Sự tồn tại của các món ăn ngon đến từ đất nước mặt trời mọc đã từ lâu không đơn thuần là những hiện tượng. Không chóng nổi để rồi chóng tàn như bao trào lưu khác, có thể nói màu sắc Nhật Bản đang dần hoà vào và làm bức tranh ẩm thực Việt Nam trở nên sặc sỡ hơn.
Thật sự khó có thể kể hết những danh mục món ăn Nhật Bản được yêu thích ở Việt Nam.
Nếu sushi, ramen hay những chiếc bánh phô mai ‘núng nính’ đều vốn là những cái tên bất hủ không cần giới thiệu thêm, có lẽ tonkatsu 豚カツ – miếng thịt chiên giòn rụm – là tâm điểm đang được chú ý gần đây tại Việt Nam.
Không cầu kỳ, không cần quá mức tỉ mỉ hay đòi hỏi nhiều nguyên liệu lẫn kỹ thuật đặc thù, tonkatsu là món ăn ‘thân thiện’ với nhiều gian bếp nghiệp dư. Và nó cũng đặc biệt ‘thân thiện’ với phần lớn khẩu vị.
Miếng thịt cốt lết lăn qua trứng rồi tẩm bột chiên tạo nên kết cấu giòn, dai sau đó ăn cùng với sốt đậm vị. Sự kết hợp quả thật khó có thể làm bạn thất vọng.
Tonkatsu được người Nhật Bản xem là món ăn đến từ phương Tây
Trên thực tế, tonkatsu không hẳn là một món ăn nguyên bản của Nhật Bản. Tonkatsu được xếp vào danh mục ẩm thực yōshoku – những món ăn phương Tây được ‘Nhật hóa’.
‘Ton’ (豚) nghĩa là ‘thịt heo’ còn ‘katsu’ (カツ) là cách viết tắt của ‘katsuretsu’ (カツレツ) nghĩa là ‘cốt lết’. Ban đầu, katsuretsu được làm từ thịt bò. Đến năm 1899, nhà hàng Rengatei (煉瓦亭) ở Ginza (Tokyo) đã giới thiệu đến thực khách phiên bản katsuretsu làm từ thịt heo.
Tonkatsu là món ăn đậm đà dấu ấn thời gian. Hoà cùng dòng chảy lịch sử và văn hóa của Nhật Bản, qua thời gian, tonkatsu được biến tấu thành nhiều phiên bản khác nhau như ăn cùng cơm (katsudon), cà ri (katsu-karē), bánh sandwich (katsu sando),….
Fun fact: Món cơm tonkatsu vốn không phải là ‘kiệt tác’ của những đầu bếp lành nghề. Nó được sáng tạo bởi chính những cô cậu học sinh trung học vào những năm 1920s.
Xuất phát từ sự đồng âm giữa chữ ‘katsu’ trong ‘tonkatsu’ và chữ ‘katsu’ (勝つ) mang nghĩa ‘chiến thắng’, nên các học sinh tin rằng ăn cơm với tonkatsu trước ngày kiểm tra sẽ đem lại may mắn.
Lăn vào bếp chuẩn bị các nguyên liệu sau
Phần thịt chiên
- 300g miếng thịt thăn heo hoặc cốt lết rút xương và không da.
- Muối và tiêu.
- 30g bột mì đa dụng, 30g bột chiên xù và 1 quả trứng.
- Bắp cải thái sợi (ăn kèm với thịt).
Phần sốt tonkatsu
Để làm sốt tonkatsu phiên bản gốc, bạn cần các loại rau củ quả như cà chua, chà là, táo, nước cốt chanh, cần tây, cà rốt,… và khoảng 10 loại gia vị khác nhau.
Vì đã “trót” cam kết mang tới công thức ‘thân thiện’ với mọi gian bếp, nên Vietcetera sẽ giới thiệu đến bạn cách thức làm sốt tonkatsu đơn giản nhưng vẫn đảm bảo hương vị tương tự so với bản gốc.
- 1 muỗng canh tương cà.
- 2 ½ muỗng cà phê sốt Worcestershire.
- 1 ½ muỗng cà phê dầu hào.
- 1 ⅛ muỗng cà phê đường (bạn có thể cho thêm đường tùy thích).
- Gừng băm nhuyễn (tùy sở thích).
Bắt tay vào làm
Thịt chiên
Rắc một lớp mỏng muối và tiêu lên đều 2 mặt của miếng thịt.
Đập 2 quả trứng rồi đánh đều. Chia trứng, bột mì đa dụng và bột chiên xù thành 3 tô riêng lẻ.
Tẩm thịt với bột mì đều 2 mặt và lắc nhẹ để bột thừa rơi xuống.
Sau đó nhúng thịt vào trứng và lăn thịt qua bột chiên xù sao cho bột phủ hết miếng thịt.
Chiên ngập dầu (khoảng 160 độ C) từ 4 – 5 phút.
Bạn nên dùng nồi chiên thay vì chảo để đảm bảo dầu ngập qua miếng thịt.
Dùng đũa lật để thịt chín đều.
Khi thịt đã chín vàng, lấy ra để trên giấy ăn cho ráo dầu. Chờ thịt nguội một chút rồi cắt thành miếng vừa ăn.
Sốt tonkatsu
Cho tương cà, sốt Worcestershire, dầu hào, đường và gừng ra chén nhỏ rồi trộn đều.
Bạn có thể điều chỉnh định lượng tuỳ vào khẩu vị.
Trình bày
Bày thịt và bắp cải thái sợi ra đĩa. Rưới một ít nước sốt lên thịt và thưởng thức.
Không như vẻ ngoài mãn nhãn và kết cấu hương vị ấn tượng như bản giao hưởng, quy trình thực hiện tonkatsu vốn vô cùng đơn giản. Món ăn thành công khi vỏ ngoài của thịt giòn rụm, bên trong lại dai ngọt và mọng nước.
Nước sốt cùng bắp cải sợi tươi mát có tác dụng cân bằng cho tổng thể hương vị. Nhưng hơn thế nữa, sự kết hợp của cả hai phải có khả năng đánh thức vị giác khi ăn cùng tonkatsu.
Bài viết được thực hiện bởi Minh Thư.
Xem thêm:
[Bài viết] Ra Lò: Các cách “chữa cháy” khi bạn hết nguyên liệu chế biến
[Bài viết] Ra Lò: Bánh cuốn, tteokbokki, sủi cảo làm từ bánh tráng