Wren Evans: “Nghệ sĩ làm việc với công ty cũng giống như nhân viên đi làm.” | Vietcetera
Billboard banner

Wren Evans: “Nghệ sĩ làm việc với công ty cũng giống như nhân viên đi làm.”

Cùng lắng nghe Wren Evans kể về hành trình chuyển giao từ một nghệ sĩ “indie” thành một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp.
Wren Evans: “Nghệ sĩ làm việc với công ty cũng giống như nhân viên đi làm.”

Nguồn: MV Gặp may

Với tên thật là Lê Phan, Wren Evans - gương mặt ca sĩ Gen Z đến từ Hà Nội - là một ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc tài năng. Với hơn 4.2 triệu lượt xem trên YouTube, MV Gặp may của Wren Evans gần đây đã giành chiến thắng trong hạng mục Sản phẩm âm nhạc được yêu thích nhất tại MTV Fan Choice 2022. MV sẽ đại diện cho âm nhạc Việt Nam tranh tài tại giải thưởng quốc tế MTV EMA và Asian TV Awards 2022.

Vietcetera đã cùng ngồi lại với Wren Evans để lắng nghe những chia sẻ về con đường sáng tác âm nhạc của cậu.

Bạn có cảm nhận gì về chiến thắng tại MTV Fan Choice 2022?

MTV Fan Choice đối với mình là một sự bất ngờ rất lớn bởi vì mình chưa từng nghĩ rằng Gặp may sẽ đạt được đến thành tích như vậy và chạm đến một tệp khán giả lớn, giúp mình có thể vươn ra quốc tế.

httpsvietceteracomuploadsimages08aug2022904866bb14bd7b12c62213d0f9e0f2d7cbjpeg
Nguồn: MV Gặp may

Bạn nghĩ rằng điểm gì ở Gặp may đã giúp tác phẩm vươn ra đến khán giả quốc tế?

Mình không rõ bài hát đã chạm tới khán giả tới đâu và theo cách thức nào, nhưng từ những số liệu mình nhận được, mình biết có một số lượng lớn khán giả nước ngoài có nghe nhạc của mình.

Mình cảm thấy rất vui vì điều đó, rằng những bài hát có thể chạm đến tệp khán giả rất xa so với bản thân mình. Đáng mừng rằng đây không phải một điều "gặp may" mà đã được dự đoán từ trước.

Bạn có định hình phong cách của mình khác biệt so với những bạn trẻ Gen Z cũng làm nhạc khác?

Từ những sản phẩm đầu tiên và từ những lần xuất hiện đầu tiên, một phần là phong cách tự nhiên, một phần do trong đầu mình lúc đó định hình là phải thử thứ mới, luôn mở lòng với những "no man's land."Khi tìm tòi điều này điều kia, mình có duyên gặp những người rất hợp với mình và cho mình nhiều giá trị, cảm hứng."

Đâu là sự khác biệt giữa làm việc như một nghệ sĩ "indie" và làm việc trong một hãng đĩa?

Khi làm việc độc lập và làm trong một label, mình đều có những cơ hội đến khá là nhanh. Nhưng trước đây, mình có cảm giác rằng chúng là cơ hội, là những điều kỳ diệu, còn khi làm với label, mình coi chúng là những "job" mới.

Khi còn làm "indie," mình dễ dàng nắm lấy mọi cơ hội và làm ngay lập tức, mình có thể kết hợp ngay ý tưởng của mình với nghệ sĩ khác. Đó là điều khác biệt so với bây giờ. Mọi thứ trông như thể là không có kế hoạch, nhưng thực tế mình rất thích lên kế hoạch. Nhưng càng nắm lấy nhiều cơ hội thì mọi thứ càng dịch chuyển, với nhiều hướng đi mở hơn.

Có vẻ bạn là người lên rất nhiều kế hoạch, và có kỷ luật trong sáng tạo?

Mình là người khá kỷ luật trong sáng tạo. Về mặt chuyên môn trong âm nhạc thì trước đây mình cảm thấy mình không có nhiều kiến thức và năng khiếu, cũng không cảm thấy mình quá tài năng.

Hồi mới làm nhạc, kỷ luật của mình bắt đầu từ việc mình xem được video này trên YouTube, trong đó có thử thách rằng liên tiếp trong 30 ngày, mỗi ngày mình sẽ làm một bản nhạc. Và mình đã làm điều đó.

httpsvietceteracomuploadsimages08aug20224gcghm6yogjrkhi4ytb8h1rrapfjeuuiybd9en2yjpeg
Nguồn: MV Thích em hơi nhiều

Có lúc, mình đã nâng thử thách này lên một "level" khác, đó là làm 2 đến 3 beat mỗi ngày. Khi vào guồng, mình thấy mọi thứ thật thoải mái. Không chỉ là năng suất, mình muốn kỹ năng có được sẽ dẫn mình đi đâu đó. Thời đó còn quá trẻ, mình chưa thể nghĩ đến những yếu tố chuyên nghiệp như tệp khách hàng, những gì mình nghĩ đến là làm nhạc thôi.

