“Chim khôn đậu nóc nhà quan,
Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng”
Câu ca dao này cho thấy độc thân dường như là lối sống bị kỳ thị từ xa xưa. Các bạn nữ thường xuyên bị “dí” deadline lấy chồng nếu trên 25 tuổi mà vẫn “độc thân vui tính”. Nam giới có thể du di thêm vài năm, nhưng tới đầu 3 mà chưa có động tĩnh gì cũng dễ bị “nhắc nhở”.
Hồi tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ còn ký duyệt Quyết định 588 khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Cặp đôi nào đạt các tiêu chuẩn trên sẽ được hưởng nhiều ưu đãi xã hội như giảm thuế hoặc ưu tiên mua nhà. Vốn được đưa ra để kéo chậm tốc độ lão hóa dân số ở Việt Nam, nên chính sách này cũng ẩn chứa thông điệp: Độc thân không phải là lối sống được khuyến khích.
Dù thế kỉ 21 đã đi qua được hơn 20 năm, sự kỳ thị dành cho người độc thân dường như vẫn tồn tại khắp nơi. Nó phổ biến đến nỗi có hẳn một thuật ngữ cho riêng mình là singlism.
Singlism là gì?
Singlism /ˈsɪŋ.ɡəl.ɪ.zəm/ là danh từ chỉ sự phân biệt đối xử của xã hội với người trưởng thành còn độc thân. Nó xuất phát từ các định kiến và quan niệm tiêu cực về những người chọn lối sống này.
Người độc thân ở mỗi thời kỳ lại bị kỳ thị vì những lý do khác nhau. Nho giáo xưa quan niệm nam nữ trưởng thành phải “yên bề gia thất” mới là có đạo hiếu. Trong xã hội hiện đại, người độc thân thường bị những định kiến về sự cô đơn, ích kỷ và kém cỏi trong giao tiếp (Wall Street Journal). Theo nhà kinh tế David Weil, lối sống này cũng bị coi là gián tiếp gây lão hóa dân số, vì càng ít người kết hôn thì tỉ lệ sinh càng giảm.
Nguồn gốc của singlism?
Từ này do nhà tâm lý Bella DePaulo phát minh lần đầu năm 2005 trong cuốn sách Singlism - What It Is, Why It Matters and How To Stop It. Là chuyên gia nghiên cứu sâu về người độc thân, DePaulo đã có nhiều bài viết phân tích các yếu tố chính trị, xã hội và văn hóa đại chúng liên quan đến lối sống này.
DePaulo ban đầu muốn dùng từ “marital-statusism” (phân biệt đối xử dựa trên trạng thái hôn nhân) để đảm bảo sắc thái trung lập. Tuy nhiên nó quá dài và khó đọc, vì vậy bà quyết định dùng từ single làm gốc để sáng tạo ra singlism.
Vì sao singlism trở nên phổ biến?
Chỉ bằng 8 chữ cái ngắn gọn, singlism đã “chỉ mặt đặt tên” được 7749 nỗi bất công trong cả công việc lẫn cuộc sống mà người độc thân gặp phải.
Trong công việc, người độc thân luôn là đối tượng được “ưu tiên” đi công tác, tăng ca hay gánh những công việc đột xuất. Vì không có con nhỏ phải chăm lo, họ đôi khi gặp khó khăn trong việc xin tăng lương dù đạt được thành tích ấn tượng.
Nhiều nghiên cũng cứu cho thấy người độc thân có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn so với người kết hôn (times.com). Do đó, nhiều công ty bảo hiểm xem người độc thân là nhóm có nhiều rủi ro và phải trả mức phí cao hơn để tham gia bảo hiểm.
Trong gia đình, họ phải đón con, trông cháu cho những thành viên khác khi họ bận rộn. Các bậc trưởng bối hay đánh vào điều này để bạn thấy tội lỗi. Họ miêu tả cái viễn cảnh tối tăm như tiền đồ chị Dậu nếu bạn sống độc thân. “Trẻ cậy cha, già cậy con”, họ dọa bạn rằng sau này già yếu sẽ không có ai mà nhờ cậy.
Ngay cả trong lĩnh vực giải trí, các ưu đãi cũng thường áp dụng cho cặp đôi và gia đình nhiều hơn. Nhiều ưu đãi thậm chí không chênh lệch nhiều so với mức giá áp dụng cho khách lẻ, cảm giác như một hình phạt dành cho việc sống độc thân vậy.
Trong mắt xã hội, người độc thân dường như chẳng có áp lực nào về cuộc sống để cần được hỗ trợ. Nỗi bất công này, có ai thấu hiểu cho họ?
Làm sao để “sống sót” với singlism?
Độc thân quả là có nhiều vấn đề. Nhưng nếu không suy nghĩ thấu đáo mà vội vàng chuyện hẹn hò hoặc cưới xin, cuộc đời bạn sẽ còn đau khổ hơn. Dù xã hội có bất công với người độc thân, vẫn có nhiều cách giúp bạn vượt qua nó:
- Thẳng thắn trao đổi với đồng nghiệp đã có gia đình. Ví dụ bạn có thể giúp họ làm nốt việc để họ đi đón con, rồi nhờ họ giúp đỡ trong một dịp khác.
- Suy nghĩ kỹ trước khi đồng ý tăng ca hoặc đi công tác. Nếu bản thân đã cạn năng lượng, hãy từ chối lịch sự để tránh kiệt sức nhanh hơn. Trong trường hợp dễ bị say xe, bạn nên trao đổi với sếp để tránh những chuyến công tác sẽ làm bạn mệt mỏi và ảnh hưởng đến công việc.
- Nói rõ với gia đình nếu bạn cần nghỉ ngơi. Nhận lời trông cháu trong những lúc như vậy khiến bạn dễ cáu bẳn, ảnh hưởng không tốt tới đứa trẻ.
Bên cạnh đó, các viện dưỡng lão xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, và phúc lợi người cao tuổi cũng được chú ý hơn. Vì vậy nếu kiên định theo chủ nghĩa độc thân, bạn không cần quá lo lắng khi về già.
Nếu bạn vẫn đang chờ đối tượng thích hợp, hãy tiếp tục kiên trì và tìm hiểu kỹ lưỡng. Sau tất cả thì hôn nhân vẫn là việc đại sự, thà chậm mà chắc vẫn hơn yêu nhanh, cưới nhanh mà tình cảm không được lâu bền.