Những giấc mơ kỳ vĩ của đạo diễn điên rồ nhất thế giới | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 08, 2022
Điện ẢnhDVD

Những giấc mơ kỳ vĩ của đạo diễn điên rồ nhất thế giới

Ở tuổi 80, những giấc mơ kỳ vĩ của Werner Herzog - vị đạo diễn thuộc phong trào “The New German” này vẫn chưa dừng lại.
Những giấc mơ kỳ vĩ của đạo diễn điên rồ nhất thế giới

Đạo diễn Werner Herzog | Nguồn: The New York Times

Hơn 20 năm trước, lần đầu tiên tôi biết đến cái tên đạo diễn người Đức Werner Herzog khi thưởng thức bộ phim điên rồ và loạn trí nhất mà tôi từng xem Fitzcarraldo (1982) tại rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque.

Ngay sau đó, tôi tiếp tục xem bộ phim tài liệu Burden of Dreams ghi lại quá trình thực hiện Fitzcarraldo với những câu chuyện trên phim trường và cả những giai thoại nằm ngoài sự tưởng tượng.

Bộ đôi phim này (phải xem cùng nhau) khiến tôi phải đưa Werner Herzog vào danh sách những đạo diễn yêu thích và ngưỡng mộ nhất vì tham vọng tạo ra một thứ điện ảnh phi thực và sự điên rồ song hành của ông.

Đến tận bây giờ, tôi có thể chắc chắn một điều, nếu Werner Herzog đứng thứ 2, không ai dám đứng số 1 trong số những đạo diễn điên rồ trong thế giới điện ảnh, cho dù ông chưa phải là những huyền thoại điện ảnh, như Francis Ford Coppola hay Stanley Kubrick.

“Chỉ những kẻ mơ mộng mới dám dời núi" hay người tâm thần loạn trí?

Fitzcarraldo kể về một vị nam tước giàu có, kẻ bị ám ảnh bởi tình yêu opera và khát vọng thực hiện giấc mơ không tưởng và kỳ vĩ nhất của cuộc đời mình: xây dựng một nhà hát opera giữa cánh rừng già Amazon vào những năm đầu thế kỷ 20.

Trong quá trình vận chuyển thiết bị vào rừng, khi nhánh sông không thể đi được vì hiểm nguy phía trước, ông và thủy thủ đoàn quyết định kéo con tàu hơi nước nặng 320 tấn qua một ngọn đồi để có thể tiếp tục di chuyển ở nhánh sông bên kia.

Vấn đề là để quay bộ phim này, Werner Herzog thực hiện tất cả những ý tưởng táo bạo của mình mà không hề sử dụng một hiệu ứng đặc biệt nào cả. Ông cũng không sử dụng kịch bản phân cảnh mà hoàn toàn ứng biến trên trường quay, tất cả đều diễn ra giữa những cánh rừng rậm rạp của Amazon và xa lánh thế giới văn minh của loài người.

alt
Nguồn: Fitzcarraldo

Quá trình thực hiện bộ phim này đầy rẫy những câu chuyện khét tiếng nhất trong thế giới điện ảnh. Hay nói cách khác, giấc mơ kỳ vĩ của nhân vật chính trong bộ phim cũng chính là giấc mơ của Herzog. Đoàn làm phim đã ở trong rừng rậm Amazon với những điều kiện sống thiếu thốn và khắc nghiệt trong suốt cả năm trời mà không ai được rời bỏ đoàn.

Diễn viên, ê kíp của đoàn làm phim luôn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập, bởi những sợi dây cáp để kéo chiếc tàu qua núi có nguy cơ bị đứt bất cứ lúc nào và có thể chôn vùi họ. Một đám cháy lớn hủy hoại phim trường.

Một thành viên trong đoàn làm phim bị rắn độc cắn nguy hiểm đến tính mạng. Để cứu mạng sống, không còn cách nào khác, đạo diễn ra lệnh phải cưa một chân của anh ta bằng máy cưa và Herzog coi đó là quyết định sáng suốt. Bản thân ông cũng bị sốt rét và ký sinh trùng suýt chết.

