Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn: Nỗi lòng một quả bom chưa nổ | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn: Nỗi lòng một quả bom chưa nổ

Nếu một quả bom có được linh hồn và nhận thức, nó sẽ nói gì?
Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn: Nỗi lòng một quả bom chưa nổ

Nguồn: Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn.

Phim ngắn Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn là một tác phẩm của Tuấn Andrew Nguyễn, một nghệ sĩ đương đại, dùng nghệ thuật để phản ánh các vấn đề nhức nhối trong xã hội, trong nhận thức của con người.

Xem các tác phẩm của Tuấn Andrew Nguyễn, chúng ta có cơ hội tạm ngưng chăm chăm vào câu chuyện của bản thân, mà nhìn rộng ra được những vấn đề lớn hơn của xã hội. Điển hình là câu chuyện bom đạn sót lại từ thời chiến. Chủ đề này từng được truyền thông nói quá nhiều đến độ chúng ta bị mắc lừa rằng đã biết rõ, nhưng thực chất chỉ đang nghe loáng thoáng ở bề nổi.

bomb
Nhân vật chính của phim ngắn: một quả đạn có tri giác. | Nguồn: Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn.

Xem tác phẩm của Tuấn Andrew Nguyễn, là được nhìn thấy sự kết hợp giữa công sức nghiên cứu về sự thật và nhãn quan vô hạn của trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Vì dù là tác phẩm nghệ thuật, tinh thần chung của phong cách Tuấn Andrew Nguyễn luôn cân bằng: đằng sau những ý tưởng có vẻ phi thực tế, lại là những thông tin được nghiên cứu về lịch sử, về xã hội, khoa học, với số liệu rõ ràng.

Phần nghiên cứu giúp chúng ta không quá “bay”, phần nghệ thuật chỉ vừa đủ để chúng ta lơ lửng trong không trung, và nhìn hiện thực một cách toàn cảnh hơn, đồng thời cũng giàu triết lý hơn, duy tâm hơn và ý niệm hơn.

Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn là một bộ phim mang đậm tinh thần phản chiến tranh, mượn cảm hứng và thành hình từ yếu tố lịch sử, nhưng thực chất lại phản ánh hiện tại.

Trong phim, Tuấn Andrew Nguyễn đặt hai chuỗi hình ảnh chạy đồng thời: những thước phim tư liệu lịch sử của Hải quân Mỹ đặt kế bên - phản ánh - đối lập – và nêu bật những thước phim được quay vào đầu năm 2021, ghi lại hành trình rà phá một quả đạn chưa nổ của đội ngũ những người Việt Nam.

juxtaposition
Ảnh lấy từ phim ngắn "Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn".

Đặt nhiều thứ cạnh nhau và tạo nên sự tương phản trong đầu khán giả, để từ đó họ tự rút ra những nhận định của riêng mình là thủ pháp mà Tuấn Andrew Nguyễn đã sử dụng qua một số tác phẩm. Ngoài sự tương phản trong hình ảnh, sự tương phản về nội dung cũng được Tuấn Andrew thể hiện qua việc dẫn dắt câu chuyện ở ba góc nhìn tuần tự nhau. Đó là tiếng nói tự mãn của kẻ xâm lược, tiếng than bi ai của những nạn nhân chiến tranh, và tiếng lòng đầy uẩn ức của thứ được tạo ra để thắng cuộc chiến đó: một quả đạn 16 inch, cỡ nòng 50, được bắn từ hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, có một chuyến bay 40km trước khi đáp xuống vùng đất Quảng Trị của chúng ta.

Trong tổng 15 triệu tấn vật nổ được Mỹ rải xuống Việt Nam, có khoảng 800.000 tấn không phát nổ. Trong 800.000 tấn không nổ, nhân vật chính quả bom của chúng ta nặng 900 kg.

Nếu một quả bom có được linh hồn và nhận thức, nó sẽ nói gì?

