Tóm Lại Là: Toàn cảnh cuộc chiến giữa Úc và Facebook | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Toàn cảnh cuộc chiến giữa Úc và Facebook

Cuộc chiến giữa Facebook và Úc tới từ đâu?
Tóm Lại Là: Toàn cảnh cuộc chiến giữa Úc và Facebook

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Tại sao người dân Úc hoang mang?

Sau một đêm ngủ dậy, người dân Úc bàng hoàng khi thấy các trang tin lớn như New Corp, Nine,... đồng loạt trống không. Facebook đã mạnh tay xóa sạch mọi chia sẻ về tin tức của báo chí nước này trên nền tảng của mình.

Image result for facebook banned australia
Các tin tức không thể được chia sẻ trên Facebook tại Úc.

Henry Faure Walker, chủ tịch của Hiệp hội Truyền thông Tin tức, cho biết lệnh cấm của Facebook trong thời kỳ đại dịch là "một ví dụ kinh điển về thế lực độc quyền của kẻ bắt nạt, cố gắng bảo vệ vị trí thống trị của mình"

2. Sóng gió tới từ đâu?

Hàng loạt những báo cáo và số liệu đã chỉ ra rằng nền báo chí Úc đang bị đe dọa do sự thất thoát doanh thu quảng cáo (Theo The Guadian). Sự độc quyền trong quyền lực của Facebook và Google đã gây ra sự sụp đổ của nền báo chí nước này.

Dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức của Úc ra đời vào tháng 12 năm ngoái, mục đích yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền để cho nội dung tin tức của báo chí nước này.

Về phía Facebook, họ cho rằng mình đang cung cấp dịch vụ miễn phí bằng cách cung cấp lượng truy cập cho các nhà xuất bản này. Tuy nhiên điều đó chẳng là gì so với số tiền quảng cáo khổng lồ mà Facebook và Google đang độc quyền

3. Thế giới thay đổi như thế nào sau một đêm?

Google lại bất ngờ đồng ý san sẻ lợi nhuận của mình với các công ty truyền thông của Úc. Bất ngờ là vì trước đó Google cũng ‘làm mình làm mẩy' khi còn đe dọa ngược lại sẽ cấm Úc sử dụng Google.

Có thể nói cả thế giới đang nín thở dõi theo từng động thái của Facebook, nhất là khi hành động này đã ngầm khẳng định việc Facebook không ngại đối đầu với các cơ quan chính phủ cũng như không muốn bị áp đặt dưới bất kỳ luật pháp nào.

4. Một cuộc chiến lớn hơn đang chờ Facebook?

NyTimes đã so sánh cuộc chiến giữa nền tảng trực số và các nhà xuất bản giống như những cuộc ẩu đả chính trị kiểu cũ với các tập đoàn khổng lồ.

Úc không phải quốc gia duy nhất mà Facebook đang phải đối đầu. Business Insider đã liệt kê ra 7 lãnh thổ trên toàn thế giới đang có những xung đột với Facebook.

Trong đó có Canada đã đưa ra ‘điều kiện' tương đối giống với Úc khi yêu cầu Facebook trả tiền cho báo chí nước này.

5. Thôi thì sống chung với lũ?

Những người làm báo ở Úc cũng đã tìm ra cách để “lách luật" bằng cách đăng bài mà không xếp nó và mục ‘media'. Rất nhiều người dùng lạc quan cho rằng, thay vì đọc tin qua Facebook, ta có thể đi thẳng tới trang báo.

Đây là những gì xảy ra với Tây Ban Nha khi bị Google News cấm cửa. Báo chí nước này “phất lên” lên hơn trông thấy sau lệnh cấm của Google. ‘Traffic' tới các trang tin này cũng không hề thay đổi. Chất lượng và lợi nhuận từ những ‘traffic' này cũng được nâng cao hơn nhất là khi không phải đi qua một người trung gian.

6. Cuộc chiến này liệu có bao giờ xảy ra ở Việt Nam?

Trong cuộc họp Quốc Hội vào đầu tháng 11 năm 2020, cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Facebook, YouTube… đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán. “Hiện nay, Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỉ USD nhưng chưa đóng thuế” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Dự kiến trong năm nay, chắc chắn vấn đề về doanh thu sẽ được bàn bạc tới.

Tuy nhiên ở nước ta, bên cạnh Facebook thì Zalo cũng là một mạng xã hội phổ biến, nơi mọi người tìm tới để đọc tin. Bộ Y Tế đã từng gửi hơn 3,5 tỷ thông báo tới người dân để cập nhật tình hình dịch.

Bản thân Zalo hay Lotus, vốn trực thuộc VNG và VCcorp, đây là hai trong những tập đoàn hàng đầu, vừa sở hữu nền tảng vừa sở hữu kênh truyền thông báo chí của riêng mình. Vậy nên thay vì 'đấu tố' nhau, 2 kênh này có thể cùng bổ trợ và phát triển cho nhau một cách hoàn hảo.

7. Chúng ta đã từng đọc tin như thế nào?

Facebook tạo cho ta một thói quen mới trong việc đọc tin- khi tin tức sẽ tự tìm tới ta, chứ không phải ta chủ động tìm tới nó. Yếu tố nhanh - ngắn trở thành tiêu chí cho các tin tức kiểu này khi nó phù hợp với những độc giả trên mạng xã hội.

Tương tự, các bài viết dài, được đầu tư và mang tính phân tích trở nên ‘mất chỗ đứng' so với kiểu tin ngắn và nhanh. ‘Cuộc chiến' này có thể sẽ đem lại thế cân bằng cho ngành xuất bản thế giới khi không còn “đè chết" bởi các ông lớn công nghệ.