Một ngày đầu tháng Sáu, tôi nhận được lời mời nhập học từ một ngôi trường bí ẩn nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc. Thật tiếc là tôi không phải Harry Potter và thư gửi qua mail nên chắc chắn không phải trường Hogwarts. Dù vậy, Đại học Lamarck vẫn là cái tên gây tò mò, thúc giục tôi mở ngay máy tính để tìm kiếm tên trường trên bản đồ.
Lạ thay, kết quả trả về lại bằng 0.
Đổi lại, tôi tìm thấy một khu nghỉ dưỡng 5 sao có 231 căn phòng, suite, villa nằm bên bờ Bãi Khem, cùng địa điểm với ngôi trường. Để kiểm chứng, người viết đã theo lời mời bắt chuyến bay hơn 1 tiếng từ TP.HCM và thêm 20 phút đi xe, với niềm khấp khởi trước chuyến nghỉ dưỡng 3 ngày kỳ lạ dưới vai trò “tân sinh viên".
Ngôi trường không có trên bản đồ
Đại học Lamarck thực tế là một câu chuyện giả tưởng mà kiến trúc sư Bill Bensley muốn kể thông qua khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay Resort & Spa. Như một J. K. Rowling của giới kiến trúc, “ông hoàng resort" Bensley có khả năng kể chuyện qua kiến trúc tài tình đến mức… khó tin Đại học Lamarck chỉ nằm trong trí tưởng tượng.
Chuyện kể rằng Đại học Lamarck mở cửa từ năm 1880 chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực Tự Nhiên Học. Vào năm 1940, ngôi trường bị đóng cửa đột ngột nhưng vẫn đứng vẫn sừng sững với thời gian. Đến năm 2015, kiến trúc sư Bill Bensley “hô biến” ngôi trường bỏ hoang này thành khu nghỉ dưỡng 5 sao JW Marriott Phú Quốc như hiện nay.
5.000 “mảnh ghép” từ 40 quốc gia
Điều khiến câu chuyện về Đại học Lamarck chân thật hơn bao giờ hết nằm ở hơn 5.000 món đồ cổ được trưng bày khắp nơi trong khu nghỉ dưỡng. Đội ngũ của Bensley cất công chu du đến 40 quốc gia để sưu tầm số “mảnh ghép" này cho bức tranh Lamarck.
Mỗi món đồ được sắp đặt tại JW Marriott Phú Quốc đều gắn với một câu chuyện lịch sử của ngôi trường. Ví dụ như những dụng cụ thể thao như mái chèo, vợt tennis gỗ, đồng phụ, những bức hình chụp tập thể đã bạc màu được treo dọc hành lang tới đại sảnh, những chiếc cúp chiến thắng xỉ màu nằm hiên ngang trong chiếc tủ kính,.. Tất cả đều là những mảnh ghép kể câu chuyện về đội thể thao Lamarck vang danh một thời.
Ngôi trường được đặt tên theo nhà bác học người Pháp Jean Baptiste Lamarck nên hình ảnh của vị bác học này cũng xuất hiện trang trọng tại những không gian chung của khu nghỉ dưỡng như đại sảnh - vừa hay là thư viện của thầy hiệu trưởng.
Là thư viện dĩ nhiên không thể thiếu sách, hơn 1.500 đầu sách có tuổi đời đến 200 năm vượt năm châu bốn bể tề tựu ở đây. Chúng được bảo quản trong những tủ sách gỗ cao chạm trần mà phải ngửa cổ gần 90 độ mới bao quát hết.
Hướng dẫn nhập học cho tân sinh viên
Đại học Lamarck có 18 khoa, từ khoa tự nhiên, xã hội, nông nghiệp, cho đến động vật học và hoá học. Mỗi phân khoa lớp học ứng với một khối kiến trúc cùng một gam màu đặc trưng.
Là tân sinh viên, bài học đầu tiên tôi được là tìm hiểu về khuôn viên và lịch sử của trường. Ngôi trường rộng tới 9 héc ta nên khó mà khám phá hết chỉ bằng việc đi bộ, vì vậy xe điện luôn túc trực để sẵn sàng đưa đón sinh viên kịp “lịch học”.
Từ đại sảnh, chiếc xe điện chở tôi băng băng trên con đường Rue De Lamarck - khu phố cổ Hội An thu nhỏ, lướt qua từng toà nhà khoa đầy màu sắc, sân vận động, đường chạy ngoài trời và cuối cùng dừng lại toà nhà khoa Kiến trúc ở đỉnh dốc. Đây cũng là nơi mà tôi sẽ “nhập học” và nghỉ dưỡng.
Căn phòng tôi sẽ ở trong 3 ngày tới sở hữu một khu vườn nhỏ, hướng thẳng ra Bãi Khem êm đềm. Nội thất trong phòng chủ yếu là đồ gỗ xa xỉ với tông nâu trầm, kết hợp với hoa văn và cửa lá sách mang đậm dấu ấn của kiến trúc Pháp cổ điển. Phòng tắm cũng được tách riêng với nhà vệ sinh, chiếm một không gian đáng kể như lối sống của giới thượng lưu.
Vì là khoa Kiến trúc nên trong phòng cũng treo rất nhiều hình chụp về các công trình nội thất nổi tiếng.
Điểm ấn tượng nhất ngay khi bước vào căn phòng này hẳn là thiết kế ánh sáng ngập tràn từ mọi hướng. Đây cũng là điểm chung của mọi căn phòng tại JW Marriott Phú Quốc.
