Nhân chứng người Việt kiện chính phủ Hàn Quốc vì tội ác chiến tranh | Vietcetera
Billboard banner

Nhân chứng người Việt kiện chính phủ Hàn Quốc vì tội ác chiến tranh

Khi vụ thảm sát diễn ra, bà Thanh mới chỉ 8 tuổi. Giờ đây, ở bên kia con dốc cuộc đời, bà đòi công lý cho bản thân và cho những người đã khuất.
Nhân chứng người Việt kiện chính phủ Hàn Quốc vì tội ác chiến tranh

Nguồn: VICE

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 09/8, bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi) và ông Nguyễn Đức Chơi (82 tuổi) bước ra từ Tòa án Trung ương quận Seoul (Seoul Central District Court) với tư cách nhân chứng cho vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra tại làng Phong Nhất và Phong Nhị (Quảng Nam) vào ngày 12/2/1968.

Buổi thẩm vấn nhân chứng kéo dài 6 tiếng đồng hồ ngày hôm đó là một phần trong vụ kiện do bà Nguyễn Thị Thanh đứng ra làm nguyên đơn. Bà Thanh kiện chính phủ Hàn Quốc vì tội ác chiến tranh, yêu cầu lời xin lỗi chính thức và khoản tiền bồi thường ước tính rơi vào khoảng 24 ngàn đô. Trước bà Thanh và ông Chơi, một cựu binh Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã đứng ra làm chứng.

17aug20221660634806081dsc03957jpg
Ông Nguyễn Đức Chơi và bà Nguyễn Thị Thanh trong buổi họp báo trước phiên tòa. | Nguồn: VICE

Vụ kiện bắt đầu từ tháng 4/2020 nhưng chưa có nhiều tiến triển do dịch bệnh. Việc làm chứng của bà Thanh và ông Chơi đánh dấu lần đầu tiên một phiên tòa tại Hàn Quốc đối diện với các nhân chứng sống người Việt về vấn đề thảm sát.

Đây cũng là nỗ lực pháp lý đầu tiên từ phía người sống sót để kiếm tìm công lý từ chính phủ Hàn ngay trên đất Hàn.

2. Sự kiện này có thể gây ra ảnh hưởng gì?

Vụ việc có thể tác động vào tâm lý và quan niệm của người Hàn Quốc về hình ảnh đất nước và quân đội của họ. Bên cạnh đó, vụ kiện gây áp lực lớn lên chính quyền của Tổng thống Yoon Seok-ryul trong việc nhận trách nhiệm và đền bù tổn hại.

Trong nhiều năm, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này đã phủ nhận tất cả cáo buộc liên quan tới các vụ thảm sát tại miền Trung Việt Nam. Nếu vụ kiện đạt kết quả có lợi cho bà Thanh, có thể chính phủ Hàn sẽ phải lật lại các phát ngôn của mình và cung cấp tài liệu từ cơ quan tình báo của nước này để phục vụ điều tra.

17aug2022171atdnjpg
Bức thư của tướng Westmoreland gửi lãnh đạo quân đội Hàn Quốc tại miền Nam Việt Nam về vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị. | Nguồn: Báo Thanh niên

Hình ảnh hai người già đi tìm công lý ở xứ người có tác động mạnh mẽ tới người Việt Nam nói riêng, và những nạn nhân chiến tranh nói chung. Vụ việc có thể thúc đẩy và tạo tiền lệ cho nhiều nạn nhân khác lên tiếng kể lại câu chuyện đau thương của họ.

Cuối cùng, một số người lo ngại sự việc sẽ làm tổn hại tới quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đối thoại với ý kiến này, bà Thanh cho rằng việc chính phủ Hàn nhận tội và chính thức xin lỗi bà sẽ chỉ làm quan hệ giữa hai nước bền chặt hơn chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực.

3. Đất nước Hàn Quốc phản ứng như thế nào?

Các cựu binh Hàn Quốc tại Việt Nam là những người đầu tiên lên tiếng phản đối phiên tòa và phủ nhận tội ác chiến tranh.

