Robot Dreams: Người máy có mơ về nhân duyên điện tử? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 04, 2024
Điện Ảnh

Robot Dreams: Người máy có mơ về nhân duyên điện tử?

Bởi lẽ mơ đi kèm với tưởng tượng, với ước ao, với hồi ức. Vậy nếu người máy mơ, có nghĩa rằng họ đang sống.
Robot Dreams: Người máy có mơ về nhân duyên điện tử?

Nguồn: Neon

Trong cuốn tiểu thuyết nguyên tác của bộ phim Blade Runner, nhân vật chính sau khi dần tìm thấy sự đồng cảm với những người máy nhân bản anh đang săn lùng và ngày một cắn rứt lương tâm về nhiệm vụ của mình, tự trăn trở một câu hỏi rằng: “Người máy có mơ về cừu điện tử?”

Bởi lẽ mơ là một hành động của con người, hoặc ít nhất là của một sinh vật sống. Mơ đi kèm với tưởng tượng, với ước ao, với hồi ức, với những thứ cơ bản nhất của cuộc sống và sự nhận thức. Vậy nếu người máy mơ, có nghĩa rằng họ đang sống.

Robot Dreams, chủ nhân của đề cử Oscar dành cho phim hoạt hình năm 2024, cũng xoay quanh những giấc mơ của người máy. Nhưng khác với Blade Runner, và biết bao bộ phim khác thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, Robot Dreams không xoáy sâu vào viễn cảnh nơi trí tuệ nhân tạo trở thành kẻ thù của nhân loại, hoặc đặt ra những câu hỏi triết lý về sự tồn tại của chúng.

Thay vào đó, bộ phim hoạt hình không lời thoại, tràn ngập màu sắc của đạo diễn Pablo Berger là câu chuyện về nỗi cô đơn, về cảm giác ngọt ngào và đắng cay của sự chờ đợi, về độ sâu và sự vĩnh cửu của những dấu vết mà một mối quan hệ có thể khắc lên cuộc đời mỗi người. Nó kích hoạt mọi cảm xúc của người xem tới mức dâng trào nhất, từ buồn vui, háo hức tới lo sợ, hy vọng và tuyệt vọng, để rồi khiến ta phải tự hỏi rằng:

“Người máy có mơ về nhân duyên điện tử?”

Bài viết sẽ tiết lộ nội dung của phim Robot Dreams.

alt
Nguồn: Neon

“Em có nhớ đêm 21 tháng Chín?”

Robot Dreams diễn ra tại thành phố New York, trong gam màu tươi sáng và những nét vẽ sắc nét gợi nhớ tới phong cách ligne claire của bộ truyện Những cuộc phiêu lưu của Tintin. Nhưng ngay lập tức, khán giả sẽ nhận ra có điều gì đó khác lạ. Tòa tháp đôi vẫn đang trấn giữ bầu trời, và bên dưới là biết bao những loài thú vật đang sinh sống như con người.

Thành phố đông đúc náo nhiệt không bao giờ cho phép sự cô lập về thể chất, nhưng đôi khi lại đem đến nỗi đơn côi về tinh thần. Dog là minh chứng cho điều này: cậu (hoặc cô, bộ phim không bao giờ làm rõ giới tính của bộ đôi nhân vật chính) ngồi lì trong căn hộ tối thui, một mình ăn tối, một mình chơi tựa game đáng ra dành cho hai người.

Nhưng rồi đêm nọ, Dog xem được một đoạn quảng cáo trên truyền hình về Amica 2000, một chú (hoặc cô) Robot có khả năng kết bạn. Dog háo hức đặt hàng, rồi tới ngày hôm sau hì hục lắp ráp Robot. Và kể từ thời điểm đó, cuộc sống tẻ nhạt, rập khuôn của Dog chấm dứt, thay vào đó là những chuyến dạo chơi với người bạn mới của mình.

Họ dắt nhau tới Central Park để chèo thuyền và trượt patin trên nền nhạc sôi động của ca khúc September; họ ngắm hoàng hôn; họ cùng nhau xem phim và chơi điện tử, những hoạt động mà trước đây Dog chỉ làm một mình.

Mối quan hệ giữa họ là tình bạn hay tình yêu? Bộ phim không cho chúng ta câu trả lời rõ ràng, và đó cũng chưa bao giờ là mục đích của tác phẩm. Điều quan trọng nhất là chúng ta thấy được sự quan tâm của hai nhân vật dành cho nhau, niềm vui họ có khi ở bên nhau, và sự xác nhận rằng Robot cũng có thể trải nghiệm được tình cảm.

alt
Nguồn: Neon

Nhưng rồi ở đỉnh điểm của chuỗi ngày vui thú đó, Robot gặp trục trặc sau một chuyến tắm biển, và nằm bất động trên bãi cát. Dog bất lực trong cố gắng kéo người bạn máy của mình về, và rồi hôm sau khi quay lại với bộ đồ nghề sửa chữa, thì phát hiện ra bãi biển sẽ đóng cửa tới mùa hè năm sau.

Họ buộc phải đếm ngược từng ngày cho tới khi được đoàn tụ, và tâm trí của Robot trong những đêm dài chờ người bạn của mình, dần đưa bộ phim sang một chiều không gian kỳ ảo hơn.

