh đất đó. Tôi cho rằng, Phú Quang là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho cái giỏi đó.
Ông viết về Hà Nội bằng sự ẩn ý, tài tình và tinh tế của một người từng trải, với một tình yêu vô điều kiện và không hoài nghi. Những bài hát như “Nỗi nhớ mùa đông”, “Về lại phố xưa” (phổ thơ Thái Thăng Long) hay “Tình khúc 24” (phổ thơ Dương Tường), trong đó ông không nhắc tới một câu Hà Nội hay địa danh nào, nhưng vẫn khiến người nghe nhận ra cái hồn của Hà Nội.
Đó là những ca khúc hội tụ đủ các chi tiết đã thành bản dạng của Hà Nội, của Phú Quang đan cài giữa tâm trạng và ngoại cảnh, như là "Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng” hay “Thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về". Tất nhiên, bên cạnh những người say mê nhạc của ông, có cả những người cùng thời sẽ cho đó là ca từ bay bướm có phần đỏng đảnh, sáo mòn.
Hà Nội của Phú Quang khác với Hà Nội trong tranh của Bùi Xuân Phái mà tôi vẫn biết. Đó không phải là sự cổ kính, trầm mặc với những mái nhà gối tiếp lên nhau, bán buôn chật kín. Hà Nội trong những lời ca của người nhạc sĩ tĩnh lặng hơn, đằm thắm hơn, riêng tư và thầm kín hơn. Có nhiều người cũng viết về Hà Nội như Hoàng Hiệp, Vũ Thanh với sự hào hùng, hoa lệ. Còn Phú Quang, tôi nghĩ ông đã mang vào trong âm nhạc của mình nỗi nhớ.
Phần lớn ca khúc hay của ông về thành phố này được ra đời trong mấy chục năm xa quê, như ông từng thú nhận: "Tôi chỉ viết về Hà Nội khi nào tôi nhớ thương không chịu được nữa. Có thể hay, có thể không nhưng chắc chắn trong đó có sự thật. Tôi bỏ Hà Nội đi Sài Gòn vì tôi muốn tìm điều gì mới lạ, và bởi lúc đó cũng có những điều buồn mình muốn giã từ. Nhưng chỉ được ba tháng là tôi khao khát được trở về.”
Khao khát được trở về ấy, tôi nghĩ hẳn giống như nỗi nhớ được “Chạm vai gầy áo mẹ" mà ông nhắc đến trong “Hà Nội ngày trở về".
Để chúng tôi biết rằng, sáng tạo nghệ thuật có thể dựa trên những chất liệu có sẵn
Hiếm có một nhạc sĩ nào trong nền âm nhạc Việt Nam có được biệt tài riêng như Phú Quang. Ông biết cách lọc được những chi tiết mang tính phổ quát để những người ở một không gian văn hóa khác, một vùng địa lý khác với Hà Nội vẫn thẩm thấu được.
Ví dụ, để diễn tả cái lạnh - "đặc sản" về Hà Nội - Phú Quang có hẳn một vốn từ đa dạng các lời thơ, được ông lọc lấy hoặc sáng tạo thêm: “Gió mùa đông bắc se lòng, chút lá thu vàng đã rụng", hay "để lại cho em hun hút con đường mong nhớ, bây giờ mùa thu trời mây mong manh quá", rồi thì “làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gãy", và cả "sương giăng trắng niềm mong chờ, chợt chiều đông lạnh giá đến bơ vơ",...
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phú Quang phần lớn không tự viết lời, mà thường phổ nhạc từ thơ. Nhưng chất liệu hình ảnh ông thu nhặt được từ thơ ca, để đưa vào nhạc khiến người nghe nhiều khi tưởng đó là những con chữ bước ra từ ông. Tôi luôn thấy ở ông có một sự phục hồi và tiếp nối những mỹ cảm của thơ ca, để xây dựng trong giai điệu âm nhạc một cách trầm bổng, hài hoà.
Biết bao nữ sinh 9x trong những ngày tháng sinh viên, mùa đông Hà Nội những năm tháng đã qua chìm đắm trong các giai điệu đầy khắc khoải, ngóng trông của Phú Quang, như những mối tình không thành của tuổi trẻ.
Nhạc sĩ đi xa nhưng tình yêu Hà Nội vẫn còn mãi
Dù có bao nhiêu tuổi, nghe đi nghe lại nhạc Phú Quang, tôi vẫn luôn thấy rằng âm nhạc của ông thấm đượm một nỗi buồn. Đó là nỗi buồn về tình yêu, của cuộc sống. Một nỗi buồn day dứt, một nỗi buồn khát khao, nỗi buồn chân thực và cũng là nỗi buồn muôn thuở của người nghệ sĩ.
Phú Quang bằng âm nhạc của mình, đã song hành, an ủi không biết bao nhiêu trái tim của những người yêu Hà Nội nói riêng và tha thiết với tình yêu, nghệ thuật nói chung như tôi, như những người khác. Sự vắng mặt của ông giờ đây hẳn sẽ để lại một khoảng trống trong lòng những người yêu âm nhạc Việt thế hệ 8x, 9x.
Xin tạm biệt nhạc sĩ Phú Quang, cảm ơn ông vì những đóng góp bền bỉ suốt một đời dành riêng cho nền âm nhạc Việt Nam.