Lúc cái tên "sữa Milo" bắt đầu nổi lên như một hiện tượng, mỗi lần đi siêu thị, tôi vẫn hay thòm thèm nhìn hộp sữa được trưng trên kệ. Không biết vì sao, hình ảnh về sữa Milo trong tôi lúc ấy là sữa cho con nhà giàu. Và tôi lúc nhỏ thì hiểu rằng không bao giờ nói mẹ mua cho bất kỳ thứ gì mà "chỉ con nhà giàu mới có".
Hôm đó tôi bị điểm kém. Cả một quãng đường mẹ chở từ trường đến lúc về nhà toàn là tiếng nức nở. Tối hôm đó, mẹ mở cửa phòng, bưng tới một ly sữa Milo pha sẵn nghi ngút khói. Tự nhiên tôi không còn khóc vì điểm kém nữa, mà khóc vì... thương mẹ.
Sau này trưởng thành, dù có đủ tiền mua rất nhiều lốc sữa trên đời, tôi vẫn luôn tự pha cho mình một ly Milo. Một phần tại... nó ngon. Phần khác là mỗi lần uống, cứ tự nhiên nhớ lại chuyện mẹ đã an ủi mình một cách rất dễ thương thế nào.
Đôi khi ta gắn bó với một thứ gì đó không phải vì nó là thứ tốt nhất, mà vì cả một bầu trời ký ức và tình thương gia đình ở trong nó. Tết về, hình ảnh sum vầy bên gia đình ngày càng chiếm cứ tâm trí mọi người. Nhưng Tết này không phải ai cũng có cơ hội được “đi về nhà” theo lời Đen Vâu.
Khi không thể tựa vào gia đình một cách trực tiếp, việc tựa vào những ký ức bên họ cũng là cách nâng tinh thần trong thời điểm mọi thứ đều hoang mang. Vậy nên tôi đi tìm những ký ức bên các món Nestlé, giống tôi, của bè bạn, để mọi người “đi về nhà”, một cách gián tiếp.
Ly cà phê mang vị quê nhà
Chloe Mai, 27 tuổi
Nescafé là món luôn nằm trong tủ của ông bà ngoại hồi xưa. Hồi cấp 3, mình thường xuyên thức khuya học. Cà phê pha máy chưa phổ biến, và mình quá lười để pha phin, nên những hộp Nescafé của bà là cứu tinh từ sáng tới đêm.
Sau đó, mình bay sang Mỹ. Cà phê ở đó không hợp khẩu vị, nhạt và chua, mình vừa uống vừa khóc vì nhớ nhà, nhớ bà.
Cuộc sống du học của mình sang trang khi 1 ngày lạc vào chợ châu Á và mua được hộp Nescafé. Nescafé ở Mỹ y chang ở Việt Nam, nhưng nó là ngụm cà phê quê nhà đầu tiên mình "hớp" được ở "bển". Cảm xúc ngày trước dội về. Tuổi thơ, gia đình, những tháng ngày học hành quên ăn quên ngủ... để cuối cùng đứng ở chân trời lạ, xúc động không nói nên lời, chỉ với 1 tách cà phê.
Món đậu hũ chấm nước tương trong ký ức của ba
Nguyễn Hoài Duy, 25 tuổi
Ông bà nội làm và bán đậu hũ từ sau Giải Phóng đến đầu những năm 90, tức ngót nghét gần hai chục năm. Nhưng làm mãi mà nhà vẫn không giàu nổi, lại phải nuôi đến 6 miệng ăn. Mỗi lần bán ế, ba mình và mấy cô chú đều phải ăn bằng hết chỗ đậu hũ hôm đấy.
Vì nghèo, món ăn lúc nào cũng chỉ đạm bạc đậu luộc hoặc đậu chiên chấm nước tương. Những năm 7 mấy, gia đình dùng một loại nước chấm khác. Sau này, cả nhà dần chuyển sang ăn Maggi. Đến tận bây giờ, gia đình mình cùng ông bà mỗi lần ăn đậu hũ cũng đều phải dùng với nước tương Maggi.
