Đúng 4 tháng trước khi Cô Vy ghé thăm, từ Việt Nam, mình sang Canada học trao đổi. Như đứa con xa quê vừa kịp chạm ngõ nhà lúc giao thừa, mình kịp về nước trước khi biên giới đóng cửa, kịp có những buổi sáng thảnh thơi đi dạo giữa Toronto, kịp nhìn thấy “phố cầu vồng”.
Sáng hôm ấy, có dịp đi học ở downtown, mình quyết làm một vòng quanh các con đường trung tâm thành phố. Vì chỉ ở đây trong một học kỳ, nên mình nghĩ sẽ rất uổng, nếu không tranh thủ hết cỡ đi thăm thú.
Sự hiếu kỳ đưa mình từ “thiên đường mua sắm” Eaton, đến “đại lộ ăn chơi” Yonge, đến rạp phim cổ Carlton, đến ngã tư giao lộ Carlton - Church. Vũ trụ gửi tín hiệu, cứ thế mình rẽ vào Church, để rồi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác ở khu phố có-một-không-hai này.
Trên mỗi bước chân, mình đều thấy cầu vồng. Đỏ - cam - vàng - lục - lam - chàm, cứ thế lấp lánh ở các mảng tường, cửa hiệu. Sáu màu ấy xuất hiện trong mọi hình thái, từ cờ, đến vạch kẻ đường, bảng hiệu, băng rôn, cửa sổ, mái nhà.
Dân Toronto gọi nơi đây bằng cái tên thân mật “The Village”. Đúng như tên gọi, con đường này là một ngôi làng thu nhỏ, là điểm hẹn văn hóa, mua sắm, vui chơi sôi nổi nhất của cộng đồng LGBT+ không chỉ ở Canada, mà còn trên thế giới.
Hằng năm cứ đến tháng 6, Tháng Tự Hào, phố Church bình thường đã “nổi”, lại càng muôn màu.
Con đường huyết mạch của cộng đồng LGBT+ tại Toronto, vào khoảng thời gian này, đón hàng nghìn, có khi đến hàng triệu người (như năm 2014) tham gia vào các cuộc diễu hành lớn nhất hành tinh. Đó là những ngày phố Church lộng lẫy cực độ, và rợp bóng “cầu vồng”.
Hôm ấy, tuy không phải tháng 6, nhưng con đường vẫn đủ sức khiến một người xa lạ với tất cả những điều này như mình, có nhiều cảm xúc. Bồi hồi, hứng khởi, tự hào, sung sướng, yêu đời!
Nhưng không riêng gì bản thân, mình tin bất cứ ai khi đi qua con phố này cũng sẽ cảm thấy như vậy, bởi vì:
“Không có sự thù ghét nào trong ngôi làng của chúng ta”
“Nhật Ký” là series kể lại những trải nghiệm khó quên.