Tùng Khỉ và những mảng màu thị giác sáng tạo | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Tùng Khỉ và những mảng màu thị giác sáng tạo

Nghệ sĩ thị giác Tùng Khỉ, hay Crazy Monkey, chia sẻ về nghề VJ cùng những dự án nghệ thuật đặc sắc tại Sài Gòn.

Tùng Khỉ và những mảng màu thị giác sáng tạo

Nhắc đến Lê Thanh Tùng, hay còn được biết đến với nghệ danh Crazy Monkey, hoặc Tùng Khỉ, ngay lập tức bao sắc màu của những hiệu ứng thị giác đầy độc đáo sẽ hiện về trong đầu với những ai đã từng có dịp trải nghiệm một bữa tiệc âm nhạc do anh đảm nhiệm phần hình ảnh sân khấu. Cũng như chính các tác phẩm mà anh sáng tạo cho các sự kiện trên, những dự án và công việc mà Tùng Khỉ từng thực hiện không hề bị bó gọn trong một khuôn khổ hay giới hạn nào cả.

Trước khi theo đuổi nghề chính là VJ (visual jockey) cho các chương trình âm nhạc và câu lạc bộ ở hai miền, Tùng Khỉ còn là illustrator có tiếng trong cộng đồng sáng tạo trong nước, đồng thời đóng vai trò Art Director tại YanTV cùng một số công ty quảng cáo lớn tại Sài Gòn. Lĩnh vực hiệu ứng đồ họa thị giác mà Tùng Khỉ theo đuổi sau này đã mở ra không ít cơ hội thương mại lẫn nghệ thuật cho chàng nghệ sĩ đến từ Hà Nội.

Không chỉ nhận được lời mời cộng tác từ những thương hiệu thuộc nhiều ngành hàng đa dạng như Audi, Geox, Sprite, KeppelLand – những khách hàng mong muốn tiếp thị và quảng bá sản phẩm theo hướng đột phá và trẻ trung hơn thông qua sáng tạo công nghệ, Tùng Khỉ còn tham gia vào các buổi triển lãm nghệ thuật hay múa đương đại do các nghệ sĩ, không gian sáng tạo trẻ tổ chức trong và ngoài nước.

Cách đây 2 năm, anh đã sáng lập nên The Box Collective, nơi quy tụ những tài năng trẻ chuyên thiết kế và sản xuất hiệu ứng đồ họa thị giác cho các chương trình giải trí và sáng tạo trong nước lẫn quốc tế. Chúng tôi đã có dịp có trò chuyện với Tùng Khỉ giữa lịch trình bận rộn của anh, tìm hiểu về cơ duyên với nghề, cùng những dự án lý thú mà anh sắp sửa thực hiện trong tương lai gần.

Tùng Khỉ và những mảng màu thị giác sáng tạo0

Điều gì đã lôi cuốn anh theo đuổi sự nghiệp VJ?

Ngày trước vẽ minh họa, không gian sáng tạo của tôi khá là hạn hẹp theo đúng nghĩa đen. Tức là bạn làm việc trên màn hình máy tính 15-17 inch, còn nếu in tác phẩm thì thường là khổ A0, A1, hoặc A2. Nhưng khi VJ, tôi trải nghiệm được cái cảm giác tác phẩm của mình phóng lớn lên gấp chục lần – cùng lắm là một bức tường, còn to nhất là cả một sân khấu lớn trước hàng nghìn người. Ngay lập tức, mọi người đều chìm đắm trong chiều không gian mà mình mang lại. Ngay từ những lần đầu VJ, mình trở nên hứng thú với cái cảm giác ấy, đâm ra “nghiện”, nên cứ “chơi” và nghiên cứu. Dần dà nó trở thành cái nghề của mình luôn.

Trong số những nghệ sĩ âm nhạc mà anh từng có cơ hội hợp tác và làm việc, ai là người để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?

Đầu tiên phải kể đến anh Tùng Dương. Vừa qua, tôi đã có cơ hội đảm nhiệm phần hình ảnh sân khấu cho liveshow thứ 9 của anh. Tuy Tùng Dương theo đuổi dòng nhạc còn khá xa lạ với giới trẻ, nhưng khi được tiếp xúc và làm việc trực tiếp cùng anh, tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng mãnh liệt từ người nghệ sĩ này. Anh có khả năng định hướng sáng tạo cực kỳ mới mẻ, có thể nói là tiên phong về xu hướng nghệ thuật.

