Paspegga là một studio về vẽ tranh minh họa kỹ thuật số, gồm ba thành viên Sgam, Quinn Duong và Hyfang. Cả ba nghệ sĩ trẻ đều có sự hứng thú đối với lĩnh vực kỹ thuật số (digital), thiết kế sáng tạo (creative design) và hoạt họa (animation) theo phong cách kết hợp giữa hoài cổ và vị lai.
Nhóm ba họa sĩ trẻ này cũng là một trong những nghệ sĩ tham gia dự án nghệ thuật cộng đồng Tiếp Bước Tiến. Lấy ý tưởng từ hành trình khám phá mặt trăng, Paspegga mang đến một tác phẩm thú vị về chủ đề kinh tế số, vốn đang thu hút và phát triển rất nhanh.
Vietcetera đã có cơ hội ngồi lại trò chuyện với Sgam, một thành viên của Paspegga. Anh chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về cộng đồng nghệ sĩ trẻ, về NFT, dự án Tiếp Bước Tiến cũng như sự phát triển của ngành kinh tế số Việt Nam trong những năm gần đây.
Paspegga gồm những ai? - Và mỗi người đóng vai trò gì trong studio?
Paspegga gồm 3 thành viên. Mình là Sgam, một pixel artist hoạt động trong không gian NFT. Nhiều người biết đến mình qua các tác phẩm pixel khổ lớn được diễn hoạt chi tiết. Mình đã hoạt động nghệ thuật nhiều năm và tham gia vào NFT trong thời kỳ bùng nổ của nó.
Paspegga còn có Quinn Duong, hiện đang làm việc tại Dentsu Redder với vai trò thiết kế (designer.) Trước đây, Quinn từng có định hướng sẽ hoạt động như một nghệ sĩ toàn thời gian. Tuy nhiên, Quinn có hứng thú với cả ngành quảng cáo, concept và idea (ý tưởng) nên quyết định trải nghiệm trong cả lĩnh vực này.
Một thành viên khác là Huy (Hyfang,) hiện đang làm concept artist cho một game studio ở TPHCM.
Nguồn cảm hứng và triết lý sáng tạo của các bạn là gì?
Với Sgam, dưới góc nhìn của một nghệ sĩ, mình lấy mọi thứ làm nguồn cảm hứng. Mình khai thác dường như khắp mọi nơi; từ những thứ hay ho như thông tin đại chúng, các thông tin hữu ích cho công việc, đời sống hoặc từ những bộ phim kinh điển. Sự vui vẻ và lạc quan là thứ mà mình luôn muốn thể hiện trong tranh của mình.
Còn Huy (Hyfang) có hứng thú với mọi sự đối lập xảy ra trong cuộc sống qua mắt nhìn của bản thân. Cậu ấy đặc biệt là một người rất thích gặm nhấm quá khứ. Đó cũng là những chất liệu tinh thần chính mà Hyfang làm cảm hứng để thực hiện những công việc nghệ thuật của mình.
Mới đây Paspegga là một trong những nghệ sĩ tham gia dự án Tiếp Bước Tiến. Các bạn mang đến tác phẩm thú vị gì?
Paspegga mang đến dự án Tiếp Bước Tiến tác phẩm "Discover a New Moon" thể hiện sự tăng vọt và đổi mới cực nhanh của ngành kinh tế số và niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong tương lai.
Bọn mình lấy cảm hứng từ trò chơi PC đời đầu Pinball - cột mốc sơ khởi cho sự phát triển công nghệ tại Việt Nam, kéo theo sự phát triển của ngành kinh tế số sau này.Bên cạnh đó, bọn mình còn mượn hình ảnh nhanh và đầy nội lực của tên lửa, cùng thuật ngữ "to the moon" chỉ thời kỳ tăng vọt của đồng coin (tiền mã hóa/tiền kỹ thuật số.)
Với góc nhìn và cách tiếp cận của nghệ sĩ trẻ, Paspegga hình thành ý niệm về nền kinh tế số Việt Nam như thế nào?
20 năm về trước, thời đại web1, để liên lạc với nhau, mọi người phải sử dụng máy nhắn tin. 12 năm về trước, thời kỳ web2, ngoài sự bùng nổ của blog, mọi người còn thường trao đổi thư từ, tin nhắn thông qua chiếc điện thoại Nokia 1280… Nhưng mọi giao dịch thanh toán vẫn chủ yếu là bằng tiền mặt.
Bây giờ chính là thời đại số, thời đại web3. Sáng ra, bạn chỉ cần nằm trên giường thôi cũng có thể chuyển tiền bằng ví Momo, bằng ZaloPay, hay đặt một núi các đơn hàng thông qua các sàn thương mại điện tử.
Và biết đâu bạn cũng đang trao đổi và giao dịch các mã coin, đánh giá thị trường đầu tư hay đơn giản là tìm hiểu một công nghệ mới của lĩnh vực kinh tế số thì sao. Tất cả mọi giao dịch, thanh toán, trao đổi tiền tệ đều có thể thực hiện rất tiện lợi với sự trợ giúp của các ứng dụng hỗ trợ.
Thế còn về NFT thì sao? Tại sao các bạn quyết định tham gia không gian nghệ thuật kỹ thuật số này?
