Phan Linh Bảo Hạnh: Thịt da là phần khó vẽ nhất | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Phan Linh Bảo Hạnh: Thịt da là phần khó vẽ nhất

“Khó nhất là miêu tả được sức sống, đặc biệt là đặc tả rõ ‘sự ngọc ngà' như ông bà ta vẫn thường ca ngợi.”
Phan Linh Bảo Hạnh: Thịt da là phần khó vẽ nhất

Tác phẩm Làm duyên (2012) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh.

Lotus Gallery

Phan Linh Bảo Hạnh sinh ra tại Huế, “Nam tiến” vào năm 2007. Hiện hoạ sĩ đang sinh sống và làm việc trong xưởng tranh, cũng là lớp dạy vẽ của mình tại Bình Dương.

Trong một thời gian dài (từ sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật Huế đến những năm 2018,) Bảo Hạnh luôn theo đuổi chủ nghĩa Primitivism (Nguyên thuỷ.) Cô thể hiện cách vẽ này trong các tác phẩm về thiếu nữ đến từ nhiều vùng miền tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cô cũng vẽ về phong cảnh, tĩnh vật, muông thú,... và nhiều chủ đề khác.

alt
Nữ hoạ sĩ Phan Linh Bảo Hạnh. | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

1. Một màu sắc miêu tả thành phố bạn đang sinh sống; vì sao lại là màu sắc đó?

Thật khó chỉ để chọn một màu, vì cảnh vật thì đa dạng mà. Nhà, xưởng vẽ và lớp dạy vẽ của mình đều đang ở tại Bình Dương, một tỉnh thành cũng nhộn nhịp không kém các đô thị lân cận.

2. Bạn nghĩ nét nổi bật nhất của chủ thể phái nữ là gì?

alt
Tác phẩm Dưới Mưa (2015) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh.

Mình đặc biệt chú tâm vào cách thể hiện nội lực của người phụ nữ, những nét để khiến phái nữ khác với phái nam.

Và mình nghĩ không có gì có thể miêu tả được thần thái xuất sắc hơn là đôi mắt. Mình tập trung mô tả những ‘cửa sổ tâm hồn’ ấy để qua chúng, những suy tư, nội tâm, khí chất của người nữ được thể hiện.

3. Vẽ chủ thể phái nữ khó nhất điều gì theo bạn?

alt
Tác phẩm Đêm hè (2014) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh.

Chắc là màu của da thịt! Khó nhất là làm sao miêu tả được sức sống, đặc tả rõ 'sự ngọc ngà' như ông bà ta vẫn thường ca ngợi.

4. Các tác phẩm của bạn đi ra từ trí tưởng tượng hay là phóng tác của một hình ảnh có thật?

alt
Tác phẩm Kiêu Sa (2015) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh.

Những ‘thị’ là tập hợp các nét đẹp, các trang phục của những người nữ mình đã gặp qua hoặc ‘nhìn thấy' qua văn học.

Mình khái quát hoá cảm nhận của mình về những hình thể ấy qua tranh. Mình thường chắt lọc chi tiết, không chú trọng về định danh, chung quy muốn đưa đến công chúng một hình tượng mà đâu đó, họ có thể thấy mình trong nhân vật.

5. Bạn làm gì khi không nghĩ ra gì để làm?

alt
Tác phẩm Mùa Lựu chín (2018) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

Mình sẽ… tiếp tục vẽ. Phải luôn làm việc để mạch sáng tác không bị đứt. Nếu hôm nay không có cảm hứng cho cái A thì mình sẽ tìm cái B.C.D để vẽ.

6. Bạn có thể lưu giữ cảm xúc nào tốt nhất trong tác phẩm của mình?

alt
Tác phẩm Đàm đạo (2009) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

Mình lớn lên tại Huế - nên những câu chuyện về hoàng tộc, một thời của lịch sử từ lâu đã trở thành một phần trong mình. Có lẽ vì vậy mà khi vẽ lại các cô gái trong trang phục cung đình, mình luôn cảm thấy thân thương pha lẫn một chút hoài niệm.

