Thế lưỡng nan của người độc thân | Vietcetera
Billboard banner

Thế lưỡng nan của người độc thân

Điện ảnh không hiếm kiệt tác khắc họa nỗi cô đơn nhưng đặt người độc thân vào thế lưỡng nan thì chỉ có một; và đó là “The Lobster” của đạo dễn Yorgos Lanthimos.

Thế lưỡng nan của người độc thân

Nguồn: Phim The Lobster.

Thành đôi hay thành thú? - Đó là câu hỏi đầu tiên mà đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos đặt ra cho toàn bộ nhân vật trong The Lobster. Bởi trong thế giới giả tưởng đó, con người không được phép độc thân, dù bất kỳ lý do nào đi nữa.

Khi độc thân không phải là lựa chọn

Có hai kiểu người độc thân trong phim The Lobster: 1, được xã hội chấp nhận, thúc đẩy tìm kiếm bạn đời và 2, người độc thân ngoài vòng xã hội. Tuy nhiên, dù là kiểu người độc thân nào, họ cũng đều bị gạt sang bên lề. Tệ hơn, họ là mục tiêu "thuần hóa" hoặc săn đuổi.

Theo đó, những người độc thân loại 1 sẽ được dẫn độ đến một địa điểm là Khách Sạn. Họ có 45 ngày để tìm kiếm cho mình một người bạn đời. Sau khoảng thời gian này, ai không tìm được đối tác sẽ phải biến thành thú, con vật mà chính họ đã lựa chọn trước đó.

Trong The Lobster, những người độc thân đều giống nhau. | Nguồn: Phim The Lobster.

Người độc thân trong phim về cơ bản đều giống nhau. Họ thức giấc cùng một giờ, ăn vận giống nhau, chung một hoạt động giải trí và đi săn cùng một giờ. Họ cũng tìm người “đồng dạng” để dễ kết đôi, không phải là người đồng điệu về tâm hồn.

David, nhân vật chính của phim là một người độc thân điển hình. Mặc dù David là người duy nhất có tên riêng nhưng anh cũng không mấy Cô Hay Chảy Máu Cam, Anh Nói Ngọng, Cậu Chân Thọt… 

Nam diễn viên Collin Farrell trong vai David. | Nguồn: Phim The Lobster.

Trong phim, sự đe dọa của việc sống một mình được miêu tả hết sức đơn giản. Họ dễ dàng bị tấn công và nguy cơ dẫn đến cái chết cao hơn. Tuy nhiên, điều này lại phơi lộ một thế giới ảm đạm, thiếu vắng đời sống tinh thần, sự đồng điệu của những cặp đôi thực sự.

Nhưng dù là ai đi nữa họ đều đang mắc kẹt với tình trạng độc thân của mình. Họ bị đưa đẩy mà dẫn đến kết cục bi đát này. Vốn tưởng được yên thân, họ lại có những phản ứng yếu ớt để kết nối với người khác. 

Yorgos Lanthimos không đánh đồng giữa độc thân và cô đơn/cô độc. Người độc thân chưa hẳn là kẻ cô đơn và ngược lại. Sự thật mà bộ phim phơi bày ra, không phải chỉ vấn đề của độc thân mà còn ở sự kết đôi không xuất phát từ sự chân thành, thấu hiểu, yêu thương.

Độc thân là tự đào mộ chôn mình? | Nguồn: Phim The Lobster.

Độc thân không phải là lựa chọn nhưng kết đôi không phải lúc nào cũng vì yêu thương, thay vào đó là nghĩa vụ. Và kể cả khi đã cố gắng, họ vẫn thất bại để rồi rơi vào những bi kịch khác nhau. 

Một bài kiểm tra cảm xúc của con người

Có thể xem The Lobster là một bài kiểm tra cảm xúc con người, đặc biệt là người độc thân. Có người muốn vượt thoát tình trạng độc thân bằng cách ve vãn tán tỉnh, hoặc dối gạt; cũng có người tìm cách riêng để kéo dài tình trạng độc thân.

Cô Gái Ăn Bánh Bích Quy thường xuyên ve vãn David. David giả vờ làm người nhẫn tâm để tán tỉnh một người nhẫn tâm khác. Cậu Chân Thọt cố tình dập đầu chảy máu mũi để tiếp cận Cô Hay Bị Chảy Máu Cam.

Trong The Lobster, kết đôi là mục tiêu và không bị hóa thú là mục đích. | Nguồn: Phim The Lobster.

Dù bằng phương thức nào đi nữa, họ đều không tiến hành bằng cảm xúc và con người chân thật của mình. Họ xem việc kết đôi là mục tiêu và không bị hóa thú là mục đích. Ở trong thế giới phim, tình yêu và sự chân thành là điều rất xa xỉ. 

Trong rất nhiều người độc thân bước vào và Khách Sạn, David là gần như là người duy nhất tìm thấy tình yêu. Nhưng đặc biệt là ở chỗ, anh ta tìm thấy tình yêu ở một nơi khác, không lên kế hoạch, dự định hay mong cầu. 

