Sinh viên RMIT sản xuất MV cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
13 Thg 11, 2023
Truyền Thông

Sinh viên RMIT sản xuất MV cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế

Trong chương trình học tập kết hợp kinh nghiệm thực tiễn (WIL) tại Đại học RMIT, sinh viên ngành Truyền thông số đã có cơ hội hợp tác làm MV cho các nghệ sĩ quốc tế.
Sinh viên RMIT sản xuất MV cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế

Các sinh viên Đại học RMIT sản xuất MV Heartbreak Hotel (Từ trên xuống và trái sang): Choi Geon, Trần Đình Minh Long, Quách Tú Anh, Đoàn Trần Thanh Hoa và Nguyễn Võ Hoàng Nhi. | Nguồn: RMIT Vietnam

Sản xuất MV là môn học chuyên ngành thuộc chương trình năm thứ hai của ngành Truyền thông số tại đại học RMIT. Môn học cho sinh viên cơ hội rèn luyện kỹ năng sáng tạo qua khâu lên ý tưởng và trực quan hóa bài hát theo hai hướng tiếp cận khác nhau: MV thử nghiệm và MV truyền thống, có nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn và phần hát nhép.

Kinh nghiệm thực tế này giúp sinh viên tiếp cận với những khía cạnh thực hành, tạo môi trường thuận lợi để các bạn có thể phát triển sáng tạo và ứng dụng kiến thức lý thuyết vào bối cảnh thực tiễn.

Jack Gray, nghệ sĩ, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất người Australia hiện sinh sống tại Los Angeles, là một trong những đối tác WIL làm việc với sinh viên RMIT trong năm nay. Kết quả của dự án hợp tác này là MV cho bản Jack cover ca khúc nổi tiếng “Heartbreak Hotel” của huyền thoại Elvis Presley.

Từ ý tưởng đến thực thi

Với sức sáng tạo mạnh mẽ và nhiệt huyết, nhóm năm sinh viên RMIT gồm Choi Geon, Trần Đình Minh Long, Quách Tú Anh, Đoàn Trần Thanh Hoa và Nguyễn Võ Hoàng Nhi đã mang đến một dự án giàu tinh thần hợp tác.

Choi Geon, chịu trách nhiệm đạo diễn hình ảnh và quay phim cho MV, chia sẻ rằng cả nhóm đã nghĩ ra tới hơn 20 ý tưởng. “Đầu tiên, chúng mình tập hợp ý kiến của từng người, sau đó bắt đầu trau chuốt và hoàn thiện ý tưởng cuối cùng,” Geon nhớ lại.

“Ý tưởng mà chúng mình quyết định chọn xoay quanh một nhân vật bị rối loạn nhân cách, do Jack Gray thủ vai. Mình là người đưa ra ý tưởng sơ bộ ban đầu, rồi được các thành viên trong nhóm góp ý hoàn thiện. Vì trước đó, Jack chia sẻ là anh đang cân nhắc sẽ diễn xuất nhiều hơn trong tương lai, nên mình nghĩ vai diễn người rối loạn nhân cách này có thể là cơ hội tốt để anh ấy thỏa sức diễn xuất.”

Giai đoạn lên ý tưởng và tiền kỳ kéo dài đến vài tuần trước khi đến ngày quay chính thức. Trong quá trình quay hình, nhóm phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ, từ không gian hẹp, thời gian làm việc kéo dài, đến ánh sáng và góc máy phức tạp.

Nguyễn Võ Hoàng Nhi, chịu trách nhiệm sản xuất, quản lý quá trình sản xuất và thiết kế sản xuất cho Heartbreak Hotel, chia sẻ: “Chúng mình phải linh hoạt thay đổi kế hoạch khá nhiều tại buổi quay vì không gian thuê để thực hiện MV rất hạn chế về góc máy. Địa điểm cũng không có một số đồ nội thất được dự tính sẵn trong bảng phân cảnh.

Dù phải bỏ qua rất nhiều cảnh quay dự định, nhưng bù lại chúng mình đã quay thêm nhiều cảnh bổ sung khác để thêm tư liệu cho khâu hậu kỳ”.

Nhi cũng cho biết: “Mình rất ấn tượng với diễn xuất của Jack, đặc biệt là những cảnh anh ấy nhìn vào gương trong phòng tắm và nhép theo nhạc. Những biểu cảm trên khuôn mặt được Jack thể hiện tài tình, nên chúng mình đã dùng rất nhiều phân cảnh đó trong MV. Đó cũng là những cảnh mất ít thời gian để quay nhất.”

Trần Đình Minh Long, chịu trách nhiệm chỉnh màu cho Heartbreak Hotel, chỉ ra những thách thức gặp phải trong giai đoạn hậu kỳ. Nhóm đã phải thử nhiều cách phối màu khác nhau trước khi tìm ra phương án phù hợp nhất cho tất cả các cảnh đã quay.

“Quá trình sản xuất gói gọn khoảng hai ngày, nhưng giai đoạn hậu kỳ mất tận một tuần. Khâu căn chỉnh màu sắc là khâu 'đau đầu' nhất vì để các cảnh quay hài hoà với nhau thì không khác gì phối màu khi vẽ tranh nghệ thuật vậy.”

Long cho biết cả nhóm đã phải lên trường làm việc liên tục suốt một tuần từ sáng sớm đến tối muộn, kể cả cuối tuần, để đảm bảo tiến độ cho MV phát hành trên toàn cầu.

