Tại sao ta nên đầu tư nghệ thuật, ngay lúc này? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 12, 2023
Chất Lượng Sống

Tại sao ta nên đầu tư nghệ thuật, ngay lúc này?

Không. Nó không chỉ là việc sở hữu “cái đẹp" mà còn là một hình thức đầu tư vào chính tác phẩm mà bạn sở hữu. 
Tại sao ta nên đầu tư nghệ thuật, ngay lúc này?

Nguồn: Wiking Salon

Thế giới nghệ thuật vô cùng đa dạng, bùng nhùng, và chắc chắn là bí mật, rất khó đưa ra những tổng kết chung về nó và sẽ là bất khả để hiểu trọn vẹn nó. Thêm nữa, việc có thể tiếp cận nó không hề dễ. Đó là lời mở đầu trong cuốn Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật được tác giả Sarah Thornton gửi gắm đến độc giả - những người vốn yêu thích nghệ thuật, nay muốn tìm hiểu cũng như có ý định sưu tầm tác phẩm.

Ngay sau đó, Sarah đưa người đọc đến với những thị trường nghệ thuật lớn nhất trên thế giới như New York, London, Los Angeles và Berlin, với những “cú” gõ búa trị giá hàng triệu đô la ở những buổi đấu giá.

alt
Nguồn: Lotus Gallery

Những câu chuyện xen lẫn giữa “nghệ thuật" và “đầu tư" như vậy đang ngày càng đa cực. Nhà nghiên cứu Dong Rui (Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh) nhận định, “Trong hai năm qua (2021-2022) châu Á đã vượt qua Bắc Mỹ và Châu Âu để trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới (theo doanh số bán đấu giá), chiếm khoảng 36% doanh thu thế giới.”

Vậy nhìn vào thị trường nghệ thuật ở Việt Nam thì sao? Dù còn sơ khai nhưng nó đang chuyển mình ấn tượng. Không chỉ có sự gia tăng đội ngũ nghệ sĩ, với các triển lãm cá nhân/nhóm, các gallery và không gian nghệ thuật tư nhân mọc lên cùng nhiều buổi đấu giá nghệ thuật dưới các hình thức khác nhau (thương mại, từ thiện) rất được quan tâm.

Tiếp cận nghệ thuật dễ dàng hơn bao giờ hết

Trở lại nhận định về thế giới nghệ thuật mà Sarah Thornton nói ở trên với những tính từ như “đa dạng", “bùng nhùng", “bí mật", “khó nắm bắt"... Điều này là có cơ sở, không chỉ bởi chính những ý niệm không dễ nắm bắt của người nghệ sĩ trong tác phẩm của họ, mà còn bởi sự vận hành của thị trường nghệ thuật vốn phức tạp vốn còn nhiều thiên kiến.

Nhưng không thể phủ nhận, công chúng đang tiếp cận với nghệ thuật một cách dễ dàng hơn. Họ có thể tham gia các buổi triển lãm nghệ thuật gần như hàng tuần, hàng tháng tại các phòng trưng bày hay không gian nghệ thuật do tư nhân tổ chức (chưa kể đến hệ thống bảo tàng công).

Ngày càng nhiều các cuộc triển lãm cá nhân/nhóm của những nghệ sĩ Việt Nam quá cố và đương đại, với nhiều tạo hình nghệ thuật khác nhau. Ở đó, dòng chảy nghệ thuật dường như đã thổi vào niềm yêu thích, và xa hơn là tạo ra thói quen thưởng lãm nghệ thuật của một lớp công chúng mới.

alt
Nguồn: Wiking Salon

Không khó để khán giả có thể tìm thấy thông tin, qua sách báo lẫn các kênh thông tin xã hội… Các nghệ sĩ và tác phẩm được trao đổi và bàn luận một cách sinh động hơn, mở rộng những “đường biên" cho cả nghệ sĩ lẫn người thưởng lãm/sưu tầm. Ở đó, những tiếng nói của nghệ sĩ được cất lên một cách đa dạng như tác giả Sarah Thornton nhận định, mở ra một “ánh nhìn" về đời sống nghệ thuật, tinh thần của xã hội.