Nam diễn viên chính của phim – Klaus Kinski (đóng vai Fitzcarraldo) vốn là một diễn viên ruột và bạn thân của Herzog cũng trở nên loạn trí như nhân vật ông đóng, năm lần bảy lượt đòi bỏ đoàn làm phim vì quá sức chịu đựng. Sự điên loạn của Kinski khiến những người trong đoàn làm phim điên theo và đòi giết ông.

Cuối cùng, chính Herzog là người phải cầu xin và thuyết phục mọi người đừng giết Kinski, vì cần anh ta để hoàn thành bộ phim.

Fitzcarraldo là bộ phim tham vọng và minh chứng cho những khát vọng phá bỏ những giới hạn của Werner Herzog trong điện ảnh. Hay nói cách khác, Fitzcarraldo cũng chính là Herzog.

Để thực hiện bộ phim này, ông luôn tìm mọi cách để có được những cảnh quay hoàn hảo nhất, bất chấp hậu quả có thể là gì. Giống như một câu thoại trong phim: “Chỉ những kẻ mơ mộng mới dám dời núi,” bộ phim là ẩn dụ cho khát vọng chinh phục thiên nhiên và khát vọng thực hiện những điều không tưởng. Nhất là khi con người hiện đại ngày càng trở nên thúc thủ an toàn, trong vòng xoay tẻ nhạt của cuộc sống đời thường.

Werner Herzog mất tới 4 năm để thực hiện bộ phim táo bạo này. Năm 1982, khi mang Fitzcarraldo tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes, bộ phim đã khiến nhiều khán giả bàng hoàng bởi những trải nghiệm điện ảnh chưa từng có mà họ thưởng thức trong suốt gần 160 phút. Ban giám khảo của LHP Cannes năm đó đã trao cho Werner Herzog giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

Kẻ ăn giày, ăn giòi và dọa bắn diễn viên chính của mình

Werner Herzog là nhà làm phim vừa lập dị vừa tiên phong, được biết đến với quy trình làm phim độc đáo. Ví dụ như ông bỏ qua bảng phân cảnh, nhấn mạnh vào sự ứng biến, đặt dàn diễn viên và đoàn làm phim vào những tình huống tương tự như các nhân vật trong phim của ông. Điều này khiến các thành viên trong đoàn làm phim và ngay cả bản thân ông nhiều lần rơi vào sự nguy hiểm tính mạng.

Thậm chí, người ta còn nói rằng, việc Werner Herzog sống được đến ngày hôm nay là một điều kỳ diệu. Ngay từ khi mới khởi nghiệp từ cuối thập niên 60, đầu 70, Herzog có tham vọng thực hiện những bộ phim bất khả thi, điên loạn và nguy hiểm đến tính mạng.

Herzog cũng kích thích sự sáng tạo vượt ra mọi giới hạn và khuôn mẫu của điện ảnh. Sau khi thua trong một cuộc cá cược với đạo diễn phim tài liệu Errol Morris vì mục đích kích thích sự sáng tạo và truyền cảm hứng làm phim cho các đạo diễn cùng thế hệ, Herzog phải tự ăn chiếc giày của mình.

alt
Nguồn: Aguirre, the Wrath of God

Ông cũng từng ăn giòi để “thị phạm” cho Christian Bale khi mời anh đóng vai một phi công người Mỹ bị bắn rơi máy bay và phải ăn giòi để sinh tồn khi lẩn trốn trong rừng sâu nhiệt đới ở Việt Nam.

Ông còn tung mình lên một cây xương rồng để cổ vũ đoàn làm phim sau một loạt thảm họa trên trường quay trong quá trình sản xuất bộ phim Even Dwarfs Started Small (1970). Vào năm 1974, ông đi bộ 600 dặm từ Munich đến Paris để thăm nhà phê bình người Đức Lotte Eisner đang hấp hối. Hành trình này được ông ghi lại trong cuốn sách “Đi bộ trên băng.”

