20 tuổi, T.R.I (Nguyễn Đức Trí) sở hữu trong tay một vài thành tích âm nhạc khá ấn tượng. Kênh YouTube của T.R.I có hơn 60 nghìn followers, 15 triệu lượt xem MV và là producer trẻ nhất tại The Heroes 2021.
T.R.I khá đa tài. Cậu có thể vừa sáng tác, sản xuất và trình bày ca khúc. T.R.I thường "nhảy chân sáo" trong âm nhạc, không cố định hay giới hạn bản thân vào bất cứ thể loại nào. Cậu linh hoạt "dịch chuyển" từ ballad qua Rn'B, từ EDM sang HipHop và ít khi... trật nhịp.
Đối với T.R.I, âm nhạc là một thực thể sống và có cảm xúc. Cậu không biết rõ mình sẽ là ai trong âm nhạc nhưng luôn muốn thể hiện sự chân thực, từ lúc bước vào cho đến khi bước ra.
Bạn sẽ nói gì khi nói về nghệ danh T.R.I của mình?
Mình rất yêu cái tên Trí mà ba mẹ đã đặt cho mình. Vì thế khi lựa chọn nghệ danh, mình muốn kết nối giữa tình yêu của ba mẹ và một cái gì đó thật mới mẻ. T.R.I là Trí nhưng đồng thời cũng là một cách gọi khác, một cá tính âm nhạc khác.
Với riêng bạn, trải nghiệm nào trong âm nhạc là thú vị nhất?
Mình xem âm nhạc như một con người vậy. Nó có cảm xúc; có lúc vui lúc buồn, lúc hơn giận, lúc sexy lại có lúc thư giãn. Nói chung, âm nhạc chính là con người.
Vì thế mình thích trải nghiệm nhiều cảm xúc, nhiều thể loại... trong âm nhạc là vì vậy. Mình luôn thích những thứ mới mẻ. Mình phải thử nếm nó trước khi mang đến cho người nghe nhạc.
Vậy đâu là tiêu chuẩn để bạn biết sản phẩm của mình có thể đến với công chúng?
Mình luôn muốn sản phẩm của mình "sạch sẽ" và hoàn hảo nhất khi phát hành. Vì thế mình phải học cách mixing, master... và nhiều thứ khác. Mình làm nhạc mỗi ngày với hy vọng mang đến những cảm xúc thoải mái nhất cho khán giả nghe nhạc của mình.
Nếu được làm một điều điên rồ trong âm nhạc, bạn sẽ làm gì?
Mình sẽ làm... thinh (cười.)
Làm thinh nghĩa là…
Bạn cứ tưởng tượng như thế này nhé. Trong đầu bạn có một trăm ý tưởng và nó "nhảy số" liên tục. Bạn nghĩ giai điệu hay và bạn muốn viết ra ca từ và câu chuyện của riêng bạn. Rồi bạn học được ngoài sáng tác, thì hòa âm phối khí, mix/master thế nào để một bài hát trở nên hay nhất.
Đầu bạn vẫn đang liên tục bám riết những điều đó nhưng một ngày bạn làm thinh, không xuất hiện, không làm nhạc nữa. Điều đó điên rồ đúng không nào? Nếu như vậy, chắc mình chết mất. (cười)
Trong sáng tạo âm nhạc điều gì khiến bạn thấy tự tin nhất?
Điều mình cảm thấy tự tin nhất trong âm nhạc đó là phong cách riêng của bản thân. Và điều tự tin thứ 2 là có thể tự một mình sản xuất được một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh.
Đương nhiên thì mỗi nghệ sĩ sẽ có một “chất giọng riêng biệt” của mỗi người. Mình nghĩ đó là điều khiến cho mọi người cảm thấy tự tin ở chính bản thân mình.
Điều khó khăn nhất và hứng thú nhất của một nhạc sĩ trẻ với bạn là gì?
