Trần Hải Anh: Biến hồi ức của mẹ thành truyện tranh xuất bản tại Pháp | Vietcetera
Billboard banner

Trần Hải Anh: Biến hồi ức của mẹ thành truyện tranh xuất bản tại Pháp

Có nhiều cách để thấu hiểu cha mẹ và vận dụng sự hiểu đó để suy ngẫm về những liên kết gia đình, hay là để hàn gắn chúng. Trần Hải Anh chọn một cách thức đặc biệt: truyện tranh.
Trần Hải Anh: Biến hồi ức của mẹ thành truyện tranh xuất bản tại Pháp

Nguồn: Trần Hải Anh/Barack Huy

Trần Hải Anh là một nhà làm phim trẻ tại Sài Gòn. Cô cũng là đồng tác giả của Sống - cuốn truyện tranh bằng tiếng Pháp về những câu chuyện thời chiến của mẹ cô. Câu chuyện ấy, những tự sự của một người phụ nữ Việt trong một phần lịch sử, mô tả mối quan hệ phức tạp của Hải Anh với mẹ cô và với gốc gác của mình.

Hải Anh lớn lên tại Pháp, cô dành nhiều thời gian với cha mình hơn là với mẹ - đạo diễn Việt Linh, tác giả của nhiều bộ phim giàu sức hút. Sự xa cách ấy không ngăn cô lắng nghe những câu chuyện của mẹ, rồi tới lượt mình lại kể chúng bằng ngôn từ của bản thân.

Cuộc hội thoại giữa Hải Anh và Vietcetera bàn về tác phẩm mà cô là đồng tác giả, đồng thời khám phá ngành công nghiệp xuất bản tại Pháp và việc có một thái độ cởi mở đối với muôn mặt của lịch sử Việt Nam trong chiến tranh.

Chị còn ở Sài Gòn không, hay là đã quay lại Paris rồi?

Vâng, hiện tôi đang ở Sài Gòn. Thực ra tôi đã chuyển tới đây sinh sống từ năm 2020, những tôi vẫn quay lại Pháp trong nhiều dịp, ví dụ như tháng sau chẳng hạn. Hầu hết những chuyến đi ấy phục vụ công việc bởi sách của tôi mới xuất bản hồi tháng 1 nên có nhiều việc truyền thông và quảng bá sản phẩm.

Chị hãy mô tả ngắn gọn về Sống cho các độc giả Việt Nam?

Sống là một cuốn truyện tranh, hay một tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) tùy theo cách gọi của bạn. Tôi sáng tác cùng với người bạn thân Pauline, một họa sĩ minh họa người Pháp.

27mar2023songcouverturefinalepage00012jpg
Trang bìa tác phẩm Sống | Nguồn: Ankama Publishing

Sống là câu chuyện về một người mẹ kể cho con mình nghe về quãng thời gian bà sống trong rừng, giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Từ năm 1969 tới 1975, Linh - nay là một đạo diễn - đã dành bảy năm chung sống với những nhà cách mạng, những người đã giới thiệu cô với phong trào kháng chiến, và với phim ảnh.

Sống bao gồm hai phần. Phần một kể về quá trình một thiếu nữ thích nghi với cuộc sống tại chiến khu. Phần hai là lời của tôi giải thích cách mà những trải nghiệm ấy ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa tôi và mẹ mình.

Những yếu tố nào đã thuyết phục nhà xuất bản chọn tác phẩm của chị?

Điều khiến Sống trở nên đặc biệt là ở một điểm nhìn mà chúng ta chưa từng có. Ta đã có nhiều câu chuyện từ góc nhìn của người Mỹ như trong những bộ phim nổi tiếng. Gần đây còn có những tự sự của cộng đồng người Việt di cư và cộng đồng hải ngoại tại Mỹ, những người đã cùng gia đình rời đi sau chiến tranh.

Nhưng ta không có nhiều ý kiến của những người đã trực tiếp ở và chiến đấu giải phóng dân tộc. Vì thế nên điều này rất mới mẻ [đối với độc giả tại Pháp], nó cũng đặc biệt bởi đây là điểm nhìn của một thiếu nữ 16 tuổi.

Cuốn truyện cung cấp một tự sự khác về chiến tranh như thế nào?

