Những lần đi lạc ngày bé dạy tôi điều gì về khoảng cách? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 05, 2023
Chất Lượng Sống

Những lần đi lạc ngày bé dạy tôi điều gì về khoảng cách?

Sau những lần sợ hãi, tưởng mình đã đi xa mãi mãi khỏi vòng tay gia đình, tôi nhận ra mình muốn ở gần bố mẹ đến nhường nào.
Những lần đi lạc ngày bé dạy tôi điều gì về khoảng cách?

Nguồn: Long Vũ

Bố mẹ mất rất nhiều thời gian sau ngày tôi lên đại học để bỏ thói quen yêu cầu tôi về nhà trước 10 giờ tối. Ngày trước, tôi luôn phải thông báo về lịch trình hàng ngày của mình và đợi cái gật đầu của người lớn mỗi lần tôi muốn "phá lệ." Ngoài 20, tôi vẫn là đứa trẻ trong mắt bố mẹ tôi.

Cách đây không lâu, tôi ăn tối ở ngoài với bạn mà quên gọi điện thông báo để người lớn khỏi phải chờ cơm. Một tiếng sau giờ gia đình ăn tối, tôi mới nhắn tin, và mẹ tôi trả lời, "cả nhà đoán con ăn ngoài nên không gọi," sau đó bảo tôi lớn rồi nên tự chủ động sắp xếp thời gian biểu của mình.

Sự thiếu vắng những lời giục giã của gia đình khiến tôi hơi lạc lõng. Trước khi có cuộc sống "người lớn," tôi nhớ mình từng mong muốn sự tự do đến nhường nào, nhưng khi đã có sự tự do, tôi lại muốn điều ngược lại. Tôi bần thần đứng ở cột đèn xanh đỏ phố Văn Miếu (Hà Nội) nghĩ về những điều trên, bỗng nhận ra nơi tôi đang đứng cũng là nơi tôi từng đi lạc hồi 5 tuổi. Lũ trẻ cùng khu rủ tôi đi chơi và sau đó tôi không thể nhớ đường về.

Trong lần đi lạc này, tôi chỉ ở cách nhà khoảng độ 500 mét mà đã thấy xa vạn dặm. Khoảng cách không được áng chừng bằng đơn vị mét, mà bằng khả năng tôi có thể (hoặc không thể) tự tìm đường về. Nay khi đã là người sắp trưởng thành, tôi tự hỏi quan niệm về khoảng cách đã xê dịch trong tôi những năm qua ra sao và càng bần thần hơn khi thấy mình đã ở xa so với thời điểm được ở trong vòng tay cha mẹ đến nhường nào.

Tôi từng đi lạc xa hơn thế. Hồi 7 tuổi, tôi được bố cho lên thăm công ty của ông ở Vĩnh Phúc, cách nhà hơn một tiếng đi xe. Thời gian đó, bố tôi chỉ về Hà Nội mỗi tuần một lần. Tôi xa bố, hay đúng hơn là bố xa gia đình trong nhiều năm. Điều gần gũi với tôi là thu nhập bố gửi về, cho phép tôi được đi học thêm ở những nơi xịn xò nhất. Lên Vĩnh Phúc để được gần bố, song tôi lại cảm thấy mình gần gũi hơn với các anh chị con cái công nhân viên chức trong công ty hơn.

Mỗi buổi sáng, tôi đứng dưới khuôn viên cơ quan đợi bố họp hành. Những cuộc họp có khi kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Thi thoảng tôi đứng trước cửa phòng làm việc của bố, hé mắt qua một khe thuỷ tinh nứt để xem bố còn ở đó không. Không có, tôi sẽ chạy đi tìm bố trong cả một khu công xưởng bạt ngàn. May mắn thì tôi tìm được một người trợ lý biết bố ở đâu, không thì tôi sẽ khóc cho đến khi được bố tìm ra, vài tiếng sau đó.

Ngày nọ, tôi được anh con trai của bác đồng nghiệp bố rủ nhập hội với những đứa trẻ địa phương. Anh không hơn tuổi tôi là bao nhưng gan dạ hơn tôi. Khi người lớn làm việc, anh dạy tôi và lũ nhỏ chơi những trò mà trẻ con thành phố không hề biết như đánh lửa, cưỡi trâu, trèo cây hái quả, hay lụm gỗ, lá cây và đất đá tự làm mô hình ô tô đồ chơi. Tôi học tính gan dạ ấy và cùng lũ trẻ leo lên xe đạp, đi những nơi thật xa khỏi công xưởng và căn nhà hai bố con ở.

Lại như những lần đi lạc trước đây, tôi mải mê với hứng thú riêng của mình và... đi lạc khỏi lũ bạn, ở một địa phương tôi không hề quen thuộc. Lúc ấy, tôi nhớ lại lời dặn dò của người lớn rằng trẻ con không được đi xa nhà, phải đi theo bố mẹ, không thì sẽ bị bán sang Trung Quốc... Tôi nhớ về lần cuối được ở cạnh bố mẹ và nghĩ về tương lai sắp tới, nơi cuộc đời vừa qua tôi đi đã mất hoàn toàn và tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Có lẽ tôi sẽ được gặp lại gia đình trên Như chưa hề có cuộc chia ly và hi vọng rằng mọi người sẽ không trách cứ vì ngày đó tôi đã không nghe lời.

Lần đi lạc đó có lẽ là lần đầu tiên tôi nhận thức được về tầm quan trọng của gia đình trong cuộc sống của mình. Trước đó, tôi chỉ nghĩ gia đình là những người bắt tôi ngủ trưa, ăn nhiều rau xanh, uống nước đầy đủ, và hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp. Nhưng ở phiên bản cuộc sống không còn họ nữa, tôi mất sạch tất cả...

Nghĩ đến đây thì tôi được tìm thấy. Hoá ra tôi chỉ đi cách nhà khoảng độ 2-3 cây số. Nhưng khoảng cách vật lý không phải vấn đề, vấn đề là khoảng cách về mặt tâm lý, về sự chịu đựng khi ta liên tưởng tới sự trôi dạt hoàn toàn khỏi hiện thực mà ta đang có.

Thực ra sau này, tôi cảm thấy mình thật may mắn, vì trong những lần đi lạc ấy, tôi biết nhớ nhà. Tôi biết tin rằng chắc hẳn vẫn có người đi tìm mình, chờ đợi mình, và niềm tin ấy chưa bao giờ bị phản bội. Tôi biết nhớ lời ru của bà, những bức tranh mẹ vẽ, và những chuyến đi xa cùng bố. Có những đứa trẻ đã đi lạc mãi mãi khỏi địa giới của gia đình, và đi lạc trong tâm trí chúng ngay cả khi gia đình còn ở cạnh. Đó là những điều tôi đã may mắn không phải trải qua.

Càng lớn lên, giữa ta và gia đình phát sinh nhiều khoảng cách: tuổi tác, lối sống, quan niệm, đường hướng của cuộc đời, v.v. Những khoảng cách ấy là tất yếu, nhưng chẳng hiểu nổi, càng lớn lên tôi lại càng muốn được ở gần gia đình hơn. Ở gần theo nghĩa tôi luôn tin rằng đó là nơi an toàn tôi có thể trở về.

Tôi hi vọng khoảng cách giữa những đứa trẻ sinh sau và thế hệ đi trước dù xa càng xa, song không vì khoảng cách ấy mà ta cắt đứt sợi dây ruột thịt đã từng khăng khít, mạnh khoẻ.