Điều khó khăn nhất mình từng gặp phải là về mặt cảm xúc. Khi cảm xúc của mình bị bão hoà, không buồn không vui; một ngày trôi qua và không có hứng thú để làm gì cả và kể cả viết nhạc, làm nhạc. Mọi người sẽ gọi nó là burn out (cạn kiệt), writer block (bí ý tưởng)... nhưng với mình đó là việc bị thiếu hụt cảm xúc.
Tuy nhiên, có nhiều thứ làm cho mình cảm thấy hứng thú trong âm nhạc. Đôi khi chỉ là một vài câu chuyện nhỏ mình cũng có thể có những ý tưởng hay để thực hiện. Hoặc có lúc, khi nghe một bản nhạc của nghệ sĩ khác qua hay, khiến mình phải hét lên “oh wow" cũng đủ khiến mình phải sáng tạo nhiều hơn, hay ho, mới mở hơn nữa.
Mọi người vẫn thắc mắc, nghệ sĩ gen Z sẽ sáng tạo âm nhạc như thế nào?
Mình không rõ là nghệ sĩ gen Z sẽ sáng tạo như thế nào và nó khác gì những nghệ sĩ của thế hệ trước đó? Sáng tạo nghĩa là chất riêng - mình nghĩ đây là điều mà tất cả mọi nghệ sĩ đều hướng đến.
Với mình, chỉ riêng âm nhạc đã là cái sân, là đại dương cho mình sáng tạo rồi. Vì thế, mình hay tự do sáng tạo theo những suy nghĩ, ý tưởng lóe lên hay “đấu đá" trong đầu. Những thứ dù là nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, khi bước vào âm nhạc, nó đã là một sự sáng tạo và được sáng tạo.
Nhìn xung quanh, bạn thấy âm nhạc của những nghệ sĩ cùng thế hệ như thế nào?
Phát triển, nhiều thể loại mới, nhiều ngôn ngữ sáng tạo mới - Đó là ba điều mình nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận rõ nhất. Nếu xem âm nhạc là một bản đồ thì đó là vùng đất mới để bọn mình (Gen Z) tìm hiểu và khám phá; cũng như có nhiều sân chơi để vẫy vùng.
Sự thịnh hành của mạng xã hội gồm cả TikTok, YouTube mang đến trải nghiệm gì cho nghệ sĩ trẻ như bạn?
Mình thấy những sự thịnh hành của mạng xã hội cũng khá hay. Nó mang đến cho mình cả trải nghiệm tốt và lẫn không tốt. Mình có thể biết được ngoài thế giới đang xảy ra chuyện gì, nghệ thuật nào hay ho mới mẻ được được hưởng ứng; nghệ thuật nào mình chưa được tiếp xúc và trải nghiệm bao giờ.
Mình không muốn nhắc đến mặt không tốt, dù nó đang diễn ra. Với mình, các nền tảng này giúp mình học hỏi và khám phá các vùng đất âm nhạc khác nhiều hơn.
Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi khán giả phản ứng thái quá với tác phẩm của bạn?
Khán giả phản hồi tác phẩm của bạn nghĩa là bạn tạo ra được một điều gì đó thu hút hoặc gây chú ý. Dù xấu hay tốt, thái quá hay không thì mình vẫn tiếp thu nhưng giữ vững quan điểm của bản thân.
Âm nhạc nhiều khi còn do cái gu. Vì thế chuyện thích hay không thích đôi khi đến từ thể loại, dòng nhạc mà người nghe tiếp nhận. Nhưng nếu bị chê bai nhiều quá, mình cũng sẽ phải nghe lại tác phẩm của mình, và tìm ra điểm “bị chê" để khắc phục.
Một câu hỏi cuối, bạn đã tìm ra bí quyết để làm nhạc lâu dài?
Bí quyết để trụ được lâu dài trong ngành âm nhạc là gì vậy? Đùa thôi. Mình nghĩ nếu đủ đam mê thì dù việc gì xảy đến bạn cũng sẽ đủ sự vững vàng để đón nhận và đi tiếp.