Lông tóc là chuyện được quan tâm từ cổ chí kim. Đó không chỉ là chủ đề nhạy cảm về mặt thẩm mỹ mà còn được gắn với nhiều quan niệm về nam tính, nữ tính. Cũng như sự biến chuyển của xã hội, lông tóc cũng có đời sống trầm luân.
Ngày nay, sự thay đổi đó một lần nữa cho chúng ta nhìn thấy những quan niệm mới về sợi lông. Đơn cử như chỉ cần lên Instagram, bạn sẽ thấy những anh trai khoe vùng da dưới cánh tay láng mịn. Trong khi đó thì chị em lại mang một cánh tay còn “cỏ” lên cả bìa tạp chí.
Phải chăng, cuộc cách mạng của một cọng lông đang diễn ra?
Sự đảo chiều của những sợi lông
Tháng 8/2022, tạp chí thời trang Vogue đã ra mắt một ấn phẩm với trang bìa là Emma Corrin - diễn viên thủ vai công nương Diana trong series “The Crown". Lần đầu tiên, Vogue sử dụng hình ảnh một người phi nhị tính (Non-binary gender), và nhiều khả năng cũng là người đầu tiên “khoe" lông nách trên bìa tạp chí lớn.
Cùng với Emma, số các cô gái hoặc những người phi nhị giới chọn để lông thay vì “dọn dẹp" mỗi ngày đang tăng cao. Điển hình ở Hollywood có những cái tên đình đám như Miley Cyrus, Janelle Monáe, Jemima Kirke và Lourdes Leon - con gái nuôi của Madonna.
Trong khi đó, đàn ông dường như bắt đầu quan tâm nhiều đến việc triệt lông. Bằng chứng là nhiều Spa đã quảng cáo dịch vụ triệt lông đánh thẳng vào khách hàng nam giới. Các anh em phòng gym, những tài khoản nam nổi tiếng trên instagram cũng đua nhau đi triệt lông để cho ra những bộ ảnh khoe vẻ đẹp hình thể.
Các nam idol Hàn Quốc cũng ảnh hưởng đến trào lưu nam giới nhẵn nhụi khi trình diễn trên sân khấu với vùng da dưới cánh tay láng mịn. Tại Việt Nam, nam ca sĩ MONO trong những lần diện áo ba lỗ khi hát cũng cho thấy anh đã tẩy sạch lông vùng dưới cánh tay.
Quan niệm đổi thay từ hai chiến tuyến
Theo tờ New York Post, các hot Instagram và người mẫu nữ cho biết rằng lông dưới cánh tay khiến họ trông sexy và quyền lực hơn. Việc nhiều người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng tự tin “khoe" trên mọi mặt trận mạng xã hội đã tạo ra một xu hướng mới, nhất là với những người theo dõi họ.
Chanté Glover, một nghệ sĩ 29 tuổi đến từ Brooklyn (New York) chia sẻ rằng khi bắt đầu để lông nách, họ (đại từ nhân xưng dùng cho người phi nhị tính) cảm thấy lạc lõng trong nhóm bạn. Tuy nhiên, sau đó họ lại yêu thích để lông và nhận được sự ủng hộ từ bạn bè và người theo dõi.
Trên thực tế, số liệu thống kê từ Mintel cho thấy cứ bốn phụ nữ thì có một người ngừng cạo lông dưới cánh tay trong vài năm qua - một con số có khả năng tăng lên kể từ sau đại dịch khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ lại về những kỳ vọng của xã hội và quyết định làm những gì chúng ta muốn.
Trong khi đó đàn ông triệt lông lại chú trọng đến vấn đề vệ sinh và thẩm mỹ. Họ không muốn diện áo khoe body nhưng lại lộ lông và sống trong nỗi lo là liệu nách mình có hôi và phản cảm không đối với người ngồi cạnh. Ngoài ra, nhiều nam giới cho biết việc tỉa lông hoặc thậm chí là wax giúp mặc trang phục có cảm giác lịch sự và đẹp mắt hơn.
Đàn ông cũng bắt đầu thay đổi suy nghĩ về việc lông lá và nam tính. Ngày nay, nhiều gymer khoe cơ thể săn chắc với vùng da dưới cánh tay sạch sẽ, nhẵn nhụi. Với đàn ông hiện đại, để lông không quyết định độ nam tính của họ. Thay vào đó, một cơ thể săn chắc, khỏe mạnh và đặc biệt là biết chăm sóc ngoại hình, mùi cơ thể mới thể hiện sự nam tính thật sự.
Lông có vai trò gì trong cuộc sống của một người?
Diễn viên, người mẫu Emily Ratajkowski viết: “Đối với tôi, quyết định “số phận" lông cơ thể là một cách để phụ nữ luyện tập khả năng lựa chọn.” Trong khi đó, đối với TikToker Travis thì việc được kiểm soát lông cơ thể có những tác động lớn hơn đối với cuộc sống của một người. Trong video với gần 5 triệu lượt xem của mình, Travis giải thích về việc cô để lông đó là: “Sự ngầm cho phép mọi người trở thành bất cứ hình mẫu nào họ muốn”.
