Bộ truyện tranh đầu tiên tôi sở hữu là “Hikaru - Kì thủ cờ vây". Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ những nét vẽ trau chuốt trong từng khung hình và cả những hệ tư tưởng, giá trị được gửi gắm trong cả bộ truyện.
Mỗi bộ truyện tranh đều có tính lịch sử, có hình tượng, có biểu tượng, có những giá trị thẩm mỹ, đạo đức, truyện tranh đã gắn liền với bạn đọc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, nhất là những đứa trẻ thế hệ 9x
Truyện tranh cho tôi những khái niệm đầu tiên về cuộc sống
Hẳn sẽ có rất nhiều đứa trẻ giống tôi, ít nhất từng một lần trong đời ao ước có được món bảo bối nào đó của Doraemon, để cứu nguy trong những tình huống bí bách.
Hoặc thèm muốn một siêu năng lực nào đó giống Songoku để “dịch chuyển tức thời" đến những nơi ao ước. Hay đơn giản chỉ là một cuộc sống nhiều màu sắc và những chuyến phiêu lưu của hội bạn trong One Piece.
Nhưng dẫu có mở rộng cuộc phiêu lưu ra bên ngoài vũ trụ, dưới đại dương hay trong lòng đất, còn hơn một câu chuyện về những điều thần kỳ, Doraemon vẫn là tiểu vũ trụ của những bạn nhỏ, với những mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, những nỗi lo thường nhật.
Dù thông minh sắc sảo, đi tìm được đáp án của trăm ngàn vụ án khác nhau, Shinichi Kudo vẫn là một cậu bạn loay hoay với những mối quan hệ bạn bè và học cách yêu thương, sẻ chia với cô bạn gái của mình một cách vụng về.
Thế giới truyện tranh, dù là Doraemon, Conan hay 7 viên ngọc rồng, Naruto,... ở đâu cũng có những trọc phú, cướp giật, lừa đảo, tội phạm. Những cuộc thư hùng của “khỉ con” với kẻ thù ngày càng mạnh chính là ẩn dụ về những khó khăn thử thách mà mỗi người chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống để trưởng thành, để lớn khôn.
Luôn cũng có ranh giới giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong mỗi tập truyện. Nó chối từ việc lý tưởng hóa cuộc sống. Cũng không vẽ lên những gam màu hồng trong thế giới của mỗi nhân vật.
Các bảo bối có thần kỳ đến đâu cũng chỉ nhất thời. Những đứa trẻ rồi sẽ phải lớn. Doraemon có trở lại cũng chỉ để nối dài tình bạn không thể nào chia cắt. Naruto dù cho lúc bé cũng từng thích Sakura, nhưng cuối cùng vẫn nhìn người đó sánh vai cùng Sasuke.
Truyện tranh cất giấu một phần tuổi thơ
Thế hệ 9x chúng tôi lớn lên trong một thế giới nhiều va đập và chia rẽ, trước những biến động của thời cuộc và chuyển đổi của thế hệ.
Có thể bây giờ, những đứa trẻ tầm tuổi tôi ngày đó không phải đợi cả tháng trời cho một tập truyện mới, hay cũng chẳng cần phải chắt chiu từng đồng để đi thuê. Nhưng cảm giác háo hức và hồ hởi khi cầm trên tay cuốn truyện tranh lúc nào cũng đều mới mẻ và vẹn nguyên như ngày đó.
Tôi nhớ có một đợt, trên Facebook, người ta nói nhiều về những mất mát của thế hệ, hay nhìn rộng ra là thế giới tuổi thơ. Internet phổ cập mở ra một thế giới phẳng cho những con chữ và cả những ước mơ.
Thế hệ của những đứa trẻ ngày nay tìm niềm vui ở những món đồ công nghệ đắt tiền và xa xỉ hơn nhiều so với chúng ta ngày trước. Ai cũng phải lớn và phải đấu tranh cho những niềm tin và giá trị của bản thân mình.
Sẽ là không khách quan khi nói rằng rằng một con người có thể thay đổi sau khi đọc những cuốn truyện tranh. Hay tuổi thơ một người đẹp đẽ và đáng nhớ hơn một người khác khi họ từng đọc một cuốn truyện tranh này.
Nhưng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn việc nhìn câu chuyện như ký ức đẹp của tuổi thơ, hay rút ra từ đó những bài học đầu đời về chân - thiện - mỹ.
Truyện tranh là khởi nguồn cho sự yêu thích việc đọc
Lớn lên đồng nghĩa với được va đập nhiều hơn. Những thứ tôi được đọc bây giờ không chỉ là những nét vẽ ngộ nghĩnh, những câu chuyện phiêu lưu nhiều màu sắc, mà còn là các không gian và dòng chảy tri thức khác nhau.
Nhưng nếu không có các cuốn truyện tranh hấp dẫn và lôi cuốn đã từng say mê ngày bé, có thể tôi sẽ không bao giờ nhận ra, đọc là một việc nhiều niềm vui và an ủi đến nhường nào.
Trong nhận thức của một đứa trẻ, quá trình đọc truyện tranh sẽ xử lý thông tin theo cách khác với truyền thống. Các thông tin khô khan, nhàm chán như những câu chuyện mang tính lịch sử hoặc giáo dục, cũng được tiếp thu nhanh gọn hơn với cách truyền đạt cứng nhắc.
Những cuốn truyện tranh cũ mèm mua từ số tiền tích cóp vẫn ở đó, nhắc tôi rằng sách truyện đôi khi chỉ là một phương tiện dẫn lối mình đến những thứ lớn lao và nhân văn hơn.
Đừng chỉ yêu những cuốn sách lộng lẫy hay mới cứng, cũng đừng chê bai những cuốn truyện rách bươm, sờn gáy, mà hãy yêu lấy sự đọc.
Hãy luôn tin vào những điều tốt đẹp - vì chúng ta không chỉ có một mình
“Merry, đáy biển tối lắm. Cậu cũng sẽ cảm thấy cô đơn nên chúng tôi sẽ luôn ở bên cậu.” - Đó là câu nói của thuyền trưởng Luffy khi con tàu Going Merry ‘tạm biệt’ đồng đội và hòa mình xuống lòng đại dương xanh thẳm. Ở One Piece, ta thấy cả những vật tưởng chừng vô tri vô giác cũng có tình người.
Doraemon luôn tận tụy với Nobita. Gaien tuy ăn hiếp Nobita nhưng luôn đứng ra che chở bạn bè trong gian nan nguy hiểm. Suneo hay mách lẻo nhưng khi cần vẫn có thể hy sinh bản thân vì tình bạn. Những người anh hùng không ở đâu xa xôi mà chỉ quanh mình và rất gần gũi. Đó chính là những người bạn của chúng ta thôi.
Teppi là một cậu bé được nuôi dạy theo phong cách hoang dã bởi một người cha lập dị. Hoàn toàn không có những lễ nghi hay cách cư xử giao tiếp đúng mực, Teppi lớn lên với hình hài của một cậu bé vô lễ và trải qua sự nỗ lực của những người xung quanh. Teppi đã dần trở về với cuộc sống bình thường và trở thành một cậu bé hoàn hảo.
Đó chỉ là ba trong số vô vàn những chi tiết và bài học trong thế giới truyện tranh mà tôi vẫn còn nhớ trong kí ức của mình.
Nhưng bao điều những nhân vật trong các bộ truyện tranh gieo vào tôi khi đó vẫn luôn là một hạt mầm. Để sau này, dù có bao nhiêu tuyệt vọng hay chán nản, vẫn biết mình không cô độc và thế giới rồi sẽ tốt đẹp hơn.