“Em làm gì vậy?”
“Em đang cho con nghe nhạc!”
Miệng mình há hốc, không thể bày tỏ hết sự ngạc nhiên khi vợ mình, đang bầu tháng thứ tư, mở nhạc Mozart trên YouTube rồi để điện thoại cạnh bụng cho con mình nghe nhạc.
Ở thời điểm gần 4 năm trước, thai giáo thật khó hiểu với cả hai vợ chồng mình. Giai đoạn mang bầu bé Heo là lần đầu tiên chúng mình tiếp xúc với thai giáo với sự mơ hồ, lạ lẫm. Lúc ấy, mình vẫn chưa tin thai giáo có tác dụng thực sự. Chính vợ là người đã rủ và thuyết phục mình thai giáo cho con mỗi ngày.
Khi mới tiếp xúc với thai giáo và kiến thức thai kỳ, vợ chồng mình choáng ngợp trước những thông tin trên mạng. Bọn mình đã ước giá mà có một ứng dụng hay một kênh YouTube có sẵn các thông tin của em bé theo từng tuần thai, mỗi tuần cần chú ý những gì, cần ăn gì, làm gì… thì tốt biết mấy.
Và thế là mình đã quyết định làm ứng dụng Mamibabi, sau này là kênh YouTube Mamibabi, ban đầu chỉ với mục đích duy nhất là giúp cho vợ mình thai giáo được thuận tiện hơn, đỡ phải lên mạng mỗi ngày tìm nhạc, tìm truyện để đọc cho con nghe.
Mình xuất thân là dân IT, chưa từng làm video, chưa từng xuất hiện trước ống kính, trước khi vợ mình mang bầu thì kiến thức chăm sóc thai kỳ với mình là con số 0 tròn trĩnh. Mặc dù nhận thấy YouTube và xây dựng ứng dụng chính là 2 kênh chính giúp các kiến thức thai kỳ có thể đến gần hơn với các mẹ, nhưng bắt đầu như thế nào thực sự là câu hỏi lớn với bọn mình.
Khó khăn lớn nhất với bọn mình khi đó lại là “ai sẽ là người lên hình.” Một số bệnh viện cũng đã mời bác sĩ nói về chủ đề này nên để khác biệt, bọn mình đã quyết định sẽ cho một nhân vật khác xuất hiện. Suy đi tính lại chỉ còn mình là phù hợp nhất.
Mình chưa từng nói trước ống kính, không có kiến thức về thai sản. Người xem đa số là chị em phụ nữ, nếu nam giới đứng ra nói thì họ có thích không, hay không biết phản ứng của bố mẹ sẽ thế nào nếu một ngày họ thấy mặt mình xuất hiện trên YouTube, rồi phản ứng của bạn bè, anh chị em… Có rất nhiều trăn trở mà mình phải “vật lộn” trước khi quyết định “lên sóng.”
Và việc gì đến cũng đến, thời điểm mà mình cân nhắc việc bắt đầu kênh YouTube cũng trùng với thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu. Công ty mình gặp khó khăn và đó là cú hích lớn khiến mình buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức trong một lĩnh vực mới.
Sau khi up những video đầu tiên, kết quả thật thê thảm, mỗi video chỉ được vài view… Bọn mình nản hết sức (thậm chí đến tận bây giờ vẫn có những video “flop” như thế).
Mình bắt đầu tìm cách để có nhiều lượt xem hơn. Mình tham gia một số khóa học làm YouTube. Tuy nhiên đa số các khóa học chủ yếu chỉ dạy về thủ thuật tối ưu kênh, hiếm có khóa học nào thực sự dạy về bản chất của video - đó chính là nội dung.
Sau một thời gian dài áp dụng rất nhiều thủ thuật, mình nhận ra rằng những chúng có đôi chút tác dụng, nhưng vẫn không thể cứu vãn kênh nếu nội dung video của mình không tốt. Cái mình thực sự cần tập trung là nội dung hữu ích cho khán giả và có cơ sở khoa học.
Hiểu được điều này, bọn mình đã tập trung nhiều hơn vào tối ưu nội dung, thử nghiệm thêm nhiều series mới, nhiều cách thể hiện mới. Tất nhiên thành quả cũng chưa đến ngay nhưng mọi thứ tốt dần lên theo từng ngày. Đã có những mẹ nói rằng họ xem tất cả video của bọn mình, cứ đến tuần thai nào là lại vào xem video của tuần thai ấy.
Nhờ có YouTube, ứng dụng Mamibabi của bọn mình đã có khoảng 200 ngàn người sử dụng. Kênh YouTube Mamibabi hiện cũng đã có gần 3 triệu lượt xem. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu mẹ bầu mới, bọn mình hay nói vui rằng vậy trung bình mỗi mẹ đều có khả năng đã từng xem video của Mamibabi hơn 1 lần.
Trên ứng dụng Mamibabi mỗi ngày cũng có hàng trăm em bé được ra đời khỏe mạnh nhờ việc thai giáo mỗi ngày theo các nội dung trên ứng dụng. Đây thực sự là niềm khích lệ rất lớn để bọn mình liên tục tạo ra các sản phẩm mới.
Cuối năm 2023, Mamibabi vinh dự được chọn tham gia chương trình Google for Startups và gia nhập mạng lưới METUB. Bọn mình xem đây là một sự ghi nhận lớn cho những nỗ lực của cả nhóm trong nhiều năm qua.
Hy vọng với sự hỗ trợ của 2 tổ chức này, Mamibabi sẽ còn phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới, thực hiện được mục tiêu của bọn mình là giúp các mẹ mang thai và nuôi con dễ dàng hơn.
Câu chuyện của anh Phạm Ngọc Thắng - người sáng lập Mamibabi.