Thời trang bền vững - Phần 2: Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution3 | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
31 Thg 08, 2018
Kinh doanh Thời trang

Thời trang bền vững - Phần 2: Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution3

Trò chuyện cùng Marian Von Rappard - người sáng lập xưởng thời trang Evolution3, thương hiệu Dawn Denim và SUPER VISION - về sứ mệnh phát triển thời trang bền vững cùng các giá trị đạo đức mà anh đang xây dựng.

Thời trang bền vững - Phần 2: Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution3

Như đã đề cập trong một bài viết gần đây, nền kinh tế phồn thịnh thứ 2 thế giới – Trung Quốc – đang trong quá trình chuyển dịch từ sản xuất với giá nhân công thấp sang nhà máy công nghệ cao. Hệ quả kéo theo là sự chuyển đổi cơ sở sản xuất của hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia, từ “made in China” sang chiến lược “Trung Quốc + 1“. Vì lý do trên, Việt Nam trở thành “công xưởng thâm dụng lao động” được yêu thích hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là đối với sản xuất thời trang dệt may và da giày – hai trong số các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.

Theo một khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tháng 6/2017), lương tháng trung bình của một công nhân may ở mức 4,3 triệu đồng, đáp ứng khoảng 75% mức sống tối thiểu. Để lấp đầy 25% còn lại, người lao động bắt buộc phải tăng ca với số giờ từ 47-60 giờ/tháng, gấp đôi so với quy định của pháp luật. Tất cả con số trên phản ánh một thực trạng đáng lên án, về một bộ phận các doanh nghiệp thời trang vì lợi nhuận mà gạt bỏ đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình…

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution30

Marian Von Rappard – nhà sáng lập xưởng thời trang Evolution3.Vậy nên, sau những tiềm năng về nguyên liệu và phương pháp thủ công, lần này trở lại với series thời trang bền vững, chúng tôi muốn tìm kiếm những hành động, và ứng dụng thực tiễn trong thiết kế và sản xuất. Và người đầu tiên chúng tôi tìm đến là anh chàng người Đức Marian Von Rappard – nhà sáng lập xưởng thời trang Evolution3.

Vậy, có gì đặc biệt ở Evolution3? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Công xưởng của hoài bão và tiếng cười

Năm 2010, Marian bắt đầu xây dựng một xưởng sản xuất thời trang Evolution3, chuyên gia công sản phẩm may mặc cho các thương hiệu đến từ châu Âu. Đến năm 2015, từ chỗ chỉ sản xuất, Marian cùng hai người bạn của anh thành lập thương hiệu thời trang riêng, đặt tên là Dawn Denim. Theo Marian, “Dawn là thương hiệu chuyên về các sản phẩm làm từ chất liệu vải denim với thiết kế hiện đại, được may đo kỹ lưỡng và tuyệt đối tuân thủ các chuẩn mực đạo đức.”

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution31

Nhà thiết kế Linda Mai Phùng trong phòng thiết kế tại xưởng Evolution3.Hai năm sau đó, anh nhen nhóm ý tưởng xây dựng một thương hiệu khác – SUPER VISION – dòng thời trang bền vững dành cho những người yêu thích đi xe đạp. Tham gia dự án này với Marian còn có nhà thiết kế Linda Mai Phùng. Cả hai cùng hướng đến một quy trình sản xuất giảm thiểu tối đa lượng khí thải CO2 ra môi trường. Thêm vào đó, mỗi sản phẩm của SUPER VISION đều có một mã số ghi rõ số lượng khí CO2 được thải ra trong quá trình sản xuất cũng như chiều dài của xơ, sợi hoặc chỉ đã dùng để làm nên sản phẩm đó, được tính bằng km. “Dĩ nhiên, đạp xe nhìn cũng phải “chất” nữa”, Linda nhấn mạnh về yếu tố thẩm mỹ trong các sản phẩm bền vững của mình. Theo dự kiến, SUPER VISION sẽ chính thức ra mắt vào tháng Chín năm nay.

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution32

“Các thương hiệu thường nhận rằng mình là một doanh nghiệp theo đuổi những giá trị nhân đạo và phát triển bền vững… Nhưng lại chẳng có môt thước đó quy chuẩn nào để đánh giá. Như vậy nghĩa là thế nào?” Marian tự vấn.Tất cả những thương hiệu đầy hoài bão kể trên hiện đều đang cư ngụ tại một ngôi nhà chung ở Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh – xưởng thời trang khang trang và tươm tất nhất mà chúng tôi từng có dịp tham quan. Nằm ở trung tâm tầng trệt, ngay lối đi vào là khu vực sản xuất, nơi các anh chị công nhân đang làm việc hăng say. Bên tay trái cửa chính là cầu thang dẫn lên lầu một. Tại đây là phòng làm việc của bộ phận thiết kế, thực hiện mẫu, quản lý và hành chính…Mọi không gian đều được ngăn cách bằng kính trong suốt, mà theo chúng tôi phỏng đoán, là để khuyến khích sự tương tác giữa mọi người.