Tôi nghĩ điều khiến độc giả ngạc nhiên nhất là việc chiến tranh chỉ là bối cảnh của câu chuyện. Khi bạn đọc tác phẩm, sẽ thấy trong đó không nói mấy về cuộc chiến. Mẹ tôi không trực tiếp chiến đấu mà sống ở khu chỉ huy xa tiền tuyến, nên câu chuyện thực ra là về đời sống hàng ngày: ăn thế nào, ngủ ra sao, phải làm gì khi tới tháng,...

Nó không giống những gì bạn nghĩ khi bạn nghĩ về những câu chuyện thời chiến. Nó không hào hùng, mà là về cách một cô gái ở tuổi 16 cố thích nghi với đời sống trong rừng.

03apr2023image2jpg
Những hình ảnh trong tác phẩm. | Nguồn: Ankama Publishing

Tính cá nhân trong những câu chuyện mẹ chị kể lại đóng góp vào thành công của Sống thế nào, và chị có nghĩ rằng những câu chuyện ấy có tính đại diện cho phụ nữ Việt Nam giai đoạn đó không?

Tôi nghĩ Sống thành công bởi công chúng rất tò mò về nó, đặc biệt là góc nhìn hướng ra bên ngoài từ trong chiến tranh của một cô gái trẻ.

Tôi không biết liệu những câu chuyện có mang tính đại diện cho phụ nữ Việt hay không. Với bản thân mình, tôi cho rằng mỗi gia đình đều có những câu chuyện thời chiến riêng, chúng đặc biệt theo những cách riêng, và bằng cách nào đó [những câu chuyện của] chúng ta cũng có nhiều điểm tương đồng.

Gần đây tôi có gặp một người phụ nữ cũng từng ở chiến khu, bà rất ngạc nhiên khi biết rằng người ta quan tâm tới những câu chuyện như vậy, rằng có người còn làm cả một quyển truyện tranh dựa vào nó. Với người phụ nữ ấy, đó chỉ đơn giản là cuộc đời. Bà chưa bao giờ nghĩ rằng độc giả Pháp sẽ thích câu chuyện của mình.

Độc giả tại Pháp nghĩ gì về tác phẩm?

Nhiều lời nhận xét [của độc giả] thổ lộ rằng cuốn sách là một mảnh ghép quan trọng để hiểu về cuộc chiến. Mọi người đang hiểu và nhận ra chiến tranh không chỉ là trắng và đen, không chỉ có một phiên bản, mà có nhiều góc nhìn khác.

Để hiểu toàn bộ câu chuyện, bạn cần nhiều mảnh ghép thì mới thấy được toàn cảnh. Đó nhìn chung cũng là phản hồi [của độc giả].

Chị thích chương nào nhất trong Sống?

Khá là khó nói. Điều thú vị về Sống là cả tôi và Pauline đều quyết định rằng câu chuyện sẽ không theo mạch tuyến tính, và mỗi chương là một chủ đề.

Mỗi chương sách đều có một từ tiếng Việt mà tôi gửi gắm, tác phẩm khởi đầu với gặp, sau đó bạn có tiếc nuối, nấu, yêu, chạy trốn,... và tôi nghĩ độc giả Pháp thực sự thích điều này. Họ thấy thích thú với những từ tiếng Việt, một số nhà báo còn yêu cầu tôi phát âm chúng.

03apr20233655p1jpeg
Nguồn: Ankama Publishing

Tôi không đặc biệt thích chương nào, nhưng có một từ [trong tác phẩm] mà tôi thích, đó là từ thông cảm. Rất khó để dịch từ này sang tiếng Pháp, bởi nó không chỉ là một từ như ở tiếng Việt.

Thông cảm có nghĩa là hiểu, sau đó tha thứ. Nó tóm gọn tinh thần của toàn bộ cuốn sách, bởi bằng việc hiểu mẹ và hiểu lịch sử Việt Nam, tôi có thể tha thức cho bà vì nhiều thứ từng làm tổn thương tôi khi còn nhỏ. Nhìn chung tôi nghĩ đó chính là thông điệp của tác phẩm, rằng đôi khi chúng ta cần thấu hiểu lẫn nhau.

