Thầy Minh Niệm: Viết để hiểu là lối viết khó nhất | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 07, 2022
Cuộc SốngThương

Thầy Minh Niệm: Viết để hiểu là lối viết khó nhất

“Thầy là người muốn đến gần đại chúng nhất có thể mà không bị cản trở bởi hình thức hay ngôn từ của tôn giáo.”
Thầy Minh Niệm: Viết để hiểu là lối viết khó nhất

Nguồn: Vietcetera

Nhà sư Thích Minh Niệm sinh năm 1975 với tên khai sinh là Lê Quốc Triều. Thầy là tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng: Hiểu về trái tim (2011) và Làm như chơi (2016). Hiểu về trái tim, tính đến hết lần xuất bản đầu tiên, đã nằm trong kệ sách cuộc đời của trên 100000 độc giả trong nước.

Tạ Thuỳ Minh, giám đốc nội dung của Vietcetera, cũng nằm trong số những người tìm thấy sự thức tỉnh nơi Hiểu về trái tim vào 12 năm về trước. Cô đã mang ơn cuốn sách ngay từ trước khi biết tác giả là ai. Tại số 87 sắp tới của podcast Have A Sip, Thuỳ Minh có dịp được chuyện trò với thầy Minh Niệm để hiểu hơn về sự nghiệp tu hành của thầy, về triết lý khi viết, và về các sản phẩm xuất bản trong tương lai.

httpsvietceteracomuploadsimages27jul2022hasthayminhnhiem23jpg
Nguồn: Vietcetera

Viết hay tức là chạm đến trái tim công chúng

Mang sự thức tỉnh, chữa lành vết thương, vượt qua những giới hạn và đi tới những chân trời rộng lớn hơn trong đời sống tâm linh đến phần đông đại chúng là những gì thầy Minh Niệm theo đuổi. Hiểu về trái tim là cuốn sách giúp thầy hiện thực hoá hoài bão này. Thay vì đề cập tới những tri thức lý luận khó hiểu, thầy Minh Niệm truyền đạt những gì mình biết với ngôn ngữ giản đơn, dung dị.

Thầy từng nói: “Thầy là người muốn đến gần đại chúng nhất có thể mà không bị cản trở bởi hình thức hay ngôn từ của tôn giáo. Thầy muốn tìm hạnh phúc và muốn giúp mọi người đi đến con đường hạnh phúc đó nhiều nhất có thể.”

Triết lý này đến với thầy Minh Niệm từ khi thầy có nhân duyên được sang Làng Mai (Pháp) tu học. Tại đây, thầy được thọ giáo trực tiếp với thiền sư Thích Nhất Hạnh, và học được cách chia sẻ những điều rất khó hiểu một cách gần gũi, rõ ràng đến đại chúng. Đó là tinh thần xuyên suốt trong các tác phẩm, và các bài nói chuyện của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Để rèn luyện được cách truyền đạt giản dị nhưng đầy ắp ý nghĩa như vậy, thầy Minh Niệm cho rằng, ta phải có nhiều trải nghiệm, kiểm nghiệm thực tế, cũng như quan tâm tới cách diễn đạt của mình tới đại chúng. “Đầu tiên là viết cho mình hiểu.” - thầy nhận xét.

Thầy Minh Niệm tự nhận rằng ở cuốn Hiểu về trái tim, lối viết của thầy không tốt bằng cuốn Làm như chơi. Tuy nhiên, cuốn sách cũng đã gieo hạt mầm chữa lành cho mọi người, gợi ý họ nghĩ thêm, đọc thêm những cuốn sách khác, rồi tự trải nghiệm thêm trong cuộc sống của họ. Phải đau khổ, thăng trầm, suy tư nhiều, thì mới chạm tới trái tim.

“Điều trị tâm lý là quay về con người bên trong mình để tìm thuốc…”

Liều thuốc điều trị tâm lý, và rộng hơn, điều trị những cơn đau tập thể của thời đại, là thứ mà toàn bộ xã hội, từ phía Đông cho đến phía Tây, đều phải kiếm tìm. Ngày nay, liều thuốc đó không phải thứ có thể tìm ở thế giới bên ngoài, mà chúng ta phải quay về con người sâu thẳm bên trong mình để tìm nó.

httpsvietceteracomuploadsimages27jul2022hasthayminhnhiemjpg
Nguồn: Vietcetera

Host Thuỳ Minh hỏi, nếu như năm 2021 được gọi là năm của sự chữa lành, thì liệu đến năm 2022 chúng ta đã được chữa lành hay chưa? Câu trả lời của thầy Minh Niệm có thể khiến chúng ta bi quan: sự chữa lành mới chỉ bắt đầu, vì năm nay chúng ta đối mặt với thực tế cay đắng hơn trước. Dịch bệnh qua đi thì chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy đến.