Những thực nghiệm đong đếm hạnh phúc

Vài tháng trước, Marian tìm đến The Lab Saigon để cùng nhau lên ý tưởng cho một chuỗi gồm 4 hoạt động nhằm đo lường mức độ hài lòng và hạnh phúc của nhân viên Evolution3:

1. Chiếc máy nhả kẹo

Đầu tiên, họ lắp đặt một chiếc máy mà bên trong là ba bình chứa đầy kẹo. Trên mỗi bình kẹo có in một biểu tượng cảm xúc khác nhau, từ vui vẻ, bình thường đến buồn bã. Và thông qua việc nhấn nút chọn kẹo từ một trong ba chiếc bình ấy, mà nhân viên có thể bộc lộ cảm xúc của họ đối với một vấn đề, một câu hỏi được đặt ra. Dựa vào số lượng kẹo vơi đi trong mỗi bình mà chúng ta có thể đoán được cảm xúc của số đông nhân viên. Bình kẹo đi vào hoạt động với một câu hỏi rất đơn giản, rằng: “Khi làm việc ở Evolution3, bạn hạnh phúc chứ?”

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution33

Marian bên cỗ máy phát kẹo “cảm xúc” của anh.Phần lớn mọi người ở đây đều vui vẻ và hạnh phúc. 38% trong tổng số nhân viên nói rằng họ hài lòng với công việc hiện tại ở xưởng may. Nhưng vẫn còn đến 26% thừa nhận rằng họ chưa thật sự hài lòng, và con số này khiến Marian không khỏi băn khoăn.

2. Cùng nhau xây dựng những giá trị cốt lõi

Trong một trải nghiệm khác, một chiếc bàn tròn bằng kim loại được chia ra thành 12 phần bằng nhau, và được khắc tên của các giá trị khác nhau như gia đình và bạn bè, sức khoẻ, niềm vui, đam mê, ổn định tài chính… Và nhân viên sẽ dùng những sợi chỉ để quấn quanh các giá trị mà họ trân quý nhất.

Kết quả là, trong số 175 nhân viên đang làm việc tại Evolution3, có 138 người cho rằng sức khoẻ là ưu tiên hàng đầu, sau đó là môi trường làm việc với 115 phiếu chọn. Tiếp đến là tình trạng ổn định tài chính, gia đình và bạn bè, cũng như các cơ hội phát triển.

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution34

“Tôi vẫn luôn tự hỏi rằng liệu những nhận xét tích cực mà tôi nhận được có phải vì mọi người nghĩ đó là điều tôi muốn nghe hay không?” người sáng lập băn khoăn…Và với những giá trị ghi nhận được, Marian đã bắt tay vào điều chỉnh các chính sách của công ty, đầu tiên là cải thiện chương trình chăm sóc sức khoẻ. Ít lần hai lần mỗi tuần, mọi người sẽ được phục vụ trái cây vào giờ xế chiều. Đi kèm là bảo hiểm y tế tư nhân ( +1 cho thành viên trong gia đình), dịch vụ châm cứu và mát xa ngay tại xưởng. Evolution3 còn hợp tác với Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) và tổ chức các buổi học tại xưởng nhằm giúp nhân viên có dịp trau dồi khả năng ngoại ngữ và kinh nghiệm.

3. Kết nối cộng đồng

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution35

Tiếp đến, Evolution3 lắp đặt một biểu đồ tương tác xã hội. Câu hỏi được đặt ra là: Trong 175 thành viên, liệu có ai phải ngồi ăn trưa một mình không? Và mỗi người trong số họ làm quen được với bao nhiêu bạn mới từ khi bắt đầu làm việc tại đây? Và kết quả trung bình là, mỗi nhân viên quen biết với khoảng 68-78 nhân viên khác – một con số mà ngay cả những người tổ chức dự án cũng phải bất ngờ. Tuy nhiên, cũng có khoảng 25% trong tổng số nhân viên ở đây chỉ quen biết với 20 người – con số này thúc đẩy ban quản lý nên có nhiều hoạt động mang tính xây dựng đoàn kết, thống nhất hơn.