Với bối cảnh được đặt ở vùng đất lịch sử đầy đau thương của tỉnh Quảng Trị, nơi có vĩ tuyến 17 được sự kiêu hãnh vô dụng của đế quốc dựng lên để chia cắt đất nước ta. Cũng là nơi vì lòng kiêu hãnh đầy hủy diệt đó mà họ gieo rắc tang thương cho dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Tuấn Andrew Nguyễn về tác phẩm này. Tuấn Andrew chia sẻ rằng những vùng đất từng bị chiến tranh chia cắt, sẽ không bao giờ thực sự thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Có những lỗi lầm sẽ để lại hậu quả tới mãi mãi, không gì sửa chữa được.

Trước khi tìm hiểu quan điểm của anh về những vấn đề liên quan. Hãy bấm xem phim ngắn Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn để tâm trí bạn trở thành một giao điểm giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực tế và trí tưởng tượng, giữa phân minh và trừu tượng, giữa thật và giả, đúng và sai.

Cuộc nói chuyện cùng Tuấn Andrew Nguyễn 

TAN
Nghệ sĩ đương đại Tuấn Andrew Nguyễn. | Nguồn: nhân vật.

Theo anh, linh hồn của quả bom sẽ có cảm xúc gì?

Anh tưởng tượng nó giống như quả bom bị cầm tù vậy. Hơn 50 năm lẻ loi trong cô độc, hơn 50 năm mắc kẹt. Trớ trêu hơn nữa là nó mắc kẹt và phải chung sống với môi trường mà mình được sinh ra để phá hủy, nhưng lại không phá hủy được.

Thêm vào đó anh bị thu hút bởi ý niệm về thuyết vật linh (animism): thứ gì cũng có linh hồn. Đó có phải là lý do chúng ta cúng không? Xe hơi cũng có linh hồn, con đường cũng có linh hồn, cái cây cũng có, mảnh đất này cũng có, đá sỏi cũng có, và quả bom cũng có. Và anh cảm thấy như sau 50 năm, nó sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường và những thứ xung quanh. 

Anh muốn cụ thể hóa (embody) sự biến đổi bên trong quả đạn này, biến chuyển từ một thứ đầy hủy diệt, thành một linh hồn (có lẽ) biết suy nghĩ về sự chuyển kiếp, và nhân quả. Đó là một quả bom đã dần có đầy tính Việt.

Chỉ mất vài giây để quân đội Hoa Kỳ bắn ra một quả đạn 900kg, nhưng lại mất quá nhiều năm để người Việt phá bỏ. Anh có thể chia sẻ thêm về đội ngũ rà phá bom và công việc của họ hôm đó không?

Anh đi theo một đội với 4, 5 chuyên gia và quả bom được tìm thấy trên một quả đồi mà người dân dùng để trồng trọt canh tác. Và chúng anh mất 5 ngày để kéo được quả bom lên.

Việc hậu cần cũng khá phức tạp vì bạn phải sơ tán người dân trong một vùng đất rộng lớn. Và những hộ dân tại đây không thực sự kết nối với nhau, nên phải làm truyền thông trước một thời gian. Rất nhiều việc phải làm, còn có cây cối bị phá hủy.

Anh cũng có một video ngắn khác được thực hiện trong chuyến đi này về cách những người dân ở Quảng Trị vẫn phải ngày ngày mưu sinh bằng bom mìn phế liệu: thứ được sinh ra để phá hủy quê hương họ.

Khi quả đạn trong phim nổ xong, anh và đội ngũ đã thu nhặt vỏ về và dự định biến nó thành những tác phẩm điêu khắc. Với ý tưởng của sự chuyển kiếp và nghiệp chướng của các vật thể, quả bom sẽ được nấu chảy ra và biến thành một thứ khác, và có thêm một cuộc đời khác.

Thực hành điêu khắc này cùng với phim ngắn trên đều thuộc một phần của một dự án lớn hơn trong tương lai. Đó là một buổi triển lãm dự kiến diễn ra ở New York vào tháng 3 năm 2022.

Vì sao anh lại phát hành tác phẩm trong giai đoạn này, khi mọi thứ đang ngưng trệ vì dịch COVID? 

