Vũ Thanh Vân: "Không phải cứ bỏ là mọi thứ đều khép lại ở khoảnh khắc đó" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 11, 2021
Âm NhạcBỏ

Vũ Thanh Vân: "Không phải cứ bỏ là mọi thứ đều khép lại ở khoảnh khắc đó"

Một sản phẩm âm nhạc “đủ chất lượng” là phải “thật”. Thật về nội dung - giai điệu - con người.

Vũ Thanh Vân: "Không phải cứ bỏ là mọi thứ đều khép lại ở khoảnh khắc đó"

Nguồn: Vũ Thanh Vân

Thầm lặng nhưng bền bỉ, Vũ Thanh Vân là một trong những cái tên khá nổi bật của làng nhạc Indie những năm gần đây. Âm nhạc của Vân sâu lắng, được xây dựng từ chính những trải nghiệm và câu chuyện riêng trong đời sống của cô. 

EP “After Party” mới ra mắt lần này đã đánh dấu sự trở lại của Vân sau một thời gian thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là một sản phẩm mang tính cá nhân, là một Vũ Thanh Vân trưởng thành hơn, dạn dĩ hơn trong cả âm nhạc và cuộc sống sau những đổ vỡ và hoang mang ở lưng chừng tuổi của mình.

Bạn đã từng bỏ những gì, và có thấy nuối tiếc điều gì không?

Lần từ Hà Nội vào Sài Gòn đúng nghĩa là mình không suy tính gì nhiều, có cơ hội là đi luôn thôi. Thời điểm đó mình cảm thấy Hà Nội đã trở nên quá ngột ngạt và kìm hãm sự phát triển của bản thân, dù mình yêu Hà Nội nhiều lắm. Nhưng cũng chính vì không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà mình mất gần hai năm loay hoay với sự nghiệp ở Sài Gòn.

Bản thân luôn xác định đam mê và quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc với vai trò một singer/songwriter, nhưng thu nhập chính và hình ảnh của Vũ Thanh Vân suốt hai năm ấy lại gắn liền với vai trò một người mẫu ảnh, hay một influencer trên mạng xã hội nhiều hơn. 

Nguồn: Vũ Thanh Vân

Chỉ cho đến đầu năm nay với cột mốc là khi Vân bắt đầu có đội ngũ hỗ trợ, không còn phải hoạt động một mình nữa thì mới tự tin bỏ đi cái title “model” trên dòng mô tả ở các nền tảng mạng xã hội. Vân cũng chỉ đồng ý nhận các lời mời hợp tác từ nhãn hàng nếu nhãn hàng tìm đến mình với hình ảnh singer/songwriter mà thôi. 

Các sản phẩm âm nhạc cũng được ra mắt đều đặn hơn và được khán giả đón nhận như MV "Lấy chồng", series "VTV Ở Nhà", hay gần đây nhất là EP “After Party” vừa phát hành đầu tháng 11 này. 

Sau nhiều dang dở, Vân nhận thấy không phải cái gì mình nói bỏ là mọi thứ đều khép lại ở ngay khoảnh khắc đó được. Cuộc chuyển giao nào cũng cần một khoảng thời gian để bản thân mình và cả thế giới xung quanh thích nghi nữa. 

Trong những lần bỏ của cuộc đời, cái gì là đáng giá nhất?

Thú thật, sự bỏ đáng giá nhất với mình không phải là bỏ Hà Nội hay chia tay người yêu đâu, mà là lúc quyết định bỏ tiền đi niềng răng. Hồi trước mình có mấy cái răng khểnh, ai cũng khen là trông rất duyên này kia nhưng mọi người đâu biết cái sự duyên ấy vô cùng bất tiện. 

Nguồn: Vũ Thanh Vân

Đến giờ nhiều bạn khán giả xem lại ảnh cũ của mình vẫn vào bình luận tiếc nuối đống răng khểnh ấy, còn mình thì thấy chúng còn phiền phức hơn cả tập thể người yêu cũ ấy chứ. 

Bước qua tuổi 25 và After Party, Vân sẽ định hình bản thân thế nào?

Party là những bữa tiệc tượng trưng cho tuổi trẻ của Vân hay bất kỳ ai trong chúng ta. Bước ra khỏi niềm vui của mỗi buổi tiệc là những cảm xúc rất hỗn độn: một chút chếnh choáng vấn vương, một chút hụt hẫng sau cuộc vui, và rất nhiều suy nghĩ với thực tại. 

Tương tự như vậy, cảm hứng khi thực hiện After Party chính là việc nói về những cảm xúc của Vân ở giai đoạn này trong cuộc sống. Đó là khi mình được xã hội nhìn nhận mình đã “hết tuổi chơi” và đến lúc phải nghĩ về những bộn bề lo toan với gia đình, sự nghiệp, chuyện cơm áo gạo tiền. Rồi cả trăn trở về sự cô đơn khi chưa tìm được tình yêu xứng đáng cho mình. 

Có thể nói, giờ đây Vân tự tin hơn nhiều trong sự nghiệp âm nhạc vì mình đã xác định được con đường sẽ đi. Hơn nữa lại có những người bạn đồng hành ở InQ International sát cánh.

Nhiều người từng hỏi Vân về quyết định gia nhập một hãng đĩa ở thời điểm này có khiến mình mất đi sự tự chủ trong sự nghiệp không. Cá nhân Vân nghĩ là không, bởi vì nếu mình được làm với những người cùng chung chí hướng, mục đích với mình thì đó vẫn là tự do.

Vân mong muốn chinh phục khán giả trong nước và quốc tế với những sản phẩm âm nhạc chất lượng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Để từ đó quảng bá hình ảnh nghệ sĩ trẻ Việt Nam ra thế giới như những gì MINH hay Mỹ Anh đã làm được. 