Herzog từng cứu Joaquin Phoenix ra khỏi một vụ tai nạn ô tô ở Los Angeles. Vài ngày trước khi cứu sống Phoenix, ông đã bị một kẻ quá khích bắn súng hơi khi đang trả lời phỏng vấn của kênh BBC. Khi thấy vết thương không nguy hiểm đến tính mạng, Herzog vẫn tiếp tục trả lời phỏng vấn.

Một trong những kiệt tác quan trọng nhất của ông là bộ phim Aguirre, the Wrath of God (1972). Đây là bộ phim chính kịch mang hơi hướng sử thi do Werner Herzog sản xuất, viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim này cũng khởi đầu cho mối quan hệ vừa bạn thân vừa thù địch giữa Herzog và Klaus Kinski.

Sử dụng cách tiếp cận tối giản cho câu chuyện và lời thoại, bộ phim tạo ra một viễn cảnh về sự điên rồ của những con người nhỏ bé chống lại thiên nhiên hoang dã. Việc quay bộ phim này cũng đầy rẫy sự nguy hiểm và khó khăn, kéo dài suốt 5 tuần gian khổ tại những khu rừng nhiệt đới của Peru và trên sông Amazon.

Các diễn viên và đoàn làm phim phải leo núi, tự mở đường đến các địa điểm rừng rậm khác nhau, cưỡi trên những thác ghềnh uy nguy hiểm với những chiếc bè đơn giản do những người thợ thủ công bản địa đóng.

Cho dù là bạn thân, mối quan hệ giữa Herzog và Kinski diễn ra đầy căng thẳng trong suốt thời gian quay phim. Cơn phẫn nộ của Chúa cũng gây ra cơn thịnh nộ của Kinski. Ông “khủng bố” những người trong đoàn làm phim và những người dân địa phương đang tham gia quá trình sản xuất phim.

Đỉnh điểm của cơn thịnh nộ là Kinski đòi bỏ ngang đoàn làm phim để trở về Đức. Werner Herzog đã lắp hai viên đạn vào nòng súng, chĩa thẳng vào nam diễn viên chính và người bạn thân của mình, lên giọng: “Nếu ông bỏ đoàn phim, tôi sẽ bắn ông và sau đó sẽ tự sát.” Klaus Kinski biết bạn của mình không dọa suông. Ông buộc phải nhượng bộ và hoàn thành bộ phim.

“Đạo diễn phim quan trọng nhất còn sống"

Trong sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần 6 thập niên với hơn 70 bộ phim, bao gồm phim truyện hư cấu lẫn phim tài liệu, Werner Herzog đã tạo ra vô số bộ phim về những kẻ mơ mộng, vĩ cuồng và loạn trí như thế. Tất nhiên, đạo diễn của chúng là và loạn trí không kém gì những nhân vật của ông.

Để thực hiện những bộ phim giàu tham vọng của mình, Herzog đã đặt chân đến những nơi hẻo lánh và xa xôi nhất của trái đất để thực hiện chúng. Hết bộ phim này đến bộ phim khác, Herzog sẵn sàng đến những vùng đất khắc nghiệt hoặc hiểm nguy nhất, để kể những câu chuyện không tưởng và làm nên các bộ phim đậm chất phiêu lưu, du ký, thám hiểm tuyệt vời.

Sau khi xây dựng một sự nghiệp điện ảnh nổi danh quốc tế từ cuối thập niên 60 đến những năm 80, thời kỳ đỉnh cao của những đạo diễn thuộc trào lưu “The New German,” Werner Herzog đã chuyển sang Mỹ để tiếp tục thực hiện những bộ phim của mình.

alt
Nguồn: Queen of the Desert

Không giống như những đạo diễn nước ngoài khác bắt đầu sa sút sự nghiệp khi làm việc dưới sức ảnh hưởng của Hollywood, Herzog vẫn chứng tỏ nguồn năng lượng chưa bao giờ cạn kiệt của mình qua một số tác phẩm, cả hư cấu lẫn tài liệu xuất sắc như Grizzly Man (2005), Rescue Dawn (2007) với Christian Bale đóng chính hay Bad Lieutenant: Port of Call, New Orleans (2009), với Nicolas Cage đóng chính.