Robot bắt đầu mơ, mơ tới những viễn cảnh tràn ngập màu sắc của sự siêu thực. Robot mơ về Dog đã tìm được một người máy Amica 2000 mới; mơ về chuyến chu du tới xứ sở của The Wizard of Oz, nơi những bông hoa hướng dương nhảy múa theo biên đạo tựa kính vạn hoa, làm gợi nhớ tới những tác phẩm của cố đạo diễn Busby Berkeley.

Những giấc mơ này, dù sặc sỡ về thị giác, nhưng ẩn chứa một cảm giác ảm đạm đằng sau, khi chúng ta nhận ra rằng đây chỉ là bản phối từ những trải nghiệm ít ỏi mà Robot đã biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi được “sống”.

Và những giấc mơ đó đều về Dog. Bất kể nội dung là gì, những ảo mộng đều dẫn tới ngày Robot được tái ngộ với người bạn tri kỷ. Và rồi bất kể cuộc gặp đó diễn ra thế nào, giấc mơ đều chấm dứt ở thời điểm cao trào nhất, kéo Robot trở về thực tại nơi người máy đang bất động và cô đơn ngoài bãi cát.

Những giấc mơ này, xuất hiện như những bộ phim ngắn xuyên suốt Robot Dreams, là những phóng chiếu đầy sinh động cho khao khát được trải nghiệm thứ tình cảm duy nhất mà Robot từng biết. Chúng cho khán giả thấy sự gắn kết sâu đậm của hai nhân vật chính dành cho nhau, và nỗi sợ chung về cảm giác cô đơn và bị bỏ mặc.

alt
Nguồn: Neon

“Con tim ta rung động trong điệu nhạc mà tâm hồn ta cất tiếng hát.”

Và rồi những dải nắng vàng mùa hạ nhường chỗ cho bông tuyết của mùa đông, và cảm xúc dù mặn nồng cũng khó có thể bất biến giữa dòng thời gian dường như trôi chậm lại với những kẻ cô đơn.

Bị chia cắt vì số phận, rồi trải qua biết bao trải nghiệm và thăng trầm cảm xúc riêng, cả Dog và Robot có thể làm gì khác ngoài tìm một người bạn mới. Họ thay đổi cuộc sống, thay đổi cả diện mạo, nhưng giống như nhiều bước chuyển giao đau đớn mà mỗi khán giả chúng ta từng phải trải qua, không ai trong Robot Dreams là nhân vật phản diện.

Có một sự dịu dàng và thấu hiểu đầy đầm ấm trong cách kể chuyện của Robot Dreams. Người nghệ sĩ cần một chiều sâu cảm xúc, một sự nhạy cảm và tài năng nhất định để có thể tạo nên mối liên kết với khán giả mà không cần giao tiếp qua ngôn ngữ.

Pablo Berger, người trước đây đã đạo diễn bộ phim câm Blancanieves, dường như đã thuần thục nghệ thuật này, khoan sâu vào trái tim của mỗi khán giả để phơi bày ra những cảm xúc mà chúng ta đều có nhưng hiếm ai có thể miêu tả hoàn hảo nên lời, về nỗi đau tới vụn vỡ đến từ tình yêu dành cho một người đã bước ra khỏi cuộc đời chúng ta vì lý do mà chúng ta không thể kiểm soát.

Robot Dreams đưa khán giả tới một cái kết đầy buốt nhói có lẽ sáng ngang được với bộ phim Past Lives. Thay vì “họ sống với nhau tới đầu bạc răng long” như biết bao bộ phim hoạt hình khác, Robot Dreams chấp nhận quan điểm chín chắn rằng mỗi chúng ta có thể có nhiều hơn một người bạn tâm giao, và rằng một mối quan hệ đã khép lại không nhất thiết phải là một mối quan hệ đổ vỡ.

alt
Nguồn: Neon

“My thoughts are with you

Holding hands with your heart to see you

Only blue talk and love,

Remember how we knew love was here to stay.”

Điệu nhạc bất hủ của September đồng hành với Dog và Robot qua từng giai đoạn của mối quan hệ. Nhịp điệu vui vẻ rộn rã, đậm chất Funk và Disco biến ca khúc thành bản nhạc nền hoàn hảo cho những buổi hẹn đầu tiên của Dog và Robot, khi một trong số hai nhân vật thậm chí đang lần đầu tiên được trải nghiệm thế giới.

Rồi giai điệu đó dần trở thành cái neo duy nhất níu kéo họ lại với nhau, như hiện thân của sự xa cách và khao khát đoàn tụ. Và rồi sau cùng, khi câu hát “Do you remember?” cất lên, cả khán giả lẫn bộ đôi nhân vật đều biết rõ câu trả lời.

Bởi lẽ đó là cách mà cuộc sống vận hành, nó kéo chúng ta tới nhiều nẻo đường khác nhau, và đôi khi những người mà ta nghĩ sẽ luôn bên cạnh mình, bỗng nhiên không thể đồng hành cùng ta được nữa. Cảm giác đó đau đớn tới quặn ruột, tới nỗi ta muốn xé xác bản thân vì biết rằng mình sẽ không bao giờ vẹn toàn được nữa.

Nhưng sẽ có những người mới bước vào con đường ta đang đi, và từng bước khâu vá chúng ta lại, dù kể cả không thể như cũ. Để rồi một ngày, ta tình cờ nghe thấy một bài hát thân quen và hồi niệm lại những ký ức đẹp. Và chỉ hồi niệm thôi, vì giờ đây cả ta và họ đã chung bước với người khác. Và điều đó không sao cả.