Tóm Lại Là: Những điều ta không biết về 100.000 ca tử vong ở Mỹ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Những điều ta không biết về 100.000 ca tử vong ở Mỹ

Đằng sau dự án tưởng niệm 100.000 ca tử vong ở Mỹ, là sự đau thương mà đại dịch Covid-19 này để lại cho đất nước này
Tóm Lại Là: Những điều ta không biết về 100.000 ca tử vong ở Mỹ

Tóm Lại Là: Những điều ta không biết về 100.000 ca tử vong ở Mỹ

1. Có gì mới trên trang chủ New York Times?

Ngày 24/05, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ cán mốc 100.000. Trang nhất của tờ báo New York Times trở thành trang tưởng niệm. Và nó ngay lập tức viral trên toàn thế giới.

Trang báo ba mặt này gồm 14 cột, không hình, chỉ toàn chữ. Trên đó là 1.000 cái tên trong số 100.000 ca tử vong. Gọi những mất mát này là “không thể đếm được”, New York Times nhìn lại cuộc đời của những người đã khuất.

Bạn có thể xem phiên bản online interactive của trang tưởng niệm tại đây.

Những điều ta khocircng biết về 100000 ca tử vong ở Mỹ

2. Một-trăm-ngàn người nhiều đến mức nào?

100.000 người tương đương với một nửa số dân quận 1 Sài Gòn; số người tử vong nếu 500 chiếc máy bay rơi; và gấp đôi số lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.

“Hãy tưởng tượng một thành phố nhỏ gồm 100.000 người vừa cùng nhau đón năm mới vài tháng trước. Và bây giờ tất cả đều đã bị xóa bỏ khỏi bản đồ nước Mỹ,” trang tưởng niệm viết.

3. Một-trăm-ngàn mảnh đời, họ là ai?

Trên tờ New York Times, họ xuất hiện cùng tên, tuổi, nơi sống, và cống hiến cho xã hội.

Có những người để lại thành tựu to lớn.

“Lila A. Fenwick, 87, New York, người phụ nữ da đen đầu tiên tốt nghiệp trường Luật Harvard.”

“Larry Rathgeb, 90, West Bloomfield, kỹ sư đằng sau chiếc xe 200-m.p.h đầu tiên.”

“Kious Kelly, 48, New York, y tá trong trận chiến với Covid.”

“Thomas Waters, 56, thúc đẩy phong trào nhà ở miễn phí bằng data và phân tích số liệu.”

Những điều ta khocircng biết về 100000 ca tử vong ở Mỹ

Có những người rất đỗi bình thường, nhưng để lại tình yêu to lớn.

“Bassey Offiong, 25, Michigan, nâng đỡ bạn bè trong những lúc khó khăn nhất, và giúp họ trở thành phiên bản tốt nhất của mình.”

“George Freeman Winfield, 72, có thể trồng bất cứ thứ gì.”

“Louvenia Henderson, 44, Tonawanda, mẹ đơn thân của ba đứa trẻ.”

“Lynne Sierra, 68, Roselle, một người bà đầy ý tưởng.”

“Regina D. Cullen, 81, Shrewsbury, nhỏ con nhưng trái tim lớn.”

Họ từng là chúng ta. Họ đã có thể là bất cứ ai trong chúng ta. Giữa đại dịch, trong giờ phút sinh tử, họ chỉ có một mình.

4. New York Times nói gì trên trang tưởng niệm?

Trong những dòng bình luận ít ỏi, New York Times viết:

“Một-trăm-ngàn.

Một con số có thể là câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi. Nhưng nó không thể đong đếm được nỗi đau mất mát. Nó không thể tượng trưng được cho những ngã rẽ cuộc đời, cũng như 100.000 cách chào ngày mới và cái hôn chúc ngủ ngon.”

“Vì sao điều này lại xảy ra ở nước Mỹ năm 2020? Vì sao tỉ lệ tử vong ở cộng đồng người da đen và Latin lại cao như vậy? Vì sao các viện dưỡng lão quá tải? Những câu hỏi này sẽ ám ảnh chúng ta trong nhiều thập kỷ tới.”

5. Trang tưởng niệm của New York Times được tạo nên như thế nào?

Đội ngũ 33 người của New York Times thu thập những dòng cáo phó từ hàng trăm tờ báo ở khắp nước Mỹ. Sau đó, họ chọn ra 1.000 cái tên để đưa vào dự án này.

6. Vì sao New York Times đăng trang tưởng niệm này?

Nước Mỹ hiện đang là tâm dịch lớn nhất trên thế giới. Tình hình càng trở nên căng thẳng trước áp lực mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh việc tưởng niệm nạn nhân COVID-19, New York Times còn rung hồi chuông cảnh tỉnh với những người biểu tình chống giãn cách xã hội.

Bài báo này cũng phần nào nhắc nhở người dân trên toàn thế giới chuẩn bị tâm thế chiến đấu với làn sóng thứ hai của đại dịch.

7. Hôm nay là ngày gì ở nước Mỹ?

Trùng hợp thay, ngày 25/05 cũng là ngày Lễ Tưởng niệm (Memorial Day) ở Mỹ. Đây là ngày lễ diễn ra vào thứ Hai cuối cùng của tháng 5, tưởng nhớ những quân nhân Hoa Kỳ đã tử trận.

Năm nay, đây cũng là ngày hạ chí, báo hiệu một mùa hè tang tóc.