1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 19/10, đoàn khai quật đến từ Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố phát hiện hơn 100 mộ táng tại di chỉ Vườn Chuối ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trong số này có hơn 70 mộ thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn (cách nay khoảng 4000 năm) và 40 mộ thuộc giai đoạn Đông Sơn (cách nay khoảng 2500 năm).
Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện từ năm 1969. Cuộc khai quật trên được tiến hành từ tháng 3/2024 trên diện tích hơn 6000 m2 với 60 hố nghiên cứu, với quy mô lớn nhất trong 11 đợt khai quật từ trước đến nay.
2. Vì sao phát hiện này quan trọng?
Theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), trước đây các nhà khảo cổ chỉ phát hiện mộ chôn riêng lẻ trong khu vực. Đây là lần đầu tiên một khu nghĩa địa riêng của giai đoạn tiền Đông Sơn được phát hiện.
Nhiều bộ hài cốt còn nguyên vẹn, cho thấy nhiều tập quán của người Việt cổ (như tục nhổ răng cửa, đeo vòng trang trí ở khuỷu tay). Phát hiện này cũng cho thấy con người đã sinh sống ở khu vực Hà Nội ngày nay từ 3500-4000 năm về trước, qua đó chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử.
“Các bộ xương được bảo tồn tương đối tốt, giúp chúng ta tìm hiểu sự tiếp nối cũng như sự thay đổi trong táng thức của người xưa. Từ dữ liệu về xương người, chúng ta có thể lập phả hệ gen của người cổ để so sánh với người hiện đại, qua đó biết được nguồn gốc chúng ta” - GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ.
Ngoài ra theo báo cáo sơ bộ của Bảo tàng Hà Nội, các nhà khảo cổ còn tìm thấy "các dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn". Điều này giúp họ ban đầu nhận diện được người Đông Sơn nhiều khả năng cư trú trong các ngôi nhà dài, tương tự nhà dài của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. “Phát hiện này mở ra triển vọng mới về tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách bố trí không gian cư trú trong làng”, đoàn khảo cổ nhận định.
3. Những bất cập trong khai thác & bảo tồn di chỉ?
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), Vườn Chuối là di chỉ hiếm và quý trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Hiện di chỉ Vườn Chuối và di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) là hai di chỉ duy nhất về thời đại Kim khí còn sót lại. Phần khai quật di chỉ Vườn Chuối đã gần hoàn thiện, song phần bảo tồn lại rất chậm.
Tiến sĩ Quý cho biết từ năm 2019, Viện Khảo cổ học cùng các đơn vị liên quan đã lập hồ sơ trình các bộ, ban ngành, song tới nay Vườn Chuối vẫn chỉ ở danh mục di tích được kiểm kê. Trong khi đó, di chỉ Đồng Đậu đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hiện giới khảo cổ vẫn không rõ vì sao việc xếp hạng di chỉ này lại chậm như vậy.
Bên cạnh đó, phần phía Tây của di chỉ nằm trong phạm vi dự án thi công đường vành đai 3.5. Một trường hợp tương tự là Đàn Xã Tắc - di tích được các nhà thi công tình cờ phát hiện khi xây dựng nút giao thông vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) năm 2006. Theo báo Công an Nhân dân, các công tác khai quật đã được tiến hành, nhiều cổ vật quý hiện được lưu trữ cẩn thận, song đáng tiếc di tích này đã bị lấp để tiếp tục làm đường vành đai 1.
Vì vậy, giới khảo cổ mong muốn việc xếp hạng di chỉ Vườn Chuối sớm được tiến hành, tránh lặp lại số phận đáng tiếc của Đàn Xã Tắc. Dù vậy theo VnExpress, các nhà chức trách đã cho phép bảo tồn 6000m2 phía Đông di tích làm công viên Di sản văn hóa và khai quật, đồng thời di dời các hiện vật ở 6000m2 phía Tây để tiếp tục thi công đường vành đai 3.5.