Tới khi đêm xuống, căn phòng được bao bọc trong một màu vàng ấm dễ chịu. JW Marriott Phú Quốc loại bỏ hoàn toàn ánh sáng trắng trong phòng, và thay bằng rất nhiều đèn vàng với công suất phù hợp ở từng khu vực lắp đặt (đèn nhiều đến mức tôi loay hoay một lúc mới khám phá hết công tắc trong phòng).
Với vị trí đắc địa, dịch vụ tận tâm và tiện ích sang trọng, JW Marriott Phú Quốc liên tiếp được World Travel Awards vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng và Spa hàng đầu" của Châu Á và thế giới từ năm 2017 đến 2023.
Ngoài Lamarck, JW Marriott Phú Quốc còn kể câu chuyện gì?
Từ nông trại và đại dương đến bàn ăn
Tôi “nhập học” đúng vào lúc khu nghỉ dưỡng tổ chức Tuần lễ Ẩm thực Bền Vững SEAGAN nhằm hưởng ứng Ngày Đại Dương Thế Giới (World Ocean Day) và Ngày hội Sức khỏe Toàn cầu (Global Wellness Day).
Với thế trước giáp biển sau giáp núi, JW Marriott Phú Quốc được phú cho nguồn thực phẩm tươi, dồi dào và đầy dưỡng chất cho các “sinh viên”.
Diễn ra trong 4 ngày từ 6-10/6, chương trình hội tụ đội ngũ đầu bếp tài năng từ hệ thống khách sạn JW Marriott ở Hà Nội, Thái Lan và Phú Quốc để cùng tạo ra một thực đơn lành mạnh và nguồn nguyên liệu địa phương: rau củ quả và gia vị từ khu vườn hữu cơ (JW Garden) và hải sản mà thiên nhiên hảo sảng tặng cho Đảo Ngọc.
Trong suốt Tuần lễ Ẩm thực, 4 nhà hàng signature của JW Marriott Phú Quốc là Tempus Fugit, Red Rum, Pink Pearl, và French & Co xây dựng một thực đơn đặc biệt, phục vụ ẩm thực từ Âu đến Á. Mỗi thực đơn không chỉ là một bữa tiệc nơi hương vị các nền ẩm thực giao hoà, mà còn là một bài học về sáng tạo và bền vững.
Nhà hàng Tempus Fugit
Nằm ngay cạnh Bãi Khem, nhà hàng Tempus Fugit mở cửa cả ngày, phục vụ buffet sáng và thực đơn À la carte cho bữa trưa và tối. Đây cũng là nơi dùng bữa sáng yêu thích của đa số “sinh viên".
Gợi ý từ đầu bếp: Khai vị nhẹ nhàng với món Gỏi xoài ốc tỏi hay Cá hồi tẩm ướp gia vị; bữa chính giàu đạm với Bò Wagyu lá lốt nướng; tráng miệng với món Pudding gạo xoài của Ấn.
Nhà hàng Red Rum
Khác với cái tên, nhà hàng Red Rum không hề có sắc đỏ, nhưng lại mướt mát sắc xanh từ nội thất đến cảnh biển lấp lánh và gió trời man mát.
Không chỉ tập trung vào ẩm thực Mỹ Latin như thông thường, đầu bếp Ata Dikenlitepe và đầu bếp Thái Thanh Tuấn mang đến Red Rum một thực đơn SEAGAN phá cách: ẩm thực Nikkei - sự kết hợp giữa hương vị Nhật Bản và Nam Mỹ.
Gợi ý từ đầu bếp: Khai vị với Maki tôm hùm chiên giòn hay Sashimi cá bớp Phú Quốc; bữa chính no nê với Tonkatsu thịt heo và phô mai; tráng miệng với món Mousse sô-cô-la không quá ngọt.
Nhà hàng Pink Pearl
Pink Pearl là một biệt phủ màu hồng gợi nhớ đến thời kỳ vàng son của nhạc Jazz những năm 1920 ở Mỹ, hay còn biết đến là thời kỳ của Gatsby. Đây từng là biệt phủ nơi Pink Collins - vợ hiệu trưởng đời đầu của trường Đại học Lamarck từng sinh sống.
Bếp trưởng Danny cùng đội ngũ của chiêu đãi các “sinh viên” tham dự thực đơn tối 7 món cùng một loại cocktail được chuyên gia pha chế Quang Anh đến từ JW Marriott Hà Nội sáng tạo.
French & Co.
Không phải nhà hàng, French & Co. là một quán cà phê trà chiều, phục vụ cả bánh ngọt và bánh mặn, vừa ngon miệng vừa ngon mắt.
Tại đây, đầu bếp Gìn của French & Co. sẽ tuyển chọn mật ong tự nhiên tại Phú Quốc cùng với các nguyên liệu được hái trực tiếp từ vườn hữu cơ (JW Garden). Cũng tại đây, tôi được đầu bếp Ploy từ JW Marriott Bangok hướng dẫn chế biến món Tomyum đặc trưng của Thái.
Gợi ý từ đầu bếp: Trải nghiệm trọn thực đơn ngọt với set trà chiều cho 2 người, kèm vài món mặn như Gỏi cuốn trái cây và Sò điệp xốt xoài để cân bằng vị giác.
Tìm hiểu về "ngôi trường đại học" duy nhất ở Phú Quốc và trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp tri thứ có một không hai tại đây.