Tất nhiên không phải bộ phim nào của Herzog cũng thành công. Một trong vài bộ phim thất bại lớn nhất của ông là Queen of the Desert (2015) với Nicole Kidman đóng vai Gertrude Bell. Bộ phim tốn kém kinh phí này tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 2015, bị giới phê bình chỉ trích và gây ra nhiều tranh cãi về góc nhìn và quan điểm, cũng như thất bại về doanh thu dù có nhiều ngôi sao lớn tham gia.

Nhưng nói như nhà phê bình lừng danh Roger Ebert, “ngay cả sự thất bại của Werner Herzog cũng thật ngoạn mục!”

Còn đạo diễn huyền thoại người Pháp François Truffaut từng nhận xét rằng Herzog là “đạo diễn phim quan trọng nhất còn sống.”

Kẻ luôn bị mê hoặc với những con người dị thường

Đã bước sang tuổi 80 vào năm 2022 này, Werner Herzog vẫn duy trì phong độ sáng tạo sung mãn của mình. Trong hơn hai năm đại dịch, Herzog đã hoàn thành hai bộ phim tài liệu, viết hai cuốn sách hồi ký và đặc biệt nhất là hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay - The Twilight World phát hành ngày 14/6 vừa qua.

Trong một bài viết chân dung đặc sắc về Werner Herzog, The New York Times nhận xét rằng, The Twilight World là một bước ngoặt cuối sự nghiệp đáng ngạc nhiên của ông.

alt
Nguồn: Nhà sách Penguin Press

Herzog trước đó được giới mộ điệu điện ảnh biết đến với các tác phẩm kinh điển về sáng tạo nghệ thuật như Fitzcarraldo, Aguirre, the Wrath of God hay các bộ phim tài liệu hiện sinh như Grizzly Man, Cave of Forgotten Dreams, Into the Inferno.

Thậm chí, ngay bản thân Herzog cũng nghĩ bản thân ông phù hợp hơn với tư cách một nhà văn, người đã làm thơ và viết nhật ký sáng tác trong suốt sự nghiệp của mình. Đã từ lâu, Herzog khẳng định những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ, chứ không phải bằng hình ảnh – mới là di sản của ông.

Thậm chí, ông còn nói rằng: “Phim của tôi là những chuyến hành trình, còn những cuốn sách mới là nhà.”

The Twilight World chỉ dài khoảng 132 trang khi được dịch từ bản gốc tiếng Đức. Phần lớn câu chuyện của cuốn tiểu thuyết này diễn ra trong một không gian ngột ngạt, mê hoặc và đáng sợ của khu rừng rậm, một môi trường đã quá quen thuộc với Herzog và được ông viết với sự chính xác kỳ lạ.

Werner Herzog luôn bị mê hoặc bởi những con người dị thường, những kẻ dám ném mình vào thiên nhiên hoang dã hoặc môi trường khắc nghiệt để thử thách bản thân và phá bỏ những giới hạn.

Khi được hỏi có phải ông luôn theo đuổi những nhân vật cực đoan hoặc dị thường không, Herzog tỏ vẻ khó chịu và nói rằng không có nhân vật nào của ông là cực đoan hay dị thường cả. Họ đều là những con người có phẩm giá, chấp nhận cuộc đấu tranh sinh tồn với cuộc sống hoang dã khi ném cuộc đời mình vào đó.

Hai thập kỷ vừa qua, Herzog sống ở Los Angeles trong một ngôi nhà gỗ ở Laurel Canyon với Lena, nhiếp ảnh gia và bạn gái của ông. Ngoài đọc sách và nấu ăn thết đãi bạn bè, ông hầu như dành thời gian cho công việc, đặc biệt là viết lách.

Và cuốn tiểu thuyết đầu tay ở tuổi 80 – The Twilight World là một minh chứng cho sức sáng tạo chưa bao giờ cạn kiệt của ông, với những hình mẫu nhân vật dị thường, những kẻ mơ mộng với khát vọng dời núi.