Theo một khảo sát 94 người sử dụng smartphone, trung bình một ngày chúng ta chạm vào điện thoại 2617 lần. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, lượng vi khuẩn bám trên điện thoại có thể nhiều gấp 7 lần bồn cầu, theo kết quả khảo sát của công ty Initial Washroom Hygiene năm 2018.
Ngày nay, điện thoại di động là vật bất ly thân của nhiều người nhưng ít khi được chú ý vệ sinh thường xuyên. Dù có dịch bệnh hay không, bạn cũng cần hình thành thói quen vệ sinh điện thoại di động.
Vậy quy trình thực hiện có những bước nào? Cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn và độ bền lâu cho sản phẩm?
Đối với điện thoại di động thông minh (smartphone)
Nhìn chung cả hai thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất là Apple và Samsung đều có phương pháp vệ sinh sản phẩm tương đối giống nhau, cụ thể là:
Dụng cụ cần chuẩn bị: vải mềm không xơ (ví dụ khăn lau kính mắt) và dung dịch cồn Isopropyl 70 độ.
Bước 1: Tắt nguồn thiết bị. Rút phích cắm tất cả các nguồn điện, thiết bị và cáp bên ngoài.
Bước 2: Làm ẩm khăn bằng dung dịch cồn.
Bước 3: Cẩn thận, nhẹ nhàng lau bề mặt trước, sau, camera và viền máy.
Bước 4: Để điện thoại khô hoàn toàn (khoảng 10 phút) trước khi tiếp tục sử dụng.
Lưu ý với điện thoại của Apple:
– Các dòng điện thoại iPhone đều được phủ một lớp chống dầu bên ngoài để hạn chế hằn dấu vân tay. Tuyệt đối không chà xát mạnh khi lau, không sử dụng hóa chất tẩy mạnh và khăn có sợi vải thô, tránh bào mòn lớp phủ bảo vệ khiến điện thoại có nguy cơ bị trầy xước cao hơn.
– Với các dòng điện thoại từ iPhone 6S đến 5S, đừng quên lau nút Home để đảm bảo chức năng mở khóa bằng vân tay (Touch ID) được vận hành trơn tru hơn.
Đối với điện thoại phím bấm
Dụng cụ cần chuẩn bị: vải mềm không xơ (ví dụ khăn lau kính mắt), dung dịch cồn Isopropyl 70 độ, nước sạch và tăm bông.
Bước 1: Tắt nguồn thiết bị. Rút phích cắm tất cả các nguồn điện, thiết bị và cáp bên ngoài.
Bước 2: Pha loãng cồn và nước với tỷ lệ 1:1.
Bước 3: Nhúng tăm bông vào dung dịch (vừa đủ ẩm đầu bông) và lau các kẽ phím bấm.
Bước 4: Làm ẩm khăn bằng dung dịch và lau các bề mặt lớn hơn (màn hình, vỏ máy, camera).
Bước 5: Để điện thoại khô hoàn toàn (khoảng 10 phút) trước khi tiếp tục sử dụng.
Nên và không nên làm gì khi vệ sinh điện thoại di động?
Nên
– Làm sạch cả các phụ kiện và thiết bị đi kèm, ví dụ như tai nghe, cục sạc, ốp lưng.
– Rửa tay sạch sau khi làm vệ sinh điện thoại.
– Bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh các thiết bị điện tử thường sử dụng khác như máy tính bảng, đồng hồ thông minh.
– Dùng tai nghe khi nói chuyện điện thoại để giảm thiểu việc điện thoại tiếp xúc với mặt.
– Cố gắng hình thành thói quen vệ sinh điện thoại di động thường xuyên, tốt nhất là hàng ngày.
Không nên
– Để chất lỏng tiếp xúc trực tiếp với bề mặt điện thoại và các lỗ hở (cổng sạc, loa).
– Chà xát mạnh bằng vải thô, nhiều xơ.
– Dùng các hóa chất tẩy rửa mạnh (cồn, thuốc tẩy, không khí nén, các loại xà phòng, nước lau kính, giấm, nước tẩy trang).
Bài viết được thực hiện bởi Hà Phạm.
Xem thêm:
[Bài viết] Ở nhà mùa dịch: Gợi ý 7 hoạt động vui – khoẻ – có ích
[Bài viết] Thực hiện cách ly xã hội (social distancing): Nên và không nên làm gì?