Về công việc, mình nghĩ mình cần có thời gian để làm quen với sự chuyên nghiệp. Mình vẫn còn thiếu nhiều thứ. Ví dụ như, khi một nhãn hàng nào đó rủ làm nhạc, mình sẽ nói "Làm thôi!" Nhưng thực ra, mình còn có người quản lý, là đại diện pháp lý của mình, đi theo và đưa ra các quyết định.

Khi vào monoX, bạn có rất nhiều người làm việc cùng mình. Bạn có coi đó là một cơ hội tốt?

Vào monoX là một bước chuyển rất lớn trong sự nghiệp của mình. 1,2 năm trước, nói về sự trưởng thành, mình vẫn còn dựa vào nhiều quyết định bố mẹ đặt ra, ví dụ như có nên ký với hãng đĩa hay không.

Khi ấy nhà mình khá căng thẳng. Gia đình đặt vấn đề rằng, "nếu con vào đây trong 3 năm thì con sẽ phải làm những gì, làm với ai, với những dự định như thế nào?"

Lúc đó mình cảm thấy đã nghiêm túc hơn với âm nhạc. Mình không còn lông bông, không còn giữ lối làm việc "thích làm cái này cái kia, thích ra nhạc lúc 12h đêm, thích đăng lên SoundCloud." Sự "freestyle" trong công việc đó biến mất. Mình đọc những điều khoản thoả thuận, và hiểu hoá ra trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp tức là như vậy." Mình tin vào tầm nhìn đó.

Theo bạn, nghệ sĩ Gen Z nên tiếp tục làm việc tự do hay làm việc với label?

Đây là một lời khuyên cực kỳ chân thành, những nghệ sĩ đang tìm đường, nếu bạn gặp phải những vấn đề tài chính, hãy tham gia vào label. Bạn sẽ phải làm việc thật chăm chỉ, đó là sự thật.

Nghệ sĩ nào thực sự định hướng làm việc chuyên nghiệp, có giờ giấc, có deadline, làm việc trong một bộ máy, chạy nhiều show hơn, thì label sẽ là nơi bạn muốn tới.

Nhưng hãy hoạt động indie cho đến khi bạn tìm thấy label phù hợp với mình. Với những người cảm thấy chưa đủ để người khác nhìn thấy và đánh giá đúng thực lực, màu sắc của mình, "stay indie," đó là nơi bạn có thể làm bất cứ thứ gì, hãy cứ thử làm bất cứ điều gì bạn thích, vì SoundCloud vẫn miễn phí.

httpsvietceteracomuploadsimages08aug2022dscf1008copyjpeg
Nguồn: Billboard Vietnam

Bạn thuyết phục label như thế nào để làm được điều bạn muốn trong sản phẩm của mình?

Nghệ sĩ và công ty cũng giống nhân viên đi làm. Bạn có rất nhiều thứ cần phải chứng minh, phải tranh luận, phải chiến đấu vì, có nhiều “pitching,” họp hành...

Hãy tưởng tượng, trong công ty có nhiều phòng ban khác nhau, có sếp. Khi họ bảo mình làm điều này, mình có nhiều suy nghĩ khác, và mình sẽ phải nói, "không, cách của tôi có thể hay hơn, đây là màu của tôi!" Đó là điều label không biết và bạn cần phải nói cho họ. Đó luôn là những cuộc thảo luận, rằng mình cần cân bằng ở những đâu.

Còn về chuyên môn âm nhạc, mình luôn là người làm nhạc. Mình phải viết, phải sản xuất một bài hát, ghi nó, gửi một bản demo, và có team của mình nghe. Mình sẽ đánh giá bài hát từ những phản ứng đầu tiên của họ.

Liệu có cạnh tranh giữa mình và những người nghệ sĩ cùng công ty?

Mình không nghĩ về điều đó bao giờ. Điều duy nhất mình nghĩ đến khi làm nhạc là mình thực sự vui khi làm điều đó. Mình không nghĩ về những cuộc cạnh tranh, mà sẽ chỉ tập trung vào việc làm nhạc của mình, cảm thấy hạnh phúc với điều đó. Như vậy là đủ.

Khi tiếp nhận những đánh giá hoặc khen, hoặc chê, bạn có bị tác động về mặt tâm lý hay sáng tạo?

Để nói lời khen chê không tác động thì rất sai. Những nhận xét có tác động rất lớn. Khi mình mới vào label và ra những sản phẩm đầu tiên, đã có nhiều nhận xét rất tích cực. Rồi mình có làm một dự án âm nhạc này và không chuẩn bị nó kỹ càng, và kết quả không được tốt.

