Thời chúng tôi: Thu sang đón mùa trăng tròn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Thời chúng tôi: Thu sang đón mùa trăng tròn

Ngày Tết đoàn viên vẫn luôn là sự trông ngóng cả năm ròng, như miếng bánh ngon cất kỹ trong tủ bà.
Thời chúng tôi: Thu sang đón mùa trăng tròn

Nguồn: Đặng Thế Anh

Từ lâu, Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên đã trở thành một trong những dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Cứ đến rằm tháng 8 hàng năm, nhà nhà lại quây quần bên nhau để cùng thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, nhâm nhi tách trà, “tám” vài ba câu chuyện vui vui.

Một mùa Trung thu nữa lại đến, theo dòng chảy của thời gian là những thay đổi của cả những ngày Tết truyền thống. Có người vẫn háo hức đợi những điều mới mẻ đêm trăng lên, thì cũng có người hoài niệm và nuối tiếc về những ký ức của những ngày cũ.

Những mùa trung thu khi công nghệ chưa lấn át truyền thống

Trung thu trong kí ức tôi còn nhớ là những ngày háo hức khấp khởi trước cả tuần lễ khi nghe tiếng trống múa lân rộn ràng đầu ngõ. Là những câu chuyện ông kể về nguồn gốc của ngày lễ trong nền văn minh lúa nước. Còn cả cái phông nền cũ kĩ được các bác tổ dân phố dựng lên ngay trong ngõ để bọn trẻ cùng phá cỗ trông trăng.

Tôi vẫn nhớ những đêm Trung thu khi còn nhỏ, ngày đó thiếu thốn nên thèm bánh kẹo dữ lắm, chỉ đợi đến trung thu để được cho. Có lẽ vì thế những đêm hội cũng trở nên giá trị và đáng trông đợi hơn.

Trung thu khi xưa là sự thiếu thốn đôi chút về vật chất nhưng luôn mặc định rằng mình thật giàu có và đủ đầy.

Trẻ con khi đó hai túi quần lúc nào cũng đầy bánh kẹo, hoa quả linh tinh được các bà dúi cho mang về. Không thể thiếu tiếng cười nói huyên náo của lũ trẻ trong xóm không nhớ hết mặt mũi, cả những đao kiếm nhựa xanh, mặt nạ hoạt hình bây giờ chẳng còn bán.

Trung thu khi xưa là sự thiếu thốn đôi chút về vật chất nhưng luôn mặc định rằng mình thật giàu có và đủ đầy. Đó là những mảnh ghép kỉ niệm rất nhỏ, không liền mạch cũng chẳng rõ ràng, nhưng cảm xúc thì vẫn luôn ấm áp và lấp lánh niềm vui.

Nó len lỏi và đập thình thịch liên hồi trong trái tim nhanh chán của một kẻ trưởng thành. Có lẽ tất cả chúng ta đều đã lớn lên từ đó. Từ cái đẹp của văn hóa và truyền thống, những mùa trăng tròn rồi khuyết. Và cả niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia ly.

Chúng ta hay nói với nhau rằng mình yêu Trung thu của những năm cuối thập niên 2000, khi mà nó đang nhá nhem giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Lúc đó, công nghệ chưa lấn át đời sống. Tivi đêm rằm là chương trình phá cỗ quen thuộc của đài trung ương chứ không phải kết nối mạng xã hội.

Và ngày Tết đoàn viên là sự trông ngóng cả năm ròng như miếng bánh ngon cất kỹ trong tủ bà.

Những mùa Trung thu của nhá nhem giao thời

Ngày nay, chúng ta không cần đợi mòn mỏi cả năm trời để được cắn miếng bánh nướng, bánh dẻo. Tết đoàn viên không còn là cái cớ để chúng ta có được những chiếc đèn lồng lấp lánh nhân vật hoạt hình.

Người ta vẫn bảo với nhau là Trung thu ngày nay khoét sâu vào những kỉ niệm một khoảng trống hụt hẫng mỗi khi nhớ về những ngày bé xưa.

Cũng chẳng còn đứa trẻ nào mặn mà với đêm hội rước đèn khi nơi nơi đều là muôn vàn ánh đèn đường sáng trưng. Đời sống vật chất và kinh tế đủ đầy làm vơi bớt đi háo hức và thèm muốn đông vui trong những ngày lễ Tết cũng vì lẽ đó.

Người ta vẫn bảo với nhau là Trung thu ngày nay khoét sâu vào những kỉ niệm một khoảng trống hụt hẫng mỗi khi nhớ về những ngày bé xưa. Lớn lên thật dễ dàng, nhưng lớn lên để hiểu thêm về những giá trị văn hóa, để tìm thấy niềm vui trong những ồn ào vội vã, biết yêu thương và trân trọng cả những kỉ niệm lẫn hiện tại mới thật khó khăn.

Dù có bao nhiêu hụt hẫng, cũng mong rằng bạn đừng đổ tại cho ai vì sự nuối tiếc ấy. Lũ trẻ con ngày nay lớn lên giữa công nghệ và chen chúc phố xá mấy ai kể chúng nghe về niềm vui ngây thơ trong bữa tiệc đêm trăng tròn.