Mình chọn những tông màu phù hợp (mà mọi người hay nói là những tông màu rất ‘thơ') để gợi nhớ về những nét thanh lịch, những cảm xúc yên bình ấy.

7. Bạn thường trải qua cảm xúc gì khi vẽ tranh?

alt
Tác phẩm Thẹn thùng (2007) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

Tuỳ vào chủ thể mình vẽ.

Như khi vẽ về những cô gái, tuỳ vào tuổi tác và 'thân phận' của cô ấy, mình sẽ có những cảm quan khác nhau. Hồi mới ra trường, mình vẽ về 'tuổi thanh xuân' thì xúc cảm rất căng tràn, tươi mới.

Sau này khi đã làm mẹ, hiểu thêm về 'thiên chức' và vượt qua nhiều biến cố khác, thì mình muốn đưa trạng thái ung dung tự tại vào trong tranh.

8. Bạn năm 10 tuổi sẽ nghĩ gì về công việc hiện tại của mình?

alt
Tác phẩm Nghiêm cẩn (2016) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

Hồi nhỏ thì mình dùng phấn vẽ trên đường nhựa, hoặc dùng cây khô vẽ trên đất đỏ. Hội hoạ đến với mình như bản năng, nhưng phải đến những năm 20 tuổi mình mới quyết tâm đeo đuổi mỹ thuật như một nghề nghiệp đến tận bây giờ. Mình thấy vui vì điều đó.

9. Bạn thường nghe nhạc gì khi sáng tác?

alt
Tác phẩm Nàng thơ (2017) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

Nhạc hoà tấu.

10. Tác phẩm nào phản ánh vấn đề lớn nhất của thế hệ bạn?

Ngày trước mình vẽ về phụ nữ nhiều, vì mình muốn cách này hay cách khác thể hiện khí chất phái nữ.

Triển lãm ‘Thị' cũng là tập hơn các tác phẩm của mình trong giai đoạn ‘yêu' các cô gái (2007 - 2018). Ngày trước mình cũng không lồng ghép quá nhiều tính chất ‘phản ánh' vào trong tranh, đơn giản chỉ là những cảm nhận của mình về nữ giới mà thôi.

alt
Tác phẩm Ẩn dấu (2012) | Nguồn: Phan Linh Bảo Hạnh

Hiện nay, mình đang đeo đuổi một dự án mới, và đối với mình nó sẽ phản ánh nhiều vấn đề hơn. Mình bắt đầu tìm hiểu về thế giới của các động vật đã tuyệt chủng hoặc đang trên đà bị tuyệt chủng, và mình muốn vẽ lại những sắc thái của các loài động vật ấy.

Mình không muốn rằng, sẽ có ngày hình dáng của những giống loài chỉ còn là trong ký ức của chúng ta, thậm chí chúng ta không thể hình dung đến chúng một cách rõ ràng. Hy vọng trong thời gian sắp tới, mình có thể trình làng các tác phẩm tâm huyết về chủ đề này, như một phần chung tay mời gọi mọi người quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Triển lãm ‘Thị’ (Her) là tập hợp 15 sáng tác của Bảo Hạnh trải dài từ những năm 2007 đến 2018, với mong muốn đem đến giới mô điệu những tâm tình của hoạ sĩ về tính nữ, về chữ ‘thị’ cũng như những biến chuyển sáng tác trải dài hơn một thập kỷ của cô. Khai mạc vào lúc 15h00 Thứ ba 25/04/2023 tại khách sạn Fusion Original Saigon Centre (số 65 Lê Lợi, Q.1, Tp. HCM) và kéo dài đến hết CN 07/05/2023, triển lãm lần này được đồng tổ chức bởi Lotus Gallery và khách sạn Fusion Original Saigon Center trong khuôn khổ các hoạt động mừng mùa lễ 30/04 tại Tp HCM năm nay.

Triển lãm mở cửa tự do từ 09Am - 06Pm mỗi ngày trong khuôn khổ sự kiện.