Mình nhận được một vài feedback về giọng hát, biểu cảm. Mình thấy mình cần phải cải thiện, và cùng lúc đó, mình cũng cảm thấy không muốn quan tâm, vì đến cuối cùng, những gì mọi người nghe vẫn là âm nhạc của mình. Mình chỉ biết quay lại làm nhạc, vì mình coi âm nhạc là ngôi nhà an toàn của mình, là sự trị liệu đối với mình.

Ý bạn là sao khi nói âm nhạc là ngôi nhà an toàn của mình?

Mình coi âm nhạc là nơi mình có thể ngồi với bản thân, và phản tư với chính mình. Đó là nơi mình có thể nói chuyện với giọng nói trong đầu mình, và đồng ý rằng mình có thể sửa chữa điều chưa tốt.

"Mình thực sự làm rất tệ trong sản phẩm này!" - đó là nơi mình có thể bộc lộ những cảm xúc của mình. Những lúc mình làm nhạc là những lúc mình trốn tránh mọi thứ ở bên ngoài.

httpsvietceteracomuploadsimages08aug2022108131jpg
Nguồn: M.A.D Production

Phản tư, rồi bộc bạch điều đó ra thành một sản phẩm khác là cách để nói âm nhạc của bạn không chỉ có niềm vui?

Nghe thật điên rồ khi nói rằng mình giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống bằng âm nhạc. Từ phòng thu, mình tạo ra những bản nhạc nghe rất tích cực và “up beat.”

Thực ra vẫn còn rất nhiều bản nhạc buồn mà mình chưa công bố. Nhưng khi mình ra nhạc, mình cảm thấy đó phải là bản nhạc mà thế giới cần vào lúc đó. Còn mình có ra nhạc buồn hay không thì là một câu chuyện khác.

Đâu là những dự định sắp tới của bạn trong âm nhạc?

Sắp tới sẽ có rất nhiều nhạc mới được ra mắt. Những bản nhạc collaboration mới cũng được ra mắt. Mình sẽ ra nốt EP (extended play - đĩa mở rộng) của mình trong năm nay. Còn album thì mình chưa thể tiết lộ được nhiều, dù mình có thể nói nó đã được hoàn thành tầm 90% về phần instrumental rồi, phần lời thì chưa xong hẳn.

Quá trình làm nhạc của bạn bắt đầu bằng beat hay lời?

Quá trình làm nhạc của mình là mình sẽ luôn làm beat trước. Mình làm rất nhiều beat mỗi ngày, số beat mình làm có thể quá tải, và đôi lúc mình quên mất là mình từng làm beat này. Nhưng để biến thành một bài hát hoàn chỉnh, bạn thực sự phải ngồi xuống và làm việc với beat, bạn tiêu hoá nó, bạn thử giai điệu, bạn thử với từng phần, bạn cố gắng để nó được hoàn thiện.

Mình làm beat trước vì từ đầu mình là beat maker. Mình sản xuất nhạc trước, rồi mới viết lời và thu.

Nếu bị burnout vì phải ra quá nhiều sản phẩm, đâu là điều sẽ giúp bạn cân bằng lại?

Đây là câu hỏi mình rất muốn trả lời. Thành thực mà nói, mình không phải một người làm nhạc "healthy." Lúc trẻ hơn, tầm 15- 16 tuổi, mình có thể làm nhạc với cường độ như vậy và thấy vẫn còn khoẻ. Nhưng bây giờ thì mình phải tự nói với chính bản thân rằng hãy đi ngủ đi, vì thời gian biểu của mình đã bị thay đổi rất nhiều.

Một cách để giúp mình có thể đi dài hơi và minh mẫn hơn trong tất cả công việc của mình, tất cả mọi sản phẩm trí tuệ, đấy là phải làm việc điều độ hơn. Nhiều nghệ sĩ lựa chọn làm việc muộn, có những người làm việc ban khuya và bản thân mình nhiều lúc làm đến 6h sáng mới xong.

Mình cứ làm buổi đêm vì cảm giác đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất. Không ai có thể liên lạc với mình lúc 4h sáng và như vậy mình sẽ ngồi làm nhạc.

Thói quen đó rất xấu. Em trai mình cũng làm nhạc, và mình cố nói bạn ấy hãy dừng làm nhạc lúc 2h sáng. Đầu tiên, điều đó sẽ làm phiền nhà hàng xóm, và tiếp theo, bạn sẽ không trụ được lâu đâu. Âm nhạc đêm đó bạn làm có thể sẽ rất tốt, nhưng nếu sau đó bạn có một cuộc phỏng vấn thì sẽ không tuyệt tí nào!