Nhưng cái nhìn thẳng thắn ấy có lẽ sẽ có ích cho chúng ta hơn là sự lảng tránh. Trong buổi nói chuyện, thầy Minh Niệm cho rằng quá trình chữa lành thực tế không hề nhẹ nhàng, mà chúng ta cần phải có kỷ luật để quá trình này hiệu quả. Điểm đến của chữa lành là cảnh giới chấp nhận, giống như chấp nhận cả cái tốt và cái xấu bên trong một con người.

Triết lý này có lẽ đã được vị tu hành đúc rút qua sự kiện thầy mất cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông, nhân duyên dẫn thầy tiếp thu tư tưởng Phật giáo ở nhiều nơi trên thế giới, cùng sự tiếp xúc với những người cần chữa lành tinh thần. Trong Hiểu về trái tim, sư Minh Niệm khẳng định giá trị của sự khổ đau:

“Khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh, để ta có thể phát tiết hết bản năng sinh tồn tiềm ẩn của mình.” Vì lẽ này, khổ đau một đằng khiến ta đối mặt với sự khó chịu, nhưng mặt khác, tạo điều kiện để ta rèn rũa nghị lực. Bài học dành cho thế hệ trẻ là, cần phải rèn luyện kỷ luật, thì mới chữa lành và chạm tới hạnh phúc.

“Nếu không có khổ đau

Biết đâu là hạnh phúc

Nhờ mộng mị hôm nào

Ta tìm về tỉnh thức.”

“Cuốn sách này lớn hơn mình”

Chi tiết khiến bạn đọc ngưỡng mộ thầy Minh Niệm hơn là khi thầy nói, thầy cảm thấy xấu hổ khi mọi người xung quanh quá kỳ vọng ở thầy, quá tin tưởng và coi thầy là thần thánh thì mới ra được những cuốn sách hay như vậy.

Thầy Minh Niệm nhận thấy, cuốn sách lớn hơn bản thân mình. Những gì được thầy viết trong Hiểu về trái timLàm như chơi, thầy mới chỉ trải nghiệm được 70-80%. 20-30% còn lại, thầy học từ kinh nghiệm của người khác, từ những người thầy của thầy, và từ Đức Phật. Thầy biết những điều đó là chính xác, nên dù chưa trải nghiệm thành công hết, thì thầy vẫn muốn chia sẻ tới công chúng.

Cho đến buổi nói chuyện ở không gian của Have A Sip, thầy Minh Niệm nói, ít nhất mình phải phấn đấu để sống sao cho bằng cuốn sách của mình. Điều đó yêu cầu thầy cống hiến cho cộng đồng nhiều giá trị hơn, chứ không chỉ đi lang thang để tìm minh triết cho bản thân mình nữa.

httpsvietceteracomuploadsimages27jul2022hasthayminhnhiem11jpg
Nguồn: Vietcetera

Thầy Minh Niệm có nhắc tới chuyến “tu bụi” kéo dài 3 năm của mình, từ 2011-2014. Thầy đã thực hiện đi bộ vòng quanh 25 tiểu bang ở nước Mỹ, sống ở những nơi hoang vu, hẻo lánh, và làm thiện nguyện ở các trang trại trồng hoa màu… Đối với thầy, đó là chuyến đi rèn luyện ý chí của mình trở nên mạnh mẽ.

Chuyến hành trình không chỉ ở nước Mỹ, mà trong suốt sự nghiệp của thầy Minh Niệm đã phản ánh triết lý hành thiền của thầy: phát triển dựa trên những trải nghiệm, kiến thức đúc kết được qua quãng thời gian tu tập. Đó cũng là thông điệp ý nghĩa thầy muốn dành cho chúng ta - có ý chí khi đứng trước một thời đại đầy biến động.