Ngoài cấm thịt chó, Hà Nội còn những lựa chọn nào khác? | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 07, 2023
Cuộc SốngĐời sốngChọn

Ngoài cấm thịt chó, Hà Nội còn những lựa chọn nào khác?

Nhiều người phản đối việc ăn thịt chó, nhưng nếu cấm hẳn thịt chó thì nhiều người khác sẽ tức giận. Vậy phải làm thế nào để chiều lòng cả hai phe?
Ngoài cấm thịt chó, Hà Nội còn những lựa chọn nào khác?

Hình ảnh mang tính chất minh họa. | Nguồn: Klook

Ngày 4/7, trong buổi tọa đàm về việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi, các đại biểu đã đề xuất thí điểm việc hạn chế, giảm trừ và chấm dứt ăn thịt chó, thịt mèo tại thành phố Hà Nội. Nhìn chung, các đại biểu và chuyên gia tại buổi tọa đàm muốn ngưng hẳn việc tiêu thụ thịt chó và thịt mèo thông qua các quy định pháp lý hoặc thay đổi nhận thức của người dân và tập quán của cộng đồng.

Lý do mà các đại biểu đưa ra là để chiều lòng ngành du lịch, tránh việc “tạo những cảm xúc không tốt đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội” - theo ông Tạ Văn Tường, phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội. Còn trong quá khứ, người ta đã lên án việc ăn thịt chó với nhiều lý do khác nhau: không văn minh, man rợ, làm tăng tỉ lệ trộm chó, v.v.

Những số liệu thống kê cho thấy thị trường thịt chó, thịt mèo tại Hà Nội và ở Việt Nam đang giảm, nhưng đây vẫn là nhu cầu của nhiều người. Trước tình hình đó, nếu vẫn muốn thực hiện mong muốn cấm (hoặc ít nhất là hạn chế) thịt chó, thành phố Hà Nội có những phương án nào?

05jul2023hanoiduocdexuatthidiemlathanhphonoikhongvoithitchomeotoadam1688470647544width640height460jpg
Buổi tọa đàm vào ngày 4/7 tại Hà Nội. | Nguồn: 24h/VGP/HM

#Lựa chọn 1: Giám sát giết mổ, buôn bán thịt chó

Ta có thể giám sát việc tiêu thụ thịt chó như giám sát mọi loại thịt khác. Việc này bao gồm giám sát về giá cả, số lượng tiêu thụ, hay là chất lượng thịt. Điều này cho phép các hộ kinh doanh thịt chó tiếp tục công việc của mình, đồng thời tạo tiền đề cho việc tiết chế tiêu thụ từ từ theo thời gian.

Việc kiểm soát giá và các nguồn cung thịt chó hoàn toàn có thể có tác động tới thói quen ăn uống của người dân. Khi một bữa thịt chó thường ngày bỗng dưng có giá đắt gấp rưỡi, thì chắc hẳn những người hâm mộ của món ăn này cũng sẽ ít nhiều giảm cường độ tiêu thụ của mình đi.

Việc này còn có thể hạn chế tối đa nguy cơ lây lan bệnh dại hay các bệnh truyền nhiễm cho người sử dụng và người kinh doanh thịt chó. Đây là một nguy cơ có thật mà những chuyên gia ở buổi tọa đàm vào ngày 4/7 đã đặt vấn đề, cũng là một trong những lý do mà nhiều người viện dẫn để củng cố ý tưởng cấm thịt chó.

Để tác động từ từ vào thị trường thịt chó mà không tạo ra một cú sốc quá lớn, thành phố Hà Nội còn có thể tìm cách giới hạn số lượng chó tiêu thụ theo ngày hay theo tuần. Việc này có thể đạt được bằng cách kiểm soát các cơ sở nuôi và giết mổ, đưa ra quy định về sản lượng với các cơ sở này, từ đó giám sát những đơn vị trực tiếp bán thịt chó một cách gián tiếp.

#Lựa chọn 2: Biến Hà Nội thành thành phố… thuần chay

Đây là phương án cho những ai muốn cấm hoàn toàn thịt chó tại Hà Nội. Nếu đã cấm thịt chó thì khả năng cao sẽ phải cấm cả thịt những loài động vật khác, nếu không thì sẽ rất bất công cho các chú lợn, gà, ngỗng, hay cá. Bởi nếu tất cả các loài động vật (trừ con người) đều bình đẳng, thì hà cớ gì loài chó lại bình đẳng hơn các loài khác?

05jul20230345phunghung17033549jpg
Phố bích họa Phùng Hưng, nơi nổi tiếng với thịt chó. Vừa ăn thịt chó, vừa ngắm tranh, vừa thưởng đèn lồng. | Nguồn: Công Luận

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, chó là vật nuôi để yêu thương, còn các loài vật khác thì nuôi để chế biến. Trên thực tế, ý kiến này có phần bất công tới những loài vật khác, bởi nó hàm ý rằng trừ chó ra, chẳng có loài vật nào có khả năng yêu thương, hay có cảm xúc để trở thành vật nuôi.