Theo anh đây là một giai đoạn lý tưởng để ngồi xuống đọc, và nghiên cứu về lịch sử. Thật ra thì chúng ta luôn nên học hỏi về lịch sử, vì lịch sử luôn luôn thay đổi.

Trước dịch, anh thường làm nhiều dự án ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng do dịch nên anh đã ở lại VN hơn một năm rồi. Và đây là cơ hội để anh tập trung lại vào mảnh đất này. 

Đã sắp tới kỷ niệm 50 năm ngày độc lập rồi. Gần 50 năm chiến tranh kết thúc, nhưng hậu quả của nó vẫn còn, những nạn nhân của nó vẫn có cho tới ngày nay. Điều này thật quá đau đớn.

Cách đây 10 năm, ở Quảng Trị từng có đầy rẫy những thứ gọi là bom bi (một loại vật nổ với tính sát thương cực kỳ cao). Anh từng gặp một người tên Hồ Văn Lai, năm 10 tuổi em ấy gặp nạn khi đang chơi cùng với 4 người anh em họ khác.

Lúc đấy các em ấy nhặt lấy hai quả bom bi, rồi ném một quả vào quả còn lại, vô tình kích nổ cả hai quả. Hai người anh em họ của Lai tử vong tại chỗ, còn em ấy bị mất đi đôi chân, tay phải, và làm mù mắt. Đó là vào 2010, giờ em ấy 20 tuổi rồi. Dù đã là thời bình, nhưng chiến tranh luôn để lại những hậu quả không thể sửa chữa.

Lúc ở Quảng Trị làm Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn, cứ 30 phút anh lại nghe thấy một tiếng nổ. Khi anh nói chuyện với những chuyên gia rà phá bom mìn về số liệu, họ nói rằng từ cuối những năm 90, cho tới tận bây giờ, họ chỉ mới giải quyết được khoảng 13-15% lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại trong tổng số 800.000 tấn. Và cần mất khoảng gần 100 năm nữa để giải quyết nốt phần còn lại.

Một điều nữa là anh làm rất nhiều dự án về những vấn đề, những khoảnh khắc mà người ta không còn chú ý đến nữa. Và anh nghĩ đây là một dự án dễ lan truyền, dễ hiểu và cảm thông bởi những khán giả Việt Nam. Anh đã đưa cho nhiều người, từ nhiều thế hệ xem. Và nhiều người đã nói rằng họ đã khóc khi khúc hát trong phim bắt đầu vang lên.

Đây chỉ là khởi đầu của một dự án dài hơi, vì anh đã gặp nhiều đứa trẻ mất chân tay, trở nên tàn phế vì những bom mìn chưa nổ này. Anh nghĩ mình sẽ làm việc ở Quảng Trị và khu vực miền Trung trong một thời gian dài sắp tới.

Vì sao anh lại chọn sử dụng bài hát “Đại bác ru đêm” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho tác phẩm này?

Trịnh Công Sơn (TCS) là cố nhạc sĩ huyền thoại thời chiến tranh, và anh nghĩ âm nhạc thời đó bao hàm và phản ánh lịch sử qua những ý nghĩa thơ ca.

Đặc biệt là nhạc của TCS luôn mang tính phản chiến tranh (anti-war). Lời hát của TCS luôn rất mãnh liệt. Việc sử dụng bài hát “Đại Bác Ru Đêm” được viết, trình diễn, và thu ngay thời chiến kéo người xem về lại thời điểm đó một cách rất nhanh chóng.

Ở đầu phim, anh sử dụng giọng tuyên truyền của quân đội Hoa Kỳ, khi họ “anh hùng hóa” (heroicize) Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Sau đó chúng ta có một giọng nói trung lập của một quả bom, sinh ra từ Mỹ, nhưng rớt xuống và ở lại VN và dần biến chất… 

Và anh cần một giọng nói khác, đại diện cho những nạn nhân trên mặt đất. Giọng hát đầy ám ảnh của Khánh Ly đại diện cho những ký ức về sự bất định, bất an, nỗi sợ, tình thương của những người Việt Nam hứng trải tội ác chiến tranh.

