Sex Education 3 - Hope, một ác nhân độc hại | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
22 Thg 09, 2021
Điện ẢnhTráng Film

Sex Education 3 - Hope, một ác nhân độc hại

Tuy là một nhân vật phản diện tốt cho cấu trúc của Sex Education, hiệu trưởng Hope lại là một ác nhân tác động tiêu cực đến tinh thần của cả series.
Sex Education 3 - Hope, một ác nhân độc hại

Nguồn: Sex Education

Sau 1 năm 9 tháng chờ đợi trong mòn mỏi thì series Netflix đình đám, Sex Education đã ra mắt khán giả vào thứ Sáu vừa qua, gây nên những cơn bão bình luận, review trên mọi mặt trận truyền thông.

Đáng tiếc thay, lạc giữa những lời khen có cánh cho Sex Education là những bình luận không mấy tích cực cho nhân vật mới nhất của cả series, hiệu trưởng Hope.

Cây bút Lucy Mangan đã miêu tả Hope là một “nhân vật phản diện kiểu Disney, thiếu đi sự thuyết phục và độc đáo. Câu chuyện đằng sau nhân vật này không hề giúp nhân vật này mang tính con người và phức tạp hơn”. (Theo The Guardian)

Trong số Tráng Film lần này, hãy tìm hiểu về khái niệm nhân vật phản diện, ác nhân để hiểu hơn về nhân vật mới đầy tranh cãi này.

Nhân vật phản diện (antagonist) - Thử thách hợp lí cho Moordale

Trong mùa 3, Sex Education giới thiệu Hope, hiệu trưởng mới của trường trung học Moordale. Ngay từ những teaser đầu tiên, khán giả có lẽ cũng đã cảm nhận được “điều chẳng lành” từ nhân vật này. Hope là một nhân vật phản diện và là một ác nhân. Hai danh xưng đó có gì khác biệt?

Trong cuốn The Anatomy of Story, John Truby đã định nghĩa một nhân vật phản diện (antagonist) dưới góc độ của cấu trúc một câu chuyện như sau “một nhân vật phản diện không những muốn ngăn chặn nhân vật chính diện (protagonist) đạt được ước mơ, mà nhân vật đó còn phải đấu tranh với nhân vật chính diện để đạt được chung một mục đích.”

Quyết định để cho hiệu trưởng Hope là một nhân vật phản diện là một quyết định đúng đắn nếu ta xét về chức năng của nhân vật này trong cả một series. Hope có một mục đích trùng lặp với học sinh trường Moordale, họ đều đấu tranh để giành được quyền kiểm soát danh tiếng của ngôi trường.

Nhân vật Hope là đại diện của một thế hệ cũ, câu thoại “trước kia thứ quan trọng nhất là sự nghiêm trang và kỉ luật” là một đối trọng cực kì hợp lí để thử thách những giá trị 3T (Trust, Talking, Truth - Tin tưởng, Tâm sự, sự Thật) mà các học sinh Moordale đang hướng tới. Từ đó, tạo điều kiện cho sự mâu thuẫn liên tiếp giữa hai tuyến nhân vật này.

Yếu điểm về đạo đức - Ác nhân độc hại cho series

Tuy nhiên ở phía ngược lại, việc biến Hope thành một ác nhân có lẽ là một lựa chọn sai lầm của đội ngũ biên kịch Sex Education.

Một ác nhân, đơn giản là một nhân vật suy nghĩ xấu và hành động xấu. Nhân vật này thường vì lí tưởng của mình mà gây hại và thương tổn đến các nhân vật khác. Hope là một ác nhân, nhưng tệ hơn nữa, là một ác nhân không thể được đồng cảm.

Quay về The Anatomy of Story, đối với John Truby, một nhân vật cần phải có hai loại khuyết điểm chính, khuyết điểm về tính cách (psychological weakness) và khuyết điểm về đạo đức (moral weakness). Khuyết điểm về đạo đức là một khuyết điểm khiến cho nhân vật tổn thương những nhân vật khác trong câu chuyện.

Khuyết điểm về đạo đức phải bắt nguồn từ những khuyết điểm về tính cách. Điểm lỗi rõ ràng nhất ở nhân vật Hope là cô không có được sự liên kết này.

So sánh với một ác nhân khác, hiệu trưởng Groff vào mùa 2 là một ác nhân, nhưng là một ác nhân có sự liên kết rõ ràng giữa hai khuyết điểm.

Screenrant
Hai nhân vật phản diện của mùa 2 và 3 | Nguồn: Screen Rant

Groff là một người đàn ông đang đi vào khủng hoảng của tuổi trung niên. Khuyết điểm tính cách của ông được thể hiện rất rõ qua cách ông kiểm soát cuộc sống của cả vợ và con mình, đây là một nhân vật cần kiểm soát tất cả mọi thứ nhằm cảm thấy bản thân quan trọng.

Giá trị mà Groff đề cao nhất là quyền được kiểm soát của bản thân. Vì thế, dù cho hành động của nhân vật này có kéo cả danh tiếng của trường đi xuống, miễn là ông còn cảm thấy mình đang trong trạng thái kiểm soát, đó mới là điều quan trọng nhất.

Hành động lan truyền những tờ ghi chép bí mật của Dr. Jean Milburn về những buổi tư vấn tình dục riêng tư tại trường Moordale là một khuyết điểm đạo đức hoàn toàn hợp lí với khuyết điểm tính cách đã được đề cập của nhân vật này.