4. Cỗ máy thời gian


Trải nghiệm cuối cùng mà Evolution3 thực hiện là cỗ máy thời gian, một không gian riêng tư để mọi người có thể ngồi xuống và viết ra mọi tâm tư của mình trên những tờ giấy ghi chú ở thì quá khứ, hiện tại và tương lai. Một số người bày tỏ những nguyện vọng vô cùng thiết thực như một quy trình rõ ràng và ít thay đổi hơn. Và cũng có người chia sẻ rằng họ luôn khao khát được làm một chuyến du ngoạn năm châu.

Những chia sẻ từ người trong cuộc

Chia sẻ #1

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution36

Anh Nguyễn Đắc Toàn – trưởng nhóm kinh doanh quốc tế.“Tôi đã ấn nút vui vẻ trên chiếc máy phát kẹo,” chia sẻ từ anh Nguyễn Đắc Toàn – trưởng nhóm kinh doanh quốc tế. Toàn kể, đây đã là năm thứ tư của anh tại Evolution3, “điều khiến tôi gắn bó với nơi này chính là những mối quan hệ bền chặt giữa mọi người với nhau, trong một môi trường làm việc thân thiện… chứ không phải chỉ là chuyện lương bổng.”

“Nhưng trải nghiệm tôi thích nhất vẫn là cỗ máy thời gian bởi nó cho tôi cơ hội được ở một mình và viết ra những dòng suy nghĩ của mình. Tôi đã viết gì ư? Tôi muốn một kỳ nghỉ thật dài,” anh cười thú thận. Và cầu được ước thấy, Toàn chia sẻ rằng trong tháng tới, anh sẽ cùng mọi người trong công ty vác ba lô lên đi du ngoạn châu Âu.

Chia sẻ #2

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution37

Anh Nguyễn Văn Tiến – nhân viên cắt rập mẫu thử.“Tôi làm việc ở đây cũng đã gần sáu năm rồi,” anh Nguyễn Văn Tiến, nhân viên cắt rập mẫu thử chia sẻ. Trong sáu năm qua, anh đã có dịp chứng kiến sự trưởng thành của Evolution3, từ 40 lên đến hơn 170 nhân viên như hiện tại.

Khi được hỏi điều gì khiến anh nhớ nhất trong suốt quãng thời gian công tác tại đây, anh cho biết, đó là những chuyến đi, và đặc biệt là chuyến đi đầu tiên. Lần đó, anh và mọi người trong công ty cùng nhau khám phá Mũi Kê Gà, một hòn đảo nhỏ ở phía Nam tỉnh Phan Thiết. “Chúng tôi đi thuyền qua biển để đến đảo. Lúc ấy tôi chỉ vào công ty mới hai tháng nhưng họ vẫn mời tôi đi cùng,” anh nhớ lại đầy cảm kích. “Tôi rất thích môi trường làm việc ở nơi này. Nếu được, tôi sẽ chấm Evolution trên cả điểm mười!”

Chia sẻ #3

Thời trang bền vững Phần 2 Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution38

Chị Dung – nhân viên bếp.“Tôi không muốn thay đổi bất cứ điều gì ở đây cả,” chị Dung – nhân viên bếp – cười trả lời. Mỗi ngày, công việc của chị Dung là dọn dẹp xưởng may thật sạch sẽ và nấu cơm trưa cho mọi người. Ở nhà ăn luôn có một “quy luật” nho nhỏ, đó là: mọi người chỉ cần mang thức ăn, còn cơm trắng thì luôn có nhân viên bếp chuẩn bị sẵn.

Với không gian rộng lớn này, lau dọn cả xưởng may dường như là một công việc khó nhằn. Tuy nhiên, “chúng tôi gồm hai người, nên mỗi người chia nhau dọn một nửa không gian.” Tất cả nhân viên tại công xưởng đều theo lịch trình làm việc khá chặt chẽ nên những công nhân như chị Dung đều có thời gian làm việc tương đối ổn định. “Chỉ có đội ngũ sản xuất là phải làm thêm vào ngày thứ bảy. Nhưng đó là những lúc cao điểm, và nhiều lắm là vài tiếng đồng hồ sáng thứ Bảy. Sau đó mọi người có thể về nhà và nghỉ xả hơi,” chị chia sẻ.

“Vậy, chị có hạnh phúc khi làm việc tại đây không?” – chúng tôi hỏi. Đáp lại chúng tôi, chị Dung chỉ khẽ gật đầu và nhoẻn miệng cười. Đó là một chiều Sài Gòn nắng đổ lửa, chúng tôi bước ra khỏi công xưởng màu trắng với tâm trạng khấp khởi hy vọng…

Xem thêm:

[Bài viết] Thời trang bền vững – Phần 1: Những tiềm năng cần phát triển

[Bài viết] Môi Điên và những biên độ sáng tạo