Nếu được lựa chọn, bạn và tôi luôn có thể chọn không dùng ống hút. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, nếu không có ống hút đi kèm, làm thế nào để các nhà sản xuất có thể đảm bảo tính vệ sinh và sự tiện lợi của những sản phẩm uống liền, như sữa hộp?
Ống hút vẫn đang tồn tại, nhất là ống hút nhựa, vì chúng vẫn giúp giải quyết nhiều nhu cầu tiêu dùng của con người. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để giữ được tính năng của ống hút dùng một lần, mà không làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nhựa như hiện nay.
Đáp án mà nhiều doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh đang đưa ra, là thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy.
Sự trở lại của ống hút giấy
Ống hút giấy không hề là một hiện tượng mới nổi. Trước khi ống hút nhựa xuất hiện vào những năm 1960 và làm thay đổi thế giới sau đó, ống hút giấy đã từng phổ biến. Nhờ vào Marvin Stone.
Là một nhà sản xuất tẩu thuốc lá, Marvin Stone đã tình cờ nảy ra ý tưởng về ống hút giấy vào năm 1880. Thời đó, đa số ống hút được làm từ cỏ (ryegrass), nên chúng khá mềm và có vị đặc trưng. Marvin Stone đã tìm cách thay đổi điều này. Ông quấn một dải giấy quanh một cây bút chì, sau đó dán hai mép giấy lại để tạo thành hình ống.
Cảm thấy tiềm năng, ông tiếp tục nghiên cứu và thí nghiệm để cho ra đời các phiên bản chắc chắn hơn, và nhận được bằng sáng chế cho loại “ống hút nhân tạo” này vào năm 1888. Để rồi năm 1890, công ty Stone Industrial của ông chính thức sản xuất đại trà ống hút giấy.
Nhiều thập kỷ sau, ống hút giấy trở nên phổ biến ở Mỹ, đặc biệt là trong những món uống như sữa lắc (milkshake) hay soda.
Tuy nhiên, sau khi nhựa trở nên phổ biến và ống hút nhựa được giới thiệu vào những năm 60 với những đặc tính như rẻ, bền, dẻo dai, thì ống hút giấy dần mất đi chỗ đứng trên thị trường.
Cho đến khi thế giới bàng hoàng nhận ra những tác hại mà rác thải nhựa mang lại trong những năm gần đây, và ống hút giấy đang được xem như một trong những giải pháp cho vấn đề này.
Nhìn nhận ống hút giấy trong bối cảnh hiện tại
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Việt Nam có hơn 2.000 tấn rác nhựa, trong đó có không ít ống hút nhựa. Khi trôi nổi trên đại dương, rác thải nhựa là tác nhân gây nên cái chết của khoảng 1 triệu cá thể chim biển, 100 nghìn loài thú biển và vô số loài cá mỗi năm.
So sánh với thời gian phân hủy khoảng 200 năm của ống hút nhựa, ống hút giấy thông thường chỉ cần dưới 6 tháng để phân hủy. Nên tuy dễ tan khi ở lâu trong nước, ống hút giấy lại “tan” vào môi trường nhanh hơn so với ống hút nhựa.
Khi đặt lên bàn cân với các loại ống hút có nguyên liệu từ thiên nhiên như ống hút gạo, ống hút cỏ, thì ống hút giấy khả thi hơn về mặt giá cả, khả năng sản xuất ở quy mô lớn, tính vệ sinh. Còn so với các loại ống hút tái sử dụng làm từ inox, thủy tinh, thì ống hút giấy gọn nhẹ, dễ vận chuyển, tiện lợi hơn.
Như vậy, so với nhiều loại ống hút hiện có trên thị trường, ống hút giấy có nhiều ưu điểm để trở thành một sự lựa chọn phù hợp để thay thế ống hút nhựa trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Khi ống hút giấy “có trách nhiệm”
Như nhiều vật dụng làm từ giấy khác, ống hút giấy có nguyên liệu từ gỗ. Vậy làm thế nào để biết chiếc ống hút giấy mà ta đang sử dụng có hay không gây hại cho môi trường rừng?
Để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng giấy chính đáng của con người, lẫn sự phát triển bền vững của rừng, những tổ chức phi lợi nhuận như FSC (Forest Stewardship Council) đã ra đời.
Nguồn giấy có chứng nhận từ FSC sẽ đến từ những cánh rừng phát triển bền vững, nơi mà môi trường rừng (cây cối, các loài thú hoang dã, đất đai) lẫn các cộng đồng bản địa sống xung quanh đều được bảo vệ.