Họ cho rằng những điều họ làm không phải là thảm sát mà chỉ là một phần của chiến tranh. Những cựu binh này không những phủ nhận sự thật lịch sử, mà còn cố bảo vệ bản thân bằng cách phủ nhận cả những nhân chứng sống như bà Thanh.

17aug2022d3pau2qpxverje5mzvrnlytwryjpg
Những cựu binh Hàn luôn phủ nhận cái gọi là thảm sát tại miền Trung Việt Nam. | Nguồn: The Globe and Mail

Sự phủ nhận của cựu binh Hàn và sự lãnh đạm của chính phủ nước này dường như trái ngược với làn sóng thấu cảm đang dấy lên trong xã hội Hàn Quốc đối với các nạn nhân chiến tranh người Việt. Điều này là bởi nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là phụ nữ, cũng đã bị giết hại và hãm hiếp bởi Đế quốc Nhật trong khoảng 30 năm nước này đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Bà Thanh và những nạn nhân khác cũng nhận được sự ủng hộ từ truyền thông Hàn Quốc. Một tờ báo của Hàn mang tên The Hankyoreh đã sớm thực hiện các loạt phóng sự điều tra và phim tài liệu về tội ác của binh lính Hàn tại Việt Nam.

Chính đội ngũ của tờ này đã tạo điều kiện cho bà Thanh, ông Chơi, và nhiều nhân chứng khác tới Hàn Quốc để kể câu chuyện của mình. Họ cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa người Hàn Quốc và người dân tại các khu vực bị tàn phá nặng bởi chiến tranh nhằm thay đổi góc nhìn của chính người Hàn về quốc gia của mình.

4. Tại sao lính Hàn lại ở Việt Nam?

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hàn Quốc đã gửi khoảng 320 ngàn lính tới trợ giúp chính quyền miền Nam và chỉ đứng sau Mỹ về số lượng binh lính tham chiến. Sự hiện diện của đội viện binh này không chỉ có nguồn cơn chính trị, mà còn là một giải pháp kinh tế cho chính phủ Hàn Quốc.

Mỹ đã cung cấp nhiều lợi ích và viện trợ cho Hàn Quốc dựa theo sự ủng hộ và tham chiến của nước này bên cạnh Mỹ và chính quyền miền Nam. Thứ Hàn Quốc nhận được là các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, sự tiếp cận với các doanh nghiệp Mỹ, và mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Hàn.

Theo nhiều nghiên cứu lịch sử, quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc thảm sát bởi họ không phân biệt được và không muốn phân biệt giữa dân thường và binh lính.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không xuất hiện trong sách lịch sử phổ thông của nước này, và cho tới nay nhiều người Hàn vẫn không hay biết sự thật về các tội ác mà Hàn Quốc đã gây ra tại Việt Nam.

5. Bước ra từ bom đạn, con người chịu những tổn thương tâm lý gì?

Hai nhân chứng người Việt có nói rằng, nỗi đau bắt đầu sau khi vụ thảm sát kết thúc. Những thương tổn thể xác không còn nghĩa lý gì với họ khi phải chứng kiến những người thân trong gia đình bị sát hại. Với bà Thanh và các nạn nhân, những ký ức ấy vẫn khiến họ đau đớn ngay cả khi hàng chục năm đã trôi qua.

17aug20224066639jpg
Đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị tại Quảng Nam. | Nguồn: The New York Times

Những cựu binh từng tham chiến, dù là người Việt, người Mỹ, hay người Hàn, đều mang trong mình những ám ảnh. Nhiều người lính Việt sau khi trở về đã phải dành phần còn lại của cuộc đời trong nhà thương điên vì ám ảnh về bom đạn và cái chết của đồng đội.

Ở Mỹ, người ta đã phải xây dựng vô số trung tâm, chương trình trị liệu, và các dự án nghiên cứu để giúp các cựu binh tại Việt Nam khắc phục tổn thương tâm lý hậu chiến tranh. Bên cạnh đó, việc một cựu binh Hàn Quốc đứng ra làm chứng cũng cho thấy rằng tòa án lương tâm không buông tha cả nạn nhân lẫn thủ phạm.