Khách Sạn trong bộ phim gợi đến sự liên tưởng là một dating room (phòng hẹn hò) hay rộng hơn, một dating app (ứng dụng hẹn hò) trong đời sống thực tế. Có thể xem đây là tiếng cười gượng nhưng đầy mỉa mai của Yorgos Lanthimos về xã hội mất đi những kết nối tự nhiên, nơi con người yêu đương và kết hôn không phụ thuộc vào cảm xúc, thay vào đó là sự ép buộc của xã hội.

Khách Sạn trong phim The Lobster giống như một dating app. | Nguồn: Phim The Lobster.

Giống như trong đời thực, chúng ta có rất nhiều ứng dụng hẹn hò và đó là những "khách sạn" của người độc thân. Chúng ta lên đó với hy vọng "quẹt" được một tấm chân tình. Có người thành công, có người phải đợi đến lượt.

Hầu hết những người độc thân bước vào Khách Sạn đều thất bại trong bài kiểm tra cảm xúc con người. Và liệu chúng ta cũng như thế trong đời thực, cũng đang "thất bại" giống như thế?

Mật ngữ của tình yêu

Trong suốt bộ phim, chúng ta không hề thấy sự xuất hiện của tình yêu, vốn là chất dẫn xuất, đồng thời là một trong những tiền đề của mối gắn kết của hai con người xa lạ lại với nhau. Thậm chí, bộ phim còn gợi lên sự mỉa mai về tình yêu trong thế giới thiếu vắng cảm xúc và đầy sự lãnh đạm. 

Phải đến gần cuối bộ phim, đạo diễn Yorgos Lanthimos mới hé lộ một tình yêu chân thực. Từ những rung đầu tiên khi ánh mắt của David và Cô Mắt Cận nhìn vào nhau, cho đến những màn tán tỉnh hay ghen tuông giữa cả hai.

Khi yêu, chúng ta tự tạo ra thế giới của riêng mình. | Nguồn: Phim The Lobster

Để đẩy thêm cao trào, nơi những người độc thân và xa lạ khó khăn mới tìm thấy nhau, Lanthimos còn chỉ ra cách vận hành của tình yêu, bằng một loại mật ngữ riêng.

Mật ngữ tình yêu trong The Lobster chính là ngôn ngữ cơ thể, những ám hiệu giữa David và nhân vật nữ được gọi tên cô mắt cận. Ngôn ngữ đó là bí mật và riêng tư, chỉ họ nắm giữ, truyền đi và ngầm hiểu ở đối phương.

Khác với các hình thức đầy bản năng như thủ dâm hay kích dục ở trước đó, cặp đôi David và mắt cận yêu nhau qua ánh mắt, cử chỉ và những nụ hôn sâu (tâm hồn). Dù sống giữa thế giới đầy nguy cơ, sự đe dọa và chia rẽ, cả hai vẫn thản nhiên tình tự, như thể tình yêu đã tạo ra thế giới riêng không ai có thể xâm phạm.

Dù phim có kết thúc mở nhưng rõ ràng cả David và cô mắt cận đã tiến xa và vượt thoát khỏi những định chế xã hội. Tình yêu của họ là minh chứng cho thấy, độc thân là chờ đợi một người yêu đích thực, một tâm hồn khác để đồng điệu. 

Tình yêu là điều quan trọng nhất. | Phim: The Lobster

Hoặc ít ra, tình yêu của họ đã ít nhiều chứng minh, độc thân thực sự là vấn đề mang tính nhân bản. Và để không hóa thú, không phải đầu hàng sự độc thân hay trốn chạy, thay vào đó là tìm ra tình yêu đích thực.

Tạm kết

The Lobster hết sức kỳ quặc, đầy phi lý nhưng cũng chân thực, dễ đồng cảm. Lần theo nhu cầu bản năng của các nhân vật, ta nhận ra người độc thân không có mong cầu nào khác ngoài yên thân. Nhưng nếu không được yên thân, họ đã và sẽ làm điều gì? 

The Lobster dựng lên các thiết chế, lề thói, quan điểm để chỉ ra độc thân là lối sống sai lầm. Xã hội trong phim cũng thiết lập nên các phương tiện, cách thức… để những người độc thân có thể tìm thấy đối tác, bạn đời. Tuy nhiên, tất cả đó đều sai cách và thất bại.

Tình yêu của David và cô mắt cận lại đơm hoa giữa tự nhiên, không cần ai tác động, cổ vũ, hay ép buộc. Tình yêu của cả hai không xuất phát từ sự cô đơn của mỗi người mà là sự chân xác của cảm xúc khi nhìn vào đối phương. Ở đó họ lách luật, phá rào, tự tạo ra mật ngữ để trao đổi gắn kết, và xây dựng thế giới của riêng mình.  

Chính tình yêu của họ đã tạo nên một bước phát triển mới, cho thấy tình yêu là thứ đầu tiên và sau cùng gắn kết những người xa lạ với nhau. Và bây giờ, đến lượt của chúng ta.