Tết vẫn tròn dù bao mùa đi qua | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tết vẫn tròn dù bao mùa đi qua

Hãy lựa chọn những điều làm mình hạnh phúc, những đoàn tụ ấm êm, quây quần và tiếp nối những giá trị tốt đẹp.
Tết vẫn tròn dù bao mùa đi qua

Nguồn: Home Credit

Home Credit

Theo lịch trăng, gắn liền với nền văn minh lúa nước, cái Tết khởi niên bắt đầu từ buổi sáng thứ nhất của 12 tháng. Người Việt vẫn thường gọi Tết Âm lịch là "Tết ta" để phân biệt với Tết Dương lịch được coi là "Tết tây".

Tên gọi Tết Nguyên đán cũng đã bao hàm ý nghĩa của sự bắt đầu. Cho đến nay, trong giá trị văn hóa của người Việt, chưa có lễ, Tết nào quan trọng bằng Tết Nguyên đán.

Tết xưa và nay dù có nhiều khác biệt về thế hệ, cách chi tiêu, cảm thức hay điều kiện vật chất, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn hướng đến cảm giác hạnh phúc của mùa đoàn tụ, của những điều tốt đẹp, ước vọng cho một năm mới mạnh khỏe, bình an.

Đi tìm định nghĩa trọn vẹn của Tết xưa

Khi còn nhỏ, Tết với tôi là lúc được nghe người lớn kể về cái thời khốn khó, khi "có bát cơm trắng để ăn đã là quý". Thời đó thiếu thốn thật đấy, nhưng sao Tết vẫn đậm sắc màu và đậm giá trị truyền thống.

Thế hệ những đứa trẻ sinh ra cuối thập niên 90 như tôi, dù không trải qua quá nhiều những chuyển mình của xã hội và đất nước, nhưng cũng được nếm trọn sự thiếu thốn của những ngày xưa. Chính sự thiếu thốn đó khiến chúng ta đặc biệt thích thú với những gì nguyên bản nhất của ngày Tết.

Đó là phiên chợ Tết đông vui, nhộn nhịp nhất của những ngày cuối năm, người bán kẻ mua xôn xao với đủ món hàng hoá đầy đặn. Đó là mùi pháo Tết với làn khói xám vấn vương, hòa vào những hạt mưa xuân, quyện trong bầu không khí se se buổi rạng sáng đầu tiên của năm mới.

Quan niệm của bố mẹ thời chúng ta cho rằng những gì ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất… sẽ được dành cho ngày Tết. Dù khó khăn mấy thì ngày 30 Tết cũng phải có thịt treo trong nhà. Nhà nào cũng phải sắm được mâm cỗ để cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về cùng ăn Tết.

Tết nay tròn đầy theo một cách khác

Đời sống vật chất ngày nay có phần đủ đầy và khấm khá hơn xưa, điều đó làm áp lực lo sao cho vẹn chữ “no” ngày Tết cũng vì thế nhẹ gánh đi nhiều. Khi nỗi lo về vật chất đã nhẹ bớt, chúng ta đi tìm sự tròn đầy của tinh thần.

Nhiều người vẫn nói rằng Tết đang dần nhạt đi, nhưng thật ra Tết vẫn vui đấy thôi, vẫn có những người hàng năm háo hức mong chờ về nhà đón Tết.

alt
Nguồn: Unsplash

Tết bây giờ người ta ít đến thăm hỏi nhau hơn, chúc Tết qua điện thoại đã trở thành phổ biến. Trong thế giới phẳng, mạng xã hội kết nối rộng rãi thì ngày thường cũng như ngày Tết. Rất nhiều trò chơi dân gian cũng như các dòng tranh Tết có nguy cơ bị quên lãng.

Người ta có nhiều lựa chọn hiện đại hơn trong chơi Tết. Du lịch là một lựa chọn được chú ý trong mấy năm gần đây. Gia đình, người thân cùng nhau đến những miền đất mới trong mấy ngày nghỉ Tết là kiểu vui Xuân nhẹ nhàng.

