Thưởng tháng 13, cha mẹ ta nói gì? | Vietcetera
Billboard banner

Thưởng tháng 13, cha mẹ ta nói gì?

Thời của mẹ, thưởng Tết là chiếc đồng hồ, của bà là một cuộn vải. Thời của con thưởng tháng 13 không bằng hiện vật, chi tiêu sao cho phải?
Thưởng tháng 13, cha mẹ ta nói gì?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên bố tôi biết về khái niệm “thưởng tháng 13”, ông đã khá ngạc nhiên. Hôm ấy, bố đi ăn cỗ bên nhà ngoại, sau đó về kể rằng anh họ tôi năm nay được thưởng Tết nhiều lắm, gấp đôi một tháng lương. “Tiền để đâu cho hết” - bố tấm tắc.

Tôi giải thích cho bố rằng đấy là “Thưởng tháng lương 13”, một cách gọi phổ biến của thưởng Tết ngày nay ở nhiều doanh nghiệp. Bố và cả mẹ tôi, đều nói rằng thời hai người không có danh xưng này. Thưởng Tết là thưởng Tết, thế thôi. Và thưởng Tết thời bố mẹ, hoá ra rất khác.

Thưởng Tết thời ông bà, bố mẹ

Mẹ tôi bắt đầu đi làm trong thời bao cấp. Các nhà máy khi ấy sẽ thưởng Tết bằng chính sản phẩm họ sản xuất được. Như mẹ tôi, làm trong xưởng lắp ráp đồng hồ, sẽ mang về nhà một chiếc đồng hồ mỗi đợt cuối năm. Còn bà ngoại tôi, làm trong xưởng dệt, sẽ nhận thưởng Tết là một cuộn vải.

Hỏi han một vòng người quen và cha mẹ người quen cũng nhận câu trả lời tương tự. Xưởng may mặc tặng bộ quần áo mới, nhà máy điện cơ tặng quạt điện, v.v. Trước khi thưởng Tết còn phải bình bầu cuối năm, mức thưởng mỗi công nhân viên sẽ tương ứng với xếp loại lao động A, B, C họ đạt được.

Nhưng thưởng Tết như thế, xem ra có phần mất cân đối, vì không phải sản phẩm nào cũng ngang hàng về tính thiết yếu. Ví dụ như vải may quần áo thì không bao giờ lo thừa, không dùng năm nay để năm sau dùng vẫn tốt. Nhưng một gia đình tích đến chục cái đồng hồ Tết này qua Tết khác, nghe ra không ổn cho lắm.

Thế nên lại sinh ra một “thị trường” trao đổi thưởng Tết giữa các nhà, cũng rộn ràng không kém thị trường sắm Tết. Mẹ tôi có năm đổi đồng hồ lấy chiếc áo ấm Liên Xô của cô đồng nghiệp.

Bộ đội, một nghề đặc thù và rất danh giá, thưởng Tết thường khá khẩm, được chục cân gạo và một số vật phẩm “đỏ mắt săn tìm” như lốp xe đạp.

Thời bao cấp ở Hà Nội để sở hữu một chiếc xe đạp nhiều gia đình phải nhờ vả, tích cóp, chắp nối, mua ghép từng bộ phận mới thành chiếc xe hoàn chỉnh. Ai lãnh xong cũng đem ra chợ trời "chuyển nhượng" lại để có thêm tiền sắm Tết.

alt
Nguồn: Xuan Dieu

Hết thời bao cấp, chuyển sang giai đoạn Đổi Mới, mở cửa, hình thức thưởng Tết bằng tiền mới bắt đầu phổ cập, nhưng vẫn kèm theo vật phẩm, chủ yếu là đồ dùng Tết. Khu vực hành chính thưởng một tháng lương cơ bản, kèm theo gạo nếp, thịt, đường, mì chính, đậu xanh để các gia đình nấu đồ ăn Tết hay gói bánh chưng.