Rachael Gibson - một nhà sử học về lông tóc tại London - diễn giải rằng: “Trong lịch sử hiện đại, phụ nữ luôn xuất hiện với vùng da dưới cánh tay nhẵn nhụi, mịn màng. Do đó, rất khó để có thể thay đổi điều này.” Theo bà Gibson, từ thời tiền sử, con người đã bắt đầu bỏ lông cơ thể. Từ thời La Mã, người ta đã tạo ra nhíp từ vỏ sò để phục vụ cho việc này. Hay từ năm 1915, Gillette đã có chiến dịch quảng cáo dao cạo và kem tẩy lông “Milady", với hình ảnh một quý cô diện đầm flappy, ngồi cạo lông chân một cách khoan thai và nền nã.
Đàn ông có lông thì trông mạnh mẽ, ngược lại, phụ nữ để lông lại bị xem là thiếu sạch sẽ! Vậy những quan điểm này từ đâu mà thành?
Ngược dòng thời gian về năm 1400, bức họa “Sự ra đời của thần Vệ Nữ" miêu tả nữ thần trong cơ thể “nhẵn nhụi" đã cho thấy trong quan điểm của người La Mã, lông cơ thể không phải là một phần của cái đẹp. Ở thời kì này, việc cạo lông được xem là một cách để phân biệt giai cấp. Chỉ các phụ nữ có địa vị mới loại bỏ lông trên cơ thể bằng các dụng cụ như đá bọt, dao cạo, nhíp và kem tẩy lông.
Năm 1800, các phụ nữ giai cấp thấp vẫn tiếp tục để lông. Bên cạnh đó, trang phục giai đoạn này đề cao sự kín đáo, nên phụ nữ không cần thiết phải cạo lông. Đến năm 1915, sự xuất hiện của trang phục cánh sát nách đã làm thay đổi cục diện. Để mặc những bộ đầm không tay thật hợp thời, phụ nữ được “yêu cầu" phải cạo lông. Tạp chí thời trang Harper's Bazaar còn đăng tải một mẫu quảng cáo đầm không tay với thông điệp: “phụ nữ cần bỏ đi những sợi lông phản cảm” khi diện trang phục này.
Khi chủ nghĩa hippy lên ngôi năm 1960 tại Mỹ, phụ nữ trở nên phóng khoáng hơn, việc từ chối cạo lông từng là một phần của tuyên bố chính trị, và được các nhà hoạt động và người nổi tiếng áp dụng như một phần của phong trào nữ quyền thời bấy giờ.
Năm 1990, cạo lông cơ thể một lần nữa là trở thành tiêu chuẩn cái đẹp.
Ngày nay, xã hội đã cởi mở hơn, chúng ta sống trong thời đại mà các chuẩn mực bị đảo lộn. Điển hình như thời trang nam có xu hướng nữ tính hóa, trong khi phái đẹp lại yêu thích phong cách menswear, tập gym để có hình thể săn chắc. Vậy nên, việc nữ giới muốn để lông, trong khi nam giới lại muốn cạo cũng chỉ là chuyện thường tình.
Những thay đổi hữu ích sẽ có “tuổi thọ” cao hơn trong xã hội
Việc để lông ở nữ và cạo lông ở nam là ví dụ về sự thay đổi tiêu chuẩn xã hội. Nó cho thấy xã hội ngày nay là nam nữ bình quyền và đa dạng trong sự chọn lựa. Nếu các chàng trai có quyền trang điểm, ăn mặc chải chuốt, mềm mại hơn, nữ giới cũng có thể để lông cơ thể như các chàng trai. Tuy nhiên, để một thay đổi thật sự được chấp nhận thì cần thời gian và bản chất của thay đổi đó có hữu ích hay không.
Gabrielle Chanel từng thấy những bộ đầm với corset, phần thân to, vướng víu là một sự trói buộc phụ nữ. Bà đã thực hiện cuộc cách mạng thời trang, mang đến trang phục suôn, thoải mái để giải phóng cơ thể phụ nữ. Tuy đi ngược với quan niệm xã hội thời đó, các thiết kế này đã chứng minh được sự cần thiết và hữu ích của mình lên người mặc. Vậy nên cho đến này, nó đã trở thành một phong cách thanh lịch vượt thời gian.
Quay lại vấn đề về lông cơ thể, phụ nữ, hay đàn ông vẫn có thể để lông nếu muốn, bởi cơ thể là của họ và có quyền tự quyết định. Nhưng xã hội có bớt đi cái nhìn khắt khe về “vẻ đẹp mới" này hay không, thì thời gian và mức độ phù hợp của những thay đổi này lên chính chúng ta sẽ là yếu tố quyết định. Khi đó, ta sẽ đưa ra câu trả lời xác đáng là có nên giữ lại hay đào thải một trào lưu hay không.
Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận này, ngành công nghiệp lông tóc có lẽ sẽ là người chiến thắng. Dù bạn có để rậm rạp hay nhẵn nhụi thì các công ty trong ngành này vẫn bán được hàng đều đặn. Theo chuyên trang Reportlinker, doanh thu của ngành chăm sóc lông tóc toàn cầu đạt 82,3 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, ngành “triệt lông" trong những năm qua lại ngày càng có nhiều cải tiến về sản phẩm dao cạo hơn, từ dao cạo có tính linh hoạt cao, dao cạo có chất tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm… để người dùng dễ sử dụng và thuận tiện mang bên mình.
Hóa ra, việc bạn để hay triệt, nuôi hay cắt lông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế thế giới.