Nhưng đĩa đậu hũ cùng chén nước tương không chỉ đơn thuần là món ăn và thức chấm. Nó là cả bầu trời tuổi thơ cơ cực của ba mình, là tình thương vô cùng to lớn dành cho 6 đứa con của ông bà nội.
Mỗi lần ăn đậu hũ, ba mình luôn kể câu chuyện món đậu hũ chấm nước tương đã nuôi lớn ba và các cô chú đến lúc thành tài như thế nào.
Tiệm tạp hóa dưới chân cầu thang nhà bà
Xuân Thy, 23 tuổi
Suốt thời gian học mẫu giáo đến lớp Một, thứ duy nhất mình mong là đến cuối tuần để được về thăm bà nội. Nhà bà có cái tủ kiếng ngay dưới chân cầu thang, trong đấy như một tiệm tạp hoá thu nhỏ. Nào bánh nào kẹo, nào mấy thứ bột đồ uống pha sẵn. Mình với mấy đứa em họ hay ngồi đấy chơi bán đồ hàng. Một đứa là cô bán nước, mấy đứa còn lại làm khách.
Hai món đắt nhất của “tiệm tạp hoá dưới chân cầu thang” là Nestea đá với bột Milo (để ăn chứ không phải uống). Đứa nào cũng thi nhau ăn Milo rồi uống trà, tới lúc bà nội nấu xong bữa chính thì no cành hông, không ăn nổi nên khi nào cũng bị la. Rồi bà mất, gia đình cũng không đến nhà bà mỗi cuối tuần nữa...
Trưởng thành rồi, mình không ăn Milo, cũng chẳng uống Nestea thường xuyên. Nhưng lâu lâu dòng họ tụ họp, nhắc đến bà nội, mấy anh chị em lại kéo nhau đi mua Nestea về uống, vừa ôn lại kỷ niệm lúc bé, lại vừa rưng rưng nhớ bà.
Ký ức "xin tí" Nescafé của ba mẹ
Chi Đặng, 27 tuổi
Chuyện nghiện uống cà phê đã có từ thời ông bà, đến ba mẹ, rồi "lây" sang anh trai và mình. Hồi còn nhỏ, mỗi buổi sáng cuối tuần, cứ tỉnh dậy là sẽ nghe thấy mùi cà phê thơm phức khắp nhà. Nhà mình có truyền thống uống Nescafé, vì nó không quá nặng như cà phê phin, lại còn tiện.
Mỗi lần thấy ba mẹ uống café, mình với anh đều “xin tí”. Ba mẹ cho “một tí” thật, đứa nào cũng chỉ được nếm đúng một muỗng cà phê bé tí tẹo. Nếm xong vẫn cứ thòm thèm. Hai anh em mình lớn lên, số lượng ly Nescafé mà ba mẹ pha mỗi sáng cũng tỉ lệ thuận theo đó. Từ 2 ly, lên 3, rồi lên 4.
Mình ở Mỹ, anh hai đã sang Châu Âu định cư từ lâu. Dù xa nhà cả mấy phương trời, hai anh em vẫn giữ thói quen uống Nescafé. Dù ở đây có tới mấy chục loại cà phê pha sẵn, nhưng với tụi mình, ly Nescafé vẫn đặc biệt hơn cả.
Bởi mỗi lần uống, mình lại như được quay ngược về thời mấy tuổi, chạy lon ton trong nhà, đến xin nếm tí tẹo cà phê của ba mẹ…
Là series mừng kỷ niệm 25 năm Nestlé có mặt tại Việt Nam, "Nestlé trong tôi" kể câu chuyện của những người trẻ về ký ức gắn liền với Nestlé trong quá trình trưởng thành.