Theo Đoàn Trần Thanh Hoa - trợ lý đạo diễn, thiết kế sản xuất và biên tập cho MV, mỗi thành viên trong nhóm đều cố gắng cải thiện chất lượng công việc để có thể đáp ứng hoặc vượt mọi chỉ tiêu để ra.

Hoa nhấn mạnh: “Sau môn học này, chúng mình nhận được nhiều bài học quý giá như tinh thần tập thể, những kinh nghiệm thực chiến khi làm việc với khách hàng, và tầm quan trọng của sự ăn ý khi làm việc và quản lý khách hàng”.

Choi Geon chia sẻ: “Mình từng tự mình thực hiện một số dự án quay phim, nhưng đây là lần đầu tiên được chính thức tham gia sản xuất cùng người khác và theo yêu cầu của khách hàng.

Ban đầu mình rất choáng ngợp vì khối lượng công việc nhiều hơn mình tưởng. Và cũng vì đây là một dự án thật, khách hàng thật nên áp lực rất lớn. Dù vậy, chúng mình luôn cố gắng giữ thái độ chuyên nghiệp trong suốt thời gian làm việc.”

Quách Tú Anh, chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật cho MV, kết luận: “Toàn bộ môn học là một trải nghiệm đáng nhớ đối với nhóm mình. Cả nhóm đã dành rất nhiều thời gian bên nhau, cùng làm việc, ăn uống, đi chơi, ngủ trưa. Tình bạn là điều trân quý nhất mà mình gặt hái được qua suốt hành trình này”.

alt
Bảng phân cảnh (storyboard) và cảnh quay trong MV 'Heartbreak Hotel' được sản xuất bởi sinh viên RMIT. | Nguồn: RMIT Việt Nam

Trải nghiệm học tập thực tế

Việc hợp tác này không chỉ giúp sinh viên xây dựng kinh nghiệm làm việc thực tế, mà còn mang đến cho nghệ sĩ cơ hội làm việc với thế hệ trẻ và chứng kiến quá trình hiện thực hoá ý tưởng của các bạn.

Jack dành lời khen cho khả năng sáng tạo và cách làm việc năng nổ của nhóm sinh viên trong quá trình sản xuất MV. “Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với sinh viên trong một dự án như thế này, và toàn bộ trải nghiệm đều thật tuyệt vời,” Jack chia sẻ.

“Sau hàng tháng trời thảo luận qua Zoom, các bạn đã cho ra một kịch bản hấp dẫn cho từng phân cảnh. Cả nhóm đều tràn trề sáng tạo và năng lượng tuổi trẻ. Ý tưởng mà các bạn đưa thật tuyệt vời.”

Theo ông Ricardo Arce, Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông số, Đại học RMIT, “Môn Sản xuất MV được triển khai nhiều năm nay, thu hút khá nhiều sinh viên tham gia và gặt hái thành công đáng kể.”

Tuy nhiên, một trong những thách thức mà sinh viên gặp phải là tìm ra bài hát phù hợp (nhạc có bản quyền) để làm MV. Nhạc miễn phí thì có thể không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, để sinh viên không phải đánh đổi thời gian học hành chỉ đề tìm nhạc cho bài đánh giá trên lớp, ông Arce đề xuất việc tìm tới các ban nhạc trong nước trước tiên.

“Khi được tiếp cận với nguồn âm nhạc chất lượng từ các nghệ sĩ/ban nhạc, sinh viên sẽ có thêm động lực và quyết tâm tạo ra những MV chất lượng cao, có tiềm năng phân phối rộng rãi hơn,” giảng viên ngành Truyền thông số Joel Spezeski nhận định.

Ở chiều ngược lại, khi hợp tác với sinh viên làm MV thì các nghệ sĩ/ban nhạc không cần phải bỏ ra khoản chi phí sản xuất lớn như thông lệ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, giảng viên ngành Sản xuất Phim Kỹ thuật số, chia sẻ câu chuyện ra đời của môn học này. Ban đầu, ông muốn mô phỏng quá trình làm việc giữa đội ngũ sáng tạo và khách hàng khi sản xuất MV. Ý tưởng này sau đó phát triển thành một môn trải nghiệm học tập kết hợp thực tiễn (Work Integrated Learning - WIL).

Với cách tiếp cận này, sinh viên phải hợp tác với đối tác WIL như những khách hàng thực thụ, nghiên cứu đặc điểm của thể loại nhạc, tìm hiểu các tác phẩm trước đây của họ, tham gia thảo luận với nghệ sĩ/ban nhạc và nhiều hoạt động khác.

Ông Spezeski nhấn mạnh: “Các trải nghiệm như vậy rất quan trọng đối với những ai muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo trước khi vào nghề.”

Ông Khoa tiết lộ: “Phản hồi từ các đối tác WIL sau môn học hết sức tích cực. Nhiều người còn bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc với sinh viên RMIT và giới thiệu các ban nhạc khác cùng tham gia”.

Ngoài Jack Gray, sinh viên theo học môn Sản xuất MV gần đây nhất cũng hợp tác với các ban nhạc tại Việt Nam như KAALI, Skeleton Goode và Limebócx. Những MV được chọn đã có mặt trên trang web và các trang mạng xã hội của các ban nhạc.