Rằng chiếc đèn lồng giấy ai lỡ tay làm rách vẫn cố xách đi khắp ngõ đêm trung thu lại trở thành ánh sáng soi đường cho những bước đi sau này thêm vững vàng. Hay sẽ chẳng bao giờ, những món đồ chơi loè loẹt thay thế được đèn ông sao kính bóng và mặt nạ giấy bồi.

Trung thu ở đó để nhắc ta về những niềm hoan hỉ, háo hức vẹn nguyên của một đứa trẻ mỗi đêm trăng lên.

Thiết nghĩ, chúng ta đi qua bao mùa lễ Tết để học cách kể những giá trị truyền thống bằng ngôn ngữ hiện đại. Hơn cả, là để hiểu rằng muốn gìn giữ những giá trị xưa cũ một cách tròn trịa, thì hãy cẩn thận cầm lên đặt vào tay những em nhỏ như đang trao lại một phần tuổi thơ của mình.

Trung thu ở đó để nhắc ta về những niềm hoan hỉ, háo hức vẹn nguyên của một đứa trẻ mỗi đêm trăng lên.

Nhắc ta mùi bánh nướng thơm ngọt bố hạ từ trên bàn thờ sau lễ cúng. Nhắc bà mình lụi cụi xếp mâm cỗ cho đàn cháu nhỏ sau bữa cơm. Nhắc người mẹ ngồi cửa ngóng đợi con về để “ngày vui xa xôi bỗng như thật gần”. Nhắc bữa cơm gia đình bên anh chị em lớn lên rồi gặp nhau chẳng còn nhiều.

Trung thu - dù là truyền thống hay hiện đại vẫn có những niềm vui riêng

Không cứ là Trung thu xưa thì mới đẹp mới vui. Trung thu trong hơi thở hiện đại vẫn có những niềm vui đương thời. Bởi xét cho cùng, hai chữ Trung thu không phải là thứ vật chất hữu hình.

Chẳng phải cứ là đèn lồng bóng kính, múa lân sư tử, phá cỗ trông trăng, rước đèn khắp phố mới là tròn đầy. Chúng ta lớn lên trong dòng chảy của thời đại thì hãy để mình xuôi theo những dòng chảy đó. Vào những đêm trăng tròn, đừng đợi một ai gửi đến một chiếc bánh, hãy tự mua cho mình một hộp bánh trung thu không cần phải xa xỉ để thấy lòng thật ngọt ngào.

Giá trị của lễ Tết vẫn được gìn giữ theo cách riêng của nó.

Nếu mà cảm thấy quá cô đơn, hãy gọi cho những người bạn đã lâu không gặp để ngồi lại với nhau, vì có thể cùng rất nhiều người giống bạn đang bon chen một mình giữa thành phố. Nếu nỗi nhớ nhung đang dâng đầy trong lòng, đừng ngại ngần mà gọi về cho bố mẹ và hẹn ngày về thăm họ.

Trung Thu vẫn luôn ở đó, chỉ có chúng ta lớn lên rồi đổ tại xã hội ồn ào náo nhiệt làm mọi thứ khác xưa. Phủ nhận hiện tại không làm những kí ức về ngày xưa đẹp hơn. Niềm vui của những đứa trẻ ngày nay có lẽ vẫn giống chúng ta ngày đó.

Giá trị của lễ Tết vẫn được gìn giữ theo cách riêng của nó. Vẫn là mâm cỗ Trung thu với quả bưởi có hình tròn thể hiện sự toàn vẹn, đủ đầy, sung túc. Bánh đậu, cốm xanh, chè lam, kẹo lạc, mứt ô mai như một thứ gia vị chua cay mặn ngọt, không thể thiếu trên bàn tiệc cuộc đời.

Trăng vẫn tròn dù bao mùa thu qua

Ý nghĩa của những ngày Lễ Tết hay Trung Thu, tôi vẫn nghĩ không phải nằm ở sự xung đột những giá trị thời đại hay hoài niệm về những ngày tháng cũ. Càng không phải là cái cớ để chúng ta thương mại hóa và đẩy nó đi xa. Nó nằm ở sự sẻ chia và yêu thương.

Đó là những đồng cảm, hồi đáp về ký ức ngọt ngào làm chỗ dựa cho ta bao năm tháng khó khăn. Trung thu đi qua còn là khi chúng ta biết đất trời đang thay đổi để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm đang đến. Nó nhắc những chăm nom cho những yêu thương, trong trẻo trong ta lớn dần.

Để dù có bao mùa trăng đến rồi đi, Trung thu vẫn luôn là bữa tiệc linh đình của kỉ niệm và hạnh phúc.

Trăng vẫn tròn nơi góc phố sáng loáng ánh đèn đường. Có thể hôm nay khi đã lớn, bạn không còn ngồi trước cửa trông trăng như bao mùa đã qua. Nhưng đừng quên đi những ước vọng và yêu thương trăng đã gieo trong lòng mình khi đó.

Để dù có bao mùa trăng đến rồi đi, vẫn luôn thấy Trung thu là bữa tiệc linh đình của kỉ niệm và hạnh phúc.