Một số cơ quan, công ty không đủ kinh phí vẫn duy trì thưởng Tết bằng hiện vật. Có những cơ quan dịp này sẽ đánh ô tô đi các tỉnh mua cả xe gà, lợn về chia cho cán bộ.

Giai đoạn này, các gia đình vẫn chuộng hình thức thưởng Tết bằng hiện vật. Vì dù cầm tiền thì cũng là đi mua những món ấy, đôi khi còn chật vật mới mua được vì hàng hóa khan hiếm.

Còn nay đã khác, mua sắm Tết không còn khoanh vùng trong một số mặt hàng đồ ăn, thức uống, hoa trái mẫu số chung mà thực sự là một thị trường “trăm hoa đua nở,” 9 người 10 nhu cầu.

Nắm bắt nguyện vọng sắm Tết các gia đình trong thời đại này là chuyện khó hơn “mò kim đáy bể,” vì thế, thưởng tiền trở thành phương án thuận tiện nhất, nhà ai thích gì mua nấy. Nhưng khi có quá nhiều lựa chọn cho Tết, chi tiêu lại trở thành bài toán khó.

Thưởng Tết thời con cái, chi tiêu kiểu xưa - nay

Năm đầu tiên em trai tôi có việc làm và nhận thưởng Tết, cả nhà đã có một cuộc đối thoại nho nhỏ. Gia đình năm nay có nguồn thưởng Tết kha khá, cũng nên tính cải thiện gì đó cho hân hoan. Bố gợi ý đầu tư vào một cành đào rừng. Mẹ lại muốn mua mấy món bánh kẹo ngoại, đồ ăn mới lạ để thết đãi khách đến chơi.

Tôi và em trai nhìn nhau. Chưa đứa nào nói gì nhưng chúng tôi biết chúng tôi có những dự tính rất khác như thêm vài bộ đồ mới cho các buổi tiệc Tất niên, một món đồ công nghệ mong ước đã lâu.

Đến đây, một sự khác biệt mang tính thế hệ đã lộ rõ, một bên lớn tuổi muốn ưu tiên cho những sắm sửa truyền thống, một bên người trẻ hướng về đầu tư cho cá nhân.

Mọi khác biệt thế hệ đều xuất phát từ những thay đổi về điều kiện sống, từ đó dẫn đến khoảng cách trong quan điểm, tư duy. Dưới lăng kính chi tiêu Tết, khác biệt này bộc lộ qua một số điểm chúng ta đều có thể nhìn rõ.

Về chuyện ăn

Ưu tiên bậc nhất của bố mẹ xuất phát từ tập quán truyền thống ngày Tết phải sung túc để cầu mong cho một năm mới no ấm. Việc sắm sửa đồ ăn đủ đầy còn đại diện cho lễ nghi, là sự thành kính hướng tới ông bà tổ tiên trong mâm cỗ cúng. Đồng thời, đó cũng là sự hiếu khách đối với những người thăm nhà ngày Tết.

Còn ưu tiên tầm trung của các con là chỉ cần sắm sửa một số món truyền thống và đồ tiếp khách cơ bản. Tết nay đã không như Tết xưa với hàng quán đóng cửa suốt 4-5 ngày Tết, thiếu gì đều có thể mua dễ dàng, hoặc có thể ra nhà hàng đặt bàn.

Nếu nói đau đáu ngày Tết thời bố mẹ là bữa cơm có đủ thịt cá, thì ác mộng cái Tết của những đứa con là chiếc tủ lạnh đầy chặt đồ ăn với nồi canh măng ăn đến mùng 5 chưa hết.

alt
Nguồn: Unsplash

Về chuyện mặc

Nhu cầu ăn mặc đẹp đầu năm của bố mẹ chỉ là ưu tiên tầm trung. Việc sống qua quãng thời gian gian khó khăn khiến bố mẹ tin rằng nên tiết chế, tránh lạm chi và có xu hướng can ngăn các khoản đầu tư quá cao cho làm đẹp ngày Tết.

