“Hội chợ” Thor 4: Love and Thunder - Hời hợt và thiếu nghiêm túc | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 07, 2022
Điện Ảnh

“Hội chợ” Thor 4: Love and Thunder - Hời hợt và thiếu nghiêm túc

Có lẽ đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese đã đúng khi nhận định phim Marvel là một công viên giải trí.
“Hội chợ” Thor 4: Love and Thunder - Hời hợt và thiếu nghiêm túc

Nguồn: San Diego County Fair, Marvel

3 năm trước, huyền thoại Martin Scorsese đã gây ra một cơn bão dư luận khi đưa ra nhận định về phim Marvel: “Đối với tôi, chúng không phải điện ảnh. Dù chúng đã được làm ra rất kĩ càng với sự hết mình của từng diễn viên, tôi thật sự chỉ có thể xem chúng như những công viên giải trí.”

Hàng ngàn người hâm mộ lẫn những cá nhân làm việc trong ngành điện ảnh đã lên tiếng phản bác ý kiến này của ông. Bước nhanh đến thời điểm hiện tại, có lẽ Thor 4: Love and Thunder, đáng buồn thay, đã chứng minh được phần nào nhận định của vị đạo diễn này là đúng.

“Hội chợ” Thor 4: Love and Thunder

Sau sự kiện trong Infinity War, Thor là một nhân vật đang đối diện với những tổn thương mất mát khổng lồ. Anh kiềm nén cảm xúc bằng cách, trích lời của Korg, “bảo vệ trái tim của mình bằng một lớp mỡ…” Cốt truyện của Thor 4: Love and Thunder tiếp cận và giải quyết sự phát triển của nhân vật này một cách kĩ lưỡng và hợp lý đến bất ngờ.

Bộ phim bắt đầu với một Thor liên tục đổ lỗi cho bản thân vì những mất mát liên tục xuất hiện trong cuộc đời mình. Jane Foster xuất hiện để thử thách niềm tin của Thor, cô chứng minh cho anh thấy rằng mỗi người đều đủ khả năng để có thể lựa chọn cho số phận của chính mình. Khi cảm giác tội lỗi đã không còn bủa vây Thor, anh quyết định chọn “tình yêu” và nuôi dạy “đứa trẻ đến từ Vĩnh Hằng."

Một siêu anh hùng chọn bảo vệ “thế giới” bằng tình yêu thương, thay vì cứu rỗi chúng để thỏa mãn nhu cầu chứng minh bản thân là một cốt truyện phức tạp mà Thor 4: Love and Thunder đã cố gắng đưa đến khán giả. Cốt truyện chính đầy “tình yêu” này, đáng tiếc thay, lại bị che phủ bởi những “tiếng sấm” vô duyên xuyên suốt bộ phim.

alt
Đạo diễn Taika Waititi trên phim trường Thor: Love and Thunder | Nguồn: Flickering Myth

Quay trở lại với phim riêng thứ tư của Thần Sấm, đạo diễn Taika Waititi đã quyết định đẩy mạnh yếu tố hài hước vốn đã rất thành công trong Thor: Ragnarok. Chính quyết định này cùng những yếu tố được thực hiện cẩu thả khác, đã khiến Thor 4: Love and Thunder trở thành một đống lộn xộn.

Những trò đùa liên tục và không đúng thời điểm

So sánh Thor 4: Love and Thunder với một hội chợ vì khán giả liên tục được đưa từ trò vui này đến trò vui khác với không một sự liên kết về chủ đề. Đó có thể là một câu đùa từ Korg, những cử chỉ khoa trương của Thor, sự lố bịch của Zeus, những con dê la hét,... Những trò vui này có thể may mắn khiến khán giả nhoẻn miệng cười ở những lần đầu tiên, nhưng khi chúng ta đã nghe tiếng hai con dê hét lên đến lần thứ 7 thì thật khó để xem bộ phim này là một sản phẩm nghiêm túc.

alt
Nguồn: Flipboard

Thiếu tôn trọng đến tiềm năng của bộ phim và những sản phẩm Marvel khác

Khán giả không thể cảm nhận bộ phim một cách nghiêm túc vì bộ phim còn không thể nghiêm túc với chính câu chuyện mà chúng muốn kể. Thậm chí, Thor 4: Love and Thunder còn cho thấy được rằng bộ phim không hề tôn trọng những cột mốc đã được đặt ra tại các sản phẩm Marvel khác.

Khoảnh khắc Mjolnir vỡ ra từng mảnh là một cột mốc cực kì quan trọng trong sự phát triển của nhân vật Thor. Tại phần phim này, cây búa bỗng nhiên có thể liền lặn trở lại chỉ vì một câu nói được chèn vào flashback giữa Thor và Jane.

Sự cợt nhả trong cách bộ phim xây dựng nhân vật Zeus dường như lại đi vào vết xe đổ của Ten Rings. Khi một nhân vật phản diện quan trọng của thế giới Marvel bị những phần phim giới thiệu họ sử dụng như một công cụ gây cười. Thế giới thần thánh rộng lớn hiện diện trong MCU (Thor, Moon Knight, Shang Chi) đã bị Thor 4: Love and Thunder đơn giản hóa thành những kẻ xu nịnh cho một thần Zeus ích kỉ và biến thái.

alt
Russell Crowe trong vai Zeus | Nguồn: NewsNGR

Điện ảnh là gì khi không còn những rủi ro?