Bản thân Sgam và Paspegga biết và tham gia vào NFT vào thời kì bùng nổ. Tuy nhiên, bọn mình và các nghệ sĩ nói chung cũng có một chút khó khăn vì NFT chủ yếu cạnh tranh nhau khá nhiều.
Trong lĩnh vực NFT, họa sĩ thay vì vẽ tranh bằng giấy, bút, cọ rồi bán đi vĩnh viễn, thì hình thức buôn bán giao dịch số hoá cho phép họ được tiếp tục hưởng được phần trăm lợi nhuận từ việc mua đi bán lại tác phẩm. Và nhờ vào smart contract (hợp đồng thông minh), giá trị bản quyền cho tác phẩm của bọn mình sẽ được bảo vệ chặt chẽ hơn.
Mình nghĩ rằng cần xây dựng mối liên kết trong cộng đồng là điều quan trọng không thể thiếu khi tham gia. Hãy cố gắng hết mình cho tác phẩm của mình và liên kết với các artists khác để tạo nên một cộng đồng lành mạnh và phát triển.
Cộng đồng nghệ sĩ tham gia vào NFT tại Việt Nam hiện như thế nào?
Theo quan sát của bọn mình thì tại Việt Nam, các nghệ sĩ artist chưa nhiều. Cộng đồng NFT mạnh hiện tại có thể nhắc đến là Thái Lan, hội tụ khác nhiều nghệ sĩ tài năng và các nhà sưu tập xây dựng không gian này.
Nhưng theo góc nhìn thì về sau chúng ta cũng sẽ nhanh chóng mạnh mẽ vì cộng đồng tiền mã hóa Việt Nam không hề nhỏ. Chúng ta vẫn còn rất sớm để tham gia và xây dựng cộng đồng.
Hiện giờ tuy thị trường đang xuống giá (bear market) nhưng các nghệ sĩ xem như đây là cơ hội để tạo ra các tác phẩm mang tính mỹ thuật cao để gây sự chú ý đến các nhà sưu tập dễ dàng hơn.
Ngoài chuyện thị trường giảm đà, đâu là rủi ro mà các nghệ sĩ trẻ nên chú ý khi tham gia NFT?
Tiền mã hóa là loại tài sản có rủi ro cao. Vì thế, chúng ta nên cân nhắc phân bổ tài sản hoặc chỉ dùng các nguồn vốn không vay mượn tham gia.
NFT là tài sản với lượng thanh khoản vẫn còn hạn chế ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên cộng đồng vẫn đang phát triển và được xây dựng. Ngoài nghệ sĩ tạo cho mình các tác phẩm rất riêng, tìm kiếm các mối liên hệ thì chúng ta có một số PFP project tiềm năng như Clone X, Bored Ape, Nouns Dao,... Họ vẫn tập trung xây dựng cộng đồng và tạo nên tương lai cho NFT. Ai biết được khi bull run (thị trường trên đà tăng) chuyện gì sẽ xảy ra.
Kinh tế số giúp cho các giao dịch trong nước và quốc tế dễ dàng hơn, các tác phẩm được lan rộng ra khắp nơi để trao đổi dễ dàng hơn. Đặc biệt là Crypto và NFT, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán quốc tế, giúp tiếp cận được các collectors tiềm năng và thật sự muốn sở hữu tác phẩm của mình. Lượng nhà sưu tập tiềm năng được tăng mạnh nhờ vào việc đó, không chỉ gói gọn trong nước nữa.
Với riêng Paspegga, các bạn học hỏi và được truyền cảm hứng như thế nào khi tham gia NFT và nghệ thuật số nói chung?
Mình (Sgam) có may mắn khi có thể kết nối được các artists trên thế giới một cách nhanh chóng vì tác phẩm của mình được chú ý đến và có tính nguyên bản của bản thân. Điều này là một phần khiến mình tự hào.
Tại không gian NFT, nguồn năng lượng tích cực luôn là thứ được chào đón khi các nghệ sĩ giúp đỡ nhau hết mực từ hỗ trợ nâng cao nghệ thuật, marketing, technical,... Vì vậy NFT vẫn là một không gian tiềm năng cho các artists tham gia vào.
Các mối liên kết với các nghệ sĩ lớn được xem như một thứ mà Sgam cảm thấy vui khi có được, những artists mà mình nghĩ sẽ không bao giờ có thể kết nối để chia sẻ.
Và đặc biệt hơn là dễ dàng kết nối các nhà sưu tập và trao đổi thông tin cũng như trao đổi công việc với collectors nhanh hơn với các thanh toán truyền thống như paypal. Cơ hội việc làm được mở rộng hơn và hiểu sâu hơn về thị trường tiền mã hóa cũng như NFT.
Tiếp Bước Tiến là dự án nghệ thuật, sáng tạo tập thể cũng như cảm hứng tôn vinh 40 năm Việt Nam tiến bước dưới góc nhìn của người trẻ. 40 nghệ sĩ đã tạo ra 40 tác phẩm với góc nhìn độc đáo và tự hào về 40 bước tiến của Việt Nam. Tiếp Bước Tiến khởi xướng bởi Biti's đồng hành cùng Vietcetera, Dentsu Redder, C+P Consulting, La La Land, Westa Production, The Lab SG. Xem toàn bộ dự án tại tiepbuoctien.vn.