Còn trong cuộc sống, Vân muốn tiếp tục hành trình tìm kiếm sự tự lập, tự chủ ở 3 giai đoạn: tự lo được cho bản thân, lo được cho gia đình, và cuối cùng là sở hữu một tài sản nào đó. 

Bạn có nghĩ nghệ sĩ cần vượt lên trải nghiệm mang tính cá nhân không?

Thực sự thì toàn bộ sáng tác của một người nghệ sĩ khó lòng vượt ra khỏi giới hạn trải nghiệm của chính bản thân họ. Đơn giản là bởi, dù dưới góc độ nào, sáng tác đó vẫn xuất phát từ suy nghĩ, cảm nhận của nghệ sĩ thôi. Họ nghĩ gì, thấy gì, nghe gì, tất cả đều truyền tải qua tác phẩm. Còn nếu cố gắng nói về một điều gì đó mà mình không biết thì gồng quá, mà gồng rất mệt! 

Nguồn: Vũ Thanh Vân

Do đó, không có sáng tác hay thực hành âm nhạc nào có thể vượt lên trải nghiệm của chính mình. Chỉ có bản thân người nghệ sĩ không ngừng trải nghiệm những cái mới, mở rộng hiểu biết của bản thân, để khai thác được nhiều khía cạnh nội dung, chủ đề hơn trong âm nhạc. 

Nếu không phải nghệ sĩ indie Vũ Thanh Vân, bạn muốn được biết đến với vai trò gì?

Thật khó để tưởng tượng được Vân sẽ làm gì nếu không phải là âm nhạc vì nó là niềm đam mê và gắn bó với mình, từ khi còn sinh hoạt ở Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Tuy nhiên, nếu có thể, mình hy vọng bản thân sẽ trở thành một nhà hoạt động xã hội.

Mình từng có một quãng thời gian học tại môi trường Ngoại Giao, nhờ đó Vân nhận ra ngoài âm nhạc, có rất nhiều vấn đề trong xã hội mà mình cần quan tâm, ví dụ như các vấn đề về giới.

Nhìn lại thị trường âm nhạc Việt, có một điều mình thấy đó là số lượng nghệ sĩ nữ thường ít hơn nam giới. Và họ cũng nhận được ít sự quan tâm đối với tài năng nghệ thuật của bản thân hơn. Ví dụ, với các tác phẩm Vân đầu tư thời gian và chất xám để hoàn thành, hay nội dung hình ảnh của bài đăng, nhiều người chỉ chăm chăm nhận xét về… ngực của mình. Đó là sự thiếu tôn trọng.

Ngoài ra, mình cũng vẫn nhớ những lần cực kì bức xúc khi bạn bè nghệ sĩ hay chính mình bị lôi ra để bình phẩm về cơ thể trên mạng xã hội. 

Nguồn: Vũ Thanh Vân

Vậy nên, dù là nghệ sĩ hay nhà hoạt động xã hội Vũ Thanh Vân, mình rất mong có thể phần nào thay đổi được đánh giá của các bạn đối với người hoạt động âm nhạc cần dựa trên tác phẩm của họ, thay vì là cơ thể hay chuyện riêng tư. 

Bạn nghĩ thế nào là sản phẩm âm nhạc “đủ chất lượng" để ra mắt công chúng?

Vân đánh giá một sản phẩm âm nhạc “đủ chất lượng” là phải “thật”. Thật về nội dung - giai điệu - con người. Chắc mọi người cũng có thể đoán được hai khía cạnh đầu tiên là như thế nào rồi. Một sản phẩm hoàn chỉnh thì ca từ hay giai điệu đều phải được trau chuốt và có sự chỉn chu. 

Ngoài việc có nội dung ý nghĩa và giúp người nghe thấy được bản thân mình trong đó, thì tác phẩm âm nhạc ấy còn cần có giai điệu đủ đặc biệt, để thu hút và giữ chân người nghe. Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay, khi có rất nhiều ca khúc được phát hành trên mạng một cách dễ dàng, thì người làm nhạc còn cần phải chú ý tới việc giai điệu có thể bị trùng hay giống với một ca khúc khác. 

Nguồn: Vũ Thanh Vân

Vân khá cầu toàn trong chuyện làm nhạc và sẽ không ra nhạc nếu bản thân thấy còn lấn cấn với sản phẩm. Đó cũng là lý do mà với “After Party”, các bạn đã theo dõi Vân lâu sẽ biết rằng mình mất tới 2 năm mới hoàn thành nó. 

Từ những ngày đầu tiên lên ý tưởng tới mỗi lần thu và chỉnh sửa nhạc cùng itsnk (Producer của After Party), đó là cả một quá trình cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Bù lại thì mình nhận được rất nhiều nhận xét tích cực từ người theo dõi và cả sự ủng hộ từ những anh chị em nghệ sĩ khác. 

Nấc thang đánh giá chất lượng cuối cùng mình muốn dành cho giá trị chân thật về “con người”. Yếu tố “con người” mình suy nghĩ đầu tiên là chính bản thân mình. Tác phẩm này có phải là mình không, hay chỉ là một sự gồng để đi tìm sự công nhận từ người khác? Liệu khi ra sản phẩm, mình đã chuẩn bị đủ để đón nhận những ý kiến trái chiều, những comment tiêu cực từ người nghe không? 

“Con người” thứ hai chính là khán giả. Chủ đề mình khai thác có phù hợp với khán giả của mình không? Khán giả và thị trường đã sẵn sàng đón nhận sản phẩm này chưa? Đó là những thứ mà Vân cần phải suy nghĩ rất nhiều trước khi ra các sản phẩm âm nhạc.