Thứ hai là nhạc sĩ Quốc Trung cho lễ hội âm nhạc Monsoon mà anh tổ chức tại Hà Nội, một người cũng tràn trề năng lượng và giàu ý tưởng đột phá. Thứ ba là Sơn Tùng M-TP trong một dự án làm MV 360 độ cho chàng nghệ sĩ trẻ này. Một số ý kiến còn hoài nghi khi nhắc đến Tùng dưới góc độ ca sĩ thị trường, nhưng khi hợp tác và nói chuyện với bạn ấy, tôi nhận thấy đây là một người cực kỳ thông minh và có tầm nhìn sáng tạo.

Dường như giữa họ đều có điểm chung dù hoạt động trong những phân khúc, dòng nhạc khác nhau?

Đúng vậy. Trước đây tôi khá là cứng đầu, chỉ tập trung vào một phạm vi nhất định trong công việc, và hay đánh giá những gì quá khác biệt xung quanh mình. Quá trình cộng tác với các nghệ sĩ trên đã thực sự thay đổi suy nghĩ, giúp mở rộng tầm nhìn của tôi hơn rất nhiều. Quanh ta có rất nhiều người giàu sáng tạo và luôn dồn hết tâm huyết vào công việc ở nhiều lĩnh vực, thế thì tại sao mình không trân trọng và ủng hộ họ. Đồng thời, nó cũng sẽ giúp đem lại nhiều cơ hội để bản thân mình phát triển hơn nhiều.

Trong tương lai, anh muốn hợp tác với ai hoặc thử sức trong lĩnh vực nào?

Tôi sẽ chọn một nhà thiết kế thời trang. Đôi lúc tôi cảm thấy sản phẩm mình làm ra hơi bị “cứng” quá vì mang nặng tính công nghệ, còn thời trang đối với tôi lại là một cái gì đó rất là tự nhiên, dễ khơi gợi hay chạm đến cảm xúc người xem. Trước đây tôi cũng từng cộng tác với nhà thiết kế Diệu Anh, sáng tạo bộ hoa văn để in và thêu lên quần áo trong một bộ sưu tập nhỏ. Vừa qua, tôi đã có cơ hội hợp tác với chị Vũ Thảo của thương hiệu Kilomet 109 và nhà thiết kế đồ họa Giang Nguyễn để đại diện cho Việt Nam tham gia London Design Biennale 2018. Nói chung tôi cảm thấy mình rất có duyên với các nhà thiết kế thời trang, nên cũng muốn tiếp tục những mối “lương duyên” ấy.

Cơ hội tham gia London Design Biennale đã đến như thế nào và nhóm đã chuẩn bị những gì để trình làng tại sự kiện?

Nó đến từ trường đại học University of Leicester mà chị Thảo hợp tác cùng trong một chương trình nghiên cứu, bên cạnh đó tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình của Bộ Văn hóa và Đại sứ quán Anh nhằm khuyến khích nghệ sĩ tham gia các chương trình về thiết kế tại Anh. Đồng thời, Work Room Four cũng đã giúp chúng tôi gây quỹ cộng đồng nhằm đáp ứng chi phí vé máy bay, tiền vận chuyển tác phẩm…

London Design Biennale năm nay quy tụ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với chủ đề chính là “Emotional States”. Các đội tham gia đã đem đến những tác phẩm sắp đặt nhằm truyền tải theo cách riêng của họ thông điệp các ngành nghề thiết kế có tác động ra sao đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là đến trạng thái cảm xúc và trải nghiệm của mỗi cá thể.

Tác phẩm sắp đặt “Khải” của Vũ Thảo Lê Thanh Tùng và Giang Nguyễn tại London Design Biennale 2018 Ảnh Ed Reeve London Design Biennale sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Tác phẩm sắp đặt “Khải” của Vũ Thảo, Lê Thanh Tùng, và Giang Nguyễn tại London Design Biennale 2018. Ảnh: Ed Reeve @ London Design Biennale

Chị Thảo, Giang, và tôi đã tạo một cái bể chứa nước nhuộm, treo xung quanh đó những tấm vải chàm và nguyên liệu làm nên nó, đồng thời dùng máy chiếu để chiếu những thước phim về quá trình nhuộm vải chàm tại Việt Nam. Khi người xem đưa tay lên những hình chiếu trên, màn hình sẽ hiện lên hiệu ứng như là bạn đang chạm tay vào nước, đồng thời những dòng đề tựa của video sẽ hiện ra. Với tác phẩm sắp đặt này, chúng tôi muốn truyền tải câu chuyện về nỗ lực của nhà thiết kế hiện đang đưa những kỹ thuật truyền thống đến gần hơn với mọi người thông qua các loại hình sáng tạo, kinh doanh đương đại.