Quay lại với Scorsese, trong một op-ed trên New York Times, ông đã giải thích thêm nhận định của mình về phim Marvel: “Có rất nhiều yếu tố điện ảnh hiện diện trong phim Marvel. Những thứ không hiện diện chính là những bí mật được vén màn, những cảm xúc bị đe dọa. Không có bất kì nguy cơ nào. Những bộ phim này được làm ra để thỏa mãn một danh sách gồm những yêu cầu có sẵn.”

alt
Đạo diễn Martin Scorsese | Nguồn: HypeBeast

Thor 4: Love and Thunder là một bộ phim như vậy, một bộ phim được làm ra để đánh dấu “hoàn thành” vào những mục mà MCU đặt ra để vũ trụ điện ảnh này có thể bước tiếp mà không hề quan tâm đến câu chuyện lẫn cách kể của bộ phim.

Mục đầu tiên, Thor phải vượt qua những tổn thương mất mát của mình. Thor 4: Love and Thunder chọn tiếp cận mạch truyện nhân vật quan trọng này bằng một giọng kể đùa cợt và từ chối cho khán giả cảm nhận sức nặng cảm xúc của nhân vật bằng cách lắp đầy tất cả các khoảng trống bằng những trò vui không đúng thời điểm.

Mục thứ hai, bộ phim này phải giới thiệu được thế giới rộng lớn của các vị thần và dọn đường cho một hệ nhân vật mới trong MCU. Ngoài việc xem nhẹ và làm hỏng tầm quan trọng của hệ nhân vật này, Thor 4: Love and Thunder còn phí hoài nhân vật Gorr Kẻ Sát Thần, một ác nhân truyện tranh với nội tâm phức tạp cực kì có tiềm năng để khai thác trong những phần phim sau.

alt
Christian Bale trong vai Gorr, Kẻ Sát Thần | Nguồn: Cinepop

Mục thứ ba, giới thiệu những nhân vật, thế lực mới sẽ đóng vai trò quan trọng cho các phase sắp tới của MCU. Đây cũng chính là điểm yếu trọng điểm nhất mà phase 4 của MCU đang phải đối mặt.

Phase 1 của MCU đóng vai trò tương đồng với phase 4, vì cả hai đều phải đối mặt với việc giới thiệu những nhân vật mới để đưa MCU đi tiếp đến những màn tập hợp hoành tráng ở các phase tiếp theo. Tuy nhiên, phase 4 đang gặp phải một chướng ngại mới khi giới thiệu những nhân vật này.

Sau sự kiện Endgame, cốt truyện của hầu hết những siêu anh hùng khép lại một cách trọn vẹn. Iron Man, Captain America, Black Widow,... tất cả đều hoàn thành được hành trình phát triển của mình. Tuy nhiên, có những câu chuyện của những nhân vật khác vẫn chưa thể có cơ hội kết thúc. Vì thế, họ tiếp tục đi tiếp hành trình nhân vật của mình vào phase 4.

Khi tất cả bộ phim của phase 4 đều có hai nhiệm vụ là giới thiệu nhân vật mới và giải quyết cốt truyện nhân vật cũ, giới hạn thời gian khiến cho những bộ phim này không thể thật sự làm tròn bất kì nhiệm vụ nào. Vậy vì sao MCU không tách hai cốt truyện riêng lẻ này ra hai phase khác nhau? Câu trả lời chính là “rủi ro.”

Thế giới MCU bắt đầu khi Marvel đang đứng trên bờ vực của phá sản. Họ chấp nhận đánh cược vào Robert Downey Jr., một diễn viên với quá khứ không mấy sáng sủa và nhân vật Iron Man, một siêu anh hùng hạng B. Họ quyết định làm việc với những cá nhân không mấy danh tiếng vào thời điểm đó như Chris Evans, Chris Hemsworth, Joss Whedon... Tất cả vì họ tin vào những cá nhân này, họ tin vào những nhân vật của họ và quan trọng nhất, họ gần như không có lựa chọn khác.

alt
Tiếng búa bắt đầu vũ trụ điện ảnh Marvel | Nguồn: Insider

Đi đến thời điểm hiện tại, khi Marvel đã trở thành studio sản xuất phim lớn bậc nhất thế giới, họ đã có những phương tiện: tiền bạc, danh tiếng, người hâm mộ,... để không phải chịu những rủi ro này. Họ không cần đánh cược vào sự ủng hộ của khán giả đến với những nhân vật mới để làm ra một bộ phim thành công.

Những cái tên hàng đầu Hollywood, Christian Bale, Benedict Cumberbatch, Sam Raimi, Chloé Zhao chính là yếu tố đảm bảo cho doanh thu phòng vé, một bảo hiểm cho những nhân vật mới được giới thiệu. Những cốt truyện nhân vật cũ phải đi kèm với sự giới thiệu của những nhân vật mới vì chỉ có thế, Marvel mới đảm bảo được rằng túi tiền của họ sẽ luôn đầy.

“Trong vòng 20 năm qua công nghiệp điện ảnh, như chúng ta thấy, đã thay đổi rất nhiều. Nhưng thay đổi đáng sợ nhất lại đang diễn ra trong lặng lẽ: một quá trình loại bỏ những rủi ro. Nhiều bộ phim ngày nay là một sản phẩm hoàn hảo được tạo ra cho sự tiêu thụ tức thì… Chúng thiếu mất yếu tố quan trọng nhất của điện ảnh, một tầm nhìn nghệ thuật thống nhất đến từ cá nhân người nghệ sĩ. Vì tất nhiên, cá nhân người nghệ sĩ chính là yếu tố rủi ro nhất,” trích lời Martin Scorsese trong op-ed của ông.