Có bao nhiêu giọng nói (voices) trong cuốn sách, và chúng tương tác với nhau thế nào?

Có ba giọng trong tác phẩm, và đó là một phần của dự án này. Tôi thường nói rằng mình không đi tìm sự thực, bởi khi mẹ tôi kể lại những câu chuyện của bà thì bà đã đang kể thứ chuyện mà bà muốn kể. Có thể chúng không chính xác hoàn toàn bởi mẹ không nhớ hết, hoặc bởi mẹ muốn kể theo hướng đó, cũng không sao cả.

Vì thế nên khi mẹ kể lại cho tôi thì lớp giọng của bà đã có sẵn ở đó. Cũng bởi tiếng Việt của tôi không tốt tới vậy, nên sẽ có những phần rơi rụng trong quá trình dịch. Tôi viết những câu chuyện [của mẹ] ra, và Pauline bạn tôi - một người Pháp từ đầu tới chân - sẽ minh họa, diễn giải ngôn ngữ của tôi. Thế nên tôi nghĩ rằng câu chuyện có nhiều lớp lang, và đó là điều làm Sống đặc biệt.

Tại sao lại là truyện tranh? Chẳng phải kể những câu chuyện như vậy thông qua ngôn từ sẽ dễ hơn hay sao?

Tôi không rõ liệu có dễ hơn hay không. Ví dụ, tôi chưa bao giờ coi Sống là một bộ phim dù cho tất cả những người phụ nữ trong dự án này đều làm trong ngành công nghiệp điện ảnh. Mẹ tôi là một nhà làm phim, tôi cũng học và làm phim, còn Pauline bạn thân tôi thì làm hoạt hình.

Chúng tôi chọn thể loại này trước hết bởi niềm yêu thích truyện tranh. Chúng tôi đã đọc truyện tranh và manga từ khi còn bé, đọc truyện tranh là một hành động rất “Pháp.” Cách thức kể chuyện thông qua thị giác với từng chương và những thứ chỉ biểu đạt bằng hình chứ không phải lời, đó là điều tôi muốn.

03apr2023img5758jpg
Nguồn: Trần Hải Anh

Trên thực tế, ý tưởng dự án tới xuất hiện vào năm 2018. Trong năm đó tôi đọc rất nhiều truyện tranh, và tôi còn đọc lại hai tác phẩm: Persepolis của Marjane Satrapi và Maus của Art Spiegelman. Cả hai đều rất đáng kinh ngạc (mind-blowing), đều nói về chủ đề gia đình thời chiến.

Kinh ngạc nhất là Maus của Art Spiegelman khi ông nói về mối quan hệ với cha mình. Nó rất phức tạp, nhưng thông qua việc ngồi lại và lắng nghe những câu chuyện từ Thế chiến II tại Auschwitz, ông đã tha thứ cho cha. Khi đọc lại Maus, tôi biết là mình muốn làm một cuốn truyện tranh về những câu chuyện của mẹ mình. Đó là một ước muốn khá rõ ràng.

Xuất thân từ ngành công nghiệp điện ảnh, chị có sử dụng kỹ thuật điện ảnh nào trong dự án này không?

Mẹ tôi có một cách kể chuyện rất điện ảnh. Cách kể của mẹ đậm tính thị giác. Bà sẽ nói về màu sắc, âm thanh, ánh sáng, và mỗi câu chuyện mà bà kể ra tự nó đã là một bộ phim. Thế nên tôi thấy việc viết lại những câu chuyện ấy rất thú vị.

Do đây là cuốn truyện tranh đầu tiên nên chúng tôi không có nhiều kỹ năng trong khâu sáng tác. Vì thế tôi đã viết Sống như kịch bản điện ảnh, nhưng chúng tôi biết nó sẽ là một cuốn truyện tranh.

Tôi nghĩ trong tương lai chúng tôi sẽ muốn làm Sống phiên bản hoạt hình chuyển thể từ tác phẩm. Nhưng mục tiêu trước nhất của chúng tôi là làm một tác phẩm truyện tranh bởi chúng tôi yêu loại hình nghệ thuật này, và tôi nghĩ rằng tự thân nó đã hoàn hảo rồi.

