Ra đời vào năm 1999, Fight Club (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chuck Palahniuck) là một bộ phim thuộc hàng cult classic với những triết lý mới lạ và trái ngược với tiêu chuẩn xã hội thời đó. Bộ phim đả kích tình trạng nhân dạng được định nghĩa bởi chủ nghĩa vật chất, "con đẻ" của chủ nghĩa tiêu dùng.
Hãy tưởng tượng nếu một ngày, mọi món quần áo, trang sức, điện thoại, phương tiện đi lại - những món đồ mà bạn từng có biến mất, bạn sẽ dùng thứ gì để chứng minh giá trị của bản thân?
Ta sẽ tự do khi ta mất tất cả
Ngay từ bé, chúng ta đã có một loại nhận thức rất rõ ràng về tính sở hữu, về những thứ được gọi là “của mình” (hãy nhìn một đứa trẻ ôm ghì lấy món đồ chơi của chúng xem). Khi sở hữu một thứ gì đó mới, chúng ta cảm thấy niềm vui rõ rệt: “Tôi xứng đáng với món đồ này và nó sẽ trở thành một phần của tôi.”
Đó là tư duy của nhân vật chính trong Fight Club, một nhân vật không tên, chỉ được nhắc đến với tư cách “Người Dẫn Truyện”.
Lý do Người Dẫn Truyện vô danh là vì anh đã để những thứ mình sở hữu định nghĩa mình. Và hơn thế, anh đại diện cho một xã hội cũng có tư duy giống anh: một xã hội kim tiền.
Anh có một công việc ổn định, thu nhập tốt, có một căn nhà ngăn nắp với những đồ vật mới nhất mua từ IKEA.
Tuy có những món đồ tuyệt vời, cuộc sống của Người Dẫn Truyện lại mờ nhạt và không chút niềm vui. Anh luôn mệt mỏi vì mất ngủ, vật vờ với một công việc mình không thích. Điều tốt duy nhất mà anh nhận được có lẽ là một số tiền hậu hĩnh để mua những thứ mà anh nghĩ có thể làm mình hạnh phúc.
Anh di chuyển như vỏ ốc không hồn trong vòng tuần hoàn "làm - mua - làm".
Trên một chuyến bay công tác, anh ngồi kế Tyler Durden. Tyler là một hình ảnh trái ngược với Người Dẫn Truyện và là tất cả những gì anh mơ ước trở thành: có họ tên đầy đủ, sành điệu với kính đen, áo da đỏ, với một thái độ rất “phởn đời”. Trên hết, gã tin rằng chỉ khi mất tất cả, chúng ta mới tự do.
Và gã tự do như làn khói từ điếu thuốc mà gã luôn ngậm trên môi.
Thứ bạn sở hữu có đang sở hữu bạn?
“Anh mua đồ nội thất, tự nhủ với mình rằng đây là bộ ghế sofa cuối cùng mình cần. Lỡ cuộc đời có không như ý, thì ít nhất vấn đề về chiếc sofa đã được giải quyết. Sau đó là một bộ chén dĩa. Rồi một chiếc giường, một bộ drap, một tấm thảm.
Anh đã xây nên một tổ ấm và kẹt luôn trong đó. Giờ đây, anh đã bị sở hữu bởi môi trường chứa đầy những thứ anh sở hữu.”
Đó là những lời nặng tính "phản tiêu dùng" Tyler nói với Người Dẫn Truyện khi vụ nổ gas đáng ngờ phá nát mọi thứ anh từng có.
“Chủ nghĩa tiêu dùng” đã từng mang thông điệp tích cực vào giữa thế kỷ 20 tại Mỹ, thế nhưng càng về sau, nó dần được dùng với nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Đó là khi hành vi tiêu xài quá độ của xã hội đã kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của con người.
Về cơ bản, chủ nghĩa tiêu dùng cho rằng khi một người mua hàng, họ sẽ được hưởng lợi từ công năng của những món hàng đó, đồng thời các doanh nghiệp liên quan cũng có lời từ việc sản xuất.
Ví dụ, nếu doanh số bán xe hơi tăng, thì cả nhà sản xuất xe và các nhà sản xuất thép, bánh xe và các phụ tùng đều được lợi. Đó là khi cả nền kinh tế được phát triển trên mọi phương diện. Để phục vụ mục tiêu này thì chúng ta, những người tiêu dùng bắt buộc phải làm việc nhiều hơn để kiếm tiền.
Khi một nền kinh tế quay xung quanh chủ nghĩa tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ làm mọi thứ để thúc đẩy nhu cầu mua hàng của người dùng. Nhưng nếu họ không cần món hàng thì sao? Đó là khi ngành công nghiệp sản xuất và quảng cáo đánh vào nhu cầu “sở hữu” của con người.
Một trong những cách hiệu quả nhất để khơi được nhu cầu này là tạo ra câu trả lời khuôn mẫu cho câu hỏi đau đáu trong đầu con người từ thuở hồng hoang: “Tôi là ai?”. Nếu trong nhà tôi có một chiếc máy chạy bộ tân tiến, tôi là một người lành mạnh và biết quan tâm đến sức khỏe. Nếu chiếc sofa mới mua có thiết kế hiện đại, tôi là một người có gu thẩm mỹ tân tiến. Nếu chiếc đĩa thủy tinh của tôi được làm thủ công bởi những nghệ nhân từ một quốc gia xa xôi, tôi là một người tinh tế và hiểu biết.
Nếu tôi sở hữu những món đồ này, tôi sẽ biết tôi là ai, và người khác sẽ biết tôi là ai.
Thế nên chúng ta có khuynh hướng làm việc nhiều hơn để tiêu tiền vào những thứ chúng ta không thực sự cần. Chúng ta có một thôi thúc đuổi theo những tiêu chuẩn mới nhất về sự hạnh phúc mà các nhãn hàng đặt ra. Chúng ta nghĩ rằng cách để cải thiện cuộc sống, hoàn thiện bản thân, là sở hữu thêm những món đồ.
Người Dẫn Truyện đã có tất cả những món đồ mới nhất, nhưng sao anh vẫn thấy trống rỗng như một người máy, anh vẫn cảm thấy mình đang phí hoài từng hơi thở trong sự vô nghĩa.
Chỉ khi bỏ lại tất cả, đến ở với Tyler và tham gia “Hội Đánh nhau” thì anh mới cảm thấy mình thực sự đang sống. Đây là nơi những người đàn ông kiệt quệ về tinh thần rũ bỏ đi lớp quần áo bên ngoài, rũ bỏ những tiêu chuẩn con người và trần trụi để tìm về bản năng chiến đấu nguyên thủy nhất của một loài động vật hoang dã.
Kết
Dù là một bộ phim khiến ta ngẫm nghĩ với triết lý “phản tiêu dùng”, Fight Club mang một câu chuyện có góc nhìn rất cực đoan. Khi bỏ đi mọi thứ mình sở hữu, các nhân vật trong phim cũng không tìm thấy sự hạnh phúc. Họ vẫn ngập chìm trong sự hoang mang và hỗn loạn khi tin rằng cách duy nhất để cứu rỗi xã hội là nhấn nút “reset”, phá hủy mọi thứ đẹp đẽ họ không thể có để tìm tự do.
Thế nhưng tự do chỉ đơn giản là được làm những gì khiến ta hạnh phúc. Nếu một món đồ làm bạn vui sướng, hãy cứ mua nó. Nhưng cũng nhớ rằng, một món đồ không thể đại diện cho giá trị con người. Bạn mới là người sở hữu, và chỉ có bạn mới có thể cho những món đồ của mình một ý nghĩa.