Những triển lãm như Giao Biên - Traversing Realms của nhóm họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thuý Hằng, Dương Thuỳ Dương, Nguyễn Quốc Dũng tại Wiking Salon (72 Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Chí Minh, bắt đầu từ 23/12/2023) là một ví dụ như thế.

Đó là một cuộc khám phá về các khái niệm liên quan đến “biên" trong bối cảnh xã hội đương thời. Nó là một cơ hội để người nghệ sĩ biểu thị những ý tưởng, mà còn là cơ hội để người thưởng lãm cảm nhận những “tự sự" ngày nay.

alt
Nguồn: Wiking Salon

Ở đó, công chúng có thể thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, cùng câu chuyện với những biểu đạt mang nét nghệ sĩ tính của mỗi người. Nhìn vào nghệ thuật, là nhìn vào một đời sống tinh thần được thể hiện qua những tìm tòi và lao động nghệ thuật để tạo ra một tiếng nói.

Từ hình thức như mực nhuộm, màu nước trên lụa, sơn mài… cho đến các chủ đề/đề tài như chân trời, giới, đời sống thường nhật… đều có thể kể câu chuyện “giao biên" khiến người xem thực sự rung động.

Và chính cái “rung động" mang tính thẩm mỹ đó, đã khiến nhiều công chúng tìm đến những phòng tranh, những buổi trưng bày, triển lãm, để hân hưởng và để tìm thấy phần nào đó con người mình trong dòng chảy đời sống.

Và ngay lúc bắt đầu say mê nghệ thuật, người xem cũng bắt đầu hình thành một ước muốn (có thể từ vô thức): sở hữu tác phẩm họ yêu thích. Sự đam mê cái đẹp, sự trân quý người nghệ sĩ thôi thúc người xem muốn tạo ra một bộ sưu tập nghệ thuật của riêng mình.

Trở thành giám tuyển cho bộ sưu tập của riêng mình

Có lẽ, khởi thuỷ của những nhà đầu tư nghệ thuật đến từ những sưu tầm cá nhân. Đi làm - đi xem triển lãm - đi mua tác phẩm là một “con đường" tự nhiên của nhiều khán giả chuyển mình trở thành nhà sưu tập nghệ thuật.

Chúng ta có thể thấy được “động cơ” yêu thích nghệ thuật trở thành thói quen và ước mơ sưu tầm tác phẩm của nhiều người. Ace Lê, từ một người đam mê và sưu tầm nghệ thuật đã trở thành chuyên gia Việt Nam được nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s mời làm cố vấn khi tổ chức triển lãm phi thương mại đầu tiên tại Việt Nam.

alt
Nguồn: Lotus Gallery

Khi nhìn vào những người hoặc hội nhóm sưu tầm nghệ thuật tại Việt Nam, có lẽ điều dễ thấy nhất chính là việc họ đã trở thành những giám tuyển độc lập cho chính bộ sưu tập của mình. Ở đó, những tác phẩm trở thành một “tiếng nói" của nhà sưu tầm, khơi lên niềm yêu thích cái đẹp và khiếu thẩm mỹ cũng như gu thưởng thức của mỗi người.

Mỗi tác phẩm đều có hai giá trị đi kèm và song hành là giá trị văn hoá và giá trị tài chính/đầu tư. Tác phẩm không có giá trị công năng nhưng nó mang đến trải nghiệm cho người xem; tác phẩm nghệ thuật cũng có thể sinh lời hoặc dùng để bảo hộ các loại tài sản khác.