Nếu Hải Anh hồi 12 tuổi được đọc Sống, cô bé sẽ nghĩ gì?

Hải Anh 12 tuổi sẽ rất tự hào bởi cô yêu truyện tranh, và khi ấy cô và Pauline đã là bạn rồi. Đó là niềm tự hào khi được làm một tác phẩm về mẹ mình cùng người bạn thân, và tới năm 30 tuổi cô và Pauline vẫn là bạn của nhau. Toàn bộ dự án này và cuộc hành trình mà nó mang lại thật là đẹp bởi tôi được làm nó cũng những người phụ nữ mà mình thương yêu.

27mar2023dsc086311jpg
Trần Hải Anh và Pauline Guitton. | Nguồn: Trần Hải Anh/Olivier Clertant

Cô sẽ rất ngạc nhiên, bởi tôi không nghĩ rằng một cô bé Việt Nam lớn lên ở Pháp sẽ tưởng tượng mình là một cây viết, một người kể chuyện. Khi ấy có rất ít cây bút Việt trên văn đàn Pháp.

Hải Anh hồi nhỏ sẽ mô tả mẹ mình thế nào, và hình dung ấy thay đổi ra sao theo thời gian và trong quá trình thực hiện Sống?

Hải Anh 12 tuổi sẽ tả mẹ mình như một siêu nữ. Khi ấy tôi không hiểu biết gì về điện ảnh, tôi chỉ thấy mẹ mình quay lại Việt Nam rất nhiều, bà trông như một minh tinh nổi tiếng và rất mạnh mẽ. Thế nên tôi khi ấy luôn trầm trồ trước mẹ, bởi hồi đó tôi còn ngượng ngùng lắm. Đó là cách mà tôi nghĩ về mẹ, một người phụ nữ như một thánh nữ.

03apr2023linhalacameramaquisjpg
Đạo diễn Việt Linh trong thời chiến | Nguồn: Trần Hải Anh

Theo thời gian, tôi nghĩ mình đã hiểu mẹ hơn. Tôi bước chân vào điện ảnh, và nhận ra rằng chúng tôi có thêm một điểm chung. Tôi nghĩ Sống thực sự đã đưa hai mẹ con lại gần nhau hơn và cho phép chúng tôi làm nhiều điều mà tôi không thể hiểu khi còn xa cách mẹ.

Tôi thấy được những khó khăn mà bà đã gặp phải với tư cách một người phụ nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh vào thời chiến, đồng thời thấy sự khó khăn trong việc luôn phải đi đi về về. Khi còn nhỏ tôi nghĩ rằng như vậy hẳn sẽ vui lắm, nhưng thực tế điều đó khó khăn vô cùng.

Tới nay, ở độ tuổi 30 và đã hoàn thành Sống, tôi nhìn bà như một người phụ nữ khác. Được nghe về mẹ mình hồi bà mới 16 tuổi nên tôi cũng hiểu rằng hai mẹ con có những năm tháng tuổi teen như nhau.

Tôi đã tưởng rằng mình sẽ viết một cuốn sử thi, nhưng cuối cùng những gì tôi viết hầu hết là những câu chuyện mà phụ nữ chúng tôi đều trải qua. Cảm giác khi là một thiếu nữ, kỳ kinh nguyệt đầu tiên, mối tình đầu, vấn đề tình bạn đầu tiên, tất cả những thứ như vậy. Chúng là những [trải nghiệm] rất phổ quát (universal).

Nhưng chúng được đặt trong văn cảnh chiến tranh?

Chính xác! Bối cảnh câu chuyện rất đặc biệt, nhưng bản thân câu chuyện thì lại rất phổ quát. Đó chính là vẻ đẹp của Sống.

Chị có gặp khó khăn gì trong quá trình xuất bản [tại Pháp] không?

03apr2023img5925jpg
Một buổi quảng bá tác phẩm Sống tại sự kiện The Angoulême International Comics Festival.. | Nguồn: Trần Hải Anh

Phải nói rằng chúng tôi đã gặp may. Quá trình xuất bản, vốn rất gian nan với những người khác, không hề khó khăn với chúng tôi.