Anh có hay trò chuyện với những người đã từng sống ở thời chiến để tìm hiểu trải nghiệm của họ không?

Anh lớn lên trong hoàn cảnh xa đất nước, nên những câu chuyện quá khứ được kể đi kể lại rất nhiều trong gia đình. Đặc biệt là những người di cư thường sống trong quá khứ rất lâu. Hằng ngày, bố mẹ anh kể những câu chuyện vui có, buồn có vào thời chiến, nên anh có thể dựa vào đó để tưởng tượng ra được. Và anh nghĩ đó là vẻ đẹp của sự tưởng tượng, của sự đồng cảm. 

Anh tin vào sức mạnh của sự đồng cảm. Anh tin rằng khi ta trau dồi sự đồng cảm, đồng cảm sẽ giúp ta có được những sự thống nhất trong ý chí với những người khác nhau ở khắp nơi trên thế giới.

Và nếu anh có rời cõi sống này, thì anh cũng mong là trước đó, qua những thứ anh làm, có thể khuyến khích ít nhất là vài người sống đồng cảm hơn.

Phim có đề cập tới ý định phản chiến của một số lính Mỹ. Anh nghĩ gì về việc học hỏi lịch sử qua lời kể của những người đã thực sự trải qua nó? 

Chúng ta trải nghiệm lịch sử qua đôi mắt con người – những lăng kính cá nhân, không phải những cuốn sách. Và điều này thật thú vị vì chúng ta có rất nhiều những điểm nhìn về lịch sử. Mỗi người trải nghiệm lịch sử một cách khác nhau, nhưng nếu chúng ta có cơ hội được lắng nghe câu chuyện lịch sử đó, giao điểm của chúng sẽ nằm ở người nghe.

Anh nghĩ rằng, những nghiên cứu của anh trong quá trình làm dự án sẽ mang nhiều câu chuyện khác nhau, và tất cả những câu chuyện đó sẽ gặp nhau ở đây, ở anh.

Em và hành trình của em, sẽ cho em tiếp cận với một chuỗi những câu chuyện khác, và chúng sẽ gặp nhau ở trong em. Và chúng sẽ được thể hiện qua những bài viết mà em viết, như cách chúng thể hiện qua bộ phim anh làm. Và bài viết này của em, lại gặp bộ phim của anh sau đó, ở một nơi nào đó. Anh cảm giác chúng ta là những bong bóng xà phòng, nếu chúng ta đủ may mắn thì sẽ gặp nhau.

Ví dụ, khi anh nghe được câu chuyện truyền tai rằng có những người lính Mỹ đã không kích hoạt ngòi nổ trước khi tải đạn vào họng súng vì phản đối cuộc chiến tranh, anh đã “WOW! Có thật không vậy?”

Nhưng chẳng quan trọng là nó có thật không, vì đó là một câu chuyện tuyệt vời. Ngay lúc đó anh đang đứng kế bên quả đạn, và ngay lập tức anh hỏi: Ồ, thế quả bom này sẽ cảm thấy như thế nào về điều này nhỉ. Thông tin mới này sẽ ảnh hưởng đến câu chuyện của nó như thế nào?

Đó là vẻ đẹp của việc nghiên cứu, khảo sát, vì ta sẽ nghe được nhiều câu chuyện rất hay.

Nhân đây, anh cũng muốn nhắc đến một dự án ý nghĩa tên là Renew, do cựu chiến binh Mỹ Chuck Searcy đứng đầu. Đây là dự án rà phá bom mìn chưa nổ còn sót lại từ thời chiến (UXO – unexploded ordnance) được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia sinh sống ở Quảng Trị. Họ là những người có gia đình vẫn đang gánh chịu hậu quả chiến tranh, và sống trong nỗi sợ tàng ẩn từ những bom mìn trên vùng đất quê hương mỗi ngày. 

Bạn đọc có thể vào trang web của TBA21 để tìm hiểu thêm thông tin về dự án của Tuấn Andrew Nguyễn, cũng như tham khảo các nguồn nghiên cứu được sử dụng trong phim ngắn Đại Bác Nghe Quen Như Câu Dạo Buồn.