Ảnh Ed Reeve London Design Biennale sizesmaxwidth 1800px 100vw 1800px
Ảnh: Ed Reeve @ London Design Biennale

Vì sao anh quyết định tổ chức VJ Season vào ngày 25/9 sắp tới? Công chúng có thể mong chờ gì trong sự kiện sắp diễn ra này?

Ý tưởng cho VJ Season xuất hiện khá là chớp nhoáng. Vào một buổi chiều đẹp trời, tôi nhận ra để kiếm tiền thì bản thân đã làm đủ với cái mức mà mình mong muốn rồi. Câu hỏi đặt ra là mình có thể tạo cơ hội ra sao để hỗ trợ hoạt động nghệ thuật của các bạn nghệ sĩ trẻ. VJ Season chính là sân chơi như vậy. Kì đầu tiên của chương trình sẽ quy tụ nhóm VJ tài năng của The Box Collective, cùng với đó là các DJ theo dòng nhạc điện tử tại Sài Gòn và từ Tokyo.

Tôi cho rằng giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác có mối liên hệ rất là mạnh mẽ, nhưng nó vẫn còn là sợi dây vô hình trong mắt nhiều người. Bên cạnh đó, tôi cũng có cảm giác đã lâu rồi mình mới có một chương trình mang màu sắc thể nghiệm như thế này tại thành phố. Kỳ đầu tiên của VJ Season sắp tới sẽ mang chủ đề Post Human, tức hậu loài người. Các nghệ sĩ tham gia sẽ kết hợp cùng nhau để truyền tải những hình dung của riêng mình về miền đất tương lai trong tâm trí tưởng tượng. Thông qua cuộc đối thoại giữa hình ảnh và âm thanh mà họ mang lại, hy vọng tâm trí của bạn sẽ được “giải phóng” phần nào.

Chuyên sáng tạo với phương tiện số, anh có hứng thú với việc kết hợp những phương thức nghệ thuật truyền thống vào trong các dự án của mình không?

Chắc chắn rồi! Tôi rất thích kết hợp nhiều chất liệu sáng tác với nhau. Đối với tôi, bất kỳ cái gì mà pha trộn với nhau đều sẽ cho ra những kết quả rất là hay ho và khác biệt. Đầu năm nay, tôi có thực hiện một MV cho bài Cậu Vàng Phú Quý của Annam, một nhóm nhạc ngoài Hà Nội chuyên kết hợp nhạc cụ truyền thống của Việt Nam với chất liệu điện tử.

Bọn tôi đã mời một người bạn khi ấy vừa mới cạo trọc đầu tham gia múa trên nền nhạc, dùng thiết bị Kinect để ghi lại chuyển động của cô ấy và tái hiện chúng vào MV trong môi trường 3D. Chính nhờ dự án này mà đội ngũ có cơ hội tham gia vào liên hoan nghệ thuật Taoyuan Art x Technology Festival tại Đài Loan cuối tháng này. Chúng tôi sẽ trình diễn tiết mục Cậu Vàng Phú Quý vào ngày 29 và 30 tại đây.

Dường như sau tất cả, anh vẫn quay lại với con đường nghệ thuật?

Khi tham gia vào các dự án nghệ thuật ở thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Đối với tôi, nó giống như là một cuộc chơi. Đơn giản vì mình không cần kiếm tiền từ nó, cũng không kiếm hào quang danh vọng, mà chỉ mong muốn thể hiện những gì mình đã học được từ công việc (đồ họa điện tử, công nghệ tương tác…) và ứng dụng nó vào nghệ thuật xem sao.

Sau vô số dự án cùng nhiều năm sáng tạo, điều gì khiến anh vẫn gắn bó và đam mê với nghề?

Về cơ bản, tôi luôn muốn chứng tỏ cho mọi người thấy những khả năng mà công việc mình làm có thể mang lại. Tiềm năng của công nghệ là rất lớn, chưa kể Sài Gòn đang trên đà trở thành một trung tâm nghệ thuật không thể bỏ qua của khu vực, hứa hẹn sự phát triển của các nghệ sĩ và không gian sáng tạo mới. Và thực ra mà nói, đồ họa máy tính không hẳn là đam mê lớn nhất của tôi. Nó chỉ là công cụ hữu ích để mình hiện thực hóa những ý tưởng tiềm năng để có thể mang lại trải nghiệm mới và độc đáo cho mọi người.

Xem thêm:
[Bài viết] Chuyện của Robin & Cako: Việt Nam – Điểm hội tụ của sáng tạo
[Bài viết] Discwoman – Những nữ nghệ sĩ định hình âm nhạc tại New York