Tương lai ngành Giao đồ ăn tại Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 12, 2020
Sự NghiệpXu Hướng Kinh Doanh

Tương lai ngành Giao đồ ăn tại Việt Nam

Những nhân tố được nhận định sẽ trở thành xu hướng kiến tạo tương lai ngành Giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam.

Tương lai ngành Giao đồ ăn tại Việt Nam

Nguồn: Shutterstock

Khi chúng ta ngồi yên ở nhà hay văn phòng và quyết định mở ứng dụng để đặt đồ ăn, cũng là lúc cuộc đua giữa các “ông lớn” của lĩnh vực này tại Việt Nam tăng nhiệt. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhằm tránh lây nhiễm đã khiến đôi khi việc đặt đồ ăn trở nên không có phương án thay thế. Trước một thị trường nhiều cơ hội và thách thức, cuộc chơi của những “kỳ lân” như GrabFood, DeliveryNow, BAEMIN... ngày càng trở nên khốc liệt.

Trước khi cuộc vị tranh hùng ngã ngũ, hãy điểm qua những nhân tố được nhận định sẽ trở thành xu hướng kiến tạo tương lai ngành Giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam:

Bạn đã nghe về Bếp Trên Mây?

Hãy thử tưởng tượng một nhà hàng quy tụ đủ nền ẩm thực từ Á đến Âu, thế nhưng ngay tại đó lại không cần bất kì một vị khách nào? Dark Kitchen - bếp ảo (hay Cloud Kitchen - bếp trên mây) đang là khái niệm mới, phá tan hình ảnh các tiệm ăn truyền thống với cảnh tượng khách ra vô ăn tại chỗ trên những bàn ăn lộng lẫy.

‘Bếp trên mây’ là mô hình cho phép các nhà hàng, quán ăn, thay vì phải bỏ tiền thuê một mặt bằng lớn và tuyển nhân viên quản lý/phục vụ, thì họ chỉ cần tập hợp tại một điểm, đăng ký thuê bếp theo tháng, với diện tích từ 15 đến 25m².

BAEMIN Kitchenhellip
BAEMIN Kitchen. | Nguồn: BAEMIN.

Ngoài việc giải quyết được bài toán P&L (profit and loss) thông qua tiết kiệm chi phí mặt bằng và vận hành từ 20-25%, các nhà hàng còn được hưởng ưu đãi từ các Đối tác giao hàng (Food Delivery) về mức phần trăm hoa hồng. Đồng thời, việc tập trung nhiều nhà hàng tại một địa điểm bếp lớn cũng khiến khách hàng có được trải nghiệm ẩm thực phong phú và thuận tiện hơn.

Không chỉ các nhà hàng hứng thú với mô hình này, bản thân các công ty Giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam cũng đều tham vọng cho ra đời nhiều bếp trên mây của riêng mình (GrabKitchen, BAEMIN Kitchen…).

Với mô hình này, các công ty giao đồ ăn sẽ tối ưu hoá được bài toán đẩy nhanh thời gian giao hàng, đảm bảo thực đơn của khách luôn có sự đa dạng mỗi bữa. Tuy nhiên, việc cho ra lò và vận hành “bếp trên mây” một cách trơn tru cũng sẽ là cuộc đua đầy thách thức đối với các công ty Food Tech nói chung và các doanh nghiệp F&B nói riêng.

Tự mình phục vụ khách mình!

Sự cạnh tranh giữa các công ty Giao đồ ăn trên thị trường khiến các đối tác nhà hàng (Merchant) được hưởng lợi ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của các quán ăn, nhà hàng sẽ dần phụ thuộc ngược lại vào lượng khách từ các nền tảng Giao đồ ăn. Chưa kể đến chi phí hoa hồng mà họ phải “nhượng bộ”.

Vì thế, các doanh nghiệp F&B đều mong muốn giảm thiểu tối đa sự lệ thuộc vào bên thứ 3, bằng cách tự xây dựng cho mình hệ thống vận chuyển riêng. Hiện tại đang làm tốt việc này có thể kể đến The Coffee House. Bạn sẽ không thể tìm thấy chuỗi cà phê này ở bất kì nền tảng giao đồ ăn nào khác ngoại trừ The Coffee House Delivery.

The Coffee House
Ứng dụng The Coffee House. | Nguồn: tinhte.vn

Tuy nhiên, còn rất xa để các nhà hàng hay quán cà phê tự thân chiến thắng ở cuộc chiến này, bởi một trong những lợi điểm bán hàng (unique selling point) của các nền tảng Giao đồ ăn là nằm ở việc: thời gian vận chuyển nhanh + nguồn tài xế + đối tác nhà hàng (Merchant) phong phú, đa dạng. Sẽ không ai trung thành với bạn khi với cùng một đơn hàng đặt từ nền tảng của bạn mất 20 phút, trong khi đối thủ chỉ mất 10 phút để làm được chuyện đó.

Với tham vọng xây dựng cho mình hệ thống vận chuyển riêng và không phụ thuộc vào các nền tảng thứ 3 như hiện tại, các doanh nghiệp F&B sẽ phải đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng công nghệ, và các chuyên viên để đảm bảo về vận hành và quản lý.

Đi chợ theo yêu cầu

Dịch COVID-19 đã thay đổi cách thức tiêu dùng của nhiều người vì việc phải hạn chế tụ tập công cộng. Điều này cũng khiến các hoạt động mua sắm trực tiếp tại các tiệm tạp hoá, chợ hay siêu thị dần giảm nhiệt.

Nắm bắt được nhu cầu này, các hãng giao đồ ăn trên thị trường Việt Nam đều nhanh chân ra mắt hình thức giao hàng tạp hoá theo yêu cầu (on-demand grocery delivery) dưới tên gọi Grab Mart, BAEMIN Mart (BAEMIN Đi chợ), Now Mart…

food delivery
Nguồn: Shutterstock.

Là một dịch vụ được đánh giá có nhiều tiềm năng và sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, vì ta chỉ cần ở nhà là có tất cả. Tuy vậy, thách thức sẽ đến từ các khâu hậu cần và chiến lược định giá. Cũng sẽ không phải là bài toán dễ gỉai khó nhằn đối với các “người chơi” hệ này.