Trong những cuộc hội thoại, Hope liên tục nói về việc “tìm lại giá trị xưa cũ”, “đưa Moordale trở về chính mình” . Từ đó cách Hope nhất quyết đưa một quan điểm rất lỗi thời là “sexual abstinence” (tạm dịch là “kiêng cử tình dục”) vào giảng dạy cũng đã truyền tải được khuyết điểm tính cách của nhân vật này.

Hope bảo thủ, nhất quyết áp đặt những giá trị xưa cũ lên trên một môi trường cần sự rộng mở. Được bắt nguồn từ một lòng tự hào về ngôi trường Moordale nơi cô đi học khi xưa, giá trị mà nhân vật Hope quan tâm nhất là danh tiếng “nghiêm túc và xuất sắc” của Moordale.

Hope đạt được những điều này thông qua thao túng cảm xúc (manipulate), đánh lừa và điều khiển nhân vật chính diện bằng hình thức và lời nói của mình. Cả tập 1 và 2 của series đã xây dựng Hope với vũ khí lớn nhất là cách nhân vật này trình bày một diện mạo “tôi đến đây với tư cách là bạn, hãy cùng nhau xây dựng Moordale”.

Cảnh Hope hạ nhục 3 học sinh trước toàn trường, bắt họ đem một bảng viết những tội danh của mình đi xung quanh trường và cấm tất cả mọi tiếp xúc với họ là hành động cao trào của nhân vật.

Hành động này, tuy đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình khuyết điểm đạo đức của nhân vật, lại không thể được giải thích theo bất kì một khuyết điểm tính cách nào đã được đề cập trước đây.

Hope with 3 students
Hành động cao trào của hiệu trưởng Hope | Nguồn: Sex Education

Động cơ của việc trừng phạt này có thể được giải thích được bắt nguồn từ những học sinh đã gây ảnh hưởng đến yếu tố danh tiếng của nhà trường. Tuy nhiên hình thức trừng phạt này mang một sắc thái tư thù và thiếu sự đồng cảm, một nét tính cách mà Hope chưa từng biểu hiện trước đây.

Hành động này trái ngược với vũ khí “tôi là bạn” lợi hại nhất của Hope. Một nhân vật tính toán và giỏi lợi dụng con người như Hope sẽ rất khó có thể nào chấp nhận trưng ra mặt ác độc của mình trước toàn trường như vậy.

Tính đồng cảm của nhân vật - Lời hứa hẹn bị bỏ lỡ

Để xây dựng một nhân vật phản diện, hay một ác nhân thật sự có chiều sâu, chúng ta còn phải hiểu thêm một yếu tố nữa mà ở bài viết này sẽ gọi là “tính đồng cảm”. Vì sao nhân vật phản diện lại có những suy nghĩ như vậy? Điều gì đã ảnh hưởng đến nét tính cách này của nhân vật?

Sex Education là một series nổi tiếng về sự đồng cảm với nhân vật. Từ mùa 1 đến mùa 3, mặc dù những hành động của nhân vật có gây thương tổn đến những nhân vật khác tới đâu, khán giả luôn có thể hiểu được lí do sâu xa cho hành động đó.

Với Hope lại là một câu chuyện khác. Nhân vật này được Sex Education cho đúng 2 phân cảnh tại bệnh viện để khán giả có thể hiểu thêm về nhân vật này. Chủ yếu xoay quanh về nỗ lực trong tuyệt vọng của Hope để có thể mang thai và cách nhân vật này học cách đè nèn cảm xúc thất bại để tiến về phía trước.

Câu chuyện này chắc chắn là một khởi đầu đầy thuận lợi cho sự phát triển của nhân vật Hope ở những mùa sau của Sex Education. Hope của tương lai sẽ là một đại diện hoàn hảo cho hình ảnh nhân vật “người lớn khó tính” học cách đối thoại với những giá trị rộng mở.

Hope in hospital
Cuộc hội thoại ngắn ngủi giữa hai luồng tư tưởng | Nguồn: Sex Education

Tuy nhiên, Hope của hiện tại là một nhân vật không có yếu tố để cảm thông. Hai cảnh quay tại bệnh viện có thể đã cho thấy mặt yếu đuối của Hope nhưng đó chỉ là khởi đầu của việc xây dựng nhân vật, hoàn toàn chưa đủ để khán giả có thể đồng cảm với nhân vật này sau những gì kinh khủng mà cô đã làm.

Những cảnh quay lúc Hope ở một mình và thở dài sau khi cô làm một chuyện tồi tệ như một lời hứa hẹn của biên kịch rằng “đây là một nhân vật có tình người, và chúng ta sẽ biết được lí do đằng sau những hành động tồi tệ này.” Trước mắt, lời hứa đó, tại mùa 3, vẫn chưa được hoàn thành.

Kết

Hope là một nhân vật phản diện tốt, nhưng lại là một ác nhân độc hại cho tinh thần của series Sex Education. Tuy nhiên, với những gì mà Sex Education qua 3 mùa đã chứng minh được, không một nhân vật nào của series này sẽ là một nhân vật nông cạn và thiếu chiều sâu.

Câu chuyện của Hope tuy ở mùa 3 còn thiếu sự thuyết phục và điểm để khán giả có thể kết nối với nhân vật. Đây có lẽ là một bước va vấp trong việc chia nhỏ mạch truyện giữa các mùa hơn là sự lười biếng trong việc viết kịch bản. Khán giả chúng ta chỉ có thể chờ đến mùa 4 của series để tìm câu trả lời.

Tráng Film là series học cách điều khiển cảm xúc khán giả từ những bộ phim nổi tiếng.