Điều này rõ ràng là sai. Vẫn có những người lựa chọn ngỗng hay cá hay lợn làm vật nuôi, và suy rộng ra thì loài vật nào cũng có khả năng thương yêu và đáng được thương yêu. Vì thế, nếu đã cấm thịt chó, thì phải cấm luôn tất cả các loại thịt khác.

#Lựa chọn 3: Biến thịt chó thành mặt hàng tiêu thụ đặc biệt

Đây có lẽ là mức độ kiểm soát cao nhất đối với một loại hàng hóa. Khi thịt chó trở thành mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, giá của mặt hàng này sẽ cao hơn hẳn bởi thuế được cộng vào giá bán nên người tiêu thụ là người chịu thuế, dù cho người nộp thuế là cơ sở sản xuất.

Điều này sẽ khuyến khích người dân không ăn thịt chó, nhưng vẫn tôn trọng những người có nhu cầu và cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gián tiếp làm người dân nhận thức rõ hơn về sự lựa chọn thực phẩm của mình: nếu anh muốn ăn thịt chó, anh phải trả cái giá tương xứng.

#Lựa chọn 4: Cấm thịt chó trong khu vực nội thành

Phương án này góp phần giải quyết câu chuyện thịt chó từ góc độ du lịch. Nếu lo ngại rằng việc buôn bán thịt chó có thể khiến khách quốc tế có ấn tượng xấu, thì Hà Nội hoàn toàn có thể giới hạn những khu vực tiêu thụ mặt hàng này. Thịt chó sẽ không xuất hiện ở những địa điểm du lịch đông khách, không hiện hữu ở những con phố đông người.

Nếu làm được việc này, thì có lẽ Hà Nội nên quy hoạch luôn một số khu vực chuyên về nuôi chó lấy thịt bên cạnh các khu vực được bán thịt chó. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, vừa tạo ra những “vùng thịt chó” cho người có nhu cầu.

05jul2023thitchonhattan1jpg
Nhật Tân - thủ phủ thịt chó một thời tại Hà Nội. | Nguồn: Vietnamnet

Và nếu làm thực sự tốt, thì những “vùng thịt chó” ấy một ngày nào đó có thể trở thành những… khu du lịch, khu tham quan và trải nghiệm. Tại đó, khách du lịch sẽ được thăm thú quy trình nuôi những chú chó hạnh phúc, quy trình giết mổ nhân đạo. Tại đó, người ta sẽ đóng khung những mâm thịt chó như những tạo tác văn hóa đáng trân quý.

#Lựa chọn 5: Nâng tầm chó thành “quốc thú”

Một cách hiệu quả để vừa ngưng việc ăn thịt chó, vừa quảng bá hình ảnh Việt Nam yêu thương động vật là biến chó trở thành loài động vật quốc gia, thành vật nuôi quốc dân. Khi ấy, chó sẽ gắn với những giá trị của quốc gia, và xâm phạm vào chó sẽ là xâm phạm vào những giá trị ấy.

Việc gắn chó với những giá trị quốc gia là rất quan trọng, khiến cho loài vật này trở thành biểu tượng. Điều này là cần thiết bởi nếu không có lớp nghĩa biểu tượng này thì sẽ chẳng thể ngăn con người ta ăn chó.

Hãy thử nhìn sang một trường hợp khác: con trâu. Là linh vật Sea Games và được cho là tượng trưng cho đức tính cần cù, nhẫn nại, chăm chỉ của người Việt Nam, nhưng người ta vẫn làm xáo trâu và những quán phở trâu vẫn hoạt động.

Do đó, để biến chó thành một “vùng xám” không thể chạm tới, bắt buộc phải biến loài vật này thành biểu tượng quốc gia thông qua những chính sách và văn bản quy định cụ thể. Ta có thể chọn luôn những giống chó “thuần Việt” như chó Phú Quốc, chó Bắc Hà, hay chó Mông đuôi cộc làm biểu tượng quốc gia.

05jul2023chomongcoc2jpg
Nhiều người coi chó Mông cộc là "quốc khuyển" của Việt Nam. | Nguồn: Dongvat24h

#Lựa chọn 6: Hoàn thiện nghệ thuật nấu giả cầy

Nếu muốn bỏ thịt chó, thì phương án khả dĩ nhất là đưa ra một sự lựa chọn thay thế. Trong trường hợp ấy, món giả cầy trở thành món ăn thế chỗ hoàn hào.

Người ta có thể cảm nhận những hương vị đặc trưng của thịt chó mà không cần phải động tới một chú chó nào. Người ta có thể nấu giả cầy bằng thịt lợn, thịt ngỗng, thịt vịt, thịt gà, và nhiều loại thịt khác.

Tới một thời điểm nào đó, nếu món giả cầy đủ ngon, người ta sẽ quên luôn rằng từng có một món gọi là thịt chó. Sẽ không ai nhớ ra rằng trong "giả cầy" có "giả" hay cầy trong bát mình có thực sự là cầy hay không. Đây là một phương án phù hợp để vừa ngăn chặn việc tiêu thụ thịt chó, vừa phát triển nghệ thuật ẩm thực.