Do đó, nếu một chiếc ống hút giấy được làm từ nguồn giấy đạt chứng nhận FSC, thì sự ra đời của nó không gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái rừng. Và như vậy, ống hút giấy khi được sản xuất và áp dụng đúng cách, có thể trở thành một giải pháp thiết thực cho môi trường.
Cơ hội và thử thách khi sử dụng ống hút giấy
Không có một loại ống hút nào là hoàn hảo, kể cả ống hút giấy. Vậy ống hút giấy đang mang đến những cơ hội lẫn thử thách nào cho chúng ta?
Cơ hội lớn nhất, là lợi ích về mặt xử lý rác thải. Với thời gian phân hủy ngắn, các vật dụng làm từ giấy sẽ giúp công tác xử lý rác diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, để chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy, các doanh nghiệp sẽ đối diện với không ít thử thách. Một trong số đó là về mặt chi phí.
Theo ước tính, chi phí sản xuất ống hút giấy cao hơn 10 lần ống hút nhựa. Họ cũng cần đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, sao cho chất lượng, an toàn với người dùng, lại không gây hại cho môi trường lần nữa.
Một thử thách khác thì đến từ... chính chúng ta. Vì đã quen với việc sử dụng ống hút nhựa để thưởng thức các sản phẩm uống liền, không ít người sẽ cảm thấy bất tiện khi chuyển sang dùng ống hút giấy. Với những người tiêu dùng nhạy cảm, sự thay đổi về chất liệu của ống hút, cũng rất có thể thay đổi cảm nhận chung của họ về sản phẩm.
Vì vậy, bên cạnh các cơ hội, ống hút giấy cũng mang đến không ít thách thức, mà phần lớn là cho các doanh nghiệp. Họ cần đảm bảo được tối thiểu 2 yếu tố: trải nghiệm của người dùng, và những mục tiêu đặt ra về bảo vệ môi trường.
Khi một doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi
Tại Việt Nam, Nestlé MILO là một trong những đơn vị đầu tiên chuyển đổi sang ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền.
Tất cả các ống hút giấy mà Nestlé MILO sử dụng đều được làm từ nguồn giấy đạt chứng nhận 100% FSC. Nestlé MILO cũng cam kết không tạo ra sự hao mòn tài nguyên rừng, không sử dụng nguồn giấy từ các nhà cung cấp có khả năng quản lý rừng kém hiệu quả.
Và chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy chỉ là một trong những bước đi đầu tiên mà Nestlé MILO triển khai, nhằm giúp giảm lượng rác thải nhựa đáng báo động tại Việt Nam hiện nay. Theo nhãn hàng, nếu chuyển đổi sang ống hút giấy, họ có thể giảm đi gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Đón nhận điều này, chị Anh Thư (sinh sống tại Quận 4, TP.HCM) chia sẻ: “Ống hút giấy của MILO vẫn giúp bé Hoàng Ân nhà mình cảm nhận trọn vẹn hương vị sữa. Dù uống một thời gian thì ống hút giấy mềm đi, nhưng đây là bản chất của sản phẩm thân thiện với môi trường nên mình giải thích một chút cho con hiểu thì con vẫn vui vẻ uống”.
Có thể thấy, với nỗ lực chuyển đổi của Nestlé MILO, ống hút giấy hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm uống liền như sữa hộp, mà vẫn đảm bảo các lợi ích về môi trường.
Để cải thiện chất lượng của hệ sinh thái xung quanh, ta có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp, bắt đầu từ việc áp dụng các biện pháp thay thế nhựa dùng một lần vào đời sống.
Là nhãn hàng sữa nước đầu tiên áp dụng ống hút giấy cho toàn bộ sản phẩm uống liền, Nestlé MILO hiểu được ở vai trò tiên phong sẽ không tránh khỏi những thử thách ban đầu, đặc biệt trong việc tạo dựng một thói quen mới ở người tiêu dùng. Tuy nhiên, Nestlé MILO tin rằng đây là bước đi cần thiết vì một Việt Nam năng động và xanh.
Chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy cũng là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của Tập đoàn Nestlé: “Đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng”. Đây là cam kết đi cùng với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.
Ống hút giấy Nestlé MILO đạt chứng nhận 100% FSC, đảm bảo nguồn giấy được sử dụng đến từ những cánh rừng hợp pháp và được quản lý hiệu quả. Các phụ huynh có thể yên tâm cho trẻ sử dụng bởi giấy dùng để sản xuất ống hút của Nestlé MILO được làm từ 100% giấy nguyên chất, nguồn gốc từ thực vật, không chứa thành phần giấy tái chế và không có mực in.