Dù không gian, thời gian hay định nghĩa của chúng ta có thay đổi, nhưng những hình ảnh thân thuộc tượng trưng cho ngày Tết từ xưa thì vẫn lưu lại trong tâm trí.

Chúng ta vẫn nói với nhau về hai chữ “đoàn viên” như một ý niệm sẵn có trong tiềm thức của người Việt mỗi khi nghĩ về Tết. Đó là lý do nhìn thấy đào, mai khoe sắc là ta mơ về khoảnh khắc ấm áp của sum vầy, của gia đình. Khung cảnh cùng gói bánh chưng, ngâm măng, ngâm bóng, xếp lì xì…

Để vàng thì lắng lại, còn thau thì trôi xa

Văn hóa chính là thứ tạo nên cốt cách một dân tộc. Cốt cách ấy được hình thành dựa trên những đặc trưng, hệ giá trị tiêu biểu mang bản sắc riêng, biểu hiện cụ thể qua những phong tục tập quán tốt đẹp.

Tôi luôn nhớ mỗi chiều 30 Tết từ nhỏ đến khi lớn lên, khoảnh khắc đó đặc biệt hơn khi trời đã nhá nhem, bản tin thời sự sẽ nói rằng: “Xin chào quý vị và các bạn, đây là bản tin thời sự tối 30 Tết, ngày cuối cùng của năm...”

Sau đó là những hình ảnh Tết trên khắp các miền Tổ quốc, những thước phim tư liệu về những chiều 30 Tết xưa tại Hà Nội anh hùng năm 1972, có năm là Huế, có năm Sài Gòn 1975 rất trữ tình và tràn đầy niềm vui Đất nước. Sau bản tin thời sự, cả nhà cùng quây quần xem Táo Quân đợi giao thừa điểm.

alt
Nguồn: Unsplash

Tết vẫn luôn như thế, chưa bao giờ bớt đẹp, có lẽ vì chúng ta lớn lên và đánh mất sự ngây thơ, háo hức với những khởi đầu mới, đánh mất đi một trái tim biết ước vọng, trái tim không còn thi vị nên ép uổng Tết nay đã chán. Tôi nghĩ rằng, cái đẹp vẫn ở đó, chỉ cần lau cho trong vắt cả đôi mắt lẫn tấm lòng, sẽ lại thấy một màu nguyên xuân.

Những ngày lễ Tết đến để ta biết mình cần lựa chọn gì trong cuộc đời này. Hãy lựa chọn những điều làm mình hạnh phúc, những đoàn tụ ấm êm, quây quần và tiếp nối những giá trị tốt đẹp. Bởi truyền thống tựa như một dòng sông ngầm, chảy nhanh không ngừng, đem theo những giá trị cốt lõi ngấm dần từ thế hệ này sang thế hệ khác, để vàng thì lắng lại còn thau thì trôi xa.

Kết

Từ nhỏ, tôi đã được dạy rằng những gì đã là đẹp rất khó phai nhạt, con người đủ thông minh để chọn lọc và học hỏi những cái hay cái đẹp bên ngoài, nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình.

Đó là cách chúng ta lớn lên mà không đánh mất chính mình, để đón những mùa Tết dù đổi khác về không gian hay nhiều biến động, vẫn biết mình là ai, mình nên sống như thế nào khi thời gian đi qua.

Chỉ cần mỗi chúng ta vui vẻ, đó đều là tinh thần của ngày Tết.

Vượt một hành trình dài, chuyến xe Home Love đã mang một mùa Tết tròn vẹn đến với các em bé tại Khao Mang, Mù Cang Chải. Home Love - dự án ra đời từ sự sẻ chia, là một trong những hoạt động chính trong hành trình vì cộng đồng của công ty Tài chính số Home Credit tại Việt Nam. Tết 2023, hãy cùng Home Credit lan tỏa yêu thương, và tựu chung một mùa Tết tròn Tết vui tại đây nhé!