Đại dịch kéo dài đã khiến làn sóng chuyển dịch sang công nghệ số phủ rộng trên toàn thế giới. Sự chuyển dịch này kéo theo những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng trên các nền tảng digital.
Trong lần đầu tiên xuất hiện tại podcast Vietnam Innovator phiên bản tiếng Việt, anh Khôi Lê (Giám đốc Kinh doanh toàn cầu, Facebook tại thị trường Việt Nam) đã cập nhật cho độc giả về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh tại vùng nông thôn Việt Nam.
Lần này trở lại, anh Khôi sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi: Trong thế giới không-biên-giới của các nền tảng trực tuyến, các thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng bằng hình thức nào?
Đáp án thật ra không phải hình thức gì quá mới mẻ, đó chính là video. Hay cụ thể hơn, là social video - video mạng xã hội (MXH).
Tham khảo chương trình Facebook Video Summit 2021 tại đây.
Sự lên ngôi của video ngắn
Là phương tiện truyền tải thông tin vô cùng quen thuộc, tuy nhiên, vào thời điểm mà người người ở nhà do đại dịch, video trở nên quan trọng và có sức tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ.
Theo số liệu kết thúc Quý I/2021 của Facebook cho thấy, có khoảng 1,250 tỷ người xem Facebook Watch mỗi tháng - đây được xem là một sự chuyển dịch rất lớn trên toàn cầu.
Việt Nam cũng không nằm ngoài sự chuyển dịch này. Cuối năm 2020, Facebook đã kết hợp cùng tổ chức nghiên cứu thị trường Kantar để thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về cách người tiêu dùng nhìn nhận nội dung video, và thói quen xem video. Sau đây là một số liệu rút ra từ nghiên cứu:
- Với sự phổ cập của internet tại Việt Nam, số lượng người xem video cũng cao tương ứng. Hiện có khoảng 95% người dùng internet (tương đương 70% dân số Việt Nam) đang xem video mỗi tháng.
Kể từ tháng 04/2020, nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi người dành khoảng 4 giờ mỗi ngày để xem video từ nhiều nền tảng khác nhau. Social video được ưa chuộng rộng rãi vì nội dung cô đọng, lôi cuốn, và được cá nhân hoá đúng với sở thích của từng người. - Nghiên cứu cũng cho thấy, từ năm 2013 đến 2020, khoảng thời gian truy cập MXH của người Việt tăng lên khoảng 40%. Từ đó, thời lượng tiêu thụ nội dung video cũng tăng tương ứng. Không chỉ riêng Việt Nam, mà ở toàn khu vực Đông Nam Á, cứ 10 người thì 8 người có cơ hội tiếp cận với video trên MXH. Đây là một con số vô cùng ấn tượng.
Làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng của social video?
Từ các số liệu đã trình bày, anh Khôi cũng hướng dẫn các doanh nghiệp cách để tối đa hoá tiềm năng của social video. Sau đây là một vài yếu tố mà doanh nghiệp cần lưu ý:
- Thời lượng video: các video ngắn (khoảng 3-10 phút) đang được xem là loại video hàng đầu mà mọi người muốn tiêu thụ. Chi phí để sản xuất social video cũng không quá tốn kém cho doanh nghiệp, ngược lại, còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh về mặt thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
- Thời điểm xem video: Khái niệm “giờ vàng” vẫn tồn tại, tuy nhiên, với sự hiện diện của các nền tảng digital, “giờ vàng" cũng có phần khác đi. Số liệu cho thấy lượng người xem video trên Facebook luôn cao, trong suốt cả ngày. Người dùng đang xem video ở khắp mọi nơi, bất kỳ lúc nào. Điều này chứng tỏ giờ vàng không còn là một khoảng thời gian cố định nữa, mà đã trở nên xuyên suốt cả ngày.
Với doanh nghiệp, sự thay đổi trong hành vi của khách hàng mở ra cánh cửa cho rất nhiều cơ hội. Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp phải sáng tạo hơn để tạo ra nội dung phù hợp với nhu cầu (cung cấp thông tin, giải trí…) và thời điểm xem video của nhóm khách hàng mục tiêu.
Sự khác biệt của Facebook so với các nền tảng video khác
Khi được host Ruby Nguyễn hỏi khó về sự khác biệt mà chỉ Facebook mới có, anh Khôi tự tin khẳng định chính là tính cá nhân hoá cao.
Facebook mang đến các video trên feed hay trên Facebook Watch được cá nhân hoá để phù hợp với mối quan tâm, sở thích của từng người xem. Việc tương tác với video như bấm like, thả tim, hay chia sẻ cũng rất dễ dàng.
Điều này tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp - chỉ cần vài click trên nền tảng để khách hàng thể hiện sự yêu mến, và tìm hiểu thêm thông tin về thương hiệu.
Một lợi thế khác mà chỉ Facebook mang lại cho doanh nghiệp là khả năng tiếp cận rất nhiều người, tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Theo khảo sát với Kantar, 97% người dùng tại Việt Nam nhận diện được Facebook là một nền tảng video. Và có khoảng 69 triệu người xem video tiềm năng trong độ tuổi từ 18-65 (theo thông tin trình quản lý dữ liệu của quảng cáo của Facebook, Ad Manager).
Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhóm người tiêu dùng quan tâm đến nhóm sản phẩm của mình.
Từ quan tâm đến tin tưởng
Nghiên cứu cũng cho thấy một điều thú vị, đó là Facebook In-stream ads (Quảng cáo trong luồng video) cũng có khả năng thúc đẩy người tiêu dùng thực hiện một số hành động nhất định, ví dụ như mua hàng. 90% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ sẵn sàng thực hiện một hành động sau khi xem Facebook videos.
Tuỳ vào mục đích (giới thiệu sản phẩm mới, mở rộng sang thị trường khác, tải app...) mà doanh nghiệp có thể sử dụng social video để xây dựng nhận thức cho những khách hàng quan tâm. Sau đó tận dụng các công cụ mới để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, dẫn dắt họ vào giai đoạn cân nhắc và chuyển đổi (2 giai đoạn cuối trong phễu marketing).
Ngoài ra, việc đo lường hiệu quả để đưa ra quyết định thay đổi chiến lược và ngân sách cũng cần được thực hiện kịp thời, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp với nguồn lực hạn chế. Với Facebook, doanh nghiệp có sẵn các công cụ để đo lường và tối ưu hoá hiệu quả.