Mark Twain từng nói “Đi xa là thứ giết chết định kiến, cố chấp, và đầu óc hẹp hòi”, do đó rất nhiều tác phẩm du ký hay đã được ghi lại, như dấu ấn khẳng định bản thân đã từng ở đây.
Mùa hè sắp đến và mùa “cuồng chân” cũng đã bắt đầu, nếu vẫn e ngại hay chỉ đơn giản là chưa thể đi, những cuốn sách mang đến “tinh thần xê dịch” sẽ làm dịu lại hoặc khơi nguồn cảm hứng mới cho bạn.
Danh sách dưới đây là những hành trình có phần kì lạ - từ những phương tiện có phần đặc thù, cho đến vùng đất mới mẻ nhưng đầy những rủi ro. Ở đó người ta có thể bỏ mạng trong chính hành trình tìm đến cái đẹp, cũng có người đã ngẩn ngơ giữa những thành quách hoang sơ mục rữa…
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ - Paul Theroux
Nếu nghĩ du ký chỉ là ghi lại những gì đã qua bằng việc lặn sâu vào các vùng văn hóa, thì Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của Paul Theroux sẽ là cuốn sách khiến bạn thay đổi suy nghĩ, vì tác giả của nó ghi lại trải nghiệm bằng một phương tiện vô cùng đặc biệt - tàu hỏa.
Vào năm 1973, Paul Theroux quyết định làm chuyến du hành hết bốn tháng rưỡi, từ London xuyên qua Trung Đông, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, sang Nhật rồi xuyên nước Nga về lại châu Âu. Chính trải nghiệm có phần đặc biệt này là nguồn cảm hứng để hai năm sau Phương Đông lướt ngoài cửa sổ ra đời.
Với tác phẩm này, Theroux đã dựng lên bức tranh khảm về những vùng đất mà ông đã qua. Ở đó có sự tôn vinh cái đẹp của con người, cảnh sắc, phong tục tập quán… thế nhưng cũng có đôi khi là những suy tư có phần “cao ngạo” dưới nhãn quan của một người nước ngoài đi về vùng đất vừa mới gượng dậy sau thời chiến.
Theroux không tả quá nhiều chi tiết, mà xen kẽ đó với các cuộc trò chuyện trên tàu cùng người bản địa, những từ mô tả một cách bao quát đã được gọi ra, đầy thú vị mà cũng mới mẻ.
Đó là Bangkok dậy mùi dục tình, Singapore sạch sẽ, Ấn Độ long lanh, Thái Lan rộn ràng… Đồng thời đó còn là Afghanistan bất ổn với mùi thức ăn như dịch tả, người Nhật Bản trịnh trọng như những cỗ máy còn Thổ Nhĩ Kỳ rối loạn sắc tộc.
Phương Đông lướt ngoài cửa số là một cuốn sách gây nhiều phân vân, khi nó đẹp đẽ với những nhận thức tinh nguyên về một thời đoạn và bối cảnh hoang sơ; nhưng cũng bó hẹp và đầy ủ ê trong những phóng chiếu của người da trắng thượng đẳng.
Trên đường - Jack Kerouac
Là cuốn tiểu thuyết có phần tương đồng với chính cuộc đời của Kerouac, Trên đường kể về Sal Paradise, một nhà văn trẻ với sự nghiệp mờ nhạt. Dự tính đi tìm cảm hứng, bằng bàn tay của số phận, anh đã gặp được Dean Moriarty – con thú hoang dã hướng theo bản năng tự do.
Hành trình mở đầu bằng việc Sal xin đi nhờ xe về phía Bờ Tây bằng mọi phương tiện anh gặp trên đường. Khi tao ngộ cùng Sal, anh cũng gặp thêm những “chiến hữu” khác cũng như bạn gái của Dean, Marylou…
Từ đây bộ ba đã có tháng ngày ngất ngây trần đời, xuyên qua nước Mỹ và cả đến tận Mexico với ma túy, thuốc lá, và những nhà chứa.
Trên đường đậm đặc tinh thần của một tuổi trẻ hoang dại, với các quán bar, rượu mạnh, khói thuốc, nhạc bebop và những tư tưởng đôi khi kình chống, đôi khi thuận hòa.
Cuốn tiểu thuyết này như đặc tả hết làn sóng mà Thế hệ Beat những năm 50 đã khơi ra được, với phong trào Hippy, cũng như tinh thần live fast, die young, be wild, have fun.
Cho đến ngày nay, Trên đường đã dần trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ, và Kerouac đã tạo ra Sal cùng Dean như một bộ đôi đi vào huyền thoại.
Vào năm 2012, bộ phim chuyển thể cũng được ra mắt, với diễn xuất của những ngôi sao như Garrett Hedlund, Sam Riley, Kristen Stewart, Kirsten Dunst… tuy nhiên không gây được tiếng vang lớn.
Ngàn năm một tiếng thở dài - Dư Thư Vũ
Du Thư Vũ là nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật, đồng thời là một nhà nghiên cứu lịch sử. Tác giả để lại dấu ấn vô cùng đặc sắc như một người tìm lại những nền văn minh xưa cũ. Ngàn năm một tiếng thở dài là một tập ghi chép về những dấu ấn giờ đã thành phế tích, một sự chấp nhận số phận thời gian.
Với tác phẩm này, Dư Thu Vũ đã dùng nghiên cứu thực địa để nhìn tận mắt và sờ tận tay những gì còn lại dưới đáy thời gian. Đó là chuyến đi qua 10 quốc gia, cùng những vùng đất không hẹn ngày về, băng qua Trung Đông bảo thủ, khủng bố, cực đoan.
Tác giả đã tìm đến cái nôi lớn của nền văn minh Hy Lạp, Ai Cập, Israel cho đến Ấn Độ, Nepal… Từ đó những nền văn minh kịp thời hiện ra.
Đó là những kim tự tháp của Pharaoh, là Babylon hoang tàn đổ nát, là tường than khóc Jerusalem… Từ trong lịch sử, những cuộc chinh phạt, Thánh chiến, tàn sát, xua đuổi… cũng dần tái hiện về phía trên đường biên của một lịch sử nối dài.
“Phải chăng cực thịnh tất suy, cực mạnh thành ra cực yếu?” – chính Dư Thu Vũ đã hỏi như vậy. Thế nhưng than khóc làm chi, đáp lời làm chi; để đến cuối cùng, câu trả lời chỉ là một tiếng thở dài vọng hoài ngàn năm.
Vào trong hoang dã - Jon Krakauer
Ra mắt sau Trên đường của Jack Kerouac tận 40 năm, cuốn sách du kí Vào trong hoang dã của Jon Krakauer lại có nét tương đồng với câu chuyện của Thế hệ Beat (Mỹ) một cách kỳ lạ.
Tác giả đã kể lại câu chuyện và trải nghiệm có thật của Alexander McCandless đi xuyên nước Mỹ. Alexander từ nhận mình là Supertramp - kẻ siêu lang thang rày đây mai đó.
Từ bỏ đời sống vật chất, Supertramp sống trong hoang mạc, chịu đựng bão cát, trải qua muôn vàn khó khăn đến độ nguy hiểm tính mạng. Sau trải nghiệm đó, anh vẫn lên đường. Anh sống lang thang như Thoreau cùng những hành trình “độc nhất vô nhị” gợi những ký ức về tuổi trẻ gặp gỡ.
Cũng trên hành trình khám phá phi thường đó, anh đã gặp được những con người nhân hậu. Để rồi sau những tháng ngày xê dịch liên tục, thứ anh nhận ra đó là hạnh phúc bắt nguồn từ sự sẻ chia, cho đi cũng là nhận lại.
Bên cạnh đó, tác giả Jon Krakauer đã vẽ lên một miền hoang dã nước Mỹ đầy khích gợi, với sa mạc nắng cháy, Alaska tuyết phủ, những cánh đồng lúa mì vàng ươm bạt ngàn… Vì thế, Vào trong hoang dã là bản tụng ca vẻ đẹp thiên nhiên cũng tinh thần phóng khoáng chỉ có một lần để sống.
Austerlitz - W.G.Sebald
Cũng như Ký ức lạc loài, Austerlitz là cuốn tiểu thuyết đậm tính suy tư của W.G.Sebald với những tổn thương còn mãi thời kì hậu chiến. Với Austerlitz, đó thực sự là một cuộc du ký vào ký ức của nhà văn.
Cuốn sách mở đầu bằng phân đoạn một người đàn ông vô danh bắt gặp một người du hành, Jacques Austerlitz, say sưa ngắm nhìn và ghi chép lại về các sảnh chờ trong nhà ga lớn ở Antwerp, Bỉ.
Mối quan hệ của họ cứ hợp rồi tan, và trong những lần đó, Austerlitz đã chia sẻ niềm đam mê tới độ ám ảnh về những công trình cỡ đại của mình. Trong những dấu tích đến từ quá khứ ấy, sự cô độc là thường trực đeo đám. Đó là nhà ga Trung tâm Antwerp, sở thú, các pháo đài; cũng như tòa án, nhà tù hay trại tâm thần…
Liệu những công trình với các kiến trúc có phần đồ sộ ấy phản ánh điều gì? Chẳng phải là thói ngạo mạn của chính con người thường tự lật tẩy mức độ bất an một cách rõ ràng nhất?
Đó cũng là lý do vì sao mà các thành lũy, thành trì, pháo đài càng xây dựng lớn lại càng thu hút quyền lực, với sự tranh giành, tham chiến rồi đến cuối cùng chỉ còn lại những điêu tàn.
Với những lát cắt thú vị trong việc nghiên cứu các công trình kiến trúc châu Âu cổ, W.G.Sebald đã để linh hồn đau khổ từ những phiến đá hòa nhập vào mình, từ đó cất lên bài ca phản ánh quá khứ cũng như nỗi đau mà thời cuồng loạn vừa mới đi qua như cái chớp mắt.