Nhiều người giàu trên thế giới đã và đang đa dạng nguồn đầu tư, nghệ thuật là một trong số đó. Họ thường chi tiêu từ 5-10% giá trị tài sản vào nghệ thuật. Như đã nói ở trên, các thị trường nghệ thuật lớn nhất không chỉ nằm ở Mỹ hay châu Âu, mà đang mở rộng ở châu Á.

alt
Nguồn: Wiking Salon

Tại Việt Nam, thị hiếu sưu tầm tranh tuy vẫn còn nhỏ so với các thị trường khác trong khu vực như Bangkok, Singapore… nhưng thời gian gần đây đang phát triển rất nhanh. Không chỉ số lượng các buổi triển lãm được tổ chức ngày càng nhiều và đa dạng, số lượng khán giả thưởng lãm tăng nhanh, dự báo cho một thị trường năng động trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các nhà đấu giá lớn như Sotheby's hay Christie đã để ý đến Việt Nam, tạo nên một thị trường nghệ thuật sôi động hơn bao giờ hết. Dù chưa chính thức có những cuộc đấu giá nghệ thuật thương mại, đây vẫn được xem là bước chuyển quan trọng với thị trường nghệ thuật. Đó là sự bắt đầu cho một thị trường nghệ thuật đầy tiềm năng; và cũng là lý do ta nên nghĩ về chuyện đầu tư vào nghệ thuật ngay bây giờ.

Khán giả Việt Nam đang hình thành thói quen thưởng lãm nghệ thuật một cách tích cực và năng động, từ đó thúc đẩy nhu cầu sưu tầm tăng lên. Và chính họ cũng dần trở thành những giám tuyển cho bộ sưu tập nghệ thuật của riêng mình.

Nhập môn những “phương trình” đầu tư nghệ thuật

Đầu tư vào nghệ thuật là đầu tư vào “cái đẹp", vào giá trị văn hoá của người sưu tập. Ở đó họ không chỉ sở hữu những tác phẩm có giá trị đầu tư có thể sinh lời trong tương lai, mà còn góp phần vào thúc đẩy nền nghệ thuật đương thời của Việt Nam phát triển.

Câu hỏi mà nhiều người khi bắt đầu sưu tập các tác phẩm nghệ thuật thường đặt ra là: “Tôi mua tác phẩm này liệu một hay 5 năm, 10 năm sau có tăng giá hay không?” Ẩn chứa đằng sau câu hỏi này là cả một “phương trình" đầu tư vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, nó có thể nằm ở hai khía cạnh mà mỗi người có thể tự đúc rút: hiểu biết và tính nhạy cảm cá nhân.

Hiểu biết ở đây có thể hiểu là những thông tin mà người sưu tập biết được về tác giả, tác phẩm. Nó có thể bắt đầu từ những sở thích cá nhân vào một nghệ sĩ, tác phẩm nhưng trên hết đó là nhận định được tầm quan trọng của nghệ sĩ đó, cũng như tính quan trọng của tác phẩm trong quá trình sáng tác của người nghệ sĩ.

alt
Nguồn: Wiking Salon

Yêu thích nghệ thuật là một chuyện, đầu tư nghệ thuật lại là một câu chuyện khác. Vì thế, những tác giả và tác phẩm được “cho là quan trọng", xuất hiện tại các triển lãm cá nhân hoặc nhóm, hay xuất hiện trong các bảo tàng quốc tế là những sở cứ quan trọng để nhập môn đầu tư nghệ thuật.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận yếu tố “tính nhạy cảm" của cá nhân mỗi nhà sưu tập. Nó nằm ở chính ở việc “giám tuyển" cho bộ sưu tập của cá nhân, với những nhận định về sự nổi tiếng và thành công của một nghệ sĩ và tác phẩm trong tương lai. Việc nắm bắt các tác phẩm của những nghệ sĩ quá cố hay đang sống cũng trở thành một mã tham chiếu hết sức quan trọng.

“Mua tranh mình thích và đừng hy vọng quá nhiều vào việc sinh lời.” - một giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam chia sẻ. Đối với những nghệ sĩ đang sống, chúng ta mua tranh vì sự trân quý chính người nghệ sĩ và cũng như để có cơ hội trò chuyện với họ.

Đó sẽ là một phần trong lối sống của người sưu tầm. Chưa kể, tham gia vào thị trường nghệ thuật, là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy nghệ thuật và các nghệ sĩ được phát triển tài năng và tạo ra các kiệt tác.