Ở con gái thì đấy lại là ưu tiên cao độ. Đối với người trẻ, việc ăn mặc đẹp ngày Tết không chỉ là nhu cầu quần áo mới như thời bố mẹ, mà còn là một cách để thể hiện bản thân.

Ngoài ra, cuối năm và đầu năm còn là dịp cho các cuộc vui, tụ tập bạn bè, đồng nghiệp. Người trẻ có nhu cầu cao về trang phục cho các hoạt động xã giao này.

Về chuyện nhà cửa

Đây là ưu tiên lớn của bố mẹ, có thể ngang hàng với chuyện ăn. Không chỉ lưu giữ truyền thống, nhà cửa gọn gàng, trang hoàng rực rỡ còn là dịp để bố mẹ hãnh diện và nở mày nở mặt với khách đến nhà.

Ưu tiên tầm trung của con cái. Chủ yếu do phần lớn giới trẻ vẫn chọn sống chung cùng bố mẹ và ý thức về căn nhà như một tài sản mang lại giá trị cá nhân chưa có.

Xu hướng sống trong chung cư với không gian hạn chế, lối sống tối giản cũng dẫn đến nhu cầu trang trí giản lược, tạo không khí hơn là bày biện rườm rà.

Chuyện tự thưởng

Ở đây, bố mẹ thường ưu tiên thấp so với các chi tiêu cho gia đình. Thay vì tiêu tiền thưởng cho một món đồ xa xỉ, bố mẹ cho rằng sẽ tốt hơn nếu dùng số tiền đó để tiết kiệm hoặc đầu tư. Người lớn tuổi có xu hướng suy nghĩ về dài hạn cho tương lai.

alt
Nguồn: Unsplash

Còn đây lại là ưu tiên tầm trung đến cao đối với con cái. Với giới trẻ, tiệc dùng thưởng Tết để tặng cho bản thân một phần thưởng đắt giá (đồ công nghệ, đồ hiệu, hay một chuyến du lịch) giống như việc tận hưởng thành quả lao động một năm và tạo động lực cho năm tiếp theo.

So với người lớn tuổi, người trẻ có xu hướng sống cho hiện tại nhiều hơn.

Đi tìm tiếng nói chung cho thưởng tháng 13

Hiểu được động lực đằng sau những khác biệt là bước đầu tiên để vượt qua khoảng cách thế hệ trong vấn đề chi tiêu Tết (hoặc trong bất cứ vấn đề nào khác). Bước tiếp theo là trao đổi.

Cả nhà có thể ngồi cùng nhau để lên kế hoạch cho chi tiêu gia đình trước thời điểm Tết.

Đây là dịp để mỗi bên đặt ra ưu tiên của mình cũng như hiểu về các quan điểm khác trong gia đình. Từ đó, các bên có thể cùng nhau đi đến những phương án sắm Tết hài hòa nhất giữa hưởng thụ và tiết kiệm.

Nếu không thể tìm được tiếng nói chung thì có sao không? Dù sao thì thưởng tháng 13 vẫn là của cá nhân và mong muốn chi tiêu của cá nhân vẫn phải mang tính quyết định hơn. Điều này không sai.

Việc không đạt được đồng thuận về chi tiêu không phải vấn đề gì to tát. Dù sao khác biệt cũng hiện hữu ở chỉ một vài khía cạnh, vẫn luôn có những hạng mục chi tiêu được nhất trí cao giữa các thế hệ, như tiền biếu người lớn trong gia đình, tiền lì xì đầu năm.

Nhưng ngày Tết là ngày lễ đoàn viên quan trọng nhất trong năm. Rõ ràng thế hệ nào cũng hướng về như một dịp để tận hưởng niềm vui, sau một năm lao động vất vả và chuẩn bị cho một năm mới với những bận rộn mới.

Một chút nỗ lực để không làm sứt mẻ niềm vui ý nghĩa này sẽ là đáng giá.