Thường thì bạn sẽ gửi một bản đề xuất tới nhà xuất bản. Bạn không được viết trước toàn bộ cuốn sách bởi họ sẽ cùng bạn làm việc về tác phẩm. Chúng tôi nảy ra ý tưởng từ năm 2018 khi còn đang đi học. Mất hai năm để phát triển dự án, và tới năm 2020 chúng tôi gửi nó tới nhiều nhà xuất bản khác nhau.

Không phải lúc nào tôi cũng tự tin về dự án hay tác phẩm của mình, nhưng vì một số lý do nên cả tôi lẫn Pauline đều rất tự tin, bởi chúng tôi tin tưởng câu chuyện của mẹ sẽ thu hút sự quan tâm của người Pháp.

Tôi cũng cho rằng Pháp là một đất nước yêu thích truyện tranh và lịch sử, và nhất là lịch sử Việt Nam. Chúng tôi biết mình đã có trong tay toàn bộ yếu tố để kể một câu chuyện về mối quan hệ mẹ-con, và chúng tôi đã đúng khi cho rằng câu chuyện sẽ tìm được nhà xuất bản.

Liệu tác phẩm có gây ấn tượng với độc giả Việt Nam giống cái cách nó đã gây ấn tượng tại Pháp? Liệu độc giả Việt Nam có cảm thấy thu hút bởi những yếu tố tương tự không?

Thực ra tôi không rõ độc giả Việt sẽ đọc tác phẩm thế nào. Có lẽ với những gia đình có những câu chuyện giống với tác phẩm thì họ sẽ không bất ngờ lắm đâu.

Nhưng tôi nghĩ có một chi tiết mang đặc tính Pháp nhiều hơn Việt, đó là mối quan hệ của tôi với mẹ. Tôi thấy mẹ rất cởi mở trong việc trò chuyện, trong khi đứa con trong một gia đình Việt Nam thường ít khi trao đổi thẳng thắn với mẹ mình.

Với người Việt, tôi nghĩ khía cạnh này của cuốn sách sẽ khiến họ ngạc nhiên. Bởi tôi đã nhận được một số phản hồi từ Việt kiều tại Pháp, có người bảo tôi rằng “ồ tôi đã học được nhiều thứ, nhưng tôi không hiểu bạn đã nói tất cả những chuyện như vậy với mẹ mình thế nào, bởi tôi thấy việc mở lời và hỏi những câu hỏi ấy thật là khó khăn.”

Chị có định thực hiện một bản dịch tiếng Việt không?

Có, chúng tôi đang thực hiện. Về phần này thì tôi phải làm việc thêm với bạn mình, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có một bản dịch. Tôi rất mong vậy.

03apr20234104c585216c4d2bb6172152d8f858ffjpg
Hải Anh và những hoạt động giới thiệu tác phẩm. | Nguồn: Trần Hải Anh

Chị có đọc tác giả Việt nào không?

Có chứ. Tôi đọc họ bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, tôi chưa đọc văn học tiếng Việt. Khi còn nhỏ tôi đã đọc một vài tác phẩm của Linda Lê, tôi thực sự rất yêu tác giả này. Tôi cũng rất tò mò về cộng đồng hải ngoại, nên tôi đọc rất nhiều: Ocean Vuong, Viet Thanh Nguyen,... Tôi đọc hết, đọc cả truyện tranh của Thi Bùi, Trung Lê,...

Thế còn phim thì sao? Chị có thường xem phim Việt không, và cả những phim của mẹ chị nữa?

Tôi có xem phim của mẹ, tôi phải xem hết. Còn với ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam nói chung, tôi có xem một vài phim đó đây. Tôi rất thích Song Lang hồi 2018, và gần đây tôi có xem Tro Tàn Rực Rỡ. Đó cũng là một bộ phim hay.

Chị đã có kế hoạch cho cuốn sách tiếp theo chưa?

Hiện tại thì chưa, bởi chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn quảng bá Sống nên sẽ mất một thời gian. Nhưng sẽ sớm thôi. Một nhà xuất bản truyện tranh khoa học viễn tưởng (sci-fi) lớn đã tiếp cận chúng tôi, đây là một nhà xuất bản có thể nói là huyền thoại ở Pháp. Họ muốn một câu chuyện